Nhà thơ Y Phương
Y Phương là người am tường văn hóa truyền thống của người Tày, ông đã vận dụng, truyền tải tất cả các hình thức văn hóa tâm linh này vào trong trang viết của mình một cách sinh động, gần gũi. Đặt vấn đề tìm hiểu tín ngưỡng ma quỷ và thần linh của người Tày trong văn chương của Y Phương, bài viết hướng đến làm rõ ý niệm và thực hành nghi lễ ma quỷ, thần linh vốn đã tồn tại từ bao đời nay trong văn hóa tâm linh của người Tày, trên cơ sở đó lý giải sự ám ảnh tín ngưỡng này trong các sáng tác của ông. Điều đó vừa bao hàm việc phục dựng tín ngưỡng ma quỷ, thần linh người Tày từ góc nhìn của dân tộc học, vừa làm rõ giá trị nghệ thuật trong sáng tác của Y Phương qua việc sử dụng yếu tố văn hóa này.
Trong thực tiễn, ở người Tày xuất hiện niềm tin vào ma quỷ, thần linh như là một hiện tượng, một tín điều phổ quát và bền vững. Theo nhà văn Y Phương thì hầu như ở người Tày ai ai cũng chỉ tin vào ma quái, thần thánh: một thế giới ma quái bao bọc lấy đời sống xã hội người Tày. Bất kể chỗ nào cũng có ma. Ma trong nhà. Ma ngoài sân. Ma rừng thiêng. Ma nước độc. Ma hòn đá. Ma vực sâu. Ma thuồng luồng. Ma gốc cây. Ma trẻ con. Ma hành khất. Ma bà lão. Thế giới ma ngự trị đời sống tinh thần, từ khi con người sinh ra đến lúc chết đi. Mọi rủi ro đến với con người, họ đều cho rằng ma làm. Ma bắt đứa trẻ kia bị ốm. Ma làm cho bà già kia phải chết. Ma đẩy anh kia xuống vực. Ma làm cho con bé năm tuổi người Nùng biết nói tiếng Kinh…Nghĩa là mọi sự diễn ra bất thường, đều có bàn tay điều khiển của ma. Vậy con ma là gì? Nó như thế nào? Chẳng một ai nhìn thấy. Ma là một thế lực đầy quyền uy. Đối với người trần mắt thịt, những gì trông thấy, kể cả hổ báo, người ta không sợ. Chỉ sợ ma![1]. Y Phương đã chỉ ra được một cách sống động niềm tin vào ma quỷ của người Tày, ma quỷ xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và trong mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này, thậm chí là trong cả giấc mơ, trạng thái tình cảm của con người. Có thể nói, đối với người Tày, ma quỷ đã thấm sâu vào trong não trạng của họ và tồn tại một cách vô thức – một dạng của vô thức tập thể.
Trong tín ngưỡng của người Tày, “phi” (tức “ma” theo nghĩa tiếng Việt) có nghĩa rất rộng, chỉ tất cả các thần thánh, ma quỷ có mặt trên trời dưới đất, dưới nước như: ma trời (Phi fạ), ma đất (Phi đin), ma rừng (Phi pá) ( Không phải Phi pá mà là Phi đông), ma núi cao rừng già (Phi slấn) (Slấn là thần linh chứ không phải ma), ma thuồng luồng (Phi Nguộc) Phi ngưởc), những người chết bất đắc kỳ tử (Phi slương), ma thề nguyền (Phi mang), ma thiên lôi (Phi lòi), ma thành hoàng, ma thổ công, ma tổ tiên (Phi pẩu pú), ma người chết (Phi thai), ma người sống (Phi đíp)[2]… Trong tản văn của mình, Y Phương đã nói lên được hiện thực về tín ngưỡng ma quỷ. Ông đã chỉ ra niềm tin “vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn) của người Tày một cách sinh động, ông viết: “Kể cả anh, cả tôi, cả các bạn đông tây nam bắc, đều chưa một ai biết con ma hình thù nó như thế nào. Nhưng với người miền núi quê tôi, con ma có mặt hầu hết mọi nơi mọi chỗ. Từ lúc con người sinh ra, đến ngày về núi, vẫn bị con ma điều hành, chi phối. Mở mắt ra là có ma. Nhắm mắt vào ngủ cũng có ma chầu chực. Ngồi trong nhà hay ra ngoài rừng đều có ma đi theo sau lưng. Vì thế, người vùng cao chúng tôi không bao giờ dám quay lưng ngoảnh mặt”[3]. Như vậy, trong tâm thức người Tày, ma là loài không có hình thù, xuất hiện ở khắp trong không gian, trong nhà hay ngoài rừng. Trong suốt đời người, từ khi con người sinh ra cho đến khi chết đi ma đều hiển hiện. Ma tồn tại trong khi con người ta thức và cả khi con người ta ngủ… Điều đó cho thấy, ý niệm về ma quỷ đã thực sự ăn sâu trong hành vi và suy nghĩ của đồng bào dân tộc Tày.
