(Một phạm trù “thẩm mỹ” mới về thơ của phái “Lý luận không có thơ”)

Ngô Quốc Phương


Để biện minh cho những luận điểm của mình nhằm xuyên tạc, có hướng phủ nhận những nỗ lực đổi mới của các nhà thơ đương đại, phái lý luận không có thơ đã viện dẫn đến thuật ngữ do họ dựng lên để áp đặt cho một dòng thơ mà họ gọi là thơ vô lối. Tôi nói, thuật ngữ “thơ vô lối” là do phái lý luận không có thơ dựng lên vì lẽ:

Thứ nhất, trong hệ thống thuật ngữ văn học được sử dụng chính thống trên văn đàn không có thuật ngữ “thơ vô lối”. Vì một khi được xem là thuật ngữ chính thống, nghĩa là thuật ngữ ấy được xác lập bởi một cộng đồng khoa học có tranh biện và đi đến thống nhất, được quảng bá một cách công khai trên các sách báo. Tôi lục tìm trong các cuốn từ điển văn học (bộ mới nhất) không thấy tồn tại thuật ngữ này, điều ấy chứng tỏ, nó do một nhóm người có cùng lợi ích phi chính thống dựng lên và tự quy ước. Tuy nhiên, trong nội bộ phái lý luận không có thơ cũng không đưa ra được những lý lẽ chung thuyết phục về thuật ngữ này, một thành viên trong phái này đã thẳng thắn đưa ra định nghĩa[1] và dựng lên lịch sử hình thành của thuật ngữ này như sau:

Vô lối là một loại viết có từ thập kỷ 60 thế kỷ trước và bùng phát nhiều nhất từ thập kỷ 90 thế kỷ trước đến hôm nay. Nó càng bùng phát hơn nữa khi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao giải cho tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều và vừa rồi (năm 2011 – 2012), Hội Nhà văn Việt Nam lại tiếp tục trao giải cho cả 4 tập của các tác giả Mai Văn Phấn, Từ Quốc Hoài, Đỗ Doãn Phương, Định Thị Như Thúy, kiểu viết như Nguyễn Quang Thiều nối dài.

Điển hình của Vô lối là triệt tiêu một trăm phần vần điệu, xóa bỏ cách nghĩ, cách cảm của ông cha và thơ ca truyền thống dân tộc và thế giới; tắc tỵ, rắc rối, tù mù, dài dòng văn tự, dây cà ra dây muống, nhạt nhẽo, đánh đố mình, đánh đố người đọc, dung tục, tình dục bệnh hoạn, sính dùng chữ nước ngoài một cách tùy tiện, tuỳ hứng…

Vô lối có một đặc điểm nữa là không thể đọc nổi vài ba dòng.”[2]

Theo đó, thuật ngữ “thơ vô lối” dưới quan niệm của phái lý luận không có thơ trước hết, nó là “một loại viết” và loại viết ấy có đặc điểm “triệt tiêu vần điệu xóa bỏ cách nghĩ, cách cảm” và “không thể đọc nổi một ba dòng”. Đây là cách xác lập định nghĩa mơ hồ, tự phát và cảm tính của phái này. Vì, nếu đã là “một loại viết” thì nó không giới hạn mình trong thơ mà còn lan sang các thể loại khác gồm các văn bản hư cấu và phi hư cấu. Trong văn bản hư cấu còn có văn bản hư cấu tự sự và văn bản hư cấu phi tự sự. Vậy thì, việc “triệt tiêu vần điệu xóa bỏ cách nghĩ, cách cảm” và “không thể đọc nổi một ba dòng” là điều tất yếu. Nếu áp dụng lối quan niệm mơ hồ với một cách lập luận phi lý luận này vào các văn bản phi hư cấu như triết học, sử học, ký hiệu học, thì tất cả các văn bản ấy đều là “loại viết vô lối” (??) Những thành tựu về tư tưởng Đông Tây, theo đó, dưới cách nhìn của phái này đều là vô nghĩa và phi lý (??). Vậy hiển nhiên, thơ dưới mắt các đại biểu của phái này cũng chịu số phận vô lý ấy? Chính lối lý luận không có lý luận ấy đã tự phủ nhận cái mà họ tự dựng lên là “tắc tỵ, rắc rối, tù mù, dài dòng văn tự, dây cà ra dây muống, nhạt nhẽo, đánh đố mình, đánh đố người đọc, dung tục, tình dục bệnh hoạn, sính dùng chữ nước ngoài một cách tùy tiện, tuỳ hứng”.

