Phần dẫn luận:

Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hoá đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố, hay chính xác hơn là ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mục đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Để hiểu sâu hơn về văn hoá đọc, chúng ta sẽ đi sâu vào từng nghĩa rộng và hẹp của khái niệm. Văn hoá đọc ở nghĩa rộng là ứng xử, giá trị và chuẩn mục đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội.

Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc (thông qua các loại cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là người đọc, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ.

Đó là chính sách, đường lối phát triển nền công nghiệp sách (từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách đến tay người đọc) có chất lượng cao, giá cả hợp lý, hợp với túi tiền của mọi người dân và phân phối rộng khắp trên toàn quốc, với các hình thức, biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đọc phong phú, đa dạng và hiện đại

Ứng xử, giá trị và chuẩn mục đọc của cộng đồng xã hội là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan tới đọc như: Hội tác gia, Hội nhà báo, Hội xuất bản, Hội thư viện… Tất nhiên các hội này phải hoạt động với mục đích chính là phát triển nghề nghiệp. Ứng xử đọc của cộng đồng xã hội còn phải kể tới truyền thống văn hoá của xã hội hay nói chính xác hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức (kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc). Ở đây không thể không kể tới những hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức văn hoá xã hội khác nhằm phát triển văn hoá đọc như: hoạt động của Hội phụ nữ, Hội thanh niên… tổ chức thi đọc sách, thi tìm hiểu một vấn đề nào đó thông qua tìm hiểu sách báo.

Ứng xử, giá trị và chuẩn mục đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người. Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Trong suốt quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản.

Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân), ví dụ: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách phổ biên khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật … Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu mầu sắc cho nền văn hoá đọc trong xã hội.

Nếu xét văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc, cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ.

Nhưng đôi khi người ta nói văn hoá đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa là kỹ năng đọc của họ. Điều đó nói lên tầm quan trọng của kỹ năng đọc của mỗi cá nhân. Và chính khái niệm này cũng là một khái niệm đang phát triển và có nội dung hết sức phong phú.

Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Các thao tác tư duy đó là:

  1. Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí…).
  2. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục và mục lục thư viện, các nguồn tra cứu như: bách khoa thư, từ điển giải nghĩa, các loại sổ tay, cẩm nang… và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên Internet).
  3. Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp).
  4. Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, kể cả vệ sinh khi đọc tài liệu như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc,v…v…
  5. Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp…
  6. Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.

Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung  cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Ngày nay người ta đặc biệt lưu tâm tới yếu tố thứ 6: biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ. Không phải vô cớ mà hàng năm UNESCO trao giải thưởng xoá mù chữ cho những cá nhân, tập thể không chỉ biết đọc biết viết đơn thuần, mà phải biết vận dụng những điều đọc được vào cuộc sống của chính họ, cải thiện được cuộc sống nghèo khổ của người mù chữ.

Ngày nay người ta phân biệt tất cả các tri thức nhân loại tích luỹ được thành hai loại tri thức là tri thức nội dung (content knowledge) và tri thức chức năng (function knowledge), đôi khi người ta còn gọi là siêu tri thức (metaknowledge). Tri thức nội dung được hiểu như  khái niệm A là gì hoặc vấn đề B là gì. Còn tri thức chức năng là cách thức đi tìm khái niệm A, vấn đề B từ dễ đến khó ở đâu? trong loại sách nào? hoặc ở nhà khoa học nào?

Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, không ai có thể nắm được hết các loại khái niệm, các loại vấn đề, cho nên người ta rất coi trọng loại tri thức chức năng, loại tri thức tìm các khái niệm, vấn đề ở đâu, trong loại sách nào, ở nhà khoa học nào là quan trọng, quan trọng hơn tri thức nội dung. Nắm được tri thức chức năng là một phẩm chất của kỹ năng đọc. Xác định hướng tìm tài liệu cần đọc cho bản thân là một nội dung của kỹ năng đọc. Giáo dục tri thức chức năng là cực kỳ quan trọng. Ai cũng nắm được tri thức chức năng là họ có khả năng đi tới biết mọi tri thức nội dung khi cần thiết. Chính vì vậy có người đã gọi đó là siêu tri thức.

