Ở ta ngày trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến – Gang không mật mỡ, kiến bò chi”; Nguyễn Công Trứ viết: “Còn bạc còn tiền, còn đệ tử – Hết cơm hết rượu, hết ông tôi”. Thế thái nhân tình, nghe mà lợm giọng!…
Tô Tần (380-284BC) – Ảnh minh họa: sưu tầm
Sách cũ Trung Hoa viết rằng, thời Chiến Quốc, Tô Tần, người ở Lạc Dương nước Triệu, là kẻ “ở chốn hang cùng, cửa khoét trong tường, nhà bằng gỗ dâu, then cửa cong queo”, đi làm biện sĩ. Lúc đầu sang Tần bày kế “Liên hoành”, mười lần dâng thư mà không có kết quả. Áo cừu đã rách, vàng đã tiêu hết, phải bỏ nước Tần về nhà, “đùi quấn xà cạp, chân đi dép cỏ, đội sách, đeo đẫy, mặt mày xanh sạm”.
Về tới nhà, vợ thản nhiên không rời khung cửi, chị không thổi cơm cho ăn, cha mẹ không hỏi han tới. Tô Tần bùi ngùi than: “Vợ không coi ta là chồng, chị không coi ta là em, cha mẹ không coi ta là con, đều là lỗi của Tần này cả!”.
Ngay đêm ấy, lấy trong tráp cũ ra mấy chục bộ sách, tìm được bộ Binh pháp Âm phù của Khương Thái Công (Lã Vọng), gục đầu trên án mà đọc, lựa chọn mà luyện cho thật nhuần, suy xét vào thời thế mà tìm cách ứng dụng. Đọc sách mà buồn ngủ thì lấy dùi tự đâm vào đùi, máu chảy tới bàn chân!
Một năm sau, Tô Tần gặp vua Triệu dâng kế “Hợp tung”, được vua Triệu phong làm Tể tướng, tước Vũ An Quân, cấp cho binh xa trăm cỗ, gấm vóc ngàn tấm, bạch ngọc trăm đôi, hoàng kim vạn nén. Tô Tần ngồi xe, cưỡi ngựa, đi khắp thiên hạ, đến triều đình các nước chư hầu quanh Tần để thuyết phục, không ai không nghe.
Lúc đi du thuyết vua Sở, đường qua Lạc Dương quê nhà, “cha mẹ hay tin, cọ nhà quét sân, bày nhạc đặt tiệc, ra ngoài ba mươi dặm để đón tiếp; vợ chỉ dám liếc trộm, nghe trộm; chị thì bò như rắn, lạy bốn lạy, tự quỳ xuống tạ tội”. Tô Tần hỏi: “Này chị! Sao trước ngạo mạn thế mà nay cung kính thế?”. Người chị đáp: “Vì ông út chức trọng mà tiền nhiều”.
Tô Tần than: “Ôi! Nghèo khốn thì bố mẹ không nhận làm con, giàu sang thì thân thích sợ sệt. Người ta sống ở đời, có thể coi thường thế lực, chức vị và tiền của được đâu!”.
Nhưng không phải ai cũng vậy. Văn hóa Tô Tần là văn hóa biện sĩ (đem ba tấc lưỡi xui nguyên giục bị, vua này không nghe thì tìm vua khác, có khi sẵn sàng diệt cả nước mình, chỉ cần mình có danh lợi), đâu được như văn hóa học sĩ. Ví như Lỗ Trọng Liên, dám vạch rõ sự tàn bạo của vua Tần, lôi kéo được nước Ngụy đứng bên nước Triệu, khiến Tần không dám đánh Triệu nữa. Để trả ơn, Bình Nguyên Quân muốn phong chức cho Lỗ Trọng Liên. Lỗ ba lần từ chối rằng: “Kẻ sĩ sở dĩ đáng quý ở trong thiên hạ là vì giải trừ được hoạn nạn, cởi bỏ được mối loạn mà không nhận một chút báo đáp nào cả. Nếu nhận sự báo đáp thì thành con buôn rồi”. Và, ông từ biệt Bình Nguyên Quân, tới chết không còn ai thấy ông nữa. Người đời sau coi Lỗ Trọng Liên là kẻ sĩ, là ngôi sao băng trên trời.
Hóa ra, làm con buôn thì chịu phận con buôn (Tô Tần sau bị xé thây ở đất Tề), làm sao băng thì được phận sao băng. Chung quy cũng là do cái văn hóa mà anh chọn dùng trong nhân tình thế thái thế nào, đổ tất cho nhân tình thế thái mà xong ư?
Theo Đỗ Trung Lai – QĐND