Văn hóa đại chúng: hình ảnh và huyền thoại

Pascal Lardellier


Chính qua tấm gương phản chiếu do những nhà quan sát phê phán giơ lên mà các xã hội công nghiệp hóa đã nhìn thấy sự hình thành hình ảnh của một thứ văn hóa tiêu dùng.

Đầu những năm 50 TK XX, một châu Âu đầy máu me vừa ra khỏi chiến tranh thế giới thứ hai đã biết tới một sự xuất phát mới, nhất là về kinh tế. Sự phục hồi ấy đưa tới chỗ thiết lập một mô hình có tiềm năng đi lên để được thừa nhận trong ba mươi năm vinh quang: xã hội tiêu dùng. Mỗi công dân tiêu dùng (với sức mua gấp đôi từ 1950 đến 1968) lần đầu tiên có được một lô của cải thừa thãi. Quảng cáo trở thành một hoạt động rầm rộ và phát triển mạnh. Các cuộc thăm dò tăng lên, các nhãn hiệu đem lại một bộ mặt và một bản sắc cho những ngành chế biến đi tiên phong. Năm 1957, luật sư và nhà báo Mỹ Vance Packard mô tả trong Sức thuyết phục bí mật (1) cái cách mà các khoa học nhân văn, từ phân tâm học đến tâm lý học xã hội, được những nhà quảng cáo sử dụng. Một thứ văn hóa tiêu dùng thật sự đang phát triển với những quy chiếu, những mã, những tượng trưng, thậm chí với những huyền thoại của nó. Hệ thống đồ vật ấy nhanh chóng kích thích tính hiếu kỳ về phân tích của nhiều lý thuyết: Roland Barthes, Edgar Morin, George Péninou, Jean Cazeneuve, và sau đó ít lâu Jean Baudrillard. Quảng cáo, mốt, điện ảnh, các mã thuộc tuổi trẻ (chẳng hạn phong trào ye ye), các ngôn từ và các nghi thức môi giới (như liên hoan điện ảnh Cannes) tạo thành mảnh đất phân tích của họ… Họ biến văn hóa đại chúng và xã hội tiêu dùng thành những đối tượng nghiên cứu cũng cao quý như những đối tượng nghiên cứu khác. Bởi vì, tất cả những gì do xã hội ấy sản xuất ra đang bị đầy ứ và đáng được phân tích.

Một huyền thoại hiện đại

Trong Các huyền thoại công bố năm 1957(2), R.Barthes bình luận cảnh quan thế giới hiện đại, qua một loạt bài thời luận, như nó hiện ra trên những tờ báo lớn hay những hình ảnh truyền hình (quảng cáo, những thói ăn chơi thượng lưu, thời sự, phim…).

Thế giới của Paris Match, chẳng hạn, phản ánh thế giới của những huyền thoại cổ điển lớn. Việc Marlon Brando cưới một cô gái Pháp, hay việc hoa hậu thế giới mới cưới một anh chàng chủ nhà xe vốn là bạn thời thơ ấu, đã tham dự vào các truyền thuyết tuyệt vời trong đó một hoàng tử lấy một cô gái chăn cừu hay một công chúa lấy một anh chàng chăn cừu. Thế giới huyền thoại ấy cũng được thấy trong các cuộc đấu cờ, một cuộc đấu tranh kỳ lạ giữa hai nhân vật khuôn mẫu. Một nhân vật, thiên thần trắng, hiện thân của công lý, đọ sức với kẻ trái lại, một đấu thủ gian giảo và quỷ quyệt, thường giấu mặt, lợi dụng sự đãng trí của trọng tài để đánh ngã kẻ thù của mình… Việc quảng cáo máy giặt đôi khi cũng dùng lối chiến đấu anh hùng giữa những sức mạnh của cái xấu (sự nhơ bẩn) và những sức mạnh của một nhân vật hiện thân của cái tốt: bộ phận làm trắng (cái trắng, cái sạch). “Trong những hình ảnh của bột giặt OMO, sự nhơ bẩn là một kẻ thù ốm yếu và đen thủi đen thui bao giờ cũng trốn chạy những tấm vải đẹp và sạch, khi chỉ mới bị OMO đe dọa”.

