Nhân tuần lễ phát động PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ, thực hiện Chương trình HỌC TẬP SUỐT ĐỜI của Bộ Giáo dục, tonvinhvanhoadoc.vn đưa lại bản tham luận này của nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ
I/ Thực trạng
1. Số lượng sách in ra quá thấp so với dân số
Qua khảo sát thực tế, bình quân mỗi đầu sách hiện nay in tại Việt Nam (qua việc xin cấp phép và phần ghi ở xi-nhê) chỉ khoảng từ 1000 cuốn (sách văn học) đến 3000 cuốn (sách đời sống, cẩm nang…). Một con số quá thấp so với dân số cả nước.
Chiểu theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản thì nếu chia lượng sách phát hành mỗi năm ra, bình quân một người Việt Nam được đọc 2,8 cuốn sách.
(Con số được chốt tại Hội nghị Xuất bản 19.3.2009 tại Cần Thơ: trong năm 2008, toàn ngành đã xuất bản được trên 25.000 cuốn sách với gần 280 triệu bản sách. Các đầu sách xuất bản đủ thể loại từ chính trị, pháp luật, tôn giáo, kinh tế, nghệ thuật, văn hóa… đến sách giáo khoa. Trong đó lại là sách giáo khoa bậc phổ thông chiếm số lượng lớn nhất với gần 95 triệu bản, chiếm 36% số sách toàn ngành).
2. Sách văn học không còn ở vị trí số một
Thăm dò do báo Lao động tiến hành gần đây: Không kể sách chuyên ngành (62% sinh viên có đọc) loại sách được đọc nhiều nhất là… truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).
Khi nói đến sách, người ta thường nghĩ đến sách văn học. Từ cổ chí kim, trong lịch sử phát triển của loài người, sách văn học luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, không thể phủ nhận vai trò của thơ ca, với những áng thơ văn bất hủ. Mỗi người Việt Nam đều ẩn chứa trong tâm hồn mình là một nhà thơ. Chỉ nhìn vào 7 lần Ngày hội Thơ Việt Nam diễn ra 7 năm gần đây do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám(rằm nguyên tiêu hàng năm), người ta cũng phải thừa nhận: người Việt Nam còn rất yêu và trọng thơ.
Nhưng một nghịch lý với việc người Việt Nam yêu thơ và trọng thơ, rằng: thời đại ngày nay, văn chương không phải là loại sách được quan tâm nhất. Và sách thơ là loại sách duy nhất rất khó phát hành ra thị trường.
3. Chạy theo giá trị ảo
Việc đọc của nhiều tầng lớp độc giả, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi hiện nay đang rất khập khiễng và chệch hướng.
Không kể đến những cuốn sách người ta cần sưu tầm để nghiên cứu và tra cứu. Độc giả hiện nay tìn vào những cuốn sách được quảng cáo liên tục trên các phương tiện truyền thông. Không biết phía sau sự quảng cáo này nhiều khi chỉ là do sự năng động cần phải có của những nhà làm sách. Rồi những cuốn bị nhà chức trách chú ý tới, bị nhắc nhở, thu hồi hoặc cấm phát hành, ngay lập tức luồng thông tin truyền miệng đã kéo khá nhiều độc giả vào cuộc tìm kiếm cuốn sách đó, và hệ lụy là tạo cơ hội cho sách lậu ra đời.
Công nghệ thông tin phát triển. Những tác phẩm văn học và đời sống xã hội do nhiều đối tượng viết được tung lên mạng. Nhiều tác phẩm cũng đáp ứng được thị hiếu tò mò, thích lạ của độc giả. Nhất là giới trẻ. Trào lưu sáng tác theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa ồ ạt tấn công nền tảng vứng chắc của nền văn hóa truyền thống. Dẫn đến việc người đọc thì thỏa mãn với những tác phẩm hời hợt, người viết thì ảo tưởng về khả năng viết ra một tác phẩm đích thực. Nhiều trường hợp tác phẩm viết nông cạn được tung lên mạng để quảng cáo, sau đó in thành sách và đã bán rất chạy trên thị trường.
