(Những mâu thuẫn tự phá sản của phái “Lý luận không có thơ”)

Ngô Quốc Phương


Tại sao lại là mâu thuẫn tự phá sản? Mâu thuẫn tự phá sản khác với mâu thuẫn như một động lực cách mạng ở chỗ nào? Chỉ khi làm rõ một cách rạch ròi hai vấn đề trên, chúng ta mới đủ cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc ý thức hệ thẩm mỹ chính thống của phái không có thơ. Mâu thuẫn tự phá sản là những mâu thuẫn nội tại trong hệ ý thức cá biệt, mà, những mâu thuẫn ấy có hướng tự loại trừ lẫn nhau, mâu thuẫn chồng lấp mâu thuẫn không nhằm hướng tới sự thay đổi tiến bộ, cách mạng, vì lợi ích chung cộng đồng. Tính chất mâu thuẫn tự phá sản, do đó, không được xem như là động lực để phát triển xã hội, mà ngược lại, nó kìm chế sự phát triển chung. Đặc trưng nổi bật của loại hình mâu thuẫn tự phá sản là nó tự loại trừ chính nó, có tính cục bộ, phi – ràng buộc xã hội. Trong khi đó, mâu thuẫn như một động lực cách mạng lại là mâu thuẫn hướng ngoại, có hướng đối nghịch với hệ ý thức khác đã lạc hậu hoặc “nguy cơ” suy yếu của nó. Vì vậy, mâu thuẫn trong trường hợp này, tất yếu sẽ có đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn, mở ra một hình thái ý thức mới, phù hợp với hiện thực xã hội yêu cầu. Do đó, nó tiến bộ và là động lực của phát triển xã hội.

Hệ ý thức cá biệt của phái lý luận không có thơ đang đi theo hướng mâu thuẫn tự phá sản. Do đó, chính lý luận của nó sẽ tự loại trừ nó trong quá trình mà phái này hiện thực hóa ý tưởng bằng những phê phán phản cách mạng, phản thi ca, phản thẩm mỹ. Để chứng minh cho điều đó, tôi đi thẳng vào những luận điểm sau:

Trần Mạnh Hảo trong Thơ phản thơ cho rằng:

Trong đạo Thiên chúa giáo có quan niệm này mà người vô thần cách mấy cũng phải công nhận là thoáng, đó là mỗi người tin đạo đều có thể tìm cho mình một cách đến với Chúa, đến với thiên đường. Cũng có thể lấy ví dụ này để nói về thơ. Bởi vì, mỗi người làm thơ đều có thể tìm ra một cách thơ hay. Và có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về thơ vậy.”[1]

Theo đó, mỗi người làm thơ dưới cái nhìn của Trần Mạnh Hảo không chỉ dừng ở việc “có quan niệm riêng về thơ”, mà còn nâng lên cấp độ cao hơn là “có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về thơ”. Trong khi ấy, ở bài Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều[2], Trần Mạnh Hảo lại đi ngược lại quan điểm mà mình từng đưa ra khi ông phê phán cái mà ông gọi là “định nghĩa thơ” của Nguyễn Quang Thiều rằng: “Với Nguyễn Quang Thiều, sau bao nhiêu năm tím kiếm, vật vã, phản biện, day dứt, cuốu cùng ông mới chợt ngộ ra chân lý nghệ thuật nói chung, chân lý thi ca nói riêng là làm sao cho: “NGÔN NGỮ THƠ CA GẦN VỚI TIẾNG NÓI ĐỜI THƯỜNG NHẤT”. Tưởng chuyện gì ghê gớm, hóa ra là tiêu chí của các trào lưu hiện thực trong nghệ thuật đã ra đời từ rất sớm, quyết đưa thi ca trở về gần với ngôn ngữ thường nhật, ngôn ngữ bình dân, mà một đứa trẻ học cấp hai ở Việt Nam đã học : tính hiện thực của văn học, của thi ca.”[3] . Hẳn rằng, trong quan niệm của Trần Mạnh Hảo, thì, ai cũng có quyền đưa ra định nghĩa thơ của mình (dù bất kể hợp lý hay bất hợp lý), duy chỉ “định nghĩa” của Nguyễn Quang Thiều là “phi định nghĩa? Sự mâu thuẫn tự phủ nhận trong quan niệm của Trần Mạnh Hảo, hiển nhiên, đã chống lại chính tư duy và nhận định mà ông đưa ra từ khi Thơ phản thơ ra đời. Hơn nữa, một điều, tôi không dám nghĩ đến và cũng không đủ tự tin để khẳng định rằng, một đứa trẻ học cấp hai lại có thể được học và học được ý nghĩa của “tính hiện thực” như Trần Mạnh Hảo đã khẳng quyết. Chỉ duy thuật ngữ “tính hiện thực” thôi đã ôm trọn những trăn trở của các triết gia, nhà tư tưởng Đông – Tây qua bao thế kỷ cũng chưa giải quyết triệt để.

Xin ông nhớ cho rằng, tính hiện thực “Reality” không đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện thực “Realism”, cũng không đồng nghĩa với thực tiễn “Practice”, lại hoàn toàn ngược với ý nghĩa mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dùng “tiếng nói đời thường”, vốn cần được hiểu “quan điểm” ấy như thể một cách nói, một phương thế biểu đạt gần với đời sống con người. Theo đó Reality là tính thể [4], là bản chất, là ý nghĩa của hiện thực, chứ không phải là một hoạt động (Practice), cũng không phải là sự phân tích về ý nghĩa của hiện thực (gồm tự nhiên, xã hội và con người) như “Realism”. Vậy thì, “Reality” là cái lẩn khuất, trừu tượng và là bản thể luận của mọi hiện tượng. Nó không hiện diện để người ta ngắm nhìn hay nắm lấy, mà qua nó, những hình thức của sự vật được gọi tên, được đánh giá và phân biệt nó với cái khác bên ngoài nó. Dó đó, tính hiện thực của văn học, tính hiện thực của thi ca chính là bản chất, là thể tính của văn học, của thơ ca. Nó không thể xem là hành động thực tiễn theo kiểu “phản ánh luận” trong văn học, lại càng không thể xem là “chủ nghĩa hiện thực” trong văn học. Thử hỏi, Trần Mạnh Hảo đã hiểu hết về bản chất, về thể tính, về “tính hiện thực của văn học, của thi ca” chưa? Chứ tôi chưa nói về việc “một đứa trẻ học cấp hai ở Việt Nam đã học” có thể hiểu được. Sự nhầm lẫn của Trần Mạnh Hảo khi đánh đồng giữa tính hiện thực (Reality) với “các trào lưu hiện thực”, điều ấy cho thấy ông khá dễ dãi trong việc hiểu và giải quyết các vấn đề triết học.

Trong khi đó, ý nghĩa trong “quan niệm”[5] của Nguyễn Quang Thiều không khó hiểu đến mức Trần Mạnh Hảo phải dài dòng giải quyết một cách lan man, thiếu chính xác.

Trong quan niệm của Nguyễn Quang Thiều, người đọc dễ nhận ra việc nhà thơ đang trăn trở tìm cho mình một cách nói, một phương thế biểu đạt gần với con người nhất. Mà xét rộng ra, nghê thuật nói chung và thi ca nói riêng khiến các nghệ sĩ trăn trở bao đời vẫn là đi tìm một cách nói cho con người (nói như thế nào?) nhiều hơn là điều muốn nói (nói cái gì?). Nghệ thuật gợi ý nhiều hơn là phơi bày trần trụi điều đã có. Điều Nguyễn Quang Thiều đưa ra chẳng phải là điều mà bao nhiêu thi nhân vẫn hàng ngày lầm lũi lao động để tìm kiếm hướng đi vào lòng người đó sao? Cái chúng ta gọi là Thơ Mới, hay Cách Tân, xét đến cùng là những cách nói khác, những phương thế biểu đạt khác so với những lối/cách nói của các thi nhân trước đó. Họ hướng đến nó vì con người, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ người đọc ở những trình độ, kinh nghiệm thẩm mỹ phù hợp theo các giai đoạn biến thiên của xã hội. Xã hội thay đổi theo hướng tích cực, thì hẳn rằng, tri thức và thị hiếu thẩm mỹ của con người cũng thay đổi và ngày càng cao hơn, do đó, nghệ thuật, thi ca muốn tồn tại, thì nó phải đáp ứng yêu cầu của con người hiện thời đề ra. Việc nhà thơ đi tìm cách nói gần nhất và đời thường nhất với con người không có nghĩa quá trình ấy là quá trình bình dân hóa về mặt ngôn ngữ, đơn giản, nó vì “sự khao khát”, “sự đón đợi cháy bỏng” của con người trên một mức độ hợp lý.

Mặt khác, quan niệm “NGÔN NGỮ THƠ CA GẦN VỚI TIẾNG NÓI ĐỜI THƯỜNG NHẤT” của Nguyễn Quang Thiều mà Trần Mạnh Hảo phê phán là “một đứa trẻ học cấp hai ở Việt Nam đã học”, thì phải nói, trí tuệ Việt Nam đã vượt trên tầm người Đức (?) Bởi vì, “quan niệm” của Nguyễn Quang Thiều đưa ra không phải là mới và cũng không dừng ở nghĩa “giản đơn” như Trần Mạnh Hảo nghĩ. Tôi nghĩ, Nguyễn Quang Thiều là người chịu đọc và chịu suy tư, vì quan niệm của Nguyễn Quang Thiều gần với ý nghĩa mà một định đề kinh điển được Heidegger từng phát ngôn (xin giải thích thêm để trách nhầm lẫn: Ở đây tôi nhấn mạnh đến sự kế thừa và học tập tư tưởng tiền bối một cách nghiêm túc của Nguyễn Quang Thiều, đúng như ông nói “Nhưng quan niệm về nghệ thuật thơ ca của tôi đang tiến đến điểm cuối của một quan niệm mà tôi đã từng đọc, đã từng chống đối, đã nhìn lại, đã bị thuyết phục và trở thành đồng nhất. Đó là: ngôn ngữ thơ ca gần với tiếng nói đời thường nhất” [6], chứ không hề có ý mang Nguyễn Quang Thiều đặt cạnh hay so sánh với Heidegger) trước đó. Trong cuốn Wegmarken, Heidegger cho rằng: “Das Denken sammelt die Sprache in das eifache Sagen” (Thể tính/ bản chất của tư tưởng là phải biết điều khiển và chi phối ngôn ngữ, sao cho lời nói đơn giản được thể hiện ra”). Điều đó, chứng tỏ, Heidegger quan tâm và nhấn mạnh đến “cách nói” nhiều hơn là “điều muốn nói”/ “ý nghĩa” cần thông điệp.

Việc tự mình đưa ra quan niệm “có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về thơ vậy”, để rồi sau đó tự phủ nhận cái mình đề ra bằng việc phê phán chủ thể sáng tạo khác “định nghĩa” về thơ, chẳng phải, Trần Mạnh Hảo đang tự mình “phản bội” lại chính mình sao? Đó là minh chứng thứ nhất cho sự mâu thuẫn tự phá sản trong quan niệm, cũng như “lập luận” của Trần Mạnh Hảo – thủ lĩnh của phái lý luận không có thơ.

Cũng trong Thơ phản thơ, Trần Mạnh Hảo từng nhấn mạnh:

So với các nghệ thuật khác, thi ca bao giờ cũng chỉ là thứ nghệ thuật giành cho số ít, cho một số đối tượng hết sức chọn lọc. nó – tức thi ca- chưa hề và chưa từng là nghệ thuật của đám đông”[7]. Thậm chí, để vững hơn cho lập luận của mình, Trần Mạnh Hảo còn viện dẫn đến quan điểm của Maiacopxki, rằng, “bản chất của văn nghệ là không đại chúng. Nó chỉ trở thành đại chúng là do tuyên truyền”[8]

Vậy mà, trong Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài? cũng chính Trần Mạnh Hảo đã khẳng định:

Thơ là nghệ thuật của mọi người. Họ chơi thơ để tỏ bày tâm sự, để giải thoát tinh thần, bất kể hay dở[9]

