TUYẾT LOAN

Cuốn “Tàn đen đốm đỏ” của Phạm Ngọc Tiến.

 Bên cạnh những tác phẩm văn học tiếp cận và khai thác mọi khía cạnh của đời sống hôm nay, văn học chiến tranh vẫn là dòng chảy thầm lặng nhưng khá mạnh mẽ, với nhiều tên tuổi đã từng đi ra từ cuộc chiến. Thời gian trôi đi, văn học chiến tranh cũng trải qua những giai đoạn khác nhau, với những cách tiếp cận và thể hiện khác nhau, nhưng chưa bao giờ chìm xuống.

Mới đây nhất, NXB Văn học cho ra mắt tác phẩm “Tàn đen đốm đỏ” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Trước đó là “Quảng Trị 1972” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, là những hồi ức được kể lại từ chính người lính tham gia chiến trường Quảng Trị vào những năm tháng bỏng lửa ấy.

Điểm chung của những tác phẩm văn học chiến tranh khi đất nước đã hòa bình hơn 40 năm là khai thác những cách tiếp cận khác nhau, soi chiếu những góc khác của người lính mà chính mảng văn học này trước đây chưa từng hoặc ít đề cập đến.

Trước “Tàn đen đốm đỏ”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến có một truyện ngắn đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ năm 1992 mang tên “Họ đã trở thành đàn ông”, động chạm đến một khía cạnh khác của chiến tranh: những người lính chưa từng yêu ai, chưa từng cầm bàn tay người con gái nào cho đến khi ngã vào lòng đất.

Ở “Quảng Trị 1972”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh kể lại những hồi ức của chàng lính học trò Hà Nội cùng rất nhiều bạn bè đồng trang lứa vừa rời khỏi bảng đen phấn trắng lên đường làm nhiệm vụ. Không chỉ chuyện luyện tập, chiến đấu gian khổ, những khía cạnh hết sức đời thường của người lính, nhất là với những chàng trai Hà Nội chưa biết đến rừng núi là gì, đều được đề cập đến. Những phút giây lưu luyến khi hành quân rời khỏi Hà Nội vào chiến trường miền nam. Tình cảm chưa thổ lộ với người con gái học cùng trường. Những bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia chiến đấu thực sự. Những phút giây mong manh giữa sự sống và cái chết. … Tất cả đều được đề cập đến như những mảng màu sắc của một bức tranh chân thực nhất.

Đối với “Tàn đen đốm đỏ”, tác giả Phạm Ngọc Tiến lại lựa chọn một cách khai thác khác. Câu chuyện kể về một thế giới khác tồn tại sau chiến tranh, với những vong hồn luẩn quẩn, mắc kẹt giữa hai thế giới và không thuộc về bên nào. Đó là dư âm, là nỗi đau của chiến tranh, của bao gia đình ở cả hai bên chiến tuyến. Tác giả chia sẻ: “Tàn đen đốm đỏ” là câu chuyện của chính bản thân tôi, bạn bè tôi và thế hệ tôi. Tôi mong muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục. Theo tôi, đây là sự mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn kéo dài nhiều năm nữa trong tương lai”.

Lý giải cho sự trở lại của văn học chiến tranh hôm nay, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, văn học chiến tranh thực tế luôn là đề tài quan tâm của độc giả. Theo ông, trong cuộc sống hiện nay, con người rất lúng túng trong việc tìm cách ứng xử phù hợp, và dường như sự trở lại của văn học chiến tranh như một chìa khóa để trả lời cho câu hỏi tìm kiếm cách ứng xử hiện nay. Ông cũng cho rằng “Tàn đen đốm đỏ” của Phạm Ngọc Tiến là một cuốn tiểu thuyết “có văn”. “Bây giờ, anh viết lúc có văn, lúc không, vì nhiều lý do” – ông nói.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng cho rằng, kể từ sau năm 1975 đến nay, có nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh rất hay, như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Lưu Trọng Ninh, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh, “Mùa hè giá buốt” của Văn Lê, “Tàn đen đốm đỏ” của Phạm Ngọc Tiến, “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân, “Đỉnh cao hoang vắng” của Khuất Quang Thụy, “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “Miền hoang” của Sương Nguyệt Minh.

Nhà phê bình, PGS, TS Phạm Xuân Thạch cũng cho rằng, ngày nay, có nhiều tác phẩm chiến tranh đáng đọc. Theo anh, văn học chiến tranh giờ đây đã bước sang một chặng đường rất mới. “Chúng ta đã tái hiện lại những con người, những khoảng khắc trong cuộc chiến đó một cách rất con người”.

Đối với nhà phê bình Văn Giá, văn học chiến tranh đi qua ba giai đoạn: sử thi, mang tính hùng ca, ca ngợi chiến thắng và những con người làm nên chiến thắng ấy; giai đoạn mô tả chiến tranh khốc liệt nhất, bi tráng nhất, hiện thực và đau thương nhất, nhìn thẳng vào mặt trái của chiến tranh; và hiện nay là giai đoạn nhân bản: quan tâm đến những phận người trong cuộc chiến.

Những cách tiếp cận, khai thác mới về đề tài chiến tranh này đã đem đến một sức hấp dẫn mới cho văn học chiến tranh. Và từ những dòng chảy này, các nhà văn hy vọng những cây viết trẻ sẽ tham gia vào đề tài “giông bão” này, đem đến cho văn học chiến tranh những cách nhìn khác nhau.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài