Alice Guthrie* (Anh) – Có đến hơn 400 triệu người nói tiếng Ả Rập trên khắp hành tinh. Không một nhà văn hay văn bản nào có khả năng đại diện cho cộng đồng rộng lớn, phức tạp, độc đáo và đầy xung đột này.

Sự đa dạng về tiếng nói, địa hình, văn hóa, kinh tế xã hội, phong cách, hệ tư tưởng cũng như sự phong phú về thể loại, từ thơ đến truyện tranh, khoa học viễn tưởng đến lãng mạn, chủ đề truyền thống đến thực tại, cổ đại đến tương lai,… văn học hiện đại Ả Rập là vườn hoa nhiều hương lắm sắc. Dẫu vậy, giữa các tác giả vẫn có một thống nhất chung: Viết để phản kháng.

1. Liên hoan Shubbak

Bản thân ngôn ngữ Ả Rập không phải tiếng nói được phổ biến trong làng văn quốc tế. Các nhà văn Ả Rập có thể viết bằng phương ngữ, cũng có thể viết bằng tiếng Anh. Một số họ tự dịch tác phẩm sang tiếng khác và ngược lại. Khác với văn chương Anh, Mỹ hay Nga, Trung Quốc… sẵn có lượng độc giả lớn, các tác giả Ả Rập phải nỗ lực tìm kiếm độc giả cho mình. Tất cả các tác phẩm của họ đều mang tính thẩm mỹ, đặc sắc và quyến rũ. Mỗi tác phẩm đều có một phong cách và lý do hình thành riêng. Với Liên hoan Shubbak (Shubbak Festival), Boris Johnson, chính trị gia và nhà báo Anh, cựu thị trưởng London, hy vọng giới thiệu đến đông đảo bạn đọc quốc tế một cửa sổ văn hóa Ả Rập đương đại.

“Shubbak” là từ trong tiếng Ả Rập, có nghĩa “cửa sổ”. Liên hoan Shubbak không chỉ có văn học Ả Rập ngày nay mà còn bao gồm một loạt các hình thức nghệ thuật khác như nghệ thuật thị giác, phim ảnh, âm nhạc, kịch, múa, kiến trúc, tiểu luận. Nó trưng bày và giới thiệu các tác phẩm của các nghệ sĩ Ả Rập hiện tại, bao gồm các nhà văn, nhà làm phim, nhạc sĩ, biên đạo múa, kiến trúc sư làm việc tại London và khắp nơi trên thế giới, trong đó có Algeria, Bahrain, Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Kuwait, Lebanon, Libya, Oman, Palestine, Qatar, Ả Rập Saudi, Tây Ban Nha, Sudan, Thụy Điển, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Mỹ. Lễ kỷ niệm kéo dài từ ngày 4 đến ngày 24/7/2017 với 70 sự kiện tại 30 địa điểm khác nhau trên khắp London.

Hiện nay, Thế giới Ả Rập với 22 quốc gia trải khắp Bắc Phi và Tây Á đang là khu vực địa lý nhiều xung đột nhất. Họ đặc trưng bởi sự độc đoán của các chính quyền cai trị và phong trào nổi dậy của quần chúng. Các cuộc biểu tình nổ ra nhằm chống lại chính phủ độc tài, tham nhũng, đòi dân quyền. Nổi bật nhất là Mùa xuân Ả Rập (18/12/2010-12/2012), làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ. Nó lan rộng khắp Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Mauritanie, Ả Rập Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya, Maroco. Đáp lại, nhiều lãnh đạo quốc gia ra sức đàn áp, tạo nên nội chiến đẫm máu.

Với các nhà văn Ả Rập khác nhau, sự kháng cự có cách thể hiện và ý nghĩa khác nhau. Nó có thể là cuộc đấu tranh trên phạm vi khu vực, thành phố hoặc chỉ trong nội tâm một người. Bất kể ở phạm vi nào, họ đều cố gắng vạch ra một công ước phù hợp mới, phá bỏ quy tắc cũ. Có nhà văn dồn sức đập phá chế độ cũ bằng búa tạ, cũng có tác giả nhảy múa trong các vết nứt vừa xuất hiện do người trước tạo ra.

2. Đại diện Yemen

Giới thiệu một nhà văn Yemen đến với cộng đồng độc giả quốc tế, thì không phải chuyện dễ dàng. Cho đến bây giờ, Yemen (quốc gia ở Trung Đông) vẫn thường bị các phương tiện truyền thông quốc tế bỏ qua. Nếu được hỏi về Yemen, phần lớn chúng ta chỉ biết đó là một vùng thiên tai. Đã sáu năm trôi qua kể từ khi Mùa xuân Ả Rập quét qua Yemen song, trong rất nhiều sự kiện văn hóa, thậm chí cả trong các khám phá đời sống văn chương nước ngoài, Yemen vẫn cứ bị phớt lờ.