Phải chăng có hai Trần Mạnh Hảo trong một Trần Mạnh Hảo? Hay là tính chất dễ manh động, “gió thổi chiều nào che chiều đấy” trong lối phê phán của Trần Mạnh Hảo? Vậy Trần Mạnh Hảo nào mới là Trần Mạnh Hảo? Hay là, Trần Mạnh Hảo mà có thể được gọi là Trần Mạnh Hảo thì không phải là Trần Mạnh Hảo vĩnh viễn (giống như định đề của Lão tử: “Đạo khả đạo phi thường đạoDanh khả danh phi thường danh.” (“Đạo mà nói được là Đạo thì không phải là Đạo vĩnh viễn, tên có thể gọi là tên thì không phải là tên vĩnh viễn”), hoặc giống như định đề “tính” của Heidegger: “Doch das Sein – was ist das Sein? Es ist Es selbst” (“Nhưng thể tính/tính thể/bản chất là gì? Thể tính/tính thể/bản chất là chính Thể tính/tính thể/bản chất”)) ?? Như vậy, ít nhất có hai Trần Mạnh Hảo, Trần Mạnh Hảo với Thơ phản thơ (mà tôi gọi là Trần Mạnh Hảo 1) và Trần Mạnh Hảo với Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài? (mà tôi gọi là Trần Mạnh Hảo 2). Trần Mạnh Hảo, mà rộng hơn là phái lý luận không có thơ phê phán thơ của các tác giả được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam là “vô lối”, “tắc tị”, là “không thể đọc nổi vài ba dòng”, vậy hẳn rằng, thơ của những tác giả trên (Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương -[những tác giả được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam]) không thể thuộc nhóm “thơ của mọi người”, điều đó có nghĩa, thơ của họ là “thứ nghệ thuật giành cho số ít”, “chưa hề và chưa từng là nghệ thuật của đám đông”. Nếu thế thì thơ của các tác giả ấy thuộc về quan niệm của Trần Mạnh Hảo 1 của thời Thơ phản thơ rồi? Phải chăng, Trần Mạnh Hảo đang tự phủ nhận mình, hay là, Trần Mạnh Hảo đang phê bình theo “cảm hứng”, hứng lên thì là Trần Mạnh Hảo 1, còn không hứng lên thì sẽ là Trần Mạnh Hảo 2 ? Nếu đúng thế thì, lý luận của Trần Mạnh Hảo không đáng tin cậy và bạn đọc khó có thể tiếp nhận được những luận điểm đó. Đó là minh chứng thứ hai cho sự mâu thuẫn tự phá sản trong quan niệm, cũng như “lập luận” của Trần Mạnh Hảo – thủ lĩnh của phái lý luận không có thơ.

Khi bàn về thơ và sáng tạo thơ, Trần Mạnh Hảo lấy nhan đề cho cuốn phê bình thơ của ông là Thơ phản thơ, là Antipoetry, vậy nghĩa là, ít nhiều ông cũng chấp nhận việc đã/đang tồn tại dòng thơ đó. Vậy mà trong Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, ông lại phủ nhận chính hiện tượng thơ được ông sử dụng tên gọi của nó cho tập phê bình của mình rằng:

“Thi pháp Nguyễn Quang Thiều là thi pháp phản truyền thống: truyền thống cho thơ phải đa nghĩa thì ông Thiều quyết làm thơ đơn nghĩa; truyền thống cho thơ phải kiệm lời thì thơ ông Thiều rất lắm lời; truyền thống cho thơ phải hàm súc thì ông Thiều làm loài thơ lạnh tanh, xóa mọi hàm ngôn ( tâm hồn lạnh tanh máu cá/ nhiệt tình xuống quá độ âm – Chế Lan Viên); truyền thống cho thơ phải êm tai, phải có nhạc tính thì thơ ông Thiều chủ trương phải gắt như mắm tôm; truyền thống cho thơ phải có âm dương điều hòa trong ngữ nghĩa thì ông Thiều chủ trương thơ phải độc âm hay độc dương, không có thể đưa chủ nghĩa hài hòa của đồng chí Hồ Cẩm Đào vào đây được à ghen (!)[10]

Thế nhưng, cũng vẫn là Trần Mạnh Hảo trong Thơ phản thơ, ông đã chống lại chính lời nói của mình:

“Hiện nay, chúng ta đọc trên báo và trong các tập thơ một thứ thơ không có chút vần điệu, trúc trắc và xộc xệch đến vô nguyên tắc. Nên nhớ, thơ không vần, thơ xuôi là những hình thức thơ đầu tiên của loài người đấy. Không vần, không nhịp điệu, trúc trắc và môđec đều tốt cả, đều có thể hay cả nếu nhà thơ đều có tài và có hồn”[11]

Trong kỳ 2: “Một phạm trù “thẩm mỹ” mới về thơ của phái “Lý luận không có thơ”, chúng tôi có trích quan điểm, chủ trương của những người khởi xướng dòng thơ phản thơ (Antipoetry) mà Trần Mạnh Hảo từng tiếp nhận như sau:

“Chống-thơ ca (phản thi) là một phong trào nghệ thuật nhằm thoát khỏi những quy ước thông thường của thơ ca truyền thốngHọ tìm cách chối bỏ tính chất huyền thoại hóa về ngôn ngữ (thoát khỏi sự nô lệ về văn phạm giống như lối “tầm chương trích cú của dòng văn chương khoa cử – N. Q. P nhấn mạnh). Những bài thơ được thể hiện thông qua lối miêu tả có tính phá cách về văn phạm, biểu tả giống như văn xuôi, nhằm giải thiêng những yếu tố được huyền thoại hóa trên văn bản, tìm kiếm và khai phóng giá trị con người” (Anti-poetry is an art movement that attempts to break away from the normal conventions of traditional poetry… sought to reject the belief that verse holds any mystical power. The poems have been described as prose-like, irreverent, and illuminating the problems of human existence.) (theo en.wikipedia.org).

