Trong đời sống văn học văn nghệ, phê bình là hoạt động không thể thiếu. Có phê bình mới có động lực cho văn hóa, văn nghệ phát triển, có định hướng công chúng trong thưởng thức… Chúng ta đã từng bàn luận sôi nổi về việc thế nào là phê bình chuyên nghiệp, thế nào là phê bình nghiệp dư. Nhưng thiết nghĩ, trước khi động đến chuyên nghiệp với nghiệp dư, cần phải xây dựng, xác định được văn hóa phê bình…
Tại sao nói chuyện văn hóa phê bình ở đây? Bởi vì trên thực tế, có nhiều người đã nhân danh phê bình văn học nghệ thuật để thực hiện những mục đích ngoài văn học nghệ thuật. Phố biến nhất, có thể kể đến dùng phê bình làm công cụ để lăngxê tên tuổi tác giả, tác phẩm, bất chấp tác giả ấy là ai, tác phẩm ấy như thế nào. Cứ miệt mài viết bài bằng những lời lẽ thật to tát, kêu như chuông đồng, khánh bạc, gọi tác giả X, tác giả Y… bằng những mỹ từ thật đao to búa lớn, rải khắp báo chí trong Nam ngoài Bắc, coi như đấy là “hiện tượng đột xuất” của nền văn học nghệ thuật nước nhà, là cứu cánh cho đời sống văn nghệ đang vô cùng buồn tẻ… Công chúng thật thà sẽ thấy “choáng”. Nhưng sau cơn choáng ban đầu ấy, nếu còn đủ bình tâm và lý trí, tìm kiếm tác phẩm về nghiên cứu thì lại đến cơn choáng thứ hai là cơn choáng của sự thất vọng. Không thấy trong cái tác phẩm được khiêng vác, được thổi phồng lên đến tận giời xanh ấy có tí phẩm chất gì mà các nhà phê bình đã rêu rao. Nhưng có sao. Các nhà phê bình đã làm được một việc là hâm nóng tên tuổi một ai đó trong một thời gian (dẫu có ngắn ngủi) và còn lừa được một số công chúng cả tin mua sách, mua băng đĩa, đi xem phim, đi xem ca nhạc… vv… dù cho công chúng tử tế sau khi biết mình bị lừa có hậm hực thế nào đi chăng nữa, thì việc làm của họ vẫn cứ là… thành công.
Tôi có người bạn là giảng viên một trường đại học tâm sự rằng: Đọc báo chí nhiều, cứ thấy giới thiệu sách hay là chị đâm bổ đi mua về nghiềm ngẫm. Nhưng càng nghiền ngẫm càng thấy… hoang mang, vì hình như mình… ngu quá thì phải. Có những tập sách mà các nhà phê bình ca ngợi hết lời thì chị thấy nó chả có gì đáng nói, thậm chí nhạt hoét. Đọc ngược đọc xuôi vẫn không tìm thấy những phẩm chất được rêu rao đầy trên mặt báo nó nằm chỗ nào trong sách. Dần dần chị rút ra kinh nghiệm, tốt nhất không đọc các bài phê bình, giới thiệu sách trước khi đọc sách, vì nó sẽ làm “loạn thông tin”, “loạn định hướng”, “loạn cảm nhận” của mình. Trong giới văn nghệ sĩ thì không lạ những “chiêu” dùng phê bình để lăngxê nhau. Nguyên nhân thì vô vàn. Thân thiết với nhau. Cả nể nhau. Trả ơn nhau. Cùng cánh hẩu với nhau… Gần đây lại còn xuất hiện thêm thuật ngữ “khen cho nó chết”. Hóa ra khi ghét nhau cũng khen. Để cho công chúng “chửi” mới … khách quan, chứ người viết phê bình mà “chửi” thì có khi công chúng lại… không tin. Khi muốn lăngxê thì “chửi”, thì mạt sát hết lời, thì nêu đủ các vụ xìcăngđan có hoặc không có, còn khi muốn dìm thì lại phải tìm cách khen cho thật… đểu. Đúng là đời sống phê bình phong phú quá đi mất!
