Năm nay, kết quả một vài giải thưởng văn học thường niên lại thêm một lần “chứng minh” cho nhận định về sự thờ ơ của số đông bạn đọc với những sáng tác văn chương được giải thưởng. Trong khi đó, thành công của cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011-2013 và những chuyển động sôi nổi dưới bề ngoài khá thầm lặng của cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014 cùng hai “hiện tượng” văn chương từ internet bước ra ấn phẩm, của Nguyễn Phong Việt và Đinh Vũ Hoàng Nguyên, cũng thêm một lần nhắc nhở chúng ta về tính tương tác đặc thù của văn chương đương thời. Năm 2013, có hai sự kiện đem đến những lời nhắn gửi và thông điệp “nghiêm khắc” hơn đến giới lý luận phê bình (LLPB) nói riêng và giới cầm bút nói chung: Hội nghị Lý luận – Phê bình văn học lần III “Nâng cao chất lượng hiệu quả lý luận-phê bình văn học” (tại Tam Đảo, 6-2013) và Hội thảo nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật có giá trị cao – thực trạng & giải pháp” (tại thành phố Hồ Chí Minh, 11 – 2013).

Trước hết, một sự kiện văn học rất đáng chú ý trong năm 2013 là việc Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ nhất đã nhóm họp tại Việt Nam với 14 đại biểu là các ủy viên Ban chấp hành và các thành viên phụ trách 6 tiểu ban của Hội, đại diện cho các hiệp hội và các nhà văn ở hơn 50 quốc gia châu Á, vùng Trung Đông và châu Phi. Đây là hội nghị lần đầu tiên sau Đại hội tái thành lập tháng 12/2012 tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Hội Nhà văn Á-Phi (Africo-Asian Writer Union – AAWU) quyết định kết nạp thêm các thành viên thuộc châu Mỹ Latin, tái hiện hình ảnh tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi-Mỹ Latin được thành lập từ Hội nghị Bandung năm 1955 trong thời Chiến tranh Lạnh. Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ nhất này ở  Việt Nam, AAWU cũng đã hoạch định việc xuất bản tờ tạp chí của Hội, lấy theo tên trước đây là tạp chí Hoa sen (Lotus).

Ngày 26-8-2013 Ban chấp hành của AAWU đã cùng đông đảo các nhà văn Việt Nam thảo luận trong một hội nghị bàn tròn về chủ đề “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hoá”. Chủ đề thảo luận này cho thấy xu hướng chung của các nghiệp đoàn nhà văn trong AAWU sẽ hướng tới động viên và phát huy bản sắc văn học dân tộc của các thành viên nhằm tạo lập một sự cân bằng với những trung tâm lớn lâu nay của văn học thế giới, để bảo vệ các nền văn hóa dân tộc trước tác động xói mòn của thị trường toàn cầu hóa.

Lễ ký kết văn bản hợp tác lần đầu tiên giữa Hội Nhà văn Ai-cập do nhà văn Mohamed Salmawy, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai-cập, Tổng Thư ký Liên đoàn Nhà văn Ả-rập, Tổng Thư ký AAWU dẫn đầu với Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đại diện, diễn ra ngay sau Hội nghị bàn tròn, biểu thị một tinh thần thiết thực hoạt động. Ông Salmawy sau lễ ký kết này cũng kêu gọi các tổ chức thành viên của AAWU và các thành viên Mỹ Latin tới đây sớm có những thỏa thuận song phương như hai Hội của Việt Nam và Ai-cập. Thỏa thuận này hoạch định việc trao đổi các đoàn nhà văn thăm và tìm hiểu lẫn nhau, trao đổi về dịch thuật và xuất bản văn học giữa hai tổ chức nhà văn hai nước, và nhà văn, nhà viết kịch Salmawy khẳng định các hoạt động như vậy sẽ được tiến hành một cách thực chất, hiệu quả.