Qua minh chứng trên, có thể rút ra những luận điểm sau:

Thứ nhất, hoặc Trần Mạnh Hảo khi sử dụng thuật ngữ Thơ phản thơ (Antipoetry) để đặt cho tập phê bình của mình, nhưng hiểu không đúng ý nghĩa của thuât ngữ, hoặc ông tiếp nhận không đến tận nguồn lý luận, quan điểm của các tác giả khởi xướng dòng thơ Antipoetry.

Thứ hai, hoặc Trần Mạnh Hảo sử dụng thơ phản thơ để mà sử dụng, nên không cần biết nguyên do tại sao nó tồn tại và nguồn gốc của nó đến từ đâu, hoặc Trần Mạnh Hảo không đọc, không tìm hiểu nhưng vẫn cứ muốn sử dụng nó, chỉ đơn giản là nó được ông hiểu theo nghĩa khác, đối lập với ý nghĩa tiến bộ mà các nhà sáng lập dòng thơ này từng tuyên ngôn.

–      Thứ ba, hoặc Trần Mạnh Hảo là người cựu truyền (traditional person) trong quan niệm thi ca, nên đứng trước dòng thơ mà ông gọi là “thi pháp phản truyền thống”, ông đã “cấp ngay nghĩa” cho nó là Thơ phản thơ một cách tự phát và cảm tính.

Đó là minh chứng thứ ba cho sự mâu thuẫn tự phá sản trong quan niệm, cũng như “lập luận” của Trần Mạnh Hảo – thủ lĩnh của phái lý luận không có thơ.

Cũng trong Thơ phản thơ, Trần Mạnh Hảo đã viện dẫn ý kiến có hướng đề cao “sự cảm thụ” mà “không cần hiểu”: “Có nhà thơ làm thơ với mục đích là không cần ai hiểu. Hỏi thì họ trả lời, tớ làm thơ siêu thực, mà siêu thực là chỉ có cảm, chứ đem cái hiểu vào sẽ chết tươi thơ” [12] và để bác bỏ quan điểm từ “ý kiến đó”, ông  khẳng định Khi thơ chối bỏ ý thức, nó đã chối bỏ cái biểu hiện đầu tiên để phân biệt người với rong rêu”[13].

Điều đó cho thấy, trong quan niệm của Trần Mạnh Hảo, ông quan tâm và nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh: thơ phải được “hiểu” và cần phải có “ý thức” về hiện thực. Thế nhưng, trong Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?, ông lại phủ nhận chính quan niệm mà ông từng được phát ngôn trước đó, nghĩa là mình tự phủ nhận mình bằng lập luận: “Mục đích của thi ca là truyền cảm, làm rung động lòng người. Muốn vậy thì thơ trước hết và sau cùng phải hay!”[14], theo đó “cái hay” của thơ và mục đích “trước hết và sau cùng” vẫn phải là “truyền cảm, làm rung động lòng người”. Ông rất mâu thuẫn (!).

Trong Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?, ông khẳng khái xem “Mục đích của thi ca là truyền cảm, làm rung động lòng người”, thế nhưng đoạn ông phê thơ Nguyễn Quang Thiều trong Thơ phản thơ thì lại ngược với điều ông đã và đang tuyên bố “là truyền cảm, làm rung động lòng người” qua lối phân tích, cắt nghĩa cấu trúc ngôn ngữ riêng lẻ rồi phê phán bằng ý thức quá tỉnh táo phản lại sự cảm, sự rung động:

[ “Ta thử đọc bài thơ mang số ba La Mã trong Mười một khúc cảm của anh:

Người đàn bà có một gia tài hơn ta là biết khóc trước

ta mười bốn năm

Giờ trong vòng tay ta đam mê quay lại khóc

nghi ngờ

Ta đi về cửa ngõ của chiều

Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn

Ta đi về thủa ta còn sóng sánh

Và ta chạm lời nguyền vĩ đại

Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời.

