Sáng tác về đề tài đồng tính ở Việt Nam trước 1986 ít được biết đến. Nếu tính từ văn học Việt Nam hiện đại, nhiều người cho rằng (Nguyễn Quốc Vinh…), một trong những người sớm nhất đề cập đến đề tài này là Xuân Diệu với bài thơ Tình trai (1938) và truyện ngắn Chó mèo hoang. Truyện ngắn Chó mèo hoang in trong tập Phấn thông vàng (1939) của ông hoàng thơ tình này là một ẩn dụ về thế giới tình dục dị tính quy phạm, một ẩn dụ về “những con người lạc loài”.
Trên thực tế, thế giới đồng tính được hé mở ở ta gần như một “cái khác”. Trước cái khác đó kẻ nhân danh truyền thống nhìn với cặp mắt khó chịu, phê phán gay gắt, người tò mò nhân danh đám đông hiện đại vừa đoán định cảm tính vừa để trong lòng nặng trĩu những ngờ vực. Ở đâu cũng vậy, người đồng tính thường bị phân biệt đối xử, họ bị bặt ở bên lề cuộc sống nên chưa được hưởng những quyền được yêu, được sống bình đẳng như tất cả mọi người. Dư luận chung, là khó có thể chấp nhận cuộc sống của người đồng tính xét cả phương diện đạo đức, văn hóa lẫn luật pháp. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật chính của một cuốn tự truyện đồng tính của Bùi Anh Tấn đã ngỏ những lời kêu gọi thông cảm và được chấp nhận: “Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kì thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài” (Một thế giới không có đàn bà).
Sách văn học về đề tài đồng tính
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, cuộc sống người đồng tính và văn học viết về đồng tính ở Việt Nam những năm gần đây đã được đề cập đến khá nhiều. Sự chuyển biến được thể hiện ở nhiều phương diện. Từ chỗ phủ nhận loại trừ đến thừa nhận, tập trung bàn thảo về người đồng tính; từ chỗ người đồng tính phải sống một đời giấu giếm (vừa chôn chặt tình cảm với người cùng giới vừa chung sống sinh con với người khác phái) đến chỗ dũng cảm “bước qua lời nguyền” và công khai “bản sắc”; từ chỗ họ bị lên án, bị ngăn cấm và phải sống xa lánh gia đình tới chỗ được thừa nhận ở một số nơi, được cưới hỏi, chung sống cùng nhau trước sự chứng kiến của bạn bè người thân; từ việc người viết phải ngụy trang, dùng đủ các thứ mặt nạ và nhìn mình như một kẻ khác, một loại ẩn dụ đến việc thẳng thẳn cởi mở đề cập đến quan hệ đồng tính; từ việc thế giới đồng tính bị kẻ khác dòm ngó phơi mở trước đám đông đến chuyện người đồng tính chủ động đặt bàn – viết tự truyện ngay giữa lòng cuộc sống đô thị, từ chỗ các trang viết về đồng tính bị các nhà xuất bản gạch bỏ từ chối cấp phép in ấn đến chỗ được xuất bản và đoạt giải thưởng, từ thế giới đồng tính phi ngôn ngữ đến hình thành một thế giới đồng tính bước đầu có ngôn ngữ riêng, có bảng từ vựng riêng… là một bước chuyển quan trọng. Văn học viết về đồng tính thực sự hiện hữu. Người ta đã nhắc nhiều hơn đến tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn (Một thế giới không có đàn bà, Les – Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C. Kinsey), Vũ Đình Giang (Song song), Thủy Anna (Lạc giới), tự truyện của Nguyễn Văn Dung (Bóng), Phạm Thành Trung (Không lạc loài), các truyện ngắn của Keng (Dị bản), Trần Thùy Mai (Mưa đời sau), Nguyễn Thơ Sinh (Chuyện tình Lesbian và Gay) , Nguyễn Quỳnh Trang (1981)… Dễ thấy, những người dám viết về đồng tính phần lớn là những nhà văn trẻ cả và những người đọc nó hầu hết cũng đều là giới trẻ. Theo tự truyện của Nguyễn Văn Dung, tác giả của tự truyến Bóng thì đề tài này được chính nhiều người đồng tính tìm đọc nghiêm túc nhất: “Trong nỗ lực của người đồng tính nhằm kêu gọi sự chấp nhận và cảm thông của xã hội, không thể thiếu vai trò của truyền thông – báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình… Tôi rất cám ơn nhà văn Bùi Anh Tấn với tác phẩm Một thế giới không có đàn bà. Đó là một tác phẩm rất đông người đồng tính tìm đọc… Nói gì thì nói, cuốn Một thế giới không có đàn bà cũng mang lại cho người đọc bình thường ít nhiều hiểu biết khoa học về thế giới của người đồng tính. Sau khi được dựng thành phim truyền hình, Một thế giới không có đàn bà càng nổi tiếng thêm và giúp nhiều người hiểu hơn về đồng tính luyến ái.
