Cuốn sách tuyển chọn các công trình của GS Nguyễn Huệ Chi, phản ánh một cách đọc, hiểu và cảm của một người nghiên cứu chuyên sâu văn học cổ cận đại dân tộc trong 50 năm, nhằm giới thiệu với những người nghiên cứu văn học công trình của một tác giả, có thể làm mẫu mực cho những sinh viên khi chọn con đường nghiên cứu văn học. Sách được sắp xếp thành bốn phần, phát triển theo hệ thống tư duy khoa học của tác giả.

Hai phần đầu dành cho sự Tiếp cận các hiện tượng văn học, mà trước hết là truy tìm các “mã nghệ thuật” như những chìa khóa và xoay quanh các thủ pháp diễn ngôn của từng nhà thơ nhà văn, để cố gắng nắm bắt đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu của các kiểu loại sáng tác và tư tưởng thẩm mỹ của chủ thể nghệ thuật như những cá tính sáng tạo không lặp lại, cũng không tách rời khát vọng tự do của những cái “tôi” cá thể cá nhân. Ta có thể thấy qua các tác phẩm như: Cáo tật thị chúng, Phò giá về Kinh, Lĩnh Nam chích quái, Quân trung từ mệnh tập, Phú tụng Tây Hồ, các bài thơ Thăng Long của Nguyễn Du, Truyện Kiều, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca…Tiếp đến phác họa gương mặt một số văn gia, thi gia trải dài mười thế kỷ: từ Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trương Hán Siêu, Chu An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Giai, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, đến Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…

Qua các hiện tượng văn học cụ thể, tác giả đã đưa ra một mẫu mực về mối quan hệ giữa “khảo” và “luận”. Cái thói xấu chưa khảo mà đã luận – chưa nói khảo chưa kỹ, khảo chưa đúng – chưa đọc hoặc đọc chưa kỹ mà đã phê, đã phán, đã nảy sinh từ lúc nào, song phải nói “học phong” ấy trước đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền phê bình, nghiên cứu nước ta trong một thời gian không ngắn, và vẫn còn di chứng đến ngày nay(1). Đối với văn bản cổ, khâu “khảo” là hết sức quan trọng, đặc biệt là các văn bản thơ viết bằng chữ Hán.

Phần thứ ba, Tiếp cận các tiến trình văn học, theo chiều hướng biến chuyển của chế độ quân chủ, hết thời thịnh trị đến thời suy tàn, hoặc thông qua các chuyển động lịch sử bất thường có ảnh hưởng đến tâm lý toàn xã hội như biến cố chống xâm lăng, giải phóng dân tộc, cùng với cả những biến đổi tiệm tiến, sâu xa trong phạm vi vĩ mô của vùng văn hóa Đông Á có tác động nhiều ít đến quan niệm thẩm mỹ chi phối văn học mỗi thời kỳ. Phần này có ba dạng bài, đề cập một vài vấn đề văn học sử liên quan đền từng chặng đường: văn học đời Lý, văn học thế kỷ XV, văn học Mạc và văn học từ nửa đầu thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX; bàn đến tác giả và trường phái: Hoàng Đức Lương, Nguyễn Thượng Hiền và Tự lực văn đoàn; bàn những vấn đề liên quan đến vùng văn hoá và văn học (Nam Bộ, Trường Lưu – Hà Tĩnh và Thăng Long). Ở mỗi tiến trình tác giả chú ý vạch ra một dấu mốc riêng của lịch sử văn học, trong đó, đằng sau biểu hiện nghệ thuật, là tinh thần dân tộc từng bước trưởng thành và rõ nét bản sắc. Thông điệp nhân văn cho con người với phẩm chất người và hạnh phúc trần thế cũng ngày một nảy nở.

Phần thứ tư, Tư duy phương Đông và một vài đặc trưng văn học sử, là những nghiên cứu nhấn mạnh tính chất “khu vực” quy định phương thức tư duy nghệ thuật đặc thù của văn học Việt Nam cổ cận đại, tạo nên sự dung hợp các nhân tố Nho, Phật, Lão, các phạm trù “động” và “tĩnh” cũng như quy luật tiếp thu và thanh lọc thường xuyên qua lại giữa ngoại vi và trung tâm như một chu trình diễn ra không ngừng trong mười thế kỷ sáng tác văn học của Việt Nam. Ở đây tác giả tiếp tục xuất hiện với tư cách một nhà văn học sử, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm tới những vấn đề lý luận, đặc biệt là việc vận dụng lý luận hiện đại vàonghiên cứu những vấn đề văn hoá – văn học của phương Đông.

Công trình của Nguyễn Huệ Chi  đã được GS Vũ Khiêu đánh giá là: “Nguyễn Huệ Chi thuộc số không nhiều trong những nhà nghiên cứu văn học thuộc thế hệ thứ hai, bộc lộ một vốn kiến thức sâu rộng, một tư duy khoa học khúc chiết với một sự uyên súc trong học thuật. Đọc các công trình của anh, ta thấy có độ tin cậy cao, những thông tin chính xác và được kiểm chứng khắt khe, một sức liên tưởng rộng, và một khả năng phân tích suy xét sâu sắc”(2).

Còn GS Nguyễn Khắc Phi thì đặt kỳ vọng vào tác giả với lời phát biểu: “Văn học cổ trung đại có vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người Việt Nam hiện đại, nhưng do nhiều nguyên nhân, thanh niên nói chung và học sinh sinh viên nói riêng còn lãnh đạm, nếu không muốn nói là dị ứng với nó. Rất mong GS Nguyễn Huệ Chi, với sự hiểu biết uyên bác và tài năng phân tích, thuyết phục của mình, sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa vào việc khắc phục nhược điểm to lớn nói trên”(3).

Đây là một công trình nghiên cứu văn học sử, nhưng nó có thể làm mẫu mực cho những ai muốn đi vào con đường nghiên cứu lịch sử nói chung, vì tuy khác nhau về phương pháp, nhưng có những tố chất mà người nghiên cứu ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải có: đó là sự trung thực với chính mình và sự học hỏi không biết mệt mỏi.

Đ.H.

1. Ấy vậy mà có người trình độ chỉ mới vào loại “bổ túc văn hóa” lại tự xưng là “nhà phê bình” để gán cho tác giả một số “tội” mà quan trọng nhất là tội “đạo văn”: đã “phóng tác” từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc bắt chước Nguyễn Lang (tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận); rồi khi tác giả đi tìm nhân thân Tuệ Trung thượng sĩ thì lại cho là “thủ pháp huy động mắm, muối, gia vị thêm thắt cho dài dòng, màu mè”. Ngoài ra còn một số điểm khác được “nhà phê bình” cố tình vạch ra, như cái gọi là “rút ruột” một luận án vô danh nào đó…; nhưng thiết tưởng không cần phải tranh luận với những người không có tí kiến thức gì về Hán học, lại dùng đao to búa lớn để đả kích nhằm những mục đích khác (xem trên báo Văn Nghệ).

2. Vũ Khiêu, “Nguyễn Huệ Chi, một nhà nghiên cứu văn học tài hoa, uyên bác”, lời giới thiệu đầu sách, tr. 9-12.

3. Nguyễn Khắc Phi, chuyên gia văn học cổ cận đại Trung Quốc, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục. Phát biểu mở đầu trong dịp Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) đồng tổ chức buổi tọa đàm giao lưu về cuốn sách, mang tiêu đề “Một hành trình văn học xuyên suốt 10 thế kỷ”.

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 441, tháng 12-2013