Như vậy, ở nghĩa rộng văn hoá đọc, hay nói nền văn hoá đọc của mỗi quốc gia phải bao gồm đầy đủ ba thành phần: ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội. Ở các quốc gia phát triển có nền văn hoá đọc cao họ đều phát triển khá đồng đều và hài hoà ba thành phần này.

Nếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước là lành mạnh, có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thân thiện cho mọi người dân dễ dàng tiếp cận với sách báo (tài liệu đọc) có chất lượng cao, nhưng thiếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của cộng đồng xã hội, của mọi người dân, cũng không thể tạo ra được một nền văn hoá đọc phát triển. Ngược lại ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mọi thành viên trong xã hội là lành mạnh, nhưng ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước không lành mạnh, cũng không thể có một nền văn hoá đọc phát triển. Thậm chí còn có nguy cơ làm suy thoái ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các thành viên trong xã hội và cộng đồng xã hội.

Mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội, nhưng yếu tố quan trong và quyết định đi được đến đích cuối cùng đó chính là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các quan chức và cơ quan quản lý nhà nước. Yếu tố tạo ra môi truờng thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận tài liệu đọc chất lượng cao, môi trường tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức (kể cả hướng dẫn và giáo dục mọi người dân có ứng xử đọc lành mạnh), tôn vinh các bậc cha mẹ đọc cho con cái nghe, chủ động giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân là yếu tố quyết định thành bại của quá trình phát triển nền văn hoá đọc của mỗi quốc gia.

Những mặt tích cực của việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam:

Ở nước ta trong mấy chục năm qua, văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện ở những con số sau đây: trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm được khoảng chưa đầy 4.000 tên sách, ngày nay hàng năm xuất bản khoảng  xấp xỉ 25.000 tên sách, tăng gấp 6 lần, gần đây tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 400 tên báo, tạp chí, nhiều báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới 500.000 bản.

Hoặc trước năm 1975, hệ thống thư viện công cộng mới chỉ được phát triển rộng khắp trên các tỉnh miền Bắc và vươn tới gần hết các huyện. Còn ở miền Nam, hệ thống thư viện công cộng hầu như chưa được phát triển, thư viện công cộng mới chỉ có ở một số thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt… Ngày nay hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, khắp từ Bắc tới Nam, bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã. Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Qui mô của các thư viện tỉnh và huyện ngày càng được mở rộng về số lượng bản sách, nhân viên phục vụ, trụ sở thư viện và kinh phí hoạt động… Các thư viện tỉnh đang trong giai đoạn tự động hoá, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước… Ở đây chúng tôi chưa kể tới các hệ thống thư viện khác như: thư viện trường phổ thông, thư viện trường đại học, thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện quân đội… có mặt tại hầu khắp các cơ quan chủ quản. Trong nhiều năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã cho thấy sự xuất hiện hay đúng hơn là sự phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập rất có giá trị và phong phú, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Trong hơn mười năm qua đã xuất hiện trong đời sống xã hội chúng ta những điểm bưu điện văn hoá xã, những điểm đọc báo tạp chí mới trên nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Tuy nhiên tài liệu đọc còn nghèo nàn, phục vụ đọc chưa chuyên nghiệp. Và không thể không kể tới sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội chúng ta trong mười năm qua, đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, với một lượng thông tin, tri thức khổng lồ. Tốc độ phát triển thuê bao trường truyền Internet và tỷ lệ dân chúng sử dụng Internet của chúng ta đạt một tỷ lệ cao so với khu vực châu Á.

Trên đây chúng tôi chưa kể tới các loại của hàng sách đã phát triển rất nhanh trong mấy năm qua, đặc biệt ở các thành phố lớn. Nhiều nhà sách với chuỗi cửa hàng bán sách ra đời, các cửa hàng bán sách theo chuyên đề cũng mọc lên rất nhiều, các siêu thị sách… Cho đến nay chúng ta đã có 12.000 cửa hàng sách và nhà sách tư nhân.