Tác phẩm Chợ Ali Muhsin (The Ali Muhsin Market, 2016) của Nadia Alkokabany, tiểu thuyết gia Yemen ra đời trong chính thời gian báo chí Ả Rập lật lại cuộc cách mạng tại Yemen, phác họa chân dung cũng như tìm hiểu ảnh hưởng của các sự kiện diễn ra năm 2011 đến thường dân ở Sana’a, thủ đô của Yemen. Với giọng điệu dịu dàng và sự thấu cảm sâu sắc, Alkokabany vẽ lên bức tranh toàn cảnh chi tiết về cuộc sống hàng ngày, mối bận tâm, quan điểm và nguyện vọng của cư dân Yemen.

Là một nhà văn đồng thời là một công dân Yemen, Alkokabany nằm trong tập hợp những người từng bị tổn thương và dễ tiếp tục bị tổn thương nhất đô thành Sana’a. Mùa xuân Ả Rập tràn qua, mang theo hy vọng thay đổi cuộc sống khốn khổ, chịu đựng đủ bề, nhưng chính nó cũng khiến những số phận bấp bênh trở nên chênh chao hơn. Giống như Alkokabany, các nhân vật của bà là nạn nhân của bạo lực bùng phát. Chợ Ali Muhsin vì thế là câu chuyện về sự sống còn giữa đời thường, bị cuốn vào sự tàn nhẫn, đau đớn của chiến tranh. Alkokabany không nhìn vào bề nổi của cuộc nổi dậy, bà lật lại mặt sau của nó, cho thấy một Yemen khác với các tin tức thế giới biết qua truyền hình. Đó là sự khắc nghiệt, khủng khiếp mà những đứa trẻ lao động nghèo phải trải qua giữa cuộc biểu tình chống lại chế độ.

Vì muốn kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống, nhân vật Mehdi Al-Rimy cãi lại mẹ, rủ em trai vào giữa cuộc biểu tình lượm ve chai. “Vào những ngày đó, rất dễ để thu gom chai nhựa trong quảng trường để kiếm tiền tiêu vặt”,  Alkokabany viết. “Mẹ của Mehdi, giống như nhiều phụ nữ khác, nói rằng trong quảng trường toàn là những kẻ phá hoại, hút ma túy, ngủ với gái trong lều, và những người biểu tình được trả tiền để ở yên trong đó, họ được vũ trang, cuộc biểu tình của họ không hòa bình như những gì họ tuyên bố. Bà cấm hai anh em Mehdi không được đi đến đấy”. Khác với suy tính lạc quan của Mehdi, những người biểu tình chợt bị tấn công dữ dội. Trong khói đạn mù mịt và sự hoảng loạn, Mehdi tìm thấy xác em trai, càng hỗn loạn, dằn vặt hơn khi không biết phải giải thích thế nào với mẹ.

3. Đại diện Ai Cập

Trong mạng nhện (In the Spider’s Room,) của Mohamed Abdelnabi, nhà văn Ai Cập (quốc gia ở Bắc Phi) là trải nghiệm thực tế của hơn 50 người đàn ông bị giam giữ trong Tàu Nữ hoàng (Queen Boat) ở Cairo, thủ đô Ai Cập vào năm 2001. Họ bị buộc tội là đồng tính luyến ái. Mùa xuân năm nay, 2017, nó được đưa vào danh sách đề cử của Giải thưởng Quốc tế cho Tiểu thuyết Ả Rập hay nhất, là tiểu thuyết đầu tiên có các nhân vật là đồng tính, viết về cuộc sống đồng tính được vinh dự đề tên.

Trong mạng nhện là câu chuyện về Hany Mahfouz, (tác giả nhấn mạnh đây là nhân vật hư cấu), xoay quanh bối cảnh trào phúng với khuynh hướng tự truyện kỳ quái. Dù nhân vật đồng tính không phải lạ với văn học Ả Rập, có cả trong Nghìn lẻ một đêm (Arabian Night) lẫn văn chương hiện đại nhưng, họ chỉ là những nhân vật bên lề. Sự thay đổi quan trọng của bối cảnh Ả Rập những năm gần đây cộng thêm thái độ cởi mở của các nhà văn, các đối tượng đồng tính bắt đầu được xây dựng như nhân vật chính. Tất nhiên, không chỉ tại Ả Rập mà trên cả thế giới, chủ đề đồng tính vẫn mới mẻ và gây lắm kinh ngạc. Bảo rằng thể loại này còn một chặng đường dài để đi chỉ là một cách nói nhẹ nhàng. Dẫu vậy, không thể phủ nhận câu chuyện của Abdelnabi được đan dệt cực kỳ trang nhã với nhiều lớp hấp dẫn, hiệu ứng cảm giác và kỹ thuật văn xuôi trau chuốt, tinh tế.