Trong tản văn Y Phương, ông đã mô tả được không gian quỷ ma tồn tại và trú ngụ, đó là những nơi gần gũi như trên cơ thể con người và những nơi quen thuộc và gắn bó với người dân: “Người ta nói con ma nấp ở trong tóc. Trong xống áo. Trong xó bếp. Trong góc nhà. Ở đuôi sàn phơi thóc. Ở bên trong gốc cây sung cây ổi. Ở ngã ba ngã tư quốc lộ hay đường rừng. Nhất là ở những nơi nghĩa địa”. Thậm chí, ngay cả trong lá hoa của người xưa truyền lại rằng, ở đó có những con ma chuyên đi bắt vía người lười biếng. Ông cũng chỉ ra được một số đặc tính của ma quỷ trong ý thức của người Tày: “Chúng tụ tập thành làng thành tổng. Nhưng ma thường hay xuất hiện vào lúc ban đêm tối trời. Ma kỵ ánh sáng ban ngày và ngọn lửa đang rực cháy. Ma trú ngụ ở những vùng có nước xoáy và vực sâu. Ma ngủ không có tiếng kêu. Nhưng nó có bóng. Bóng của ma nhọp nhẹp lởn vởn. Nó in hình cái đầu hói lên vách nhà, lấp ló đằng sau cánh cửa[4].
“Phi” – ma có sức ám ảnh ghê gớm đến tâm lý của người Tày, mọi hành vi bất bình thường của con người và vạn vật xung quanh họ đều do “phi” gây ra. Y Phương mô tả lại quan niệm về sự chi phối của ma quỷ đối với trẻ con. Khi những đứa bé khó ngủ thì người ta cho rằng: “Nó nhìn thấy những con ma lạ hoắc. Con mặt đỏ. Con râu vàng. Con đầu trọc. Nên cứ nhắm mắt vào là thấy, làm nó sợ. Trẻ khóc suốt đêm là vì vậy. Mãi đến gần sáng nó mới hết khóc và thiếp dần vào giấc ngủ”[5]. Vì thế để đứa trẻ không bị sợ hãi ma thì người ta phải thực hành các nghi thức ma thuật để đuổi ma đi. Họ khấn trời khấn phật, khấn mẹ Hoa và đặt những con dao đã yểm bùa xuống dưới chiếu ở bốn góc giường. Những con dao đó theo Y Phương thì nó vẫn còn mới tinh, được người ta làm từ thép già, chưa một lần dính máu. Những con dao nhọn này quay về bốn hướng để diệt bốn loại ma khác nhau, dao nhọn chĩa mũi về hướng đằng Đông vì nơi ấy loài ma có nước da màu xanh nước biển; dao quay mũi về đằng Tây vì nơi ấy ma quỷ có bộ mặt đỏ quạch; dao chĩa mũi nhọn về phía Nam vì nơi ấy có ma quỷ đầu bẹt xanh như đít nhái, giọng nói khàn khàn vịt đực; dao nhọn quay mũi về phía Bắc vì nơi ấy là nơi ở của ma quỷ có cặp mắt trắng dã, môi thâm xì. Họ tin rằng nếu làm như vậy sẽ chế ngự được các loài ma.