Phái này lại còn dựng lên một lịch sử không có thực rằng: “Vô lối là một loại viết có từ thập kỷ 60 thế kỷ trước và bùng phát nhiều nhất từ thập kỷ 90 thế kỷ trước đến hôm nay. Nó càng bùng phát hơn nữa khi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 trao giải cho tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều và vừa rồi (năm 2011 – 2012), Hội Nhà văn Việt Nam lại tiếp tục trao giải cho cả 4 tập của các tác giả Mai Văn Phấn, Từ Quốc Hoài, Đỗ Doãn Phương, Định Thị Như Thúy, kiểu viết như Nguyễn Quang Thiều nối dài.[3] nhằm xuyên tạc ý thức hệ thẩm mỹ của dân tộc, hạ thấp nhân cách và giá trị thơ của các tác giả trên. Một khi “vô lối” không được xem là thuật ngữ chính thống, được sử dụng rộng rãi trong giới lý luận Đông Tây mà lại có một lịch sử “rõ ràng” dưới cái nhìn của các nhà lý luận không có thơ “có từ thập kỷ 60 thế kỷ trước và bùng phát nhiều nhất từ thập kỷ 90 thế kỷ trước đến hôm nay” thì đó là một biện lý phi khoa học, thiếu trung thực. Khi lý lẽ đưa ra vốn không đủ cơ sở khoa học và thiếu trung thực, thì lý luận ấy không đủ tin cậy cho những kết luận về sau.

Trần Mạnh Hảo trong cuốn Thơ phản thơ đã sử dụng thuật ngữ này[4] để phê phán thơ của Nguyễn Quang Thiều, song, ông lại không đưa ra một cơ sở biện lý nào để xác lập ý nghĩa của thuật ngữ trên. Điều ấy cho thấy, những đại biểu tiêu biểu nhất của phái lý luận không có thơ là những nhà “tuyên ngôn tùy tiện”, phê phán các lập trường tư tưởng và sáng tác thi ca một cách tùy hứng, thiếu chứng lý, cho thấy tính chất manh động, dễ thay đổi trong lập trường của phái này. Phái lý luận không có thơ muốn bác bỏ giá trị thẩm mỹ cũng như nỗ lực hiện đại hóa thơ ca nước nhà bằng các thuật ngữ phi thuật ngữ, được tiến hành bởi các cộng đồng khoa học phi khoa học xác lập, đã mở ra những dấu hiệu nhằm đưa đến kết cục tự phá sản về mặt tư tưởng và ý thức hệ cá biệt.

Thứ hai, thuật ngữ này không có thực trong hệ thống lý luận về logic các thể loại văn học, trong đó, có loại hình thơ ca. Như trên tôi đã chỉ ra rằng, thuật ngữ này không được sử dụng trong giới lý luận Đông Tây, vì cho đến nay chưa có tên thuật ngữ nào tương xứng với cụm từ “loại viết vô lối” được các nhà lý luận trên thế giới sử dụng, duy nhất, nó được sử dụng ở Việt Nam dưới nhãn quan “phê phán” của phái lý luận không có thơ. Các nhà lý luận phương Tây, trong đó tiêu biểu là Nicanor Parra và Elias Petropoulos đã sử dụng thuật ngữ Antipoetry theo một nghĩa hoàn toàn đối lập với thuật ngữ do phái lý luận không có thơ đặt ra, nhằm xóa nhòa ranh giới giữa thuật ngữ khoa học và thuật ngữ phi khoa học[5]. Nicanor Parra và Elias Petropoulos khi xác lập quan niệm về Antipoetry đã cho rằng: “chống-thơ ca (phản thi) là một phong trào nghệ thuật nhằm thoát khỏi những quy ước thông thường của thơ ca truyền thống…Họ tìm cách chối bỏ tính chất huyền thoại hóa về ngôn ngữ (thoát khỏi sự nô lệ về văn phạm giống như lối “tầm chương trích cú của dòng văn chương khoa cử – N. Q. P nhấn mạnh). Những bài thơ được thể hiện thông qua lối miêu tả có tính phá cách về văn phạm, biểu tả giống như văn xuôi, nhằm giải thiêng những yếu tố được huyền thoại hóa trên văn bản, tìm kiếm và khai phóng giá trị con người” (Anti-poetry is an art movement that attempts to break away from the normal conventions of traditional poetry… sought to reject the belief that verse holds any mystical power. The poems have been described as prose-like, irreverent, and illuminating the problems of human existence.) (theo en.wikipedia.org).