Cùng với một số hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật như các cuộc giao lưu văn học Việt-Mỹ, hội nghị về dịch văn học Ba Lan, cuộc tiếp đón chuyến thăm và làm việc của đoàn nhà văn Trung Quốc do nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc dẫn đầu, thì Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Á-Phi lần thứ nhất với vai trò nước chủ nhà của Việt Nam đã đánh dấu bước tiến triển mới trong hoạt động tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam cho hành trình hội nhập văn hóa, hội nhập với đời sống văn học bên ngoài biên giới quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất AAWU, nhìn nhận những hoạt động của Hội Nhà văn mở rộng các quan hệ quốc tế về văn học của năm nay là “có tính chiến lược”. Hàng loạt nền văn học giàu truyền thống và rất đặc sắc của khu vực Á-Phi và Mỹ Latin, trước đây gọi là “thế giới thứ ba”, đang muốn thu hút sự chú ý hơn nữa của một thế giới bị thương mại toàn cầu chi phối. Việc thu hút sự chú ý không chỉ cho văn học, mà là qua văn học mở rộng một ngõ vào cổ xưa nhất của văn hóa mỗi xứ sở, đồng thời là bảo vệ những đặc sắc tinh thần của mình thông qua sự chuyển dịch sang các ngôn ngữ ngoài bản ngữ.

Năm vừa qua chuyển dịch này được mở đầu bằng cuộc giao lưu văn học các cựu chiến binh Mỹ-Việt, tiếp đó là các buổi giới thiệu các cuốn sách song ngữ là “Tuyển tập 175 bài thơ vì độc lập tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người đã mất vì chiến tranh” (nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật) và “Hoa sen nở trong dòng chảy văn học – Tuyển tập truyện và thơ đương đại Việt Nam-Thái Lan” và “Truyện ngắn đương đại Việt Nam tuyển chọn” do nhà văn Trung Quốc Điền Tiểu Hoa chủ biên.

“Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh” gồm 105 tác phẩm Việt Nam và 70 bài thơ của các nhà thơ Nhật Bản thời hiện đại, ghi lại những cảm xúc về sự hi sinh kiên cường và vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam trong chiến tranh giữ nước và bảo vệ chủ quyền. Cuốn “Hoa sen nở trong dòng chảy văn học”, bằng ba thứ tiếng Việt-Thái-Anh, phản ánh đời sống văn hóa-xã hội đương đại của hai đất nước qua một tập hợp các sáng tác thơ và truyện ngắn của các tác giả Việt Nam và Thái Lan hiện đại  (Nguyễn Khoa Điềm, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư…, Jadej Kamjorndet, Nikom Rayawa…). Cuốn thứ ba, “Truyện ngắn đương đại Việt Nam tuyển chọn” bản tiếng Trung do Điền Tiểu Hoa chủ biên lại gần sát hơn nữa với văn học đương thời ở Việt Nam khi chọn thể loại truyện ngắn và những cái tên như Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Phong Điệp, Di Li… Tuy nhiên, theo bà Điền Tiểu Hoa cho biết, lượng xuất bản lần đầu của tập truyện này ở Trung Quốc chỉ khoảng hai nghìn cuốn. Như vậy, trong những bước đi mới của văn chương ra ngoài biên giới quốc gia, chúng ta vẫn gặp lại mối lo chung của văn học thời nay là lượng sách phát hành được quá ít.