Không chỉ kể chung chung về các loài ma, Y Phương đã miêu tả cụ thể về một số ma, có những loại ma của người Tày mà ông nhắc đến rất hiếm khi nghe thấy ở các tộc người khác như ma xay thóc và ma gà. Ma xay thóc vốn là linh hồn của những đứa trẻ, chẳng may mà chết. Chúng nó đùa nghịch hơn thuở còn ở trên dương thế. Trời đất quay cuồng trong tiếng hét hú. Loài ma này có quyền lực ngang tựa ông trời, không biết sợ ai, chúng có quyền lực vô hình và vô hạn: “Ma xay thóc là lực lượng quyền uy trên cả ông giời. Nên ông giời buộc phải chào thua. Ông giời phải để dành riêng một khoảnh rừng phi eng làm nơi răn dạy loài người”[6]. Vì thế, những biểu hiện của thiên nhiên, mà người Tày tin là do trời tạo ra như hiện tượng mưa, gió, sấm, chớp thì họ cũng nghĩ ngay đến là do con ma xay thóc đã chọc giận trời: “Người làng tôi nói trên con ma là đến ông giời. Nghĩa là nó chỉ kém ông cao xanh có một bậc. Nay con ma dám trêu tức ông giời thế này là lụt to rồi. Quả nhiên trời mưa như trút. Mưa nghe như thác đổ. Làng xóm chìm trong mưa trắng xóa. Thóc lúa ngoài đồng chìm nghỉm trong nước trắng băng băng. Sấm chớp xé rách nát bươm cả bầu trời, mặt đất”[7]. Trong cộng đồng, người ta tin rằng, con người phải biết phục tùng ma, ma bảo gì thì phải nghe đấy, và đã làm người thì phải biết sợ con ma. Có thể nói, với người Tày, ý niệm về loài ma xay thóc – vốn là linh hồn của những đứa trẻ chết bất đắc kỳ tử đã có từ xa xưa, nó là minh chứng cho sự sợ hãi của con người trước hiện tượng của tự nhiên đã ăn sâu trong suy nghĩ và trong đời sống tâm linh của họ. Ma xay thóc còn có nghĩa tung hoành trời đất chẳng sợ ai, loài ma có quyền lực, có sức mạnh, có khả năng siêu phàm, nó có thể tác động đến trời đất, con người ở nhiều phương diện của cuộc sống. Loài ma này tồn tại phổ biến trong tâm trí của cộng đồng.
Một loại ma cũng rất đặc biệt tồn tại trong tâm thức của người Tày đó là ma gà, loài ma này còn có tên gọi khác nhau: “phi cáy”, “phi gjống” “phi phẳn”, “phi Phạm Nhan”, “phi đằm cằm”,… Theo quan niệm của người Tày thì những nhà có ma gà do từ ngày xưa truyền lại. Nghĩa là từ đời cụ, đời ông,… có ma thì đời con cháu, chết sau này cũng trở thành gia đình có “ma”[8]. Tín ngưỡng ma gà xuất hiện từ khi nào, mặt mũi nó ra sao thì không ai hay biết, người Tày chỉ biết là sinh ra và lớn lên là đã nghe nói có loài ma này, Y Phương viết: “Không những người làng tôi, mà cả vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc, ai ai cũng đồn đại xung quanh chuyện con ma gà. Nó thổi từ tai người nọ sang tai người kia. Nó truyền từ miệng người này, nhả sang miệng người khác. Tin đồn loang nhanh như ao bèo tấm. Thực hư chả biết. Nhiều người ghê khiếp ma gà”. Họ khiếp sợ ma gà bởi nó có thể nhập vào người và tồn tại trong người đó, thậm chí nó còn di truyền từ đời này sang đời khác. Ma gà có sức mạnh ghê gớm, nó làm hại người, hại vật: “Người có ma gà, nhìn vào đâu cũng làm cho muôn vật bị thui chột. Lời nói của họ như nhựa cây sơn. Dính vào liền bị ngứa khắp người. Nó sẽ làm héo úa cây rau, thối cây hoa. Làm xanh máu. Làm teo cơ. Trong người khó ở. Trâu, bò, lợn, gà bỗng dưng biếng ăn…”. Những người chẳng may bị ma gà nhập vào thì bị điên, bị dại. Con ma gà biến người ấy đã biến những hành vi lời nói từ con người trở thành con vật. Do vậy, ma gà đã ám vào ai thì người ấy bị cả cộng đồng chối bỏ: “Ra đường không dám mở miệng chào ai. Vào làng, không dám chào trâu bò lợn gà. Không dám khen trẻ nhỏ. Không dám hỏi thăm người già. Khi đi làm đồng, hay lên rừng kiếm củi, lũi cũi đi một một mình. Không có ai bước chân đi cùng. Giữa đường, chẳng may gặp mưa to gió lớn, người có ma gà không dám đứng trú chân. Chỉ sợ người nào nhìn thấy. Người ấy liền réo tên vạch mặt, ông trời nghe tiếng. Ông trời lập tức sai thần sét đánh chết”[9]. Như vậy, người nào bị coi là có ma gà thì cả cuộc đời bị cô lập hoàn toàn, họ sống bi kịch khủng khiếp, họ luôn ở trong trạng thái tâm lý tự ti, sợ hãi. Sự tự ti và sợ hãi ấy ám lấy con người như một thứ vô hình luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Nó trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mà con người phải chịu đựng.
