Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thì từ năm 1925 tới giữa thập niên ba mươi (của thế kỷ trước), Fitzgerald đã viết khoảng 160 truyện ngắn, trong đó, đại đa phần là không đặc sắc. Truyện “Thank you for the Light” cũng nằm trong số này chăng?

Tuần báo New Yorker của Mỹ vừa công bố truyện ngắn “Thank you for the Light” của nhà văn Francis Scott Fitzgerald (1896-1940), sau 76 năm bị “xếp xó”. Đây là một sự kiện gây nhiều chú ý đối với bạn yêu văn học trên toàn thế giới. Trước nhất là bởi, từ nhiều năm nay, cùng với Hemingway, Fitzgerald luôn được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của nước Mỹ nửa đầu thế kỷ XX (năm 2007, trong cuộc bầu chọn do tạp chí Time tổ chức, tiểu thuyết “Gatsby vĩ đại” của Fitzgerald đã lọt vào danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại)…Thứ nữa, tác phẩm của Fitzgerald thường được nhìn nhận, đánh giá cao hơn sau khi tác giả đã mất. Bởi vậy, việc một tác phẩm từng bị từ chối in cách đây hơn 7 thập niên hẳn cũng ít nhiều gây cho các fan hâm mộ Fitzgerald một sự tò mò pha lẫn kỳ vọng…

Lận đận trong sự nghiệp

“Thank you for the Light” (tạm dịch là “Cảm ơn vì chút lửa”) là một truyện ngắn có nội dung khá mơ hồ, pha trộn giữa thực và ảo. Truyện kể về một phụ nữ, để chống chọi với nỗi cơ đơn buồn chán đã tìm đến khói thuốc, trở thành người nghiện thuốc lá nặng. Thói tật này của cô đã khiến những người xung quanh khó chịu, thậm chí, họ xem cô như cái gai trong mắt. Để tránh cái nhìn soi mói của người đời, nhiều lần cô phải náu mình vào chỗ khuất để thỏa mãn nhu cầu hút thuốc. Tới khi yêu, cô hạ quyết tâm sẽ từ bỏ thuốc, song rồi cơn nghiện nổi lên, cô tạt vào một nhà thờ, nghĩ rằng ở nơi có nhiều khói đèn dầu như vậy, mình có thể làm một điếu thuốc mà không ai biết. Nào ngờ, nhà thờ không còn dùng đèn dầu mà chuyển sang đèn điện. Kết truyện là hình ảnh người phụ nữ quỳ xuống cầu nguyện sau khi nghe người trông coi nhà thờ hỏi có phải cô đến đây để cầu nguyện không?

Thật chẳng dễ dàng để người đọc nắm bắt được thông điệp đích thực của tác giả. Mọi nhận xét chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, về cơ bản có thể hiểu, thông qua lăng kính của một phụ nữ nghiện thuốc lá, tác giả muốn thể hiện một cách nhìn đời khác với những con mắt khác. Đó là cách nhìn đời mơ màng qua làn khói thuốc?

“Thank you for the Light” quả là không gặp may như một số tác phẩm khác của Fitzgerald – dù bị độc giả “tiếp đón” lạnh nhạt song cũng còn được in ra. Sau khi  “Thank you for the Light” được hoàn tất, tác giả đã gửi nó tới ban biên tập tuần báo New Yorker. Những người có trách nhiệm ở tờ tuần báo này đã từ chối không cho đăng với lý do truyện có những tình tiết “rắc rối” liên quan đến nhà thờ – một lãnh địa được xem là nhạy cảm với xã hội lúc bấy giờ.

Sau đấy ít năm thì Fitzgerald mất, tác phẩm vì thế cũng gần như bị bỏ quên. Cho tới tháng 6 vừa qua, một người cháu gái của Fitzgerald, nhân đợt đấu giá do Sotheby’s tổ chức đã sắp xếp lại hồ sơ lưu trữ của ông mình và tìm thấy bản thảo  truyện ngắn nói trên. Cô liền gửi nó cho tờ New Yorker, là tờ báo đã từ chối in truyện ngắn này cách đó 76 năm. Thời thế đổi thay, truyện đã được ban biên tập New Yorker dành cho một chỗ xứng đáng trên mặt báo.


Fitzgerald cùng vợ và con gái.

Không chỉ với “Thank you for the Light”, Fitzgerald còn có không ít tác phẩm gặp lận đận trong việc công bố hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm độc giả. Như với cuốn tiểu thuyết có yếu tố tự truyện được tác giả đặt tên là “Người vị kỷ lãng mạn”. Fitzgerald viết cuốn tiểu thuyết này vào năm 1917, khi mới 21 tuổi. Ban đầu, bản thảo được ông gửi cho nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons. Tuy trả lời không in song lãnh đạo nhà xuất bản cũng khích lệ tác giả trẻ nên tiếp tục hiệu chỉnh bản thảo. Năm 1919, sau khi bỏ nhiều thời gian công sức chỉnh sửa, Fitzgerald tiếp tục gửi cuốn tiểu thuyết của mình tới nhà xuất bản cũ và một lần nữa, bản thảo bị từ chối.

Trở về sống với bố mẹ đẻ ở St Paul, Fitzgerald đã tự giam mình suốt 3 tháng liền trong phòng, tất cả chỉ để viết và… viết. Ít ngày trước sinh nhật lần thứ 23 của mình, Fitzgerald đã gửi cuốn tiểu thuyết (bấy giờ được đổi tên thành “Bên này thiên đường”) đến nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons. Phải đến lần này bản thảo mới được chấp nhận.

Vì nhu cầu tài chính, Fitzgerald đã phải “bóc ngắn cắn dài”: Ông viết nhiều truyện ngắn chiều nịnh thị hiếu thấp kém của độc giả một số tờ báo lá cải để kiếm tiền. Trong bức thư gửi Maxwell Perkins, Giám đốc văn học của nhà xuất bản Scribner, Fitzgerald thổ lộ: “Tôi sẽ viết một số truyện ngắn rẻ tiền để tích lũy cho cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi. Và nếu cuốn tiểu thuyết này nuôi nổi tôi thì tôi sẽ tiếp tục viết tiểu thuyết, bằng không tôi sẽ chuyển sang học làm phim”.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thì từ năm 1925 tới giữa thập niên ba mươi (của thế kỷ trước), Fitzgerald đã viết khoảng 160 truyện ngắn, trong đó, đại đa phần là không đặc sắc. Truyện “Thank you for the Light” cũng nằm trong số này chăng?

Fitzgerald được ghi nhận là nhà văn lớn chính là nhờ thể loại tiểu thuyết, trong đó, tiểu thuyết “Gatsby vĩ đại” được xem là tầm vóc nhất. Tuy nhiên, khi Fitzgerald còn sống, cuốn sách cũng chưa được nghiên cứu, tìm hiểu tới nơi tới chốn. Hầu hết các đánh giá, nhận định về cuốn sách đều xuất phát từ một lối đọc qua quýt, hời hợt. Điều này khiến tác giả rất thất vọng.

Thất vọng về tình duyên

Nếu ai từng đọc cuốn tiểu thuyết “Những kẻ tài sắc bị đọa đày” của Fitzgerald sẽ thấy cuốn sách có một số yếu tố tự truyện, nhất là ở đoạn kết, khi tác giả kể chuyện anh chàng Anthony Patch thông minh, nhạy cảm nhưng có phần yếu đuối và bị người vợ xinh đẹp rẫy bỏ (năm 2008, bộ phim dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Nicker Cassavetes dàn dựng, trong đó, nữ diễn viên nổi tiếng Keira Knightley đã được mời vào vai nàng Zelda Sayre, vợ của Fitzgerald). Có thể nói, cuộc sống vợ chồng giữa Fitzgerald và Zelda không thực sự hạnh phúc. Bản thân Fitzgerald từng phải tiết lộ với con gái rằng, ông đã sai lầm mặc dù khi cưới Zelda, ông đã biết trước đó cô là một người phụ nữ hư hỏng, từ năm 17 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng Montgomery vì nghiện ngập. Ông biết bên ông, Zelda sẽ chẳng giúp ích gì nhiều ngoài việc đem lại những gánh nặng.

Thực tế đã diễn ra đúng như điều Fitzgerald tiên liệu. Để chi trả cho những khoản tiêu pha hoang tàn của Zelda, Fitzgerald đã phải thường xuyên gác lại kế hoạch viết những tác phẩm dài hơi để dành thời gian cho những truyện ngắn đem bán nhanh cho các tòa báo lấy tiền sinh sống. Cực chẳng đã, không hiếm lần nhà văn trẻ phải hét giá cao đối với các tòa báo khi in truyện của mình. Mối quan hệ căng thẳng, nặng nề giữa Fitzgerald và Zelda sau này đã được thể hiện rõ trong cuốn “Sụp đổ” (gồm những bài viết lẻ và hồi ức, thư từ của Fitzgerald được xuất bản sau khi ông mất).

Có một thời, Fitzgerald và Zelda được xem là cặp đôi nổi tiếng làm choáng ngợp giới giải trí ở Hollywood. Mối tình “ngọt ngào và cay đắng” của họ cũng đã đi vào văn học. Cách đây ít năm, ở Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn đã phối hợp với Công ty sách Nhã Nam tổ chức xuất bản cuốn “Alabama Song” của tác giả Gilles Leroy, một cuốn sách nửa ở dạng hồi ký, nửa hư cấu, đề cập tới chuyện tình của Fitzgerald và Zelda. Trong bộ phim, Zelda được giới thiệu như một cô gái đẹp, sinh ra trong một gia đình dòng dõi nhưng luôn có những hành động “quậy phá” để bứt ra khỏi vòng kiểm soát của gia đình. Tính tình Zelda lúc nắng lúc mưa. Đặc biệt, cô rất thích cuốn mình vào các đêm vũ hội bất tận. Sự hắt hủi của Fitzgerald đã khiến tâm hồn cô bị tổn thương. Qua cuốn sách, khán giả có thể thấy tình cảm mà Zelda dành cho chồng là sự pha trộn của cả tình yêu cuồng dại si mê lẫn sự căm thù, khinh ghét. Cuốn sách đã được trao giải Goncourt năm 2007.

Những năm cuối đời, Fitzgerald có ý định sống bằng nghề viết kịch bản phim, nhưng rồi, trong khi đang viết dở cuốn tiểu thuyết “Nhà đại tư bản cuối cùng” (nói về một nhà đại tư bản phất lên trong lĩnh vực điện ảnh), vào ngày 20-10-1940, một cơn đau tim đột ngột đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của một trong những tài năng văn chương kiệt xuất nhất mà nước Mỹ có được trong nửa đầu thế kỷ XX. Khi ấy, Fitzgerald còn rất trẻ, mới 44 tuổi.

Sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, Fitzgerald là một trong những nhà văn được  độc giả Mỹ tìm đọc nhiều nhất. Nếu như trong lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết “Gatsby vĩ đại” bị rơi vào sự hờ hững thì tới năm 1945, tác phẩm này được in lại và chỉ một thời gian sau đã được ấn hành với số lượng ấn bản rất lớn. Thật đúng như G.Stein tiên đoán: “Fitzgerald sẽ vẫn còn nhiều người đọc, khi mà nhiều người trong số các nhà văn nổi tiếng cùng thời với ông đã bị rơi vào quên lãng”.

Trần Đắc Danh

Nguồn tin: cand.com.vn