4. Thư viện
Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố đều có Thư viện.
Nhưng hầu như các độc giả ở những tỉnh xa rất thiệt thòi, không được biết đến những cuốn sách đang được đón đọc, đang hot, hoặc những cuốn văn học cổ điển, văn học hiện đại trong nước cũng như thế giới.
Từ đó dẫn đến những lệch lạc trong Văn hoá Đọc.
Tại Thư viện quốc gia, nơi lúc nào cũng kín người, nơi có thể hy vọng đến tương lai phát triển của văn hóa đọc, thay vì trang trí lên tường những gì tốt nhất cho một chốn đọc sách lý tưởng, người ta đã phải treo những dòng chữ: “Không vứt kẹo cao su ra sàn nhà”, “Đề nghị không nói chuyện riêng”, “Không hút thuốc lá trong phòng”… và buồn hơn nữa là “Không xé cắt tài liệu trong thư viện”. Điều này phản ánh những thói quen xấu của lớp người đọc trẻ tuổi, lớp người có thể làm trụ cột cho văn hóa đọc của đất nước.
5. Những người đọc sách là ai?
Theo chủ quan cá nhân, những người hiện nay cần phải đọc sách nhất là tầng lớp học sinh sinh viên và các nhà quản lý trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị.
Nhưng học sinh sinh viên thì không biết cách đọc sách. Còn các nhà quản lý thì quá bận để có thể ngó ngàng đến sách. Các bà nội trợ thích văn hóa nghe nhìn hơn. Người lao động bao gồm cả công nhân và nông dân, người làm thuê… chuyện đọc sách không phải là nhu cầu bức thiết như việc lo cơm áo gạo tiền.
II/ Nguyên nhân
1. Đọc sách chưa phải là phong trào của toàn dân
Quan điểm xưa ông cha để lại cho mọi thế hệ là “lập thân tối hạ kỵ văn chương”. Điều này phản ánh 2 vấn đề: thứ nhất, ở mọi thời, văn nhân đều thanh bần; thứ hai, khuyến cáo rằng, chớ coi văn chương như một thứ tạo lập danh vọng, văn chương là một nghiệp không dễ dàng, không phải người bình thường nào cũng có thể chọn lựa.
Giáo sư Chu Hảo khẳng định trong một bài viết phản ánh nền văn hóa đọc còn yếu kém của Việt Nam rằng:
“Bảo rằng từ ngàn xưa người Việt ta đã mê đọc sách có lẽ chưa đủ thuyết phục. Bởi lẽ hàng mấy nghìn năm, suốt từ khi lập quốc cho đến thế kỷ 19, chữ viết của nước ta là chữ Hán (dù sau này có thêm chữ Nôm, nhưng biết chữ Hán mới học được chữ Nôm). Có mấy cụ được học chữ Hán? Rất ít! Mà biết chữ Hán chủ yếu cũng là để ra làm quan chứ không phải để viết sách mà viết cho ai đọc ngoài mấy ông quan?
Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 chúng ta bắt đầu dùng chữ quốc ngữ, dễ đọc và cũng dễ viết. Nhưng cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì hơn 90% dân ta vẫn mù chữ. Một dân tộc như vậy không thể là một dân tộc ham đọc sách. May thay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới: cùng với việc giành được độc lập dân tộc, “Diệt giặc dốt” đã được đặt ngang hàng với “Diệt giặc đói”.
Chỉ vài năm sau cách mạng thành công, từ đa số không biết chữ ở nước ta đã có đa số người biết đọc biết viết. Lẽ ra thì văn hoá đọc của chúng ta đã nhanh chóng phát triển từ đây. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc đã kéo dài hơn 30 năm làm cho việc làm ra sách và đọc sách gặp muôn vàn khó khăn.
Phải công bằng mà nói rằng ngay trong chiến tranh, đặc biệt là thời chống Mỹ cứu nước, có nhiều người vẫn ham đọc sách; nhưng chưa thể nói đó là phong trào của toàn dân”.