Đấy là chuyện khen, còn chuyện chê thì… tinh vi hơn nhiều. Người mượn phê bình để chửi người khác cũng không thiếu. Trong bài phê bình, lẽ ra cần phải tập trung vào tác phẩm với những nét đặc sắc hoặc những hạn chế của nó, thì người viết lại sẵn sàng kể lể đủ thứ chuyện liên quan đến “khổ chủ” mà không liên quan tí gì đến tác phẩm vào bài viết của mình. Rồi thì bình luận loạn xà ngầu. Rồi thì làm ra vẻ vô tình nhắc đến một số những chi tiết đời tư mà người ta muốn giấu hoặc chí ít cũng không có nhu cầu bê lên cho thiên hạ khắp nơi cùng biết. Rồi thì bài viết đi, bài viết lại, người hùa vào, người phê phán, kẻ tung, người hứng, loanh quanh kéo nhau đến tận bờ vực của sự chửi rủa tay đôi hoặc tập thể nhằm vào đời tư chứ không nhằm vào tác phẩm. Cái sự “chửi” nhau công khai trên mặt báo, “chửi” nhau bằng văn hóa ấy làm phiền lòng độc giả rất nhiều. Cho nên, văn hóa phê bình hay phê bình một cách có văn hóa là phải gạt bỏ hết những động cơ cá nhân định “dìm chết” ai đó, định “chửi mát, chửi đổng, chửi vỗ mặt” người nào đó hay tâng bốc, đánh bóng tên tuổi vô tội vạ một ai đó. Có thế, phê bình mới làm đúng chức năng của mình.
Còn văn hóa tiếp nhận phê bình thì sao? Với những nhà phê bình (mạn phép được gọi những người làm phê bình cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp đều là những nhà phê bình) chân chính, cái “đáng sợ” nhất chưa phải là sự săm soi của công chúng xem mình phê bình thế nào, có đủ tài, đủ tâm, đủ tầm không mà cái “đáng sợ” nhất lại chính là các “khổ chủ” được phê bình. Họ là nhà văn, là nhà thơ, là họa sĩ, là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn… Cứ hễ động đến “sản phẩm” của họ là coi chừng. Có một luật bất thành văn như thế này (âu cũng là tâm lý thông thường của con người): khen thì không sao, kể cả cái khen ấy có… quá lời đi chăng nữa; chứ chê thì cứ… liệu chừng. Một là nhếch môi khinh bỉ: “Cái thằng, cái con (các nhà phê bình trở thành thằng, thành con hết) ấy ngu thật đấy, có mắt như mù, không nhìn thấy cái hay, cái đẹp của mình”. Hai là viết bài “phản pháo” lại (cái này hơi hiếm hoi). Ba là “mài sắc ý chí căm thù”, hễ có dịp là “trả thù”. Mà cách “trả thù” cũng muôn hình vạn trạng. Nói xấu nhau, “dìm hàng” nhau, tuyệt giao với nhau (nếu trước khi có bài phê bình, hai bên quen biết)…vv và vv. Cho nên không ít nhà phê bình cứ cầm bút lên lại đặt bút xuống.