Trong nhiều năm trở lại đây xuất hiện một loạt tạp chí với mục đích giới thiệu, hướng dẫn đọc như: Tạp chí Xuất bản Việt Nam, Người đọc sách, Sách và Đời sống của cơ quan quản lý nhà nước, của hội nghề nghiệp và của nhà xuất bản lớn cho công chúng rộng rãi.  Đồng thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, đài truyền thanh, các báo hàng ngày, báo tuần, tạp chí cũng có giới thiệu, hướng dẫn đọc thường xuyên hơn trước đây. Các Hội chợ sách trong nước và quốc tế, phố sách cũng đã được tổ chức ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách mới xuất bản.

Hệ thống thư viện công cộng, nhất là các thư viện tỉnh đã tổ chức thường xuyên các cuộc thi kể chuyện sách thiếu nhi trong các dịp hè nhằm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách và phần nào giáo dục kỹ năng đọc sách cho thiếu nhi…

Hạn chế của việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam:

Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng phải thừa nhận nền văn hoá đọc của Việt Nam còn có những mặt hạn chế nhất định như chưa: hình thành được một chiến lược phát triển văn hoá đọc và các kế hoạch phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hoá đọc, mặc dù mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ vạch ra rất rõ ràng là xây dựng một xã hội học tập, một xã hội ham đọc.

Sự phân bố tài liệu đọc giữa thành thị và nông thôn mất cân đối: hệ thống thư viện công cộng mới phủ kín tỉnh và huyện, còn vùng nông thôn rộng lớn là xã, thôn mới chỉ phát triển rất ít và nghèo nàn về nội dung; sách và báo-tạp chí xuất bản được tiêu thụ chủ yếu mới chỉ ở các thành phố lớn, tỉnh lỵ và huyện lỵ. Công tác xuất bản có xu hướng cho ra đời các bộ sách dày trên nhiều lĩnh vực, thực chất chỉ nhằm vào những người đọc có thu nhập cao trong xã hội… Tuy số lượng sách hàng năm đã đạt khoảng 26.000 tên, nhưng có tới 80% là sách giáo khoa giáo trình.

Chúng ta cũng chưa có một tổ chức nào, một hoạt động xã hội nào xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Hoặc số lượng tên sách được xuất bản hàng năm đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng chất lượng sách không được phát triển phù hợp, có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, thiếu định hướng rõ rệt trên hai bình diện nâng cao và phổ cập kiến thức, cho nên hiệu quả chưa cao và giá sách còn cao so với thu nhập trung bình của người dân. Chúng ta chưa hình thành được các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên qui mô quốc gia cũng như trên phạm vi khu vực hoặc tỉnh… Công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc chưa được thực hiện thường xuyên liên tục và có định hướng. Ngay ở những cơ quan có chức năng hướng dẫn dân chúng đọc như hệ thống thư viện công cộng, cơ quan phát hành sách, phương tiện truyền thông đại chúng… cũng được thực hiện chưa thường xuyên, chưa hấp dẫn và đa dạng… Các tạp chí giới thiệu, hướng dẫn đọc tuy xuất bản nhiều nhưng chưa đến được công chúng rộng rãi. Các hội chợ sách chưa được tổ chức định kỳ thường xuyên và cũng mới chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh… Trong khi đó nền kinh tế của chúng ta đang phát triển với tốc độ khá cao làm cho thời gian nhàn rỗi của người dân dành cho đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch… lấn lướt co hẹp lại, làm suy thoái thói quen đọc của công chúng. Chúng ta chưa có những cuộc điều tra xã hội học cơ bản trên qui mô lớn để xác định tình trạng này ở mức độ nào, có đúng như vậy không và tìm biện pháp khắc phục, xây dựng một xã hội ham đọc. Đó phải là những giải pháp liên ngành, hợp lực của các ngành các giới trong xã hội… Ở các nước trong khu vực như Malaixia họ đã tiến hành nghiên cứu đọc trên qui mô quốc gia thường xuyên trên 20 năm nay.

