Những tờ lịch cuối cùng của 2013 đã không thể lật thêm, là lúc để chúng ta nhìn lại văn học cả một năm đã qua với bao nhiêu cảm xúc đan xen, bên cạnh hi vọng, còn có cả sự nuối tiếc.

Đi qua thương nhớ, tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Phong Việt (ảnh yume.vn)

1. Năm mà văn học trẻ tạo sóng

Văn học trẻ là cụm từ luôn nhận được sự quan tâm của giới văn chương. Mặc dù năm 2013 không có các hoạt động dành riêng, cũng như các giải thưởng văn chương còn vắng bóng các gương mặt trẻ nhưng năm 2013 có ba gương mặt trẻ đã tạo sóng văn đàn.

Người tạo “sóng” đầu tiên là tác giả trẻ Phong Việt với tập thơ Đi qua thương nhớ, tái bản liên tục đạt con số xuất bản kỷ lục là gần ba mươi vạn bản.

Đi qua thương nhớ là tập thơ được độc giả trẻ nhắc đến nhiều nhất trong năm 2013. Lâu nay, thơ được xem là một sản phẩm tinh thần khó bán. Ngay cả các nhà thơ nổi tiếng thì phần nhiều in ra cũng chỉ đi tặng. Còn Phong Việt là tác giả trẻ, tập thơ Đi qua thương nhớ cũng là sản phẩm đầu tay, phần lớn tác phẩm đã công bố trên mạng. Nếu theo quy luật thông thường, dù tác giả chỉ in khiêm tốn 500 cuốn thì việc mang đi tặng cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến chuyện bán. Vậy nhưng Đi qua thương nhớ đã trở thành tập thơ bán được và bán chạy trên thị trường sách. Ít nhất tập thơ đã làm thay đổi phần nào thói quen đọc sách của một bộ phận công chúng, là phải bỏ tiền ra mua thay vì được sở hữu bằng việc chờ tác giả tặng. Nhưng liệu rồi, có bao nhiêu tập thơ được như thế?

Trái ngược với sự “đắt như tôm tươi” của tập thơ, dường như “hiện tượng” Đi qua thương nhớ không được các nhà thơ, các nhà lý luận phê bình để mắt tới, cắt nghĩa một cách thấu đáo.

Nếu cho rằng, chất “sến” trong tập thơ đáp ứng được nhu cầu của số đông độc giả thì cũng chỉ nhất thời và cần những “phép thử”, trong đó không thể không kể tới yếu tố thời gian.

Cơn “sóng” tiếp theo là tác giả của seri sách “Xách ba lô lên và đi”. Ban đầu tác giả được công chúng “đôn” lên quá cao, chẳng khác một thần tượng, lượng phát hành cuốn sách cũng là con số đáng mơ ước với nhiều người cầm bút. Nhưng đến khi phát hiện ra những điều không đúng sự thật trong cuốn sách thì giới trẻ bị hụt hẫng đúng như kiểu “thần đi rồi tượng chỉ là đá mà thôi”. Sự việc đã khiến một độc giả đã gửi kiến nghị lên cục xuất bản. Vấn đề được đặt ra trong cơn sóng này là việc giải quyết những điều tưởng chừng không còn mới, đã được quá nhiều người cảnh báo, song vẫn không tránh được, đó là sự ảo tưởng, thiếu tỉnh táo trong viết lách cũng như ứng xử, chịu trách nhiệm trước công chúng và tác phẩm mình viết ra.

Con sóng thứ ba chính là trường hợp luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Thị Thoan – tức Nhã Thuyên với nhan đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm mở miệng từ góc nhìn văn hoá”. Luận văn này ra đời từ năm 2010 và được cho điểm tuyệt đối, nhưng đến năm 2013 thì “tạo sóng” dữ dội. Có quá nhiều vấn đề đáng bàn trong bản luận văn này mà báo chí trong năm đã mổ xẻ, nên bàn thêm trong bài viết tổng kết là việc làm thừa. Chỉ có điều, những người viết trẻ cần thận trọng rút ra bài học về “đối tượng” lựa chọn ban đầu khi quyết định bỏ công sức, thời gian để tìm hiểu, đánh giá, nghiên cứu vấn đề.


Đi qua thương nhớ, tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Phong Việt (ảnh yume.vn)


2. Năm có Hội nghị, Hội thảo lớn dành cho Lý luận Phê bình

Theo chu kỳ, cứ 5 năm một lần, Hội nghị lý luận phê bình toàn quốc do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức lại diễn ra. Năm 2013, Hội nghị lý luận phê bình toàn quốc lần thứ 3 đã diễn ra tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc.

Với nhan đề Hội nghị: “Nâng cao chất lượng hiệu quả lý luận phê bình văn học” đã quy tụ đông đảo đội ngũ các nhà lý luận phê bình tham dự cùng với 60 tham luận được in thành kỷ yếu của Hội nghị.

