Nhiều nhà văn đã kịp thời nhận ra các hạn chế, bất cập, non kém trong tác phẩm của bản thân để tự đòi hỏi mình phải viết khác trước, mới mẻ hơn, đáp ứng được đòi hỏi mới của thời đại
Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó văn học. Và có thể nói, Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong hai ngày 24, 25-6 vừa qua là cơ hội để nhìn lại 30 năm văn học với những nỗ lực đổi mới, hội nhập…
Phải khác
Theo đánh giá của giới chuyên môn, văn học Việt Nam từ năm 1986 đến nay được định danh là 30 năm của thời kì đổi mới. Tuy nhiên có phải đến năm 1986 vấn đề đổi mới trong văn học mới thực sự được đặt ra? Với các đóng góp mang ý nghĩa như những sự khởi đầu cho tư duy mới của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu… có thể khẳng định rằng “làn gió mới” trong văn học đã manh nha từ trước đó. Nhưng phải đợi đến năm 1986, khi xu thế đổi mới, mở cửa đã trở thành xu hướng chung của đất nước trong thời đại mới thì những bứt phá trong văn chương mới thực sự diễn ra sôi nổi, tạo được dấu ấn sắc nét, với các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc…
Theo nhà phê bình Phan Trọng Thưởng năm 1986 là mốc mở cho chúng ta bước vào tương lai, nhưng cũng đồng thời cũng tạo cơ hội để chúng ta trở về với quá khứ và tìm kiếm, kiến tạo, phục dựng các giá trị văn học. Vì công cuộc đổi mới không diễn ra trên “nền đất trống” mà diễn ra trên cánh đồng từng được gieo trồng, gặt hái và thu hoạch. Do vậy sẽ không bất ngờ khi những nhà văn đi tiên phong của thời kỳ đổi mới chính là những nhà văn trực tiếp tham gia kiến tạo thành tựu văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng. Động lực của quá trình đổi mới không xuất phát từ áp lực của yêu cầu hội nhập, mà xuất phát từ bên trong nền văn học, từ chính nhu cầu tự thân của các nhà văn. Khi đó câu chuyện đổi mới đã được đặt ra như một yêu cầu sống còn với mỗi người cầm bút: “đổi mới hay là chết”? Trước thực tế đời sống đang có những đổi thay lớn lao, mỗi nhà văn cũng không thể bằng lòng với thành tựu trước đó của mình, và văn học không thể viết theo tư duy cũ, cách thức cũ. Nhiều nhà văn đã kịp thời nhận ra các hạn chế, bất cập, non kém trong tác phẩm của bản thân để tự đòi hỏi mình phải viết khác trước, mới mẻ hơn, đáp ứng được đòi hỏi mới của thời đại. Vì vậy có thể thấy nếu giai đoạn trước đây chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng là cảm hứng nhất quán trong văn học thì giờ đây đề tài của nhà văn được mở rộng, chạm vào mọi góc cạnh của đời sống. Khoảng cách giữa văn chương và đời sống được thu hẹp. Trong sáng tác không có sự phân định đề tài lớn hay nhỏ mà quan trọng là tài năng, tâm huyết của nhà văn, đặc biệt là sự tự ý thức để hình thành phong cách văn chương, cá tính sáng tạo… Và chính những điều như thế đã góp phần thay đổi căn bản phẩm chất và diện mạo nền văn học.
Đội ngũ đổi mới
30 năm qua, văn học dân tộc đã chứng kiến sự xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới – những người sinh ra và lớn lên trong quá trình đổi mới, cùng với quá trình đổi mới. Và có thể nói, họ chính là chủ nhân của văn học thời kì đổi mới. Tuy nhiên, như đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Đổi mới văn học trong 30 năm qua là dòng chảy liên tục, là công sức của nhiều thế hệ, không phụ thuộc riêng vào một thế hệ nào. Toàn đội ngũ đổi mới. Đổi mới và không đoạn tuyệt với cái cũ”. Vì vậy chúng ta được chứng kiến sự tiếp nối của các nhà văn thế hệ 7X như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú… bên các nhà văn thế hệ 5X, 6X như Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Xuân Hà, Trần Quang Quý, Sương Nguyệt Minh, Trầm Hương, Y Ban, Thùy Dương… Tất cả đã cùng nhau tạo nên một đội ngũ sung sức của nền văn học nước nhà trong 30 năm qua.
Đến thời điểm hiện nay, yêu cầu đổi mới trong văn học vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức mới mà nhà văn cần phải vượt qua. Bởi, nếu tiếp tục lặp lại những gì đã viết, dù có thể đã đạt thành công trước đó, thì nhà văn vẫn sẽ khó “giữ chân” được độc giả, vì cùng với sự phát triển, không chỉ nhận thức, mà cả nhu cầu, thị hiếu của độc giả cũng đã có bước tiến về phía trước. Sự hội nhập trong văn học nghệ thuật giúp độc giả có điều kiện tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tác phẩm đỉnh cao của văn học thế giới, và do đó, họ cũng đòi hỏi những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng – nghệ thuật của các nhà văn Việt Nam. Như nhà thơ Phạm Khải cảnh báo: “một số người viết đang ít quan tâm đến công chúng. Nếu những bài thơ càng ngày càng rối rắm, đánh đố độc giả thì việc thơ mất độc giả là đương nhiên”. Đổi mới do đó là một dòng chảy không ngừng đòi hỏi nỗ lực, tài năng và tâm huyết của mỗi nhà văn.
Theo Phong Điệp