Vào đầu tháng 3-2013, một “hiện tượng” gây xôn xao văn đàn là tập thơ “Đi qua thương nhớ” (Nxb Văn học & Công ty sách Phương Đông) của tác giả trẻ Nguyễn Phong Việt đã bán hết được 10.000 cuốn trong 50 ngày. Dường như không có một bình luận văn học nghiêm túc nào nhìn nhận “hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt”, chắc hẳn vì người viết này cùng những sáng tác của anh vốn chỉ được biết, được mến chuộng rộng rãi trên internet trước khi được ấn định trên bản in giấy truyền thống. Nhưng khi “câu chuyện của một mối tình, của những dằn vặt, ám ảnh lẫn tuyệt vọng của một quãng đời yêu thương” trải trên những câu thơ dễ dãi, lãng mạn thật thà hồn nhiên, biểu hiện thời thượng, mà cuốn hút được một đám đông mua sách, thì “hiện tượng” này nhắc nhở giới văn chương về sức mạnh của tương tác với người đọc. Nó đẩy ra một câu hỏi khó: tại sao nhiều sáng tác được cho là công phu và “nghiêm túc” lại không thể thu hút công chúng bằng một cuốn thơ có chủ đề rất “thị trường”? “Hiện tượng” này có thể xem như một chỉ báo khá rõ về mong muốn và đón đợi của một số đông bạn đọc, đặc biệt khi tương tác trên mạng chuyển vào sách in mà không cần đến (hay bỏ qua!) một hình thức tương tác gần đây gây chú ý – từ “trình diễn thơ” đến “trình diễn tiểu thuyết”.

Tại Hội thảo khoa học tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII trong văn học-nghệ thuật (thành phố Hồ Chí Minh, 27-28/11/2013), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu một khái quát sâu sắc: “chúng ta làm công nghiệp trong cơ chế thị trường. Sẽ có bao nhiêu thử thách, níu kéo, những vật vã trong quá trình đi lên. Hơn thiệt, được mất, đúng sai là vấn đề được đặt ra hằng ngày cho từng con người, cả xã hội đang được thử thách về mặt nhân cách. Đó là cuộc bứt phá đi lên để tạo dựng những giá trị mới”.  Nói đến một quá trình “thử thách về nhân cách”, trong hướng “đi lên để tạo dựng những giá trị mới”,  cũng là nhìn nhận vị trí thiết yếu của văn học-nghệ thuật với quá trình hàng ngày hàng giờ thành tạo những “nhân cách”, sử dụng các “giá trị”, nghiệm trải quá trình sống về mặt tinh thần.

Đương thời chúng ta vẫn chưa thể gọi là có một thị trường văn học riêng rẽ giữa thị trường ấn phẩm nói chung. Một “hiện tượng” như tập thơ “Đi qua thương nhớ” nói trên đã rất mau chóng “đi qua”, cũng như những sáng tác “truyện ngôn tình Việt Nam” ăn theo những cuốn sách dịch truyện ngôn tình đầy rẫy trên các sạp bán sách chưa hề tạo nên được một hiện tượng xuất bản đúng nghĩa nào.

Trong khi đó, văn chương xem như “nghiêm túc” trong năm nay có nhiều tên sách lý thú như “Chân trần” của Thùy Dương, “Cánh chim kiêu hãnh”, “Đàn bà đẹp” của Đỗ Bích Thúy, “Bông dẻ đẫm sương” của Chu Thị Minh Huệ, “Con mắt rỗng”, “Gần như là sống” của Đỗ Phấn, “Khải huyền muộn” (tái bản) của Nguyễn Việt Hà… và hầu như tất cả những tác phẩm như thế đều xoay quanh chủ đề lớn giải thích nhân cách con người đương thời, từ những tham chiếu quá khứ và đương đại khác nhau.

Sáng-tác-phẩm vẫn chia làm hai ngả, không nhìn theo con mắt phát hành, mà theo những người viết và người bình luận văn học: hay và không hay. Khi chúng ta vẫn chưa có được một dòng sách “best-seller”  thật sự của văn chương Việt, hẳn không nên dán nhãn “thị trường” cho những cuốn sách hợp thị hiếu một số đông nào đó. Bởi cứ theo như những nhắn gửi thông điệp nghiêm khắc về văn hóa – xã hội vừa nói ở trên, văn chương “nghiêm túc” dường như vẫn còn rất hiếm và thiếu trước đòi hỏi đạo lý của những “thử thách về nhân cách” và “xây dựng những giá trị mới” của đời sống xã hội đất nước

N.C.H

Nguồn: vanghequandoi

Exit mobile version