Nhiều vấn đề được các nhà lý luận phê bình đưa ra thiết thực như đã và đang xuất hiện những hình thức phê bình khác nhau, như: Phê bình hàn lâm, phê bình báo chí… cái nào lấn át hơn, có lành mạnh hay không, nguyên nhân, cách khắc phục, đề xuất…

Ngoài Hội Nhà văn Việt Nam với Hội nghị Lý luận Phê bình thì Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương cũng tổ chức Hội thảo: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao – thực trạng và giải pháp” hồi đầu tháng 12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo một lần nữa cho thấy nhu cầu thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, hay gọi tắt là tác phẩm đỉnh cao, là nhu cầu chính đáng của độc giả, của xã hội, và đó cũng là đòi hỏi đối với người sáng tác. Nếu các nguyên nhân khách quan được đưa ra, được lý giải và dù có được đáp ứng hết thì tác phẩm đỉnh cao còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, đó là tài năng của mỗi người cầm bút.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc, giáo sư Phong Lê có ý kiến rất đáng quan tâm, rằng các nhà văn hãy cứ viết bằng hết khả năng của mình, tác phẩm có trở thành đỉnh cao hay không sẽ được thời gian trả lời. Chứ không thể tự bắt mình ngồi cầm bút phải viết về tác phẩm đỉnh cao là tác phẩm đỉnh cao có ngay.

Hội nghị và Hội thảo lớn về Lý luận Phê bình đã làm cho các nhà chuyên môn được dịp nhìn lại những mặt đã làm được, chưa làm được, còn tồn tại trong công tác lý luận phê bình. Khó có thể trông chờ, sau mỗi Hội nghị, Hội thảo Lý luận phê bình ngay lập tức có những bước đi đáng kể, nhưng đó là cơ sở cho độc giả tin tưởng và hi vọng một sự khởi sắc ở phía trước.

3. Năm khó khăn của xuất bản báo chí văn chương

Không nằm ngoài khó khăn chung của kinh tế từ mấy năm trở lại đây, báo chí văn chương đã, đang và sẽ chịu tác động lớn với những cuộc thay tên đổi chủ, sáp nhập và thậm chí là… giải thể!.

Trong bối cảnh hiện nay, để tìm được một tờ báo thuần tuý văn chương như tờ báo Văn nghệ là rất ít, dù chưa tính đến chuyện chất lượng. Khi Nghệ thuật mới ra đời, giới văn chương đã hi vọng, đó sẽ là một trong những địa chỉ văn chương tin cậy, có thể phát hiện các cây bút trẻ, tạo ra các khuynh hướng văn chương mới… Thế nhưng, chỉ sau một năm hoạt động, Nghệ thuật mới đã phải “thay máu”, từ một tờ báo văn chương thuần tuý trở thành tờ báo của bảy ngành nghệ thuật nói chung.

Tạp chí Nhà văn, có tiền thân là tạp chí Tác phẩm mới, xuất bản từ năm 1969 với 2 tháng một kỳ, cùng với tạp chí Văn học nước ngoài ra đời năm 1996 đã được sáp nhập lại thành Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Việc hai tờ tạp chí văn chương của Hội Nhà văn sáp nhập được ngầm hiểu là để giảm bớt gánh nặng chi phí hoạt động cho thấy phần nào tình hình báo chí văn chương năm 2013.

Chưa hết, cũng trong tháng 9, đồng loạt 7 nhà xuất bản, trong đó có Nhà xuất bản Văn học đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi Cục xuất bản nhằm cứu vãn tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản bởi vì chi phí thuê đất, thuê nhà quá cao theo quy định. Trước nay, các Nhà xuất bản luôn phải đau đầu đối phó với tình trạng sách giả, sách lậu… làm thất thu một khoản khá lớn vào tay những kẻ trục lợi, làm ăn phi pháp.

Hoạt động của các Nhà xuất bản được xem là kinh doanh, tức có thu, nhưng bên cạnh đó còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa như các doanh nghiệp dịch vụ khác trên địa bàn thành phố. Do đó, với kiến nghị này, các nhà xuất bản mong muốn được tháo gỡ, hoặc cắt giảm khoản thuế đất, thuế nhà để không bị rơi vào tình trạng khó khăn.

4. Thi ca trở thành mặt hàng trục lợi

Liên tiếp các vụ đạo văn được phanh phui trong năm 2013, trong đó ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là tâm điểm. Từ một bài thơ đăng báo địa phương đến một tác phẩm dự thi cũng dễ dàng bị người hám lợi, hám danh ăn cắp thành của mình. Chừng nào, hành vi đạo văn chưa có chế tài xử lý nghiêm mà chỉ trông chờ vào lương tâm, đạo đức người cầm bút thì chừng đó đạo văn còn âm thầm tồn tại trong bóng tối.

Mục đích sâu xa của hành vi đạo văn là trục lợi danh tiếng. Danh tiếng Nhà thơ xem ra vẫn là tiếng thơm đầy xa xỉ của một bộ phận bất tài.