Trong thực tế, đối với những gia đình mang tiếng có ma gà, bà con hàng xóm thường không đến vay mượn hoặc lấy của cải nhà ấy. Vì họ cho rằng nếu vay mượn hoặc lấy của cải mà không trả đúng thời hạn thì con “ma” nhà ấy sẽ đến đòi nợ bằng cách “ma” nhập vào vía người sống, nhất là trẻ con mới sinh, người trong gia đình sẽ bị ốm yếu, rồi “ma” sẽ ăn gan,… Vì vậy, những nhà mang tiếng “có ma” trở thành nguy hiểm đối với bà con hàng xóm, mặc dầu họ không biết gì về ma thuật, không bao giờ có ý nghĩ làm hại người khác. Trái lại, họ hết sức tránh tiếng là người có ma[10]. Y Phương đã lý giải hiện tượng ma gà rất độc đáo, ông không tin đó là loài ma có thật, nó chỉ là loài ma do con người tưởng tượng ra, về sau nó biến tướng và trở thành mối nguy hại vô cùng lớn đối với con người, ông cho rằng, người ta để làm hại nhau thì họ vu cho người bị làm hại ấy là có ma gà: “những ai sủi tăm hơn người một chút, liền bị gán cho có ma gà. Khi không ưa ai, thiên hạ cũng quàng lên cổ người ta hai chữ ma gà. Ma gà như vòng kim cô ở nơi nhạt muối. Ở những người thiếu tình thương đồng loại. Cái sự ác tâm, làm thành lời đồn… Lời đồn đại ấy, vô tình làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn”[11]. Như vậy, ma gà vốn xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, nó là hiện tượng văn hóa tâm linh độc đáo của người Tày, người Nùng. Về sau, hiện tượng này đã bị biến tướng, nó trở thành một vấn nạn lớn đối với con người trong cộng đồng.
Không chỉ mô tả về tín ngưỡng thờ cúng ma quỷ, Y Phương còn sử dụng hiện tượng văn hóa tâm linh này như một phương tiện nghệ thuật nhằm truyền tải trạng thái cảm xúc của mình đối với những đồng đội, người thân, người lính đã tử trận trong chiến tranh, trong Khúc mở: Khêu đèn lên soi tỏ nàng Trăng Y Phương mô tả: Đêm nay giữa trời trăng ngồi/ Tôi chợt thấy nước mắt trăng loác loác/ Tưới đẫm bao người/ Đang ngủ vùi trong đất/ Giờ đây/ Họ biến thành cây/ Thành cỏ/ Thành hoa/ Thành quả/ Thành hồ nước/ Thành cua/ Thành cá/ Thành khói mây/ Thành hơi thở cho chúng ta ngày nay… Tôi mời bạn/ Thư thư tôi kể/ Những chuyến hành hương kiếm tìm/ Linh hồn người lưu lạc[12]. Trong cảm nhận của Y Phương, những người chiến sĩ hy sinh, họ đang ngủ trong lòng đất, họ biến thành cỏ cây, hoa trái, hồ nước, khói mây,… họ trở thành nguồn sống cho con người thực tại; rồi những hồn ma ấy khi hiện lên, họ hóa thân làm đàn đom đóm, lân tinh: Từ đâu/ lập lòe/ Đàn đom đóm/ Như đám lân tinh/ Những hạt sáng bay bay/ Rồi lặng im/ Tắt phụt/ Tự dưng thấy đau đầu tức ngực/ Ù tai/ Này/ Những hồn ma/ Hát nữa đi/ Múa nữa đi/ Hát bừa phứa chơi chơi/ Múa bừa phứa chơi/ Chiến trường cần tiếng cười/ Chết đâu phải là hết[13]. Những đàn đom đóm, lân tinh với những vạt sáng tượng trưng cho hình ảnh của người