Đúng là rau nào sâu ấy, khi nhà thơ có cái đức hay khóc thì đến cái người đàn bà của anh ta, mặc dù lớn hơn anh những mười bốn tuổi lại cũng mắc chứng hay nhè. Khi người đàn bà lớn hơn người đàn ông mười bốn tuổi lại đang nằm gọn lỏn trong vòng tay của anh tình nhân bé bỏng, hẳn là bà ta tí tởn lắm, chứ nào có cần gì căn bệnh suy tư triết học của tác giả mà nấc lên tiếng khóc nghi ngờ? …Người đàn ông có quyền ôm người đàn bà hay khóc ở bất cứ đâu, rồi đi về đâu mặc kệ, chẳng có điều gì ghê gớm và hệ trọng cả. Vậy mà tự nhiên tự lành, tác giả bỗng làm ra như là chuyện kinh thiên động địa vậy: “Ta chạm vào lời nguyền vĩ đại, Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời”. Cái việc anh ôm người đàn bà và cái việc chạm vào lời thề vĩ đại đến man rợ là hai việc chẳng liên quan gì đến nhau. Chỉ tội cho ông mặt trời bị người ta ăn ốc, mình đi đổ vỏ

…..

Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi ta chẳng còn biết nữa

Ta ôm nhau ngồi thở dưới sao trời

(Những ngôi sao, trang 21)

Rõ ràng cặp tình nhân này ôm nhau bao đêm dưới trời sao hẳn là đang còn sống nhăn răng ra đấy, việc gì tác giả còn thừa nhời, rách việc tự giới thiệu rằng chúng tôi đang thở đây. Khi một con người đang hấp hối, muốn kiểm tra người này đã chết hay chưa, người ta còn hỏi nhau: còn thở không? Người ta chỉ đòi nhà thơ cần phải biết giữ ý tứ tối thiểu của đời sống, không nên gặp ai cũng giới thiệu rằng mình đang thở đây, người ta sẽ ngờ anh đấy” ][15]

Tôi không nghĩ và khó có thể hình dung được một nhà thơ, đồng thời là nhà phê bình (“chuyên nghiệp”) mà lại có thể bình, biến bài thơ “có ý” như thế thành “lời cáo trạng” một cách đầy chủ quan, cảm tính(?). Đọc văn bản, thực ra là “đọc” bằng kinh nghiệm hiểu chủ quan của mình, là cấp cách hiểu của mình về đối tượng. Do đó, thiên hạ có dăm bảy loại người, có người kinh nghiệm đọc sâu sắc, tri thức văn hóa phong phú, thì cũng có người hạn chế về kinh nghiệm thẩm mỹ, giới hạn về tri thức văn hóa; có kiểu người cao thượng, khách quan, trung thực thì cũng có người ít cao thượng, chủ quan và đầy định kiến. Vì vậy, cách đọc của Trần Mạnh Hảo dù được nhìn nhận theo khía cạnh nào của tri thức và kinh nghiệm mỹ cảm, thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ MỘT CÁCH ĐỌC.

Cũng bình về thơ Nguyễn Quang Thiều, trong Thơ phản thơ có đoạn:

[ “…Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi

Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u u…”

(Mười một khúc cảm, trang 28)

Bầu vú của người đàn bà là chuyện hoàn toàn cụ thể, ăn là động từ rất cụ thể, đá sỏi càng không phải là một khái niệm, cớ sao bầu vú kia lại ăn được đá sỏi? Càng kỳ lạ hơn nữa, sau khi cái bầu vú kia nâu dần, nó chợt ngân u u lên như vỏ ốc? Muốn đạt được nghĩa bóng trong thơ, trước hết cái nghĩa đen phải đúng, phải hợp lý chứ?” ][16]