Sự phân tích một tấm ảnh in trong Paris Match năm 1956, nơi người ta thấy một người da đen chào lá cờ nước Pháp, cho phép R.Barthes phân tích bản chất sâu sắc của huyền thoại này. Tấm ảnh tự nó chỉ ghi lại một sự kiện thô: một người da đen đứng chào. Nhưng cái được gợi ra là đế quốc thuộc địa Pháp hùng mạnh và được dân bản xứ chấp nhận. Điều đáng kể ở đây là ý nghĩa ngầm ẩn chứa đựng trong thông điệp. Nói theo sự phân biệt của nhà ngữ học Ferdinand de Saussure giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, R.Barthes nhìn thấy trong huyền thoại một ngôn từ vận hành ở hai trình độ. Hình ảnh vật chất (cái biểu đạt) – tức là tấm ảnh – dựa vào một thông điệp (một người da đen chào cờ). Nhưng thông điệp ấy đến lượt nó lại mang một ý tưởng chung hơn: đế quốc thuộc địa Pháp.

Toàn bộ công việc của “nhà huyền thoại học”, như R.Barthes định ra cho mình, là giải mã những ngôn từ của các phương tiện truyền thông để thấy rõ những giá trị, những tượng trưng và những thông điệp ngầm ẩn.

Chính vào những năm 50 và 60 TK XX, một nhà nghiên cứu khác người Canada Marshall McLuhan công bố hai tác phẩm được hâm mộ vô hạn: Thiên hà Gutenberg và Để hiểu các médias (3). Trong đó ông nghiên cứu vai trò tâm lý văn hóa của các phương tiện truyền thông, vào một thời đại mà phát thanh và truyền hình đạt tới địa vị média – đại chúng. Một vài khẩu hiệu của M.McLuhan (Thông điệp, đó là médium), các đề tài làng toàn cầu và quảng trường hành tinh, hoặc sự đối lập giữa média nóng và média lạnh trở nên nổi tiếng trong công chúng rộng lớn. Ít lâu sau (1967), Guy Debord, với một nguồn cảm hứng có tính luận chiến rõ hơn, đã tố giác trong Xã hội trình diễn (4) (1967) rằng, theo ông, các phương tiện truyền thông ấy đã hoạt động một cách trơ tráo.

Sự phê phán triệt để về một hệ tư tưởng

Nói chung, những nghiên cứu tập trung vào xã hội tiêu dùng và văn hóa đại chúng, trong những năm 60 TK XX, đã cất giọng phê phán triệt để về mặt lịch sử đối với một hình thức xã hội nâng sự tiêu dùng lên thành hệ tư tưởng. Làm sao có thể tin được một hệ thống trình diễn một cách phổ biến những ham muốn qua các đồ vật, mà mục đích cuối cùng của nó đi theo hướng tha hóa hiện đại? J.Baudrillard lần lượt công bố Hệ thống những đồ vật, Xã hội tiêu dùng, rồi Vì một sự phê phán kinh tế chính trị học tín hiệu (5) trong đó ông phân tích phê phán cảnh tượng tiêu dùng.

Những nhà nghiên cứu về văn hóa đại chúng trong các thập kỷ 50 – 60 và 60 – 70 TK XX đã góp phần vào một sự thức tỉnh lý luận và chính trị vô giá, với sự khước từ tất cả các mốt, tất cả các đồ vật và niềm đam mê xác thịt do chúng tạo ra, đồng thời đẩy những giới hạn của sự vô nghĩa vào những phòng tuyến cuối cùng của chúng.

Đừng quên rằng, xét về mặt di sản, họ cũng đã hoạt động để đưa sự truyền thông vào chương trình nghị sự, khuyến khích sự trỗi dậy của nó thành một bộ môn: hình ảnh dưới mọi hình thức, ngôn ngữ viết và nói được phân tích qua tính phức hợp của các quá trình luận chứng, quảng cáo, điện ảnh, các kỹ tnuật và ngôn từ truyền thông nói chung, cũng như những huyền thoại đương đại…

Nhật Anh dịch

_______________

1. Vance Parkard, Sức thuyết phục bí mật, Calmann Lévy, 1958 (tái bản 1994).

2. Roland Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Trí thức, 2009.

3. Marskall McLuhan, Thiên hà Gutenberg, Mame, 1967; Để hiểu các Médias, Seuil 1968 (Gallimard, tái bản 1977).

4. Guy Debord, Xã hội trình diễn, Editions Champ libres (Gallimard. Tái bản 1996).

5. Jean Baudrillard, Hệ thống đồ vật, Gallimard, 1968; Xã hội tiêu dùng, Gallimard 1970; Vì một sự phê phán kinh tế chính trị học tín hiệu, Gallimard 1972.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 332, tháng 2-2012