Abdelnabi vẫn ở độ tuổi 30, là một tiểu thuyết gia tài năng và một dịch giả văn học có tiếng. Anh chuyển ngữ nhiều tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Ả Rập. Giữa bối cảnh văn chương Anh ngữ với không ít tác phẩm viết về nhân vật đồng tính, Abdelnabi nổi bật với phong cách hành văn mượt mà, chú trọng vào lịch sử gia đình, tình thân hơn là luyến ái giữa các nhân vật đồng tính. Có thể nói anh xứng đáng là nhà văn dọn đường cho một tương lai tự do, gần văn học hơn cho thể loại vẫn bị xem là ngoài lề này.

Khác với Abdelnabi, Basma Abdel Aziz, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà báo Ai Cập được biết đến như một chuyên gia tâm lý phục hồi các nạn nhân bị tra tấn. Tiểu thuyết của cô, Xếp hàng (The Queue, 2016) đại diện cho làn sóng chủ nghĩa viễn tưởng và siêu thực mới của các nhà văn Trung Đông, những người đã và đang đấu tranh với hậu quả của Mùa xuân Ả Rập. Nó luôn được đối chiếu với tác phẩm kinh điển Năm 1984 (1984) của George Orwell (Anh) và Vụ án (The Trial) của Franz Kafka (Cộng hòa Séc).

Cái nhìn của Aziz vào chủ nghĩa toàn trị của Tổng thống Sisi của Ai Cập có lẽ cũng đang là cái nhìn của Anh và Mỹ với người lãnh đạo quốc gia hiện thời. Phân tích sâu sắc của bà vào bản chất tội lỗi của chế độ độc tài, làm sáng tỏ cách thao túng, kiểm soát thông tin gây ấn tượng mạnh với bất cứ độc giả từ bối cảnh chính trị nào. Xếp hàngcũng chỉ ra cái khó của của người dân Ai Cập dưới thời Sisi. “Họ thảo luận, chỉ trích, nhạo báng chính quyền nhưng lại không có sức mạnh để tổ chức phản đối thực tế”.

4. Đại diện Lybia

Dù bị giam giữ suốt 12 năm dưới chế độ Muammar al- Gaddafi (lãnh đạo trên thực tế của Libya sau cuộc đảo chính lật đổ vua Libya năm 1969 đến năm 2011, khi chính ông bị lật đổ) vì vở kịch Khi kẻ phản bội lên ngôi (When the Rats Govern), Mansour Bushnaf, nhà soạn kịch Lybia (quốc gia ở Bắc Phi), hiểu rất rõ về cảm giác đợi chờ cuộc cách mạng. Ông sáng tác từ thập niên 1970, có hơn 30 vở kịch, một số được diễn cả ngoài Lybia, trong Thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có duy nhất một tác phẩm của Bushnaf được dịch sang tiếng Anh, tiểu thuyết Kẹo cao su (Chewing Gum), xuất bản năm 2014 bởi Nhà xuất bản Darf Press, do Mona Zaki chuyển ngữ. Kẹo cao suphản ánh tấm thảm kịch Lybia sau khi Gaddafi lên nắm quyền, bị cấm công bố tại Lybia, được nhập lậu qua Ai Cập.

Là nhà văn chống lại sự kiểm duyệt văn hóa, Bushnaf thể hiện đôi mắt quan sát sắc bén và tư duy phê phán sâu rộng. Ông đặc biệt quan tâm sự tác động của thế tục và tôn giáo với đời sống của dân thường. Nặng nề, căng thẳng và đầy kịch tính, tác phẩm của Bushnaf cuốn độc giả vào cảm giác bất an, không ngừng lo lắng theo mỗi sự thay đổi cảnh sắc trên sân khấu.

Vì văn bản nghệ thuật mà bị tống giam là điều đáng lo ngại ở Thế giới Ả Rập, không chỉ tại Lybia mà còn cả Ai Cập cũng như nhiều quốc gia khác. Aziz từng đề cập nó như một “cấu trúc ẩn”, đối nghịch hoàn toàn với tin tức phóng sự quốc gia.

Chỉ với bốn nhà văn, tất nhiên, chưa đủ để thể hiện sự đa dạng, phức tạp cũng như những đặc trưng phổ biến của văn chương tiếng Ả Rập. Song, qua sự khác biệt và mục tiêu chung của họ, có thể thấy phần nào nét vượt trội, sự độc đáo, nỗi khát khao phản kháng và ý tưởng sáng tạo không giới hạn của các cây viết trong bối cảnh chính trị xã hội đầy biến động khắp Tây Á và Bắc Phi này.

———————                                                                                                                                     VŨ THỊ HUẾ

Lược dịch theo Wordswithoutborders.org

(*) dịch giả, nhà văn, biên tập viên và nhà nghiên cứu, nổi tiếng nhờ những bản dịch văn học đương đại từ Thế giới Ả Rập sang tiếng Anh, được xuất bản bởi nhiều nhà xuất bản tại Anh và Mỹ.

Nguồn Văn nghệ số 28/2017

Dương Thanh Minh đăng bài