Đọc xong đoạn bình này, tôi không thể tin nổi vào mắt mình rằng, đây là lời bình của một nhà thơ, một nhà phê bình. Hai câu thơ, với ý nghĩa (theo quan điểm của của tôi) không quá khó hiểu/cảm đến mức Trần Mạnh Hảo phải lập hẳn một “phương trình” “một công thức toán học” để áp dụng vào giải mã thơ, biến hai câu thơ ấy thành những “dãy số nghĩa” chết cứng, vô cảm và máy móc. Trong hai câu thơ trên, với việc đặt những yếu tố đối lập cạnh nhau: đặt Bầu vú (động, hữu cơ) bên cạnh Đá sỏi (tĩnh, vô cơ), đặt Con người bên cạnh Vật vô tri, Nguyễn Quang Thiều nhằm hướng đến nhiều chủ đề khác nhau, không cùng bình diện như: cái chết, làm tình, cảm xúc… “góp phần hạ bệ hoặc tôn vinh nhiều yếu tố đã được xác định giá trị” (Lê Huy Bắc). Con người trong trường hợp/tình huống này được /bị giải nhân cách triệt để. Cảm xúc, đời sống tình ái  (Biểu tượng: “Bầu vú”) của con người giờ đây không phải là gieo mầm cho hoan lạc tình yêu, mà thực chất là sự trống vắng, cằn cỗi, không tái sinh của đời sống tình cảm. Tình yêu, cuộc sống ái tình đối với con người trở nên vô cảm và chai sạn như sỏi đá dưới chân ai.

Câu thơ là lời cảnh tỉnh của tác giả đối với con người và rộng hơn là loài người trong thế giới kĩ trị của thời Hậu hiện đại này về một tương lai “thiếu vắng tình yêu” đích thực giữa những thiên thần nhỏ đang bước đi trên mặt đất đó. Thơ Nguyễn Quang Thiều tự thân chưa hẳn đã tối nghĩa, nhưng qua lối phê bình của Trần Mạnh Hảo, nó trở nên vô cảm và tối nghĩa. Hơn nữa,Trần Mạnh Hảo lại nhấn mạnh “muốn đạt được nghĩa bóng trong thơ, trước hết cái nghĩa đen phải đúng, phải hợp lý chứ?” cũng rất mâu thuẫn. Nếu như câu thơ nào cũng phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn khởi đầu của nó “phải đúng nghĩa đen”, thì nó đâu có “siêu” và “đi tới tận cùng của cái thực, thơ sẽ đạt được cái siêu” như ông từng nói (??); hoặc, nó ngay lập tức trở thành văn bản cổ động, tuyên truyền về chính trị, hoặc, nó là một cách ngôn để bộc lộ quan điểm cá nhân, thậm chí, nó trở nên bình dân hóa về ngôn ngữ, trở thành ngôn ngữ giao tiếp. Tôi không tuyệt đối hóa nghĩa bóng của thơ, cũng chẳng tuyệt đối hóa nghĩa đen của thơ, thơ dù viết theo hướng nào cũng phải có tính thơ, nghĩa là, ngôn ngữ thơ phải được tu từ một cách nghiêm cẩn và nhà thơ cần là một anh phu chữ trong mọi tình huống sáng tạo. Có như vậy thơ mới đúng là thơ.

Sự mâu thuẫn tự phủ nhận trên cho thấy:

–      Một là, Trần Mạnh Hảo có thể cảm rung động đối với các bài thơ mà ông gọi là “hay”, nhưng với thơ Nguyễn Quang Thiều thì ông cần phải “Hiểu” (?)

–      Hai là, đến với thơ Nguyễn Quang Thiều, ông không muốn/ không thể cảm, mà phải hiểu bằng việc phân tích, cắt nghĩa và giải thích các biểu tượng ngôn ngữ…

–      Ba là, thơ Nguyễn Quang Thiều chưa đủ mãnh liệt để ông có thể cảm, mà “bắt buộc” phải “Hiểu” cho được nó…

Luận điểm trên là minh chứng thứ tư cho sự mâu thuẫn tự phá sản trong quan niệm, cũng như “lập luận” của Trần Mạnh Hảo – thủ lĩnh của phái lý luận không có thơ.