2. Văn hóa phản ánh nền kinh tế
Không có tiền mua sách hay. Những cuốn sách giá trị in ra không nhiều mà giá bìa cao, nên việc các Thư viện tuyến tỉnh, huyện… nhập được những sách hay là không thể.
Hầu hết tại các Thư viện tỉnh, huyện… đều chỉ nhập những loại sách rẻ tiền (do không có đủ kinh phí, nghĩa là chỉ đặt mua được những cuốn dưới 50.000đ), hoặc nhập những loại sách theo xu hướng giải trí nhất thời như truyện tranh của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc; các loại truyện chưởng, trinh thám, các tập truyện của các tác giả do quen biết mà nhập được vào luồng thư viện… Nhiều cuốn trong số này là loại sách không bán được trên thị trường sách.
Người làm công tác thư viện không có đủ kiến thức cho việc kiếm tìm sách, hướng dẫn người đọc, thậm chí không coi trọng sách và không biết mấy về các nhà văn và những người viết sách.
Người ta hiểu câu “lập thân tối hạ kỵ văn chương” theo nghĩa: sách là món xa xỉ phẩm, cũng như nhà văn là hạng người lập dị, nghèo đói khổ sở.
3. Văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn
Văn hóa nghe nhìn phát triển. Và đã lấn lướt văn hóa đọc.
Tuy nhiên, đó cũng là do sự nhầm tưởng của chính độc giả, cho rằng nếu ta vừa xem và vừa nghe một chương trình nào đó thì hiệu quả thu được sẽ nhanh và cao hơn là đọc cuốn sách nói về vấn đề đó. Trên thực tế, việc đọc 1 cuốn sách sẽ đạt sự sâu sắc về tri thức, tăng tính tư duy độc lập, và khi đó con người tự do một mình với thế giới tri thức trong cuốn sách.
Nhưng cũng lại chính một bộ phận đọc giả lầm tưởng theo hướng ngược lại: văn hóa nghe nhìn là hời hợt, không sâu sắc.
(Thực ra, nếu biết kết hợp hai loại hình một cách hợp lý, chúng ta sẽ có một nền văn hóa đọc thực sự trong thời đại mới).
4. Nền giáo dục bảo thủ và bỏ quên bộ môn Đọc sách
Hầu hết ở những nước phát triển, ngay từ những năm đầu tiên đi học, trẻ em đã được hướng dẫn chọn sách để đọc, hướng dẫn cách đọc sách. Những giờ học như vậy tạo cho trẻ em thói quen tìm sách đọc, rồi trở thành niềm đam mê và nhu cầu.
Nhưng ở Việt Nam hiện nay không hề có những tiết học, hoặc ít ra là những buổi ngoại khóa hướng dẫn đọc sách. Học sinh chỉ biết những tác phẩm văn học được in trong sách giáo khoa. Mà những tác phẩm này nhiều khi chỉ trích đoạn, lại nằm trong chương trình văn học quá cũ kỹ, từ đời cha học đến đời con vẫn học, kéo dài hàng mấy chục năm qua. Cải cách giáo dục những bộ môn Văn, Sử, Địa… đã không chú ý tới những thành tựu đổi mới hiện đại và tư duy thời đại mới. Vì vậy trẻ em xa lạ với những cuốn sách không được giới thiệu trong chương trình. Khi lớn lên, cũng như cha mẹ mình, nhiều người coi đọc sách như là một trò chơi, một trò giải trí, có cũng được, không có cũng được.
5. Nhà văn đích thực, người ở đâu?
Vì nền giáo dục bảo thủ và kinh tế thấp nên dẫn đến việc độc giả không chú ý đến tên tác giả cuốn sách, chỉ chăm chăm vào nội dung cuốn sách. Giống như khi xem phim, nhiều người Việt Nam hiện nay không phân biệt được phim truyện nhựa, video hay phim truyền hình, lẫn lộn điện ảnh và truyền hình. Xem phim chỉ chú ý đến diễn viên, không biết đến đạo diễn…
Nền kinh tế thị trường kéo theo một số hệ lụy, như nền văn hóa thị trường, văn hóa ngoại lai… Công nghệ lăng xê quảng cáo đã có công đưa sách đến tay người đọc, nhưng cũng làm lu mờ những giá trị đích thực. Độc giả lúng túng, không biết phân biệt thế nào là một tác phẩm cần phải đọc hay nghiên cứu. Cũng như không hiểu rõ thế nào là một nhà văn đích thực. Nếu hiểu rõ được như vậy, phải chăng tầm nhìn, kiến năng văn hóa của bạn sẽ sáng tỏ.