Như vậy, thuật ngữ Anti- poetry thường dịch là phản thi ca hoặc chống thi ca, được các nhà lý luận phương Tây sử dụng nhằm để phản ứng lại lối viết đóng khung, chết cứng và mô phạm từ các quy tắc thơ truyền thống. Ý nghĩa sâu sa hơn của lối viết này là hướng tới giải phóng cái tôi ra khỏi các đại tự sự, nhằm phá vỡ các niềm tin tưởng như bất biến đối với di sản truyền thống, đặc biệt là các yếu tố được huyền thoại hóa về mặt lịch sử, trong đó có huyền thoại hóa về cá nhân con người. Do vậy, Antipoetry không thể đánh đồng với “vô lối”, vì về bản chất, Antipoetry là một phong trào tiền phong nhằm giải thiêng các yếu tố chính trị trong nghệ thuật để hướng đến sự độc lập của nghệ thuật miêu tả, tạo đà cho phong trào Hậu hiện đại và Giải cấu trúc ra đời, phát triển rầm rộ sau này. Sự nhập nhằng và thiếu cơ sở trong việc sử dụng thuật ngữ đã chứng tỏ, phái lý luận không có thơ vừa yếu về lý vừa kém về trí, quan trọng hơn là cách phê phán tùy tiện mà phái này đã làm.

Xuất phát từ quan điểm và lập trường tự phát, cho nên, phái lý luận không có thơ chỉ quan tâm đến con người thi nhân trong ý nghĩa chung, phổ quát, tiền giai cấp. Họ đã siêu hình cắt bỏ hình ảnh con người xã hội bên trong mỗi nhà thơ. Trần Mạnh Hảo trong Thơ phản thơ đã xem “Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại”[6] và kể từ Thơ phản thơ đến nay, quan niệm của ông về thơ nói chung và thi sĩ nói riêng vẫn chỉ dừng lại ở thuộc tính nhân cách chung nhất có trong tất cả các nhà thơ. Để chứng minh cho điều này, thiết nghĩ không có lý lẽ nào mạnh cho bằng lý lẽ của chính Trần Mạnh Hảo: “Xem ra như thế, những gì rốt ráo nhất, chân như và thiêng liêng nhất, đều có chung bản chất với trẻ con. Và như thế, chúng ta vui mừng phát hiện ra rằng, vẫn còn một đứa trẻ lon ton chạy qua sa mạc, bão tuyết, chạy qua bao nhiêu thiên niên kỷ của những trận đại hồng thủy đến với chúng ta từ vườn Ê đen xưa, nơi tổ tông chúng ta bị đuổi khỏi địa đàng. Phải chăng đứa- trẻ – con- muôn – thuở ấy chính là thơ ca?…Lẽ nào trái đất mênh mông nhường này lại không có chỗ trú ẩn cho đứa trẻ thơ thiêng liêng kia? Lẽ nào con người đang tâm xua đuổi cái thời thơ ấu của mình, xua đuổi cái phần mơ mộng, huyền ảo của tâm hồn mình, xua đuổi cái phần “nhân chi sơ tính bản thiện” ra khỏi đời sống hiện nay[7], với nhận định này, Trần Mạnh Hảo đã xem cá nhân thi sĩ dừng lại ở phía con người nhân tính mang nghĩa chung nhất của con người, ông đã bỏ qua con người xã hội của các nhà thơ, do đó, việc ông không có cái nhìn đúng về các nhà thơ đương đại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Và cho đến cái quan niệm “Thơ sinh ra không phải để dễ hiểu hay khó hiểu mà để truyền cảm, làm xúc động lòng người”,[8] âu cũng xuất phát từ cái nhìn siêu hình tự căn rễ đối với việc phân chia con người trong sáng tạo thi ca củaTrần Mạnh Hảo.