Mâu thuẫn vốn là động lực của cách mạng, của tiến bộ xã hội. Nhưng, mâu thuẫn tự phá sản thì ngược lại, nó không những không thể trở thành động lực của tiến hóa xã hội, mà nó còn kìm hãm, kéo tụt xã hội vào sự lạc hậu, bảo thủ. Theo tôi, thơ cần thiết phải đi tìm một cách nói cho con người, gợi mở những liên tưởng sống nơi người đọc, dẫn dắt bạn đọc vào thế giới tâm hồn mà họ từng nuôi dưỡng và lý tưởng hóa nó nhiều hơn là đặt họ vào tình huống “phải” diễn giải. Theo đó, thơ của Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương thiên về “gợi mở” hơn là  phơi bày trần trụi điều đã có, ý nghĩa thơ của họ hướng tới việc: đi tìm một cách nói cho con người (nói như thế nào?) nhiều hơn là điều muốn nói (nói cái gì?). Chính vì thơ có tính gởi mở, nên nó thường không ổn định về nghĩa và ý nghĩa, nó luôn thay đổi theo biên độ tưởng tượng và kinh nghiệm đọc của bạn đọc. Theo đó, nếu người đọc có bề dày văn hóa, tầng tri thức sâu sẽ có cách đọc, cảm thơ khác biệt với lớp người đọc bình dân, lại càng khác xa so với lối đọc mang sẵn định kiến thẩm mỹ, định kiến ý thức hệ và đặc biệt là định kiến cá nhân. Hệ quả từ mâu thuẫn tự phá sản của phái lý luận không có thơ là minh chứng cho lối đọc nhầm, lối đọc chứa nhiều định kiến ấy. Từ mâu thuẫn nội tại trên, cho thấy khuynh hướng tự phá sản về mặt tư tưởng và ý thức hệ vị lợi ích nhóm của phái lý luận không có thơ. Chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này trong kỳ tiếp theo của tiểu luận: Sự thất bại của phái “Lý luận không có thơ” và cái chết khả dĩ của một “loại hình thẩm mỹ trong thơ” trên các phương tiện truyền thông chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam.



[1]Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 5.

[2] Đây là bài mà các website trong và ngoài nước khẳng định “Tham luận của Trần Mạnh Hảo gửi cuộc hội thảo: “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại” do Viện Văn học tổ chức sắp tới”, như vậy, ít nhiều, nó cũng có tính nghiêm túc. Chúng tôi sẽ dựa chủ yếu vào bài viết này của Trần Mạnh Hảo để bác bỏ chính quan điểm của ông và phái lý luận không có thơ

[3] Trần Mạnh Hảo, Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, nguồn: http://www.thieusinhquan.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1110:v-trng-phai-th-tan-con-coc-ca-nguyn-quang-thiu-&catid=9:tho&Itemid=51.

[4] Để khách quan, công bằng, chúng ta hãy nghe Martin Heidegger – Triết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX bàn về “tính”/thể tính/bản chất như thế nào? Trong wegmarken, Martin Heidegger nói: “Doch das Sein – was ist das Sein? Es ist Es selbst. Dies zu erfahren und zu sagen, muss das kinftige Denken lernen” (“Nhưng thể tính/tính thể/bản chất là gì? Thể tính/tính thể/bản chất  là chính Thể tính/tính thể/bản chất. Đó là vấn đề mà tư tưởng tương lại phải học cách thể nghiệm và học các nói”). Quan niệm về “thể tính” này của Heidegger gần với quan niệm “Đạo” của Lão Tử: “Đạo khả đạo phi thường đạoDanh khả danh phi thường danh.” (“Đạo mà nói được là Đạo thì không phải là Đạo vĩnh viễn, tên có thể gọi là tên thì không phải là tên vĩnh viễn”), gần với “Lời” trong Kinh Thánh Tân Ước: “In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God. The same was in the beginning with God. All things were made by him, and without him was not any thing made that was made.” (“Khởi thủy là Lời và Lời nằm nơi Chúa, Lời là Chúa. Lời cùng khởi sinh với Chúa. Mọi vật đều được sáng tạo bởi Chúa. Ngoài sự sáng tạo của Chúa, sự vật không tồn tại” ). Theo nghĩa ấy, thể tính/bản chất của một sự vật hiện tượng mà phát ngôn/ nói ra được, thì đó không còn là thể tính/ bản chất của sự vật hiện tượng ấy nữa, và “im lặng”, “vô ngôn” là con đường trở về hữu hiệu, gần gũi nhất với thể tính/bản chất của sự vật.

[5] Trong bài viết của mình, Nguyễn Quang Thiều chỉ khiêm tốn dừng lại ở mức độ quan niệm, chứ không phải là “định nghĩa” như Trần Mạnh Hảo đã gán nghĩa cho ông.

[6] Trần Mạnh Hảo, Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, Tlđd.

[7] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang- 7.

[8] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang- 8.

[9] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[10] Trần Mạnh Hảo, Về trường phái thơ “Tân… con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, Tlđd.

[11] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 12.

[12] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 11.

[13] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 11.

[14] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[15] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 72 – 73 – 74

[16] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 75.

(Nguồn: Website Hội nhà văn Việt Nam)