Giải pháp khắc phục:

Từ những nhận định khái quát và sơ lược như trên và để thực hiện chủ trương xây dựng một xã hội học tập (xã hội đọc), chúng tôi xin có một số ý kiến như sau nhằm phát triển nền văn hoá đọc Việt Nam:

1. Thành lập một Uỷ ban Quốc gia phát triển văn hoá đọc Việt Nam. Uỷ ban bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội: như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội khoa học kỹ thuật, Hội nông dân Việt Nam …)… Uỷ ban trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách.

Uỷ ban có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản nền văn hoá đọc Việt Nam, xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển văn hoá đọc và tổ chức, đôn đốc, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, hội… liên quan tới đọc theo chiến lược và kế hoạch đã được nhà nước thông qua…  Uỷ ban cũng có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho các cơ quan nhà nước cao nhất khi đưa ra các văn bản pháp luật liên quan tới phát triển văn hoá đọc.  2. Tổ chức tháng đọc quốc gia vào tháng 8 hàng năm (thời gian này học sinh, sinh viên đang được nghỉ hè). Mục đích nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong dân chúng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên – tương lai của đất nước và tôn vinh những người viết sách, những người đọc sách và cha mẹ đọc cho con cái nghe.  Đi kèm theo tháng đọc sách là tổ chức các Hội chợ sách không chỉ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà tổ chức trên 64 tỉnh trong cả nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với sách mới.

Tổ chức tuyên truyền giới thiệu, hướng dẫn đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, truyền thanh, báo chí (kể cả các tạp chí chuyên giới thiệu, hướng dẫn đọc) được thường xuyên, định kỳ, có hệ thống và nhằm vào từng người đọc xác định, áp dụng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

Tổ chức các cuộc thi đọc sách trên qui mô quốc gia gắn liền với hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân…

Có chính sách ưu đãi để phổ cập Internet (với tư cách một kho tri thức khổng lồ của thế giới) trong dân chúng.

3. Xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ ở các trường đại học mà còn tổ chức giảng dạy cho trẻ em ngay khi cắp sách tới trường cho tới bậc đại học. Tinh thần chủ đạo là đọc có phê phán và sáng tạo.

4. Xây dựng một đội ngũ những nhà viết sách có chất lượng cao trên hai loại sách: sách nghiên cứu và sách phổ cập thuộc mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, kinh tế, tôn giáo…, nhưng trước hết ưu tiên phát triển các lãnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội đặc thù Việt Nam nhằm phát triển tri thức Việt Nam và nâng cao dân trí ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đồng thời có chế độ ưu đãi đối với họ nhằm có được những cuốn sách có chất lượng cao và được xuất bản với giá cả hợp với túi tiền của công chúng.

Chọn lọc có hệ thống các tác phẩm tiêu biểu về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, kinh tế, y học của thế giới để dịch sang Việt ngữ.

5. Xây dựng một đội ngũ các nhà viết sách cho thanh thiếu niên có chất lượng cao. Đồng thời có chế độ ưu đãi đối với họ để có được những những cuốn sách thanh thiêu niên được xuất bản đẹp và giá rẻ.

Nhà nước cần có chính sách trợ giá cho các loại sách viết cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những thiếu niên nghèo, thiếu niên sống ở vùng sâu vùng xa. Khuyến khích (có hình thức khen thưởng, tôn vinh) cha mẹ đọc cho con cái nghe (đặc biệt là các truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới) thường xuyên tại gia đình, đặc biệt là các trẻ em ở độ tuổi trước khi đến trường và mới tới trường. Vì đọc là nền tảng của phát triển, phát triển cá nhân và phát triển cộng đồng. Đọc cũng là sự sống còn của nền văn minh. Nhưng tiếc rằng cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tính ham đọc có thể di truyền được. Thế hệ trước đọc cho thế hệ sau nghe trong giai đoạn tuổi ấu thơ nhằm duy trì thói quen đọc từ đời này sang đời khác.

