Tinh thần gì sẽ đưa người Việt Nam trở về nguồn gốc của quê hương? Tinh thần căn nguyên triệt để nào? Tinh thần “Voraussetzungslosigkeit” nào? “Sự tự lập thức” (Selbstbesinnung) nào khả dĩ đưa người Việt Nam đến chỗ “tự trị” và “tự trách nhiệm” cho ý nghĩa của Việt Nam? Hégel, Nietzsche, Marx không thể mang gì đến cho ta, Husserl, Heidegger, Sartre không thể mang gì đến cho ta, nếu chính ta, ta không trở về chính chúng ta, không “quy hướng” (Reduction) trong ý nghĩa triệt để của “Intentionalitaet” để “quy hồi” trong ý nghĩa của “Reduktion”, trở về mình như là mình, mình với mình, với “lòng tin tưởng vĩ đại trong ý nghĩa của thế giới, trong ý nghĩa của chính hiện thể của riêng mình, nơi mình”

[Nhưng bạn bè của tôi hiện giờ ở đâu?][1]

1. Lập thức về “Voraussetzungslosigkeit”

Chúng ta thấy vấn đề căn bản nhất của triết lý là vấn đề arché, tức là vấn đề khởi điểm của tất cả tư tưởng ([2]). Vấn đề này là vấn đề chính yếu từ những tư tưởng gia trước Socrate cho đến Platon ([3]) cho đến Arstote ([4]) kéo dài đến cả thời hiện đại này. Husserl vẫn luôn luôn tiếc nuối là triết lý không được mang tên là “archéologie” ([5]), chữ này diễn tả đúng bản chất của triết lý hơn cả, mà lại bị dùng để gọi một khoa học thực nghiệm ([6]). Khi đề cập đến Husserl, Merleau-Ponty cũng có nhắc lại chữ “archéologie” này ([7]), Merleau-Ponty gọi những “hàm nghĩa qui hướng của ý thức” là “archéologie” của ý thức trong bài dạy về Husserl ([8]). Đề cập đến vấn đề arché là đề cập vấn đề Voraussetzungslosigkeit trong triết lý. Voraussetzungslosigkeit có nghĩa là “không có Voraussetzung” (chữ Anh gọi là Presuppositionlessness). Đó cũng là đề cập đến khởi nguyên khởi điểm, khởi đầu của triết lý. Hiện tượng học là một triết lý luôn luôn bắt đầu, khởi đầu lại “một nền khoa học của sự khởi đầu” như Husserl đã gọi là “Wissenschaft des Anfangs” trong Nachwwort zu meinen “Ideen” (trang 161). Chúng ta thấy Sinn, Besinnung, Selbstbesinnung có liên hệ trực tiếp tới Lebenswelt, Intentionalitaet Reduktion và chính ý tượng Besinnung (Selbstbesinnung) là lý nhất quán tôi dùng để viết thiên luận thuyết này và nơi đây hơn bao giờ, chúng ta rõ thấy Besinnung (Selbstbesinnung) có liên hệ với lý tưởng Voraussetzungslosigkeit. Chúng ta thấy vấn đề Voraussetzungslosigkeit, cũng là vấn đề trọng tâm của S. Hodgson, Brentavo, E. Spranger, Volkelt ([9]). Ở Đông Phương, triết gia lưu ý nhất đối với vấn đề Voraussetzungslosigkeit này là triết gia Nhật Bản Rin’ichi Kittaka, ông đề cập nhiều đặc biệt đến vấn đề này trong quyển New Method of Philosophy (đặc biệt nơi phần II, 4. Radiciology and Presuppositionlessness) ([10]) và ngay là không phải Husserl không ý thức về cái Voraus-Selzung, mà chính ý thức về cái “Voraus-Setzung” này mà Husserl mới thiết lập ý nghĩa cho tinh thần triệt để của hiện tượng học qui hướng ([11]) về nguyên lý phi tiền giả lập “Voraussetzungslosigkeit”: đi từ phư­ơng trình “ego-cogito-cogitatum” như “Vozaussetzung” thì chúng ta mới lãnh hội tất cả ý nghĩa của “uga siêu thể” và từ đó mới hiểu trọn vẹn tất cả ý nghĩa của “Besinnung” (lập thức) và “Selbstbesinnung” (tự- lập thức).

Gaston Berger nhận xét rất đúng: “Giá trị nền tảng đặt vào trực kiến không có ý nghĩa gì khác hơn là nhu thuận đối với thực tại, nghĩa giải phóng khỏi mọi tiền lập, “absolute Voraussetzungslosigkeit([12]). Cũng như A. de Waelhens giải thích trên một bình diện động: “se réduire chính là làm những sự diễn tả có tính cách Voraussetzungslos([13]). Một nhận xét sơ đẳng nhất và căn bản nhất là: Nguyên lý về Voraussetzungslosigkeit (phi – tiền lập/ phi – giả định) chính là một Voraussetzung (sự tiền lập/ sự giả định) ([14]) lớn lao nhất. Điều nhận xét này không có tính cách phủ nhận tinh thần triệt để voraussetzungslos của hiện tượng học, mà chính là nói đến sự lập thức một cách ý thức nhất về lý tưởng Voraussetzungslosigkeit của hiện tượng học; nói đến tinh thần triệt để thì không thể nào không đi từ nhận xét sơ đẳng nhất và căn bản nhất này ([15]). Từ tinh thần của sự nhận xét này, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của sự bắt đầu tuyệt đối trong hiện tượng học, đi từ nhiệt hứng loại trừ mọi sự tiền lập như René Schérer viết trong phần kết luận của quyển khảo luận về giai đoạn đầu Husserl ([16]).

“Tiền lập” có nghĩa là gì? Trong một chương quan trọng ở Sein und Zeit nói về “sự tiền lập của chân lý” (die Wahrheitsvorausse zung), Heidegger có đặt lên câu hỏi: “Tiền lập có nghĩa là gì?” Đó có nghĩa là hiểu được một cái gì đó như là căn thể về bản chất của một sự thể nào khác” (Was besagt Voraussetzen? Etwas verstehen als den Grund des Seins eines anderen Seienden) ([17]). Đây là một câu quan trọng, càng lúc càng có ý nghĩa, khi chúng ta đặt hiện tượng học vào trong sự thành tựu của siêu hình học Tây Phương, nơi đây, chúng ta thấy Heidegger xác định VoraussetzungGrund – như là Grund des Seins (vấn đề này có liên hệ trực tiếp với tương quan giữa Grund Abgrund, nghĩa là giữa Nền tảng và Hố thẳm ([18]) và sau nay khi Heidegger lên tiếng tỏ thái độ dứt khoát với Husserl và xô đẩy Husserl vào trong sự cáo chung của triết lý thì chúng ta đã thấy rằng đó là điều dĩ nhiên rồi ([19]).

Muốn phê bình, muốn xác định lại giới hạn và sự bế tắc của Hiện tượng học Husserl thì phải đi từ con đường tư tưởng Lichtung của Heidegger, “Lichtung” hiểu theo nghĩa “Urphaenomen” hoặc rõ ràng hơn “Ur-Sache” ([20]). Có phê bình Husserl một cách thấu đáo, viên dung, triệt để theo điệu Heidegger như vậy mới chính là “trở về chính sự việc” (zur Sache selbst) nơi chính “sự việc uyên nguyên” (Ur-Sache) được hiểu như là “Lichtung”, “khoáng lâm” cho cả hiện tính khiếm tính ([21]).

Đối với tinh thần Voraussetzungslosigkeit của Husserl, chúng phải bắt đầu tư Voraus-Setzung của “chủ thể tính siêu thể” ([22]) rồi đặt ý nghĩa của chủ thể tính ấy trong ý nghĩa của Grund Sache trong toàn thể siêu hình học Tây Phương trong ý thức về sự tựu thành của siêu hình học ấy, rồi phê bình tát cạn vị thế của Husserl trong thế mệnh hiện nay, nghĩa là đưa Lichtung của Heidegger làm mai mối để chiếu rọi Sache của Husserl, xô đẩy Husserl vào trong sự mất quê hương, nỗi vong quốc (Heimatlosigkeit) của Tính mệnh thế giới hiện nay ([23]). Có phê bình Husserl như thế mới là phê bình triệt để, mới đúng là “hiện tượng học về hiện tượng học của Husserl” không phải theo nghĩa “Phénoménologie de la Phé noménologie” của Merleau-Ponty ([24]) hiểu theo nghĩa “một loại kiến thức quay về tự thể” (eine Art von Erkenntnis an sich selbst richtet), vì thực ra, chính Merleau-Ponty đã xuyên tạc tự thể của hiện tượng học Husserl một cách triệt để, đã lôi Hiện tượng học Husserl đến thái độ đương nhiên mà lại không làm bất cứ sự qui hồi (Reduction) gì cả, từ sự xuyên tạc của Merleau-Ponty trong phần mở đầu “Q­u’est-ce que la phénoménologie?” trong Phénoménologie de la perception (Hiện tượng học về tri giác) đến việc Merleau-Ponty chối bỏ “essence pure” của Hussserl trong Le visible et l’ Inoisible (trang 142-171), nghĩa là lộ trình của Merleau-Ponty là lộ trình chối bỏ Husserl một cách toàn triệt (mượn Merleau-Ponty để tìm hiểu hiện tượng Husserl thì không khác gì mượn Aristote để hiểu Platon!) ([25]). Nhan đề “Hiện tượng học về Hiện tượng học Husserl “của thiên luận thuyết này ([26]) không mang ý nghĩa của Merleau-Ponty mà cũng không phải một vấn đề có tính cách lịch sử (keine historis che Frage) mà lại có tính mệnh (eine geschichtliche, d. h. geschick-liche Frage) ([27]). Chỉ có phê bình, phủ nhận Husserl trong câu hỏi có tính cách tính mệnh này mới có được “sự tự lập thức” (Selbstbesinnung) hiểu theo tinh thần triệt để (Radikalismus), tinh thần loại trừ tiền lập (Voraussetzuoglosigkeit), đặt “sự tiền lập” (Voraus-Setzung) của Husserl vào trong ý nghĩa của “Grund” thì chúng ta mới lãnh hội được tất cả sự thất bại ([28]) của Husserl, còn phê bình phủ nhận Husserl theo điệu Merleau-Ponty của giai đoạn Phénoménologie de la perception Signes, chứ không phải ở giai đoạn le visible et l’ Inotsible) hoặc phê bình phủ nhận Husserl theo điệu nhà trường của Quentin Lauer trong phần kết luận của luận án tiến sĩ Phénoménologie de Husserl (P. U. F. Paris, 1955, trang 393 – 405) thì chỉ là ngộ nhận của Husserl ngay từ căn để, căn để ấy là ý nghĩa “Voraussetzung” mà hơn ai hết Husserl đã làm “sự lập thức” (Besinnung) và “tự lập thức” (Selbstbesinnung) từ ngay thế giới như là “hiện tượng” ([29]).

Ý nghĩa uyên nguyên của Hiện tượng học càng lúc càng ẩn trốn khi người ta càng viết nhiều khảo luận về Hiện tượng học ở khắp thế giới. Điều này không nói lên sự vô nghĩa của Hiện tượng học, mà chỉ nói lên sự vô nghĩa của chính triết học nhà trường, triết học nô lệ mô phạm, “Triết học của những giáo sư Đại học” ([30]), những kẻ vô trách nhiệm, không bao giờ biết bắt đầu, bắt đầu lại tất cả, không bao giờ biết “lập thức” (Besinnen), chịu trách nhiệm (verantworten) cho ý nghĩa (Sinn) của con người và lịch sử.

2. Lập thức về tư tưởng Việt Nam

Thiên luận thuyết này sẽ khó hiểu và nói như Husserl trong Nachwort zu meinen Ideen, thì “sẽ không thể giúp đỡ ai cả, nếu kẻ ấy đã không bao giờ biết được sự thất vọng của một người đau đớn vì đã say mê triết lý…Chỉ có kẻ nào tự mình tranh đấu cho sự bắt đầu của một nền triết lý thì mới có thể có được một thái độ cử xử khác nơi đây”.

Vậy:

Tư tưởng là gì?

Việt Nam là gì?

Tư tưởng trong Văn hóa [văn học] Việt nam là gì?

Những câu hỏi ấy đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi chúng ta từ mấy ngàn năm trước nơi Sông Hồng và vọng xuống dọc dài theo sông Cửu Long cho đến hôm nay. Vì sao con sông đầu tiên của nền văn minh Việt Nam mang tên là sông Cái? Vì sao Cái có nghĩa là Mẹ? Vì sao Cái dùng để kêu gọi tất cả mọi sự? Vì sao Cái càng lúc càng ẩn mất trong ngôn ngữ Việt Nam hiện nay? Cái có nghĩa là gì? CáiCon có nghĩa là gì? Và Cái sẽ lên tiếng nói gì với Ding của Heidegger, với Sache của Husserl, với Ón của Hy Lạp, với Vật của Trung Hoa và với Sat của Ấn Độ?

Tinh thần gì sẽ đưa người Việt Nam trở về nguồn gốc của quê hương? Tinh thần căn nguyên triệt để nào? Tinh thần “Voraussetzungslosigkeit” nào? “Sự tự lập thức” (Selbstbesinnung) nào khả dĩ đưa người Việt Nam đến chỗ “tự trị” và “tự trách nhiệm” cho ý nghĩa của Việt Nam? Hégel, Nietzsche, Marx không thể mang gì đến cho ta, Husserl, Heidegger, Sartre không thể mang gì đến cho ta, nếu chính ta, ta không trở về chính chúng ta, không “quy hướng” (Reduction) trong ý nghĩa triệt để của “Intentionalitaet” để “quy hồi” trong ý nghĩa của “Reduktion”, trở về mình như là mình, mình với mình, với “lòng tin tưởng vĩ đại trong ý nghĩa của thế giới, trong ý nghĩa của chính hiện thể của riêng mình, nơi mình” ([31]).

Chỉ khi nào mình tự lập thức, tự trở lại mình, trở về theo nghĩa quy hướng qua sự quy hồi, chứ không phải trong thái độ đương nhiên, thì mình mới tự vượt qua mình, đưa Việt Nam vượt qua (“Việt”) để tiến về phương Nam (“Nam”), phương Nam không phải theo nghĩa Địa lý, địa phương, mà hiểu theo nghĩa trường sở (“topos”) của một sự lập thức (như trường sở của sự lập thức trong chân trời Thiền Tông của phía Nam Đốn, Bát Nhã của phương Nam Ấn Độ, Lão Trang của phương Nam Trung Hoa), sự lập thức của tinh thần triệt để vượt ra ngoài mọi ý thức hệ (nghĩa là Voraussetzungslosigkeit) tách rời ra ngoài những lập trường và khuynh hướng để trở về ý nghĩa uyên nguyên của Đại Việt.

Từ sự lập thức và tự chịu trách nhiệm cho ý nghĩa của Việt Nam ấy, chúng ta mới hiểu được tất cả ý nghĩa trong câu sau đây của Husserl nói về Lịch Sử, một câu mà tôi đã nêu nơi đầu tiểu luận và cũng dùng để chấm dứt tiểu luận này: “ Lịch sử thoạt tiên chỉ là sự vận hành di động linh hoạt của sự tương dung tương nhập (des Miteinander und Ineinander) về sự lập nghĩa (Sinnbildung) và về sự tập nghĩa (Sinnsedimentierung) uyên nguyên”.

Trong câu trích dẫn trên, tiếng Việt đã “song thoại” một cách “tương dung tương nhập” với tiếng Đức, ngôn ngữ của một dân tộc thông minh nhất của Tây Phương, một dân tộc cũng chịu cùng một hoàn cảnh như hoàn cảnh Việt Nam, nhưng những đứa con của nước Đức (như Hölderlin, Nietzsche, Husserl và Heidegger) đã lên đường trở về nguồn gốc của quê hương, còn chúng ta, những đứa con của Việt Nam, có ai trong chúng ta đang lên đường? Có cần lặp lại một lần nữa lời của Hölderlin mà tôi đã ghi trong quyển Về thể tính của chân lý, 1967, trang II:

“Nhưng bạn bè của tôi hiện giờ ở đâu?”

Phạm Công Thiện

__________________

[1] Martin Heidegger (1967),Về thể tính của chân lý, Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn, trang II.

[2] xin đọc lại Im Lặng Hố Thẳm, 1966, chương II.

[3] Theatetus, 155d.

[4] Métaphysique, 982b9.

[5] “archéologie”: thường được dịch là “khảo cổ học” – Chú thích của Tạp chí Nhà Văn.

[6] E.Fink, Das problem der Phaenomenologie Edmund Husserls, Revue Internationale de Philosophie, lère année. No 2, 15-1-1939, trang 240.

[7] Merleau-Ponty, Signes, NRF, 1960, trang 208.

[8] Merleau-Ponty, Husserl et la notion de Nature, notes prises au cours de M. Merleau-Ponty (Revue de Mesta. Et de Morale, No 3, 1965).

[9] Xin đọc F. Brentano, Die Vier Phasen der Philosophie und ihr augenblickliches Stand, Leipzig, 1926, trang 137-144, cf. Volkelt, Die Aufgabe und die Fundamentalschwierigkeit der Erkenntnisstheorie als einer voraussetzungslosen Wissenschaft in Philosophische Monatschefte, XVII, trang 513-541.

[10] Rin’ichi Kittaka, New Method of Philosophy, Tokyo, 1967. trang 25-36.

[11] Phạm Công Thiện dịch từ  Reduktion/ Reduction là “Quy hồi” với lý do: “ Gọi là Reduktion vì sự việc ấy dẫn chúng ta trở về lại, theo ý nghĩa Latinh reducere, trở về lại nguồn gốc của ý nghĩa và sự hiện hữu của thế giới sở nghiệm…” ( Phạm Công Thiện (1969), “Hiện tượng học về Hiện tượng học Husserl”, Tạp chí Tư tưởng – Đại học Vạn Hạnh, số 1, tr. 25). Thuật ngữ này còn  được một số nhà nghiên cứu triết học Việt Nam dịch là “Quy giản”, “Giảm trừ” Chú thích của Tạp chí Nhà Văn.

[12] Gaston Berger, Le Cogito dans la Philosophie de Husserl, Aubier, Paris, 1941, trang 101.

[13] A de Waelhens, De la Phénoménologie à l’existentialisme in Le Choix, Le Monde, I’Existence, B. Arthaud, 1947, trang 48.

[14] Khi chủ thể tính đặt nhiệm vụ phi- tiền lập/ phi –  giả định về đối tượng, điều ấy cho thấy chủ thể tính đã bị cuốn vào định kiến chủ quan, bị cuốn vào vòng xoáy tri thức bên ngoài. Do đó, về bản chất, phi – tiền lập/ phi giả định trong trường hợp này là một sự tiền lập/ sự giả định. Phạm Công Thiện xem  nguyên lý này là “sự lập thức một cách ý thức nhất về lý tưởng Voraussetzungslosigkeit”, nghĩa là ý thức trở về đối tượng một cách triệt để, thấu đáo lịch sử hình thành đối tượng, phát hiện, khám phá những giới hạn, góp phần đẩy đối tượng tới sự thất bại toàn diện về tư tưởng của nó. Chủ thể tính lập thức từ sự thất bại toàn diện này của đối tượng Chú thích của Tạp chí Nhà Văn.

[15] Marvin Farber, The Ideal of a Presuppositionless Philosophy in Philosophical Essay in Memory of Edmund Husserl, Harvard University Press, 1940. Trang 44 – 64.

[16] “Mais, si l’idée de la science se confond avec celle d’une récherche de l’origine d’un fondation radicale de l’être et d’une connaissance excluant toute présupposition, c’est bien elle qui est ainsi maintenue dans une réduction don’t l’inspiration première sera d’abord la mise en suspens de toute présupposition” (R. Schérer, La Phénoménologie des recherches logiques de Husserl, P. U. F., Paris, 1967, trang 346-347).

[17] Heidegger. Sein und Zeit, M. Niemeyer, Tuebingen. 1960, trang 228.

[18] Xin đọc Hố thẳm tư tưởng, 1970 do nhà Phạm Hoàng ấn hành  và Im lặng hố thẳm, 1966 do nhà An Tiêm ấn hành.

[19] xin đọc Heidegger, La fin de la Philosophie et la tâche de la pensée trong Kierkegaard vivant, 1966, trang 167-204.

[20] Heidegger, La fin de la Philosophie et la tâche de la pensée trong Kierkegaard vivant, trang 192.

[21] xin đọc lại Hố thẳm Tư tưởng, 1966, trang 215.

[22] Formale und Transzendentale Logik, trang 244.

[23] xin đọc lời giới thiệu trang I-XXIX, trong Về Thể Tính của Chân Lý, 1967

[24] Merleau-Ponty, Phénoménologie de la perception, NRF 1945, trang 419.

[25] Cuốn Hiện tượng học là gì? Của ông Trần Thái Đỉnh đã trình bày kiến thức nông cạn hời hợt của một giáo sư “tiến sĩ triết học” về hiện tượng học, ông viết lôi thôi theo Merleau-Ponty mà không hiểu rằng Merleau-Ponty đã xuyên tạc Husserl và chính cách trình bày của ông chỉ nói lên rằng ông chẳng hiểu gì về Merleau-Ponty cho thấu đáo và cũng chẳng hiểu một chút gì về Husserl cả (về sự khác nhau triệt để, khác nhau hoàn toàn giữa Husserl và Merleau-Ponty, xin giới thiệu hai quyển của Remy C’Kwant, From Phenomenology to Metaphysics, Duquesne University Press 1966, trang 156-169, và The Phenomenological Philosophy of Merleau-Ponty, Duquesne University Press, trang 153-168).

[26]Tiểu luận mà đoạn trích trên nằm trong 2 phần “Lập thức về “Voraussetzungslosigkeit”

Lập thức về tư tưởng Việt Nam”của Phạm Công Thiện in lần đầu trên Tạp chí Tư Tưởng – Viện Đại học Vạn Hạnh (1969) có tên “ Hiện tượng học về Hiện tượng học Husserl”Chú thích của Tạp chí Nhà Văn.

[27] xin đọc Triết lý là gì? của Heidegger, bản dịch của Phạm Công Thiện, An Tiêm, 1969, trang 30-31.

[28] Phạm Công Thiện thường dùng từ “thất bại” trong tư tưởng, như cách thức thể hiện sự thành công trong khi phê phán tư tưởng. Cuốn Ý thức bùng vỡ của ông có thể xem như là tác phẩm triết học về sự thất bại. Trong bài Sự thất bại toàn diện của Heidegger và con đường tư tưởng Việt Nam được in lần đầu trên Tạp chí Tư tưởng – Viện Đại học Vạn Hạnh, số 6/1969, ông tỏ rõ quan niệm trên của mình về nghĩa của từ “thất bại”: “nói về sự thất bại mà không nói về sự thất bại, nghĩa là đứng trong lòng của sự thất bại. Đứng trong lòng của chính sự thất bại thì không thể nói sự thất bại mà chỉ nói bằng sự vùng vẫy, bằng sự cựa mình của ngôn ngữ, giống như đứa bé vùng vẫy, cựa mình trong bào thai của mẹ (tr. 149)… Heidegger đã thất bại toàn diện và đây là sự thành công của tư tưởng Việt Nam, nghĩa là người viết muốn thành công hơn Heidegger và đưa ra một triết lí mới (thành công) của mình (tr. 151).  Điều này chúng ta dễ dàng bắt gặp trong quan niệm của Karl Popper về tính chất tự kiểm sai của lí tính. Sự thất bại của các tư tưởng, chứng tỏ, những tư tưởng ấy đã tạo ra bệ phóng cho sự phê phán triệt để của tư tưởng khác bên ngoài, ra đời và thay thế nó. Vì vậy, sự thất bại của tư tưởng này, đồng nghĩa với sự thành công của nó trong việc bộc lộ những giới hạn cho tư tưởng khác phát hiện, phủ nhận và lấp đầy những giới hạn đó, tạo tiền đề cho sự hình thành ý thức mới. Tinh thần lập thức đi ra từ đây. Chủ thể chỉ có thể lập thức khi và chỉ khi thấu triệt đối tượng, phát hiện, tìm ra và đi đến phê phán hạn chế của nó, nhằm khẳng định đường hướng mới mà mình đang đi. Tất cả các lý thuyết mới ra đời đều xây dựng trên cơ sở “tự giới hạn”, “tự thất bại” của những lý thuyết trước đó, mở ra sự khai phóng, tiến bộ và ít giới hạn hơn của lý thuyết thay thế sau này – Chú thích của Tạp chí Nhà Văn.

[29] Formale und Transzendentale Logik, trang 244.

[30] Vấn đề “triết học nhà trường” này, xin nhớ lại việc phê phán của Schopenhauer, nhất là nên đọc tập “Considérations inacuelles” của Nietzsche, nhất là nơi chương “Schopenhauer Éducateur” (1874)

[31] Thư của Husserl gửi cho Dorion Cairns, ngày 21-5-1930.

Nguồn: TcNv  số 5/2012.