III/ Giải pháp
1. Tăng cường công tác truyền thông về văn hoá đọc trong cộng đồng.
Đây là công tác thiết thực mà nhiều năm qua nhiều đơn vị đã làm. Chẳng hạn 3 năm 2011, 2012, 2013, nhân Ngày Đọc sách thế giới 23/4, Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã tổ chức thành công Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc. Hiện nay hoạt động này chuyển giao cho Bộ Thông tin & Truyền thong.
Tham gia ngày hội này có các đơn vị ngành Giáo dục, Văn hóa, và đặc biệt là sự tham gia của các nhà văn trẻ thuộc Ban Nhà văn Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Đưa tiết dạy đọc sách vào chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông
Dạy cho học sinh biết đọc sách gì và đọc như thế nào. Từ đó xây dựng niềm đam mê, thói quen và nhu cầu đọc sách. Tuy nhiên hiện nay điều này chưa được thực hiện trong chương trình Sách giáo khoa, mà chỉ phát triển theo hướng đưa vào tiết ngoại khóa.
Hiện nay nhiều trường cấp phổ thông trung học tại Hà Nội đã có Thư viện Trường học, với nhiều mô hình thân thiện và thiết thực cho học sinh được chạm vào sách đúng nghĩa.
3. Xã hội hóa hoạt động Tôn vinh văn hóa đọc
Kêu gọi các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội khuyến nông, các tổ chức phi chính phủ, các Trung tâm văn hóa và các cá nhân cùng tham gia việc gây dựng phong trào đọc sách tại các địa phương, trước khi các nhà quản lý ngành giáo dục có quyết sách cho văn hóa đọc trong công tác giáo dục ở nhà trường.
4. Xây dựng Chương trình Tôn vinh văn hóa đọc:
Nhằm phát huy phong trào đọc sách, yêu sách, tìm hiểu sách, coi sách như một người bạn thông minh của bạn đọc để từ đó nâng cao kỹ năng hiểu biết của bản thân; giúp bạn đọc có chiều sâu về tư duy về cách nhìn, đánh giá bản thân cũng như mọi sự vật, hiện tượng xung quanh một cách khách quan; Công ty Truyền thông Hà Thế và hiện nay là Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức cùng một số nhà văn, nhà báo tâm huyết đã thành lập Chương trình Tôn vinh Văn hoá Đọc.
(Xem thêm trang web http://tonvinhvanhoadoc.vn)
Chương trình Tôn vinh Văn hoá Đọc này đã được bạn bè văn nghệ sĩ hưởng ứng và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, đóng góp hoạt động thường niên. Trong đó có Chương trình đi xây dựng các Nhà Đọc sách cho thanh thiếu nhi tại các tỉnh và thành phố; Chương trình Điều chỉnh giá sách (giảm 70%) để xây dựng Tủ sách Gia đình, Tủ sách Doanh nhân, Tủ sách Trường học…
Tonvinhvanhoadoc.vn xin giới thiệu chùm ảnh: Lễ phát động Phát triển Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số:
Lễ gửi thông điệp phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
Màn chào mừng
Tiết mục chào mừng của các cô giáo huyện Thanh Trì – Hà Nội
Thầy trò khu vực huyện Thanh Trì – Hà Nội tham dự lễ phát động
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói chuyện về văn hóa đọc
Lắng nghe nhà văn nói chuyện
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chụp lưu niệm với các giáo viên Cơ sở Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì, Hà Nội
Bà Nguyễn Mai Hoa – cán bô Thư viện Giáo dục Hà Nội cùng nhà văn Võ Thị Xuân Hà