6. Hàng năm trao các giải thưởng sách cho các tác giả viết sách, hoạ sĩ trình bày, nhà in có sách được xuất bản trong năm đạt trình độ cao về nội dung và hình thức thuộc mọi lãnh vực tri thức ở hai trình độ nghiên cứu và phổ cập, kể cả sách dịch đạt chất lượng cao.

7. Nhà nước đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện phổ thông (cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi công dân), thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN, nhằm thu hút dân chúng sử dụng hệ thống thư viện công cộng đạt một tỷ lệ nhất định ngang tầm các nước tiên tiến, đảm bảo cho các em học sinh được sử dụng thư viện trường học như một công cụ học tập có hiệu quả và quan trọng hơn là xây dựng thói quen đọc và giáo dục kỹ năng đọc, kỹ năng khai thác tri thức trong thư viện cho thanh thiếu niên, kể cả khai thác tri thức trong môi trường điện tử.

Nhiều quốc gia đã coi đầu tư  xây dựng hệ thống thư viện trường học hiện đại và nuôi dưỡng nó hoạt động thường xuyên có hiệu quả là đầu tư cho tương lai của quốc gia, cho sự phát triển bền vững của xã hội.

8. Tổ chức tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hoá đọc.

Kết quả của các cuộc điều tra xã hội học trên qui mô quốc gia nhằm xác định thực trạng dân chúng đang đọc như thế nào. Bao nhiêu phần trăm dân chúng có  thư viện cá nhân. Họ có mua sách không? và mua bao nhiêu cuốn sách trong một năm ở những gia đình có thu nhập thấp, ở những gia đình có thu nhập trung bình và ở những gia đình có thu nhập cao. Họ sử dụng thư viện công cộng và các hệ thống thư viện khác như thế nào (bao nhiêu phần trăm trong dân chúng). Ai là người giới thiệu sách cho họ đọc (nhân viên thư viện, người bán sách, bạn bè, cha mẹ, thầy cô giáo…). Trong mỗi gia đình có đọc to nghe chung không, cha mẹ có đọc cho con cái nghe không?..

Tổ chức, đưa vào hoạt động và nuôi dưỡng một Trung tâm nghiên cứu về đọc ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, để tiếp thu các thành tựu nghiên cứu đọc thế giới (hiện nay rất phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng) và phát triển nghiên cứu đọc ở Việt Nam (các thành tựu nghiên cứu và truyền thống đọc của cha ông xưa và đọc ở Việt Nam hiện nay), gia nhập và tham gia vào các hoạt động Hội Đọc Quốc tế (The International Reading Association-IRA).

9. Khuyến khích và phát triển các hội nghề nghiệp liên quan tới đọc như Hội Tác gia, Hội Xuất bản, Hội Thư viện, Hội Thông tin tư liệu…

10. Khuyến khích các nhà kinh doanh thành đạt tài trợ cho các hoạt động phát triển văn hoá đọc như  in sách phổ cập, trao giải thưởng sách hàng năm, thi đọc sách, cung cấp sách cho các trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, tổ chức Ngày đọc sách thế giới (23/4 hàng năm), tôn vinh các bậc cha mẹ đọc cho con nghe, tôn vinh những người tự học thành đạt..

Tóm lại:

Chúng ta chỉ có thể phát triển nền văn hoá đọc Việt Nam hiện đại, xây dựng một xã hội ham đọc, để đáp ứng với xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững, có thể xứng ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, khi phát triển đồng loạt nhiều lãnh vực khác nhau liên quan tới đọc.

Tài liệu tham khảo chính

  1. Langan, John.- Ten steps to building college reading skills: Form A: Course.-2nd. ed. .- Martol: Townsend press, 1994.
  2. McWhorter, Kathleen T.- Efficient and Flexible Reading: Fìth Edition.- New York: Logman, 1998.
  3. Thư viện Việt Nam số 2/2006.
  4. Từ điển thuật ngữ xuất bản, in, phát hành sách, thư viện và bản quyền.- H: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2002.

——————————–

Nguyễn Hữu Viêm