Nếu như mặt nhân tính[9] (yếu tố trẻ thơ ) trong con người thi sĩ là nền tảng căn bản cho tình và ý trong thơ, thì mặt xã hội của con người mang đặc trưng lý tưởng và ý thức, trách nhiệm xã hội trong thơ. Nếu như con người xã hội của thi nhân là cấp độ thứ nhất của Con Người, thì con người nhân tính (yếu tố trẻ thơ của loài người) là cấp độ thứ hai. Thiếu đi một trong hai phần con người trong vai trò một thi nhân, thì thi nhân đó chưa hoàn toàn là thi nhân. Cũng tương tự như vậy, tác phẩm thơ của họ nếu trữ tình mà thiếu đi cái lý hướng đến xã hội và con người, thì tác phẩm thơ ấy chưa thực sự là tác phẩm thơ đúng nghĩa. Phái lý luận không có thơ do quá nhấn mạnh đến mặt thứ hai của Con Người là yếu tố nhân tính (mà họ gọi là “Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại”), cho nên, ở họ chỉ nhấn mạnh đến yếu tố tình và cảm trong thơ, đã quên đi mặt bên kia của con người là yếu tố xã hội biểu hiện trong đặc trưng ý và lý của thơ. Cũng vì có cái nhìn chưa toàn diện về vai trò, vị trí và chức năng của nhà thơ và thơ ca, cho nên, phái lý luận không có thơ mới phủ nhận vai trò đổi mới thi ca của Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy…

Để minh chứng cho điều đó, tôi lấy ngay chính ví dụ mà Trần Mạnh Hảo viện dẫn trong bài Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?: đó là các tác giả của phong trào Thơ Mới. Các tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, lùi xa hơn về phía trước là Phan Khôi, thơ của họ không chỉ là sự biểu tả của một tâm hồn phóng khoáng, vượt thoát các quy tắc nghiêm nhặt của thơ truyền thống, mà như một tất yếu, chính vai trò của điều kiện sống xã hội đương thời đã ảnh hưởng lớn đến quá trình đổi mới thơ ở họ. Ở đây, tôi không bàn đến cái vế trữ tình mà thơ họ ôm chứa, vì nó nghiễm nhiên được xem như một mặt của thi ca, mà chủ yếu bàn đến vế thứ hai của con người xã hội trong vai trò thi nhân, là lý và ý mà phái lý luận không có thơ đã bỏ trong ngoặc đơn nhận thức một cách lặng lẽ. Quay trở lại những năm đầu thế kỷ XX, khi xã hội Việt Nam đang còn trong tình trạng “tranh sáng tranh tối”, cái cũ chưa mất hẳn và cái tân thời đã “du nhập” ồ ạt để thấy: sống trong điều kiện xã hội ấy, đặc biệt là sự ảnh hưởng từ lối sống cũng như trào lưu sáng tác của dòng thơ tượng trưng Pháp, cho nên, ý thức phản kháng của con người Tư sản trong các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới không thể phủ nhận là không có. Chính cái con người Tư sản ấy đã phản ứng lại con người mà văn hóa xã hội cũ từng ngấm vào họ. Các nhà thơ đó đã tìm đến cái con người “là một là riêng là thứ nhất” để phản ứng lại con người “lễ giáo gia phong”, và thơ như một phương tiện để họ khẳng khái thể hiện con người xã hội ấy. Tuy nhiên, các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới đã tiếp nhận các đặc trưng thẩm mỹ trong lối viết của trường phái tượng trưng Pháp từ tâm thức Việt, cho nên, thơ của họ vẫn tồn tại một dòng riêng bên cạnh một nguồn chung của dòng thơ tượng trưng thế giới. Điều ấy đã tránh cho các nhà thơ sa vào chủ nghĩa toàn trị trong sáng tạo nghệ thuật.