Khi viết bài thì cũng phải uốn ngòi bút mãi, sao cho nó tròn trịa, khen là chính, chê in ít thôi, mà chủ yếu là chê những thứ nhẹ nhàng. Cao thủ nhất là chê sao có vẻ như chê mà chính ra lại là… khen, như thế sẽ đôi bên cùng được việc, chẳng phương hại đến ai, có chăng là nền phê bình nước nhà chịu thiệt, vì sẽ không có những bài phê bình trung thực, ra tấm ra món. Có nhà phê bình tâm sự, vì có bài viết trót chê tiểu thuyết của một tác giả, nên đã bị tác giả ấy “trả đũa” bằng cách trong một buổi gặp mặt đông đủ các bạn văn, ông nhà văn đáng kính có tiểu thuyết bị chê ấy đã trịnh trọng tặng sách khắp lượt mọi người đứng đó, trừ người viết bài phê bình ấy ra (mặc dù cũng quen biết nhau) với lời khinh khỉnh: “Ông ấy còn bêu cuốn của tôi trên báo!”. Lại có một cây bút phê bình trẻ khóc nức nở khi một ông tác giả bị cô viết bài chê một vài chi tiết trong tác phẩm đã bắn tiếng với tất cả mọi người quen biết rằng “Cái con ranh ấy thế mà láo, láo quá! Nhưng tôi không thèm chấp!” (Không chấp mà lại chửi toáng lên như thế?). Cô bảo, có lẽ cạch đến già cô không mon men thò bút viết phê bình nữa. Khen chê một tác phẩm mới ra đời thì có gì là “láo quá”? Cô thấy hay thì bảo là hay, thấy chỗ dở thì nói là dở… Tôi nghiệm ra, cái lỗi của cô là trung thực quá. Ai bảo dám viết bài chê “tiền bối”, lại còn thật thà ký nguyên tên tuổi trong bài viết. Sao không lấy bút danh? Cô bảo: “Viết phê bình chứ có đi ám sát ai đâu mà phải dùng bài ném đá giấu tay như thế?”. Không biết là với cách tiếp nhận phê bình theo kiểu “ai khen ta là tri kỷ của ta, ai chê ta là kẻ thù của ta”, “ai khen ta là người sáng suốt, kẻ nào chê ta kẻ ấy ngu”, thì các văn nghệ sĩ nước nhà đã “tiêu diệt” được bao nhiêu nhà phê bình? Nhất là những người như cô bạn trẻ tuổi của tôi, sau khi bị chửi là “láo” đã gạt nước mắt bảo rằng không viết phê bình nữa.
Người ta bảo: Làm phê bình là phải có bản lĩnh. Nhưng bản lĩnh gì thì bản lĩnh, tiền nong dành cho phê bình đã không rủng rỉnh, lại yêu cầu người viết phải có bản lĩnh nghe chửi thì tôi ngờ rằng khó lắm thay! Hơi đâu cái hơi ngồi đọc tác phẩm, xem tác phẩm toét cả mắt, dồn tâm huyết, năng lực viết bài, rồi thấp thỏm ngồi nghe… chửi. Các ông bà nhà thơ nhà văn dồn tâm huyết viết ra tác phẩm, bị chê một câu đã chửi om lên, thì cái tác phẩm của nhà phê bình bị chửi như thế, hỏi người viết phê bình còn đủ nhiệt tình không?
Tôi không nghĩ tất cả mọi nhà phê bình đều đúng, tất cả các bài viết, các công trình phê bình đều đúng trăm phần trăm, nhất là đối với lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Hay hoặc dở, xuất sắc hay không nhiều khi còn phụ thuộc vào cái “gu” của từng đối tượng tiếp nhận. Thế nhưng, trong tiếp nhận phê bình dứt khoát phải có văn hóa – văn hóa tiếp nhận và văn hóa ứng xử. Thái độ bình tĩnh và trân trọng rất cần thiết. Cánh cửa khoa học không khép đối với bất kỳ ai. Nếu cần, người bị phê bình có thể trao đổi lại một cách thấu đáo đối với người phê bình chứ không phải là chửi rủa hay thù hằn. Nhiều khi, chính tác phẩm chưa kịp nói lên điều gì, nhưng những hành xử bên lề của giới văn nghệ sĩ lại bộc lộ rất nhiều về cái “gia tài văn hóa” mà họ đang có trong tay
N.T.V.N
Nguồn: văn nghệ công an