Và cũng vì danh tiếng “nhà thơ” như một cuộc đua quá sức ở cái đích số 9 Nguyễn Đình Chiểu mà kẻ cơ hội đã “đổi tiền lấy danh hiệu nhà thơ”. Một kẻ tự xưng là Chủ tịch Câu lạc bộ sáng tác Văn học Nghệ thuật Việt Nam có trong tay số hội viên gấp nhiều lần ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên muốn in thơ, “tán” thơ, tặng bằng khen, kỷ niệm chương… đến giải thưởng đều được, miễn là đóng tiền vào. Thế là đôi bên đều có lợi, người có tiền, người có danh. Thơ ca rẻ rúng đến thế là cùng!

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đó là nhu cầu thơ ca là một nhu cầu thật và nhu cầu lớn. Nếu không có một tổ chức đứng lên đáp ứng với tiêu chí minh bạch, đàng hoàng thì kẻ trục lợi sẽ không bỏ qua cơ hội. Nói cách khác, nếu không có một kẻ như Đăng Hạ bị phanh phui thì sớm hay muộn sẽ có kẻ tương tự như Thi Hạ, Đăng Đàn… xuất hiện.


Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến in trên Báo Thanh Niên tháng 5.2011; và bài thơ Tổ quốc tôi nhìn từ biển của Cao Phú Cường in trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp số xuân 2013 (ảnh thanhnien.com.vn)


5. Thấp thỏm đối ngoại văn chương

Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị dành cho các nhà văn Á – Phi. Cũng lần đầu tiên, đại diện gần 50 quốc gia văn chương có mặt tại Việt Nam để bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến văn chương của khu vực Á – Phi. Việc có thêm tạp chí và giải thưởng văn học cùng mang tên Hoa Sen sẽ tạo cơ hội quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Bản ký kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Ai Cập cũng là tiền đề để văn học Việt Nam được có mặt tại đất nước Kim Tự Tháp.

Ngoài Hội nghị văn học Á – Phi, năm qua, Hội Nhà văn còn tiếp đón nhiều đoàn nhà văn nước ngoài tới thăm, giao lưu và ký kết hợp tác. Mặc dù vậy, giấc mơ “xuất khẩu” văn chương của các nhà văn Việt Nam xem ra vẫn trong tình trạng “thấp thỏm”, không biết bao giờ trở thành hiện thực. Bởi vài năm trước đây, chúng ta từng có hẳn một Hội nghị quảng bá văn học với biết bao hứa hẹn đầy hi vọng. Hội Nhà văn còn có dự án thành lập Trung tâm dịch thuật với hi vọng công cuộc “xuất khẩu văn chương” sẽ bài bản, không hoàn toàn phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch như trước đây. Nhưng xem ra, mọi thứ vẫn đang còn dang dở và các nhà văn Việt Nam vẫn phải… chờ!

6. Trông chờ các tác giả từ những cuộc thi văn chương

Năm 2013 có vài cuộc thi văn chương kết thúc, công bố tác giả tác phẩm được giải. Tuy nhiên, cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ được độc giả quan tâm hơn cả. Cuộc thi được đánh giá có số lượng tác phẩm dự thi khá lớn, quy tụ được đông đảo đội ngũ sáng tác trong cả nước. Mặc dù cuộc thi đã tìm ra giải cao nhất, nhưng nhiều độc giả có ý kiến cho rằng, đó chỉ là “cái đỉnh ở cuộc thi” mang tính thời điểm mà tác phẩm chưa thể tự bứt ra tồn tại độc lập. Một số tác phẩm đoạt giải cao còn khiên cưỡng, chưa làm thoả mãn độc giả. Thậm chí tác giả trẻ nhất cuộc thi còn thiếu dũng cảm trả lời thẳng thắn những khúc mắc, từ chối trả lời phỏng vấn xung quanh tác phẩm được giải.

Tuy nhiên, cuộc thi đã tìm ra được nhiều gương mặt mới, có tuổi đời còn trẻ. Sau cuộc thi đã thấy thấp thoáng xuất hiện chỗ này chỗ kia. Độc giả hi vọng, trong số đó có vài tác giả sẽ có những đóng góp thực sự cho văn chương nước nhà tương lai.

Trong số các tác phẩm được giải thưởng, cuốn khảo cứu về tác giả Phan Khôi: Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa, tập thơ Đường gió của Giáng Vân được vinh danh giải thưởng từ Hội Nhà văn Hà Nội được một số nhà văn đánh giá là đáng đọc.

Gần đây nhất, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam với 4 tác phẩm đoạt giải. Trong đó tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương của tác giả Nguyễn Trí, tác phẩm đầu tiên do một người không chuyên viết, được xem là một phát hiện lớn của giải thưởng năm nay, tác phẩm được trao giải với số phiếu tuyệt đối 9/9.

Một năm, chỉ có vài quyển sách được đánh giá cao, có thể là không nhiều, nhưng có thể còn có nhiều cuốn sách thực sự hay còn dang dở hoặc vừa được tác giả viết những dòng đầu tiên. Với văn chương, một năm là quá ngắn và chả có lý do nào độc giả không có quyền chờ đợi vào năm sau.

Hiền Nguyễn

Theo: Toquoc