Tuy nhiên, cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, nền công nghiệp thế giới đã đẩy con người sa vào tình cảnh của đời sống kỹ trị. Con người dần nghi ngờ những giá trị truyền thống, bất tín nhận thức về hiện thực, về các đại tự sự, trong đó, việc phủ nhận, không độc tôn bất cứ một trường phái hay chủ nghĩa nào là cách các nghệ sĩ thế giới lựa chọn trong sáng tác của mình. Tất yếu, khi đã có điều kiện Hậu hiện đại, thì các quốc gia cùng tồn tại trong “thế giới phẳng” cũng phải đi theo quy luật: chuyển từ giai đoạn/lối sống/cách quan niệm/ ý thức hệ thẩm mỹ Hiện đại  sang giai đoạn/lối sống/cách quan niệm/ ý thức hệ thẩm mỹ Hậu hiện đại. Vì vậy, hơn lúc nào, thi nhân là những người nhạy cảm với thời đại nhất. Họ đã nhận ra yếu tố dễ đổ vỡ, không đáng tin từ phía các lý tưởng, chủ nghĩa, cho đến các trường phái nghệ thuật. Việc phủ nhận độc tôn các phương pháp trong sáng tạo thi ca cũng là điều dễ hiểu. Do đó, để xác định cho đúng phong cách sáng tác thơ ca của các nhà thơ trong hoàn cảnh kỹ trị này là điều không phải ai cũng làm được. Trong tinh thần chung của thời đại ấy, Nguyễn Quang Thiều rồi đến Mai Văn Phấn là những thi sĩ thể hiện khá sớm vai trò con người phản kháng trước hiện thực. Thơ của họ là sự phủ nhận đối với các ý thức hệ thẩm mỹ có tính toàn trị trong nghệ thuật, phủ nhận các đại tự sự, các biểu tượng huyền thoại về văn hóa.

Thơ của họ là những khắc khoải về hiện thực vốn đổ vỡ niềm tin, là tâm thức lãng mạn của kẻ chịu lưu đày trước trách nhiệm xã hội trong mình. Bóng dáng thơ của họ, theo đó, là sự phản ứng mạnh mẽ trước những gì vốn được tụng xưng là ổn định kéo dài từ Thơ Mới, tới dòng thơ Hiện thực phê phán và cho đến dòng thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa mà chúng ta gọi là “dòng văn học phải đạo”. Do đó, thơ của Nguyễn Quang Thiều là quá trình giải cấu trúc những huyền thoại văn học một cách triệt để, phá vỡ những gì thuộc về huyền thoại, được xem là bất biến mà một thời được các nhà thơ, nhà văn “phải đạo” ca tụng hết mình. Vì vậy, đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn  mà  mang  tâm thức cũ của con người toàn trị về nghệ thuật vốn đã lùi xa về thời Hiện đại như phái lý luận không có thơ đang phê phán là hành động khập khiễng, đảo ngược các giá trị, là “hất nước hất cả đứa bé trong chậu”. Muốn có cách thông diễn hợp lý về thơ của hai nhà thơ trên, thì anh phải đứng trong lòng của Hậu hiện đại, phải đứng trong lòng của giải cấu trúc, phải tự quy giản ý thức của mình về trạng thái hồn nhiên thì anh mới tìm ra cái ý và cái tình trong đó.

Phái lý luận không có thơ sẽ không bao giờ hiểu được thơ họ, mà rộng hơn là hiểu về thơ đương đại trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu như họ vẫn đeo đẳng trong mình định kiến thẩm mỹ được hình thành trong quá khứ của kinh nghiệm thẩm mỹ, đúng như lời thúc giục của Martin Heidegger: “Nhưng bạn bè của tôi hiện giờ ở đâu?”[10]. Thi nhân đời nào cũng vậy, luôn phải đeo đẳng trong mình tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày. Họ không chỉ chịu kiếp lưu đày với chiếc gông xã hội nặng chĩu trên vai, mà còn phải chịu thêm kiếp xiềng xích đang xiết chặt đôi chân trần từ phía “cách nhìn” “cách đánh giá” nhiều định kiến của người đời. Song càng chịu kiếp lưu đầy thì tâm hồn họ càng lãng mạn và thanh tao, vì chỉ có như vậy, họ mới vượt thoát khỏi chính mình, hướng đến thế giới được xây đắp bởi tình và ý, bởi hoa và máu, bởi niềm tin bất diệt vào con đường họ chọn. Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương cũng vậy, ở họ, cái tâm thức lãng mạn kia vẫn hàng ngày phải đeo, thồ tư tưởng, bước những bước nặng nhọc đến với “ngôi đền thi ca” mà họ đã/từng/đang nuôi dưỡng trong ý chí của mình. Hành trình đó, với họ, là hành trình không mệt mỏi, không đơn độc, vì, quanh họ còn có những người đọc biết đọc và đọc đúng tâm thức “lãng mạn” trong cảnh lưu đầy của nghiệp thơ ấy. Vấn đề thơ và Chủ nghĩa “lý luận không có thơ” sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong kỳ tiếp theo của tiểu luận: Những mâu thuẫn tự phá sản của phái “Lý luận không có thơ” trên các phương tiện truyền thông chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam.