Lý giải về sự chuyển động và sự tiếp nhận các sáng tác văn học về đề tài đồng tính, nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm: nhận xét“Đọc những tiểu thuyết về chuyện đồng tính luyến ái của những nhà văn thế hệ 7x, 8x hiện nay, chúng tôi thấy rằng thế hệ các nhà văn của chúng ta vẫn e dè với vấn đề này… Sự e dè này xuất phát từ quan niệm của xã hội đối với vấn đề đồng tính luyến ái. Về mặt Nhà nước, luật hôn nhân và gia đình Việt Nam chưa cho phép, công nhận và bảo vệ cho những cặp hôn nhân đồng tính. Về phía gia đình và xã hội không ít trường hợp những tình yêu kiểu này vẫn bị lên án kịch liệt. Nhiều ông bố, bà mẹ đã không chịu chấp nhận giới tính thật của con mình và từ đó nhiều bi kịch đã xảy ra[1]. Có thể nói, sức ép của gia đình, xã hội dành cho người đồng tính là rất lớn. Trang mạng bách khoa toàn thư mở Việt Nam (vi.wikipedia.org) đưa ra con số thống kê ở người đồng tính[2]: 1,5% cho biết đã bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính; 4,1% bị kỳ thị về vấn đề nhà ở; 4,5% cho biết từng bị tấn công và bị đánh đập vì là người đồng tính; 15,1% cho biết bị gia đình chửi mắng vì là người đồng tính. Những con số này phản ánh người đồng tính vẫn bị xã hội Việt Nam kỳ thị ít nhiều. Là người sáng tác nhưng cũng đồng thời là một thành viên của xã hội nên ít nhiều các nhà văn trẻ cũng chịu ảnh hưởng từ những quan niệm, định kiến của xã hội về vấn đề đồng tính[3]. Vậy nên nhìn chung ngược với sự hào hứng, say mê đầy mạnh dạn trong việc miêu tả tình dục bình thường, đối với vấn đề yêu đương đồng tính, các nhà văn trẻ tỏ ra khá dè dặt cũng là điều dễ hiểu.”(Văn nghệ quân đội số 729 cuối tháng 7/2011).