đã chết còn lang thang không biết lối về, chưa tìm được quê hương làng bản của mình. Vì vậy, để tìm những hồn ma đó trở về, người ta thực hành những nghi lễ tìm kiếm theo các nghi thức truyền thống, trong Khúc ca: Hành trình kiếm tìm, Y Phương viết: Hồn vía các chàng trai binh nhất binh nhì hạ sỹ thiếu úy/ Bị nàng tiên áo hồng áo chàm áo tím áo nâu giữ lại/ Giữ lại để chơi con dê kéo cày…/ Hồn vía các chàng trai binh nhất binh nhì hạ sỹ/ thiếu úy còn bị ma núi/ Ma sông/ Ma đồng bằng/ Ma rừng thiêng giữ lại/ Giữ lại để thi phi ngựa bắn cung/ Thi đố vui lày cỏ/ Chia hai bên ném còn/ Ai ném trúng hồng tâm/ Sẽ được cưới nàng tiên áo hồng áo vàng áo nâu áo chàm/ Tùy chọn/ Nên hồn vía quên mọi đường về/ Hồn chưa về/ Người làng tôi buồn đau/ Lúc đầu chỉ bằng hạt vừng/ Về sau to mãi dần lên thành quê hương miền núi/ Họ thắp hương/ Cúng con gà giò mỏ đỏ lông vàng/ Bên mâm xôi trứng kiến/ Bói xem/ Đoán xem/ Hồn người nhà trú ngụ nơi đâu/ Rú…r..ú…r…ú…r…ú/ Cuốc xẻng bằng đất sét. Đất sét/ Se sẽ chạm vào người…[14]. Trong cách miêu tả của Y Phương, hồn vía những người lính hy sinh trong chiến tranh chưa trở về quê hương bản quán bởi họ còn bị những loài ma sông, ma núi, ma đồng bằng, ma rừng thiêng giữ lại cùng nhau vui đùa nên quên đường về, khiến cho người làng buồn đau, nỗi đau ban đầu bằng hạt vừng, về sau lớn lên thành quê hương miền núi. Vì thế, muốn linh hồn những người lính trở về, họ thực hành nghi lễ bằng cách chuẩn bị con gà, mâm xôi trứng kiến rồi bói xem hồn người nhà trú ngụ nơi đâu để mời gọi, để kiếm tìm.
Trong thế giới tâm linh của người Tày, ma quỷ là những linh hồn của người và của vật. Họ có niềm tin vạn vật đều có linh hồn – linh hồn tồn tại cả ở người, con vật, đồ vật và cây cối. Khi con người chết đi linh hồn và thể xác rời xa nhau, linh hồn người lang thang sẽ trở thành các loài ma: người Tày phân biệt hai loại ma, ma lành và ma dữ tức là phúc thần và hung thần. Đồng bào thờ ma lành ở trong nhà hay ở miếu thổ công, thành hoàng. Đối với loài ma dữ, đồng bào không thờ cúng. Nhưng khi thầy bói hay thầy cúng phát hiện ra con ma nào gây ra ốm đau, tai họa thì phải cúng con ma ấy, tùy từng loại ma to nhỏ mà liệu lễ vật,… Loại ma lành ban ơn ban phúc cho người trần, nhưng cũng trừng phạt người trần nếu làm trái ý hoặc lo việc cúng bái không chu đáo. Ngay cả ma tổ tiên cũng quấy rầy con cháu không kém các loại ma dữ, nếu không vừa ý. Muốn cho khỏi bệnh, muốn cho tai qua nạn khỏi lại phải cúng tế tạ tội[15]. Có thể nói, việc thờ cúng ma quỷ của người Tày nhằm chế ngự sự sợ hãi của con người trước những hiểm họa của cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, chết chóc,…; mặt khác, họ thờ cúng ma quỷ còn cầu mong các lực lượng siêu nhiên này ban phúc lành cho người dân.
