Những năm gần đây, đời sống văn học – nghệ thuật Đà Nẵng có những khởi sắc, nhiều cây bút đã có những tác phẩm vượt khỏi phạm vi địa phương để có mặt trên văn đàn quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số lượng nhà văn trẻ xuất hiện quá ít, nếu có thì tác phẩm của thế hệ này cũng chưa tạo sự bứt phá… Đó là trăn trở của các nhà văn ở Đà Nẵng khi nói về đội ngũ kế cận.

Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, văn học Đà Nẵng từ năm 2007 đến nay là sự tiếp nối dòng văn học Quảng Nam – Đà Nẵng (thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI). Sau năm 1975, một lực lượng viết văn, làm thơ, nghiên cứu văn học khá hùng hậu trưởng thành trong kháng chiến trở về Đà Nẵng tiếp tục xây dựng dòng văn học cách mạng của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có đội ngũ nhà văn trưởng thành trong dòng văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 và thế hệ trưởng thành từ năm 1975. Đây là lực lượng đóng góp nhiều cho văn học Đà Nẵng, sáng tác đều tay, có tác phẩm đạt chất lượng về nội dung cũng như nghệ thuật, nhất là đề tài về lịch sử và đề tài chiến tranh cách mạng.

“Nhìn lại các tác phẩm trong những năm qua chỉ thấy toàn các cây bút “lão làng” như các nhà văn Mai Khôi, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Đoàn Xoa… Trong Hội Nhà văn thành phố, tuổi trung bình của các hội viên là 61 tuổi nhưng việc phát triển hội viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu”, nhà văn Nguyễn Nho Khiêm nói. Cùng nỗi băn khoăn đó, nhà văn Bùi Tự Lực cho biết: “Các nhà văn đi trước, rồi lớp kế tiếp định hình khá rõ nét, nhưng điểm lại thì thấy những cây bút trẻ, những gương mặt mới quá mỏng. Thi thoảng có một vài tác giả trẻ như Lê Nguyễn Quốc Việt, Phạm Nguyễn Ca Dao, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong… xuất hiện một vài lần ở đâu đó rồi mất hút…”.

Về vấn đề này, nhà văn Thái Bá Lợi cho rằng, viết văn đòi hỏi người cầm bút phải trăn trở, đau đáu về những vấn đề trong cuộc sống. Bạn trẻ ngày nay dường như có nhiều điều khác phải “lo” hơn như khám phá công nghệ thông tin, các hoạt động giải trí và họ sống quá đủ đầy nên không còn chỗ cho đam mê văn chương. Hơn nữa, văn hóa đọc phần nào đang bị lãng quên, những người sáng tác văn học cũng ít được biết đến, ít nhận được sự quan tâm. “Khi nào có văn hóa đọc thì mới có sự thăng hoa của văn học”, nhà văn Thái Bá Lợi chia sẻ.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Nho Khiêm thẳng thắn thừa nhận sáng tác văn chương không thể gọi là “nghề”, vì chẳng mấy ai kiếm sống được với nó. Văn chương chỉ là cuộc dạo chơi của những con người có đam mê và năng khiếu. Với họ, viết là nhu cầu tự thân, viết vì những trăn trở và cảm xúc với cuộc sống. “Qua các trại sáng tác văn học hè, chúng tôi phát hiện rất nhiều học sinh có năng khiếu văn chương. Nhưng làm sao để các em đi theo nghiệp viết lách lại là chuyện khác. Với các cây bút trẻ trong CLB Văn học trẻ của Hội Nhà văn thành phố, viết lách cũng chỉ nhằm thỏa niềm đam mê. May mắn trong số đó, có những người làm các công việc ít nhiều gắn với con chữ như làm biên tập ở nhà xuất bản, giáo viên, nhà báo… nên có thời gian dành cho sáng tác văn học”, nhà văn Nguyễn Nho Khiêm nói.

Nhà thơ Đông Trình (trái) và nhà văn Thanh Quế thường trăn trở về đội ngũ viết văn trẻ của thành phố.

(Ảnh: Bùi Quang Thanh)

CLB Văn học trẻ có gần 30 thành viên, nhưng trong đó nhiều thành viên tham gia CLB rồi lặng lẽ mất hút. Trong số các thành viên còn lại, một số cây bút có sáng tác đều đặn như Lê Trung Kiên, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Anh Đào, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lê Nguyễn Quốc Việt và mới đây là Nguyễn Hải Lý, Trác Mộc…

Theo anh Lê Trung Kiên, thành viên CLB văn học trẻ, khi mới thành lập, CLB cũng hoạt động bài bản, sôi nổi, nhưng hiện tại chỉ còn trên danh nghĩa. CLB hay Hội Nhà văn chỉ là nơi tập họp những người cùng sở thích để hỗ trợ, động viên nhau sáng tác. Hoạt động mang tính chiều sâu của Hội Nhà văn thành phố không có, lâu lâu Hội mở trại sáng tác, buổi giới thiệu tác phẩm mới. Vì vậy, các bạn trẻ tham gia Hội, CLB để hoạt động cho vui chứ thật sự không mặn mà. “Các cây viết trẻ vẫn đam mê viết để trải lòng với chính mình. Họ viết rồi cất đó, một số may mắn được để mắt đến mới có cơ hội giới thiệu tác phẩm với công chúng. Vì thế, điều họ cần là sự hỗ trợ thường xuyên của CLB, Hội Nhà văn; có môi trường, cơ hội để họ mạnh dạn đưa tác phẩm của mình ra công chúng…”, anh Lê Trung Kiên chia sẻ.

Một số ý kiến cho rằng, để các cây bút trẻ “lộ diện” và có những tác phẩm phản ánh sinh động đời sống xã hội, đòi hỏi BCH Hội Nhà văn thành phố phải hành động đổi mới quyết liệt hơn. Có như thế thì tiêu chí trẻ hóa đội ngũ hội viên, khôi phục CLB Nhà văn trẻ ở Đà Nẵng mà Hội Nhà văn thành phố đặt ra trong nhiệm kỳ 2014- 2019 mới trở thành hiện thực.

Ngọc Hà

Nguồn: Đà Nẵng điện tử

Exit mobile version