Trong khi đó, tác giả Nguyễn Quốc Vinh quan sát thấy: “Những bước tiên phong của Một Thế Giới Không Có Đàn Bà đã dẫn đến một sự bùng nổ về văn học với chủ đề đồng tính tại Việt Nam trong thập niên vừa qua, từ tiểu thuyết cho đến tự truyện, một hiện tượng đã khiến một số nhà phê bình khó tính phải nhíu mày.[4] Chính Bùi Anh Tấn vẫn chiếm phần lớn với nhiều cuốn tiểu thuyết và hàng chục truyện ngắn cho dù gần đây anh đã lên tiếng “chán chủ đề đồng tính.”[5] Với khoảng 15 đầu sách dưới tên mình trong 10 năm, Bùi Anh Tấn thú nhận rằng gần nửa lượng tác phẩm của anh có liên quan ít nhiều đến đề tài đồng tính luyến ái và công nhận rằng mình “đã may mắn tìm được đề tài đúng sở trường.”[6] Như để chống chế trước lời cáo buộc rằng có thể mình đang khai thác một cách cơ hội một đề tài giật gân đương đại tác giả đã nói: “Thật ra tôi rất không muốn bạn bè cầm bút lẫn bạn đọc cho rằng ‘gà què ăn quẩn cối xay’, không còn gì để viết nên phải quay lại đề tài cũ, muốn câu khách kiếm tiền… Nhưng rất tiếc [đồng tính luyến ái] là đề tài đương đại được nhiều người quan tâm, đặc biệt sau khi nó được giải A của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc thi tiểu thuyết và ký 1999-2002 thì càng gây tiếng vang hơn nữa, không những trong mà ra cả nước ngoài. Hãnh diện và vui, tất nhiên, nhưng nhiều lúc tôi chẳng biết mình nên buồn hay vui bởi từ nay tôi đã bị ‘chết’ tên là nhà văn của Một Thế Giới Không Có Đàn Bà.”[7] (Tham luận “Sự mập mờ văn hóa trong các biểu thị về đồng tính luyến ái tại Việt Nam đương đại: Thử đọc tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn theo chủ nghĩa Lịch sử mới”/ Hội thảo “Tiếp cận văn học châu Á qua lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội”,14 & 15 tháng Ba 2011)
Đồng tính luyến ái vỗn được xem là một dị biệt văn hóa, dị biệt về tình dục, một thứ bệnh hoạn nảy sinh trong xã hội, từ trong bóng tối, góc khuất dần dần đi ra vùng sáng, ngày càng xuất hiện công khai, gây chú ý cho nhiều chủ thể. Hình tượng người đồng tính trong văn học từ chỗ là một thân phận bị xua đuổi, phủ nhận, lên án, phải giấu giếm đã giành được quyền nói, quyền xuất hiện “là chính mình” trên mặt giấy, trên một số phương tiện truyền thông.
Hạnh Ngân
Nguồn: Toquoc
[1] Cao Tiến Đức, “Đồng tính và bi kịch chối bỏ sự sống””, http://suckhoedoisong.vn/20090701034854448p0c63/dong-tinh-va-bi-kich-choi-bo-su-song.htm
[2] “Đồng tính, song tính và hoán tính ở Việt Nam”http://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_tính_luyến_ái_ở_Việt_Nam
[3] Ngoài đồng tính còn vấn đề loạn luân. Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ cũng lướt qua vấn đề này với thái độ còn dè dặt hơn rất nhiều vấn đề đồng tính.
[4] “Xu hướng tự truyện của những người đồng tính,” Thể Thao Văn Hóa (cập nhật: 2-8-2008). Trên mạng tại: http://www.tin247.com/xu-huong-tu-truyen-cua-nhung-nguoi-dong-tinh-8-50753.html; Thiên Khải, “’Loạn’ sách đồng tính: Nỗi buồn và câu chuyện nhân văn,” An Ninh Thế Giới cuối tháng (5-9-2008). Trên mạng tại: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2009/8/52447.cand; V.V., “’Loạn’ sách đồng tính: Sẽ ‘vạch áo’ một bộ phận văn nghệ sĩ,” An Ninh Thế Giới cuối tháng (6-9-2008). Trên mạng tại: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2009/8/52448.cand
[5] Bình Nguyên, “Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tôi đã chán chủ đề đồng tính.”, http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2008/8/52430.cand
[6] Trần Thanh Hà, “Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tôi may mắn tìm được đề tài đúng sở trường.”, http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=54088
[7] Bùi Anh Tấn, Đối Thoại, tr. 12-13.