[1] Tôi nói đây là định nghĩa của phái Lý luận không có thơ, bởi vì, nó không phải là nhận định đang đi tìm lí lẽ để chứng minh, mà là một quan niệm đã được khẳng định bởi liên từ “là”.

[2] Đỗ Hoàng Vô lối Nguyễn Quang Thiều”, nguồn: http://vannghecuocsong.com/home/vi/news/Nghien-Cuu-Ly-Luan-Phe-Binh/Vo-loi-Nguyen-Quang-Thieu-395/

[3] Đỗ Hoàng Vô lối Nguyễn Quang Thiều”, nguồn: http://vannghecuocsong.com/home/vi/news/Nghien-Cuu-Ly-Luan-Phe-Binh/Vo-loi-Nguyen-Quang-Thieu-395/

[4] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang.. 68

[5] Bởi vì, Trận Mạnh Hảo đã sử dụng thuật ngữ “vô lối” trong cuốn sách của ông có nhan đề Thơ phản thơ, do vậy, hẳn rằng, “vô lối” trong quan niệm của Trần Mạnh Hảo gần với Anti-poetry?

[6] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang. 5

[7] Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang. 5, 6

[8] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[9] Louis Althusser đã hiểu sai Marx ở điểm này. Ông phủ nhận quan điểm về sự hiện diện của con người nói chung, theo ông chỉ có con người được phân kỳ theo mỗi giai đoạn lịch sử. Do đó lịch sử loài người là lịch sử của các giai đoạn sản xuất và như vậy, con người bao giờ cũng là con người của các giai cấp xã hội cụ thể trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, chứ không thể tồn tại con người chung chung với những lý tưởng cũng như đặc tính phổ quát. Vì vậy, thuật ngữ mà Althusser quen sử dụng trong các tác phẩm của mình là anti – humanisme (Chống – Chủ nghĩa nhân đạo/ Chống – Chủ nghĩa nhân bản). Giáo sư Trần Đức Thảo trong cuốn Vấn đề con người và “chủ nghĩa lý luận không có con người” bằng việc phát hiện ra yếu tố lao động thời kỳ tiền- giai cấp (nguyên thủy) đã phê phán triệt để quan điểm này của Althusser. Giáo sư Thảo cho rằng, con người giai cấp chỉ là lớp thứ nhất của con người, nó che khuất tầng sâu thứ hai là Nhân Tính (Humanité/ Humanity). Và vì vậy, con người phổ quát (tức yếu tính chung của loài người) không mất đi mà nó bị Con người giai cấp che khuất. Do đó, việc Althusser đề cao con người giai cấp đã vô hình đẩy nhà triết học vào phương pháp “siêu hình”, tạo điều kiện cho Chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, gạt bỏ ra ngoài con người Nhân Tính. Stalin và Mao Trạch Đông đã tôn sùng lý thuyết này của Althusser làm chủ nghĩa Marx chân chính bị biến dạng. Giáo sư Thảo đã phê phán gay gắt Althusser về điều này, ông gọi quan điểm về anti – humanisme của Louis Althusser là “Chủ nghĩa lý luận không có con người”. Xin xem thêm:

  1. Louis Althusser (1971), Lenin and Philosophy and other essays, Monthly Review Press, New York, USA, p. 127 – 186: “Ideology and Ideological State Apparatuses (Notes towards an Investigation)”.
  2. Jon Elster (1986), Making sense of Marx, Cambridge University Press, UK, P. 53 – 118: “Philosophical anthropology”, P. 461 – 493 : “Ideologies”.

Trần Đức Thảo (2000), Vấn đề con người và “Chủ nghĩa lý luận không có con người”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, chương “Vấn đề con người và “Chủ nghĩa lý luận không có con người”.

[10] Martin Heidegger (1967),Về thể tính của chân lý, Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn, trang II.

 

(Nguồn: Website Hội nhà văn Việt Nam)