Bên cạnh việc mô tả lại ý niệm và thực hành nghi lễ ma quỷ của người Tày, trong sáng tác của Y Phương còn xuất hiện tín ngưỡng thần linh – một tín ngưỡng đã ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Tày. Trong vũ trụ luận người Tày, thế giới phân ba tầng tương ứng với ba mường, mường Trời, mường Đất và mường Nước. Ở mỗi mường ấy với một hệ thống thần linh riêng, khá đồ sộ[16]. Xuất phát từ ý niệm này cho nên trong đời sống tâm linh người Tày, họ thờ cúng nhiều vị thần linh khác nhau, đại diện cho thế giới ba tầng và những khát vọng của con người. Một hiện tượng tín ngưỡng được mọi gia đình đều quan tâm đó là tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa – vị thần bảo hộ cho việc sinh nở. Nhà văn Y Phương viết về tín ngưỡng này như sau: “Từ khi các cháu bé lọt lòng mẹ, Ngọc Hoàng thượng đế đã cắt cử Hoa Vương Thánh Mẫu làm người trực tiếp chăm sóc, cai quản phần hồn các cháu. Người Tày gọi đó là mẻ bjooc mẻ woa – Mẹ Hoa. Bất kể trong nhà người Tày nào, dù định cư ở đâu, họ cũng đều lập bàn thờ Mẹ Hoa. Bàn thờ đặt vào nơi trang trọng nhất. Mùng một hôm rằm hoặc lễ tết, người nhà phải thắp hương cúng khấn. Mẹ Hoa không những là người cai quản mà còn phân phối chia đều con trai con gái cho từng nhà từng người. Ai hiếm muộn phải lập đàn chay cúng khẩn thỉnh cầu Mẹ Hoa. Mẹ cho đậu mới được đậu. Mẹ Hoa là người có một vị trí vô cùng quan trọng trong thế giới tâm linh của người Tày Nùng”[17]. Có thể nói, trong thực tiễn tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa đã ăn sâu, bám chắc trong tâm lý và hành vi của người Tày hết sức sâu sắc. Tín ngưỡng này đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Tày, nó đại diện cho khát vọng về một cuộc sống đông con nhiều cháu trong mỗi gia đình người Tày, mặt khác đó còn là niềm tin về một thế giới tâm linh đang bao bọc và chi phối đến con người nơi trần gian. Y Phương mô tả cụ thể về thực hành nghi lễ của người dân đối với Mẹ Hoa, Bố Trời như sau: Ngày đầy tháng con/ Đầy tháng mẹ/ Ba mâm hương bày ra/ Bảy mâm đèn đặt tới/ Cỗ bàn lao xao khói/ Liền đấy/ Bố Trời cưỡi ngựa hồng/ Mẹ Hoa cưỡi hạc trắng/ Đỗ xuống bờ sông/ Dàn nhạc khèn tấu lên/ Cờ phướn tung bay đón/ Mời bố Trời đặt tên/ Bố Trời cười khà khà/ Khẽ nháy sang mẹ Hoa/ Mẹ Hoa cầm quạt phất/ Bố Trời nói/ Con là một hạt đất/ Mẹ Hoa nói? Không? Con là một hạt người/ Hãy để người đặt tên[18]... Đối với người Tày, mường Trời là nơi ngự trị của các thần linh tối cao, đó là nơi trú ngụ của linh hồn con người sau khi chết. Mường Trời là nơi ngự trị của vua quan, thần phật có quyền năng quyết định mọi vấn đề sinh tử và số mệnh con người, ở đó bao gồm Ngọc Hoàng, Phật Bà Quan Âm, vua Hành Khiển, vua Số và Mẹ Hoa (Mẻ Bioóc/ Mẻ Va). Ngoài ra, ở mường Trời còn có tướng lĩnh dưới quyền Ngọc Hoàng, các nàng tiên, các loài quỷ thần có phép lạ[19]. Xuất phát từ ý niệm đó, Y Phương đã diễn đạt được hình ảnh Bố Trời cưỡi ngựa hồng, Mẹ Hoa cưỡi hạc trăng xuống trần gian gặp gỡ chia vui với gia đình và che chở đứa bé mới chào đời. Hình ảnh ấy hết sức gần gũi và mang đầy tính nhân văn, nhân ái đối với con người nơi trần gian.
Trong tâm thức của người Tày đã và đang tồn tại một hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức đồ sộ, đó là tín ngưỡng vật linh đa thần giáo. Xuất phát từ tín ngưỡng này của người Tày cho nên ý niệm ma quỷ, thần linh đã thực sự chi phối cuộc sống thường nhật của họ. Y Phương viết: “Làng tôi có đến ba bốn ngôi đền thờ Thổ Công xây bằng đá hộc. Mỗi xóm có một ngôi đền trấn giữ ma quỷ. Đằng sau và hai bên tả hữu ngôi đền có năm sáu cây cổ thụ, các vị đều thọ trên trăm năm tuổi. Nương theo tâm linh, những chòm cây cổ thụ, đó chính là hình ảnh các bậc tiền nhân. Các cụ ngôi chơi xơi rượu, đánh cờ”[20]. Trong cách miêu tả của Y Phương đã diễn tả niềm tin của con người vào việc sùng bái Thổ Công – vị thần linh trong làng luôn được người dân thờ ở ngôi đền xây bằng đá hộc; còn ở mỗi xóm lại thờ các thần trấn giữ ma quỷ; những chòm cây cổ thụ là nơi các bậc tiền nhân hiện về…Tất cả đã nói lên được niềm tin vào thế giới siêu nhiên, kỳ bí nhưng cũng rất gần gũi với cộng đồng cư dân ở nơi nhạt muối.
Như vậy, tín ngưỡng ma quỷ, thần linh của người Tày trong văn chương Y Phương hiện lên một cách cụ thể và thực chứng từ những điều mắt thấy tai nghe. Những yếu tố văn hóa tâm linh được Y Phương đề cập đến bao gồm ý niệm và thực hành nghi lễ về ma quỷ, thần linh vốn là những vấn đề cốt yếu của tín ngưỡng này. Do vậy, đọc văn chương Y Phương chúng ta có thể thấy được phần nào hiện trạng thờ cúng ma quỷ, thần linh – một hiện tượng văn hóa tâm linh hết sức đặc thù của người Tày. Có thể nói, mặc dù chưa thể phục dựng được toàn bộ diện mạo và bản chất của tín ngưỡng ma quỷ, thần linh của người Tày, nhưng bằng bút pháp nghệ thuật văn chương hấp dẫn, bằng vốn tri thức hiểu biết cặn kẽ của mình, Y Phương đã dẫn/đưa người đọc trở về quá khứ, trở về với văn hóa “gốc” của người Tày trong các trang viết đầy mê hoặc của ông. Chính vì vậy, đọc những sáng tác văn chương Y Phương, người đọc không chỉ thưởng thức giá trị thẩm mỹ mà loại hình nghệ thuật ngôn từ mang lại, mà ở đó còn chứa đựng những yếu tố văn hóa đặc thù của người Tày – tộc người mà Y Phương đã gắn bó suốt cả cuộc đời.
[1] Y Phương: Tháng Giêng tháng Giêng một vòng dao quắm. Nxb Phụ nữ, H., 2009, tr.47.
[2] Hà Văn Thư, Lã Văn Lô: Văn hóa Tày Nùng. Nxb Văn hóa, H., 1984, tr.19.
[3] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Nxb Hội Nhà văn, H, 2010, tr.77.
[4] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr.77.
[5] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr.114.
[6] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr.81.
[7] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr.78-79.
[8] Hà Văn Thư, Lã Văn Lô: Văn hóa Tày Nùng. Sđd, tr.21.
[9] Y Phương: Tháng Giêng tháng Giêng một vòng dao quắm. Sđd, tr.27, 28.
[10] Hà Văn Thư, Lã Văn Lô: Văn hóa Tày Nùng. Sđd, tr.21.
[11] Y Phương: Tháng Giêng tháng Giêng một vòng dao quắm. Sđd, tr.28.
[12] Y Phương: Đò trăng (trường ca). Nxb Hội Nhà văn, H., 2009, tr. 5-6.
[13] Y Phương: Chín tháng (trường ca), trong Tác phẩm được giải thưởng Nhà nước – Y Phương. Nxb Hội Nhà văn, H., 2014, tr.49.
[14] Y Phương: Đò trăng (trường ca). Sđd, tr 7-14.
[15] Hà Văn Thư, Lã Văn Lô: Văn hóa Tày Nùng. Sđd, tr.19.
[16] Xin xem Nguyễn Thị Yên: Tín ngưỡng dân gian Tày – Nùng. Nxb Khoa học xã hội, H., 2009, tr.52.
[17] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr 131-132.
[18] Y Phương: Chín tháng (trường ca). Sđd, tr.18.
[19] Nguyễn Thị Yên: Tín ngưỡng dân gian Tày – Nùng. Sđd, tr. 53.
[20] Y Phương: Kungfu người Co Xàu. Sđd, tr.151.
Nguyễn Huy Bỉnh – (“Nguồn: In trong cuốn Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 18/4/2016), NXB Hội nhà văn, 2016)”)