Chấm điểm lễ hội, đưa ra các lệnh cấm nơi này tổ chức trọi trâu, cấm nơi khác chém lợn, cấm quan họ ngửa nón xin tiền, thậm chí không được đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí… được xem là những điểm mới nhằm hạn chế những biến tướng gây phản cảm trong mùa lễ hội 2016. Song, thực tế lại không đúng như kỳ vọng.

Cảnh dẫm đạp, tranh giành thậm chí cướp đồ thờ cúng vẫn tiếp tục tái diễn ngay cả khi địa phương – nơi tổ chức lễ hội đã huy động lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Cho thấy, đã và đang có những bất ổn trong công tác quản lý, tổ chức, tuyên truyền đúng về lễ hội, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân chỉ vì thiếu hiểu biết về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc mà thiếu đi ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của đất nước. Vô hình chung, những tiêu cực này đã khiến cho lễ hội trở thành gánh nặng của quá khứ đang đè lên đôi vai thế hệ hôm nay.


HẠN CHẾ CÁC LỄ HỘI MỚI


Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu Xuân, năm mới, người dân Việt Nam lại dành nhiều thời gian cho việc trẩy hội, lễ chùa. Nét đẹp văn hóa truyền đời này đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Thế nhưng, với những biểu hiện tiêu cực trong ứng xử của người dân với lễ hội trong thời gian gần đây đã và đang chứng minh điều ngược lại. Đó là thay vì đến lễ hội để tôn vinh những nhân vật có công đối với đất nước, đồng thời đề đạt những nguyện vọng, tâm linh hướng đến “quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh”. Thì có không ít người lại đến lễ hội với những mục đích khác nhau, thông qua những lễ vật quý hiếm và đắt tiền để cầu danh, cầu tài cho bản thân, tìm sự hỗ trợ của thần thánh trong những toan tính vụ lợi thường ngày.


Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác. Song, cùng với sự phát triển kinh tế, những thay đổi của nếp sống, nhiều lễ hội đã không còn giữ được vẻ đẹp vốn có, bị mai một, pha tạp; bị chính những người tham gia làm mất sự tôn nghiêm. Chỉ tính riêng những lễ hội dân gian, nếu như trước đây việc tổ chức lễ hội thường theo quan niệm “ trống làng nào, làng ấy đánh” thì ngày nay đã không còn duy trì như vậy. Lễ hội đã vượt ra khỏi khuôn viên làng xã, thậm chí nhiều lễ hội được nâng lên ở tầm quốc gia và được Nhà nước, các cơ quan văn hóa đứng ra tổ chức nhằm tạo ra “ sân chơ văn hóa” góp phần làm giàu có đời sống tinh thần cư dân, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Và cũng ở một góc độ nào đó những chuyến hành hương, lễ hội giống như hành trình khám phá du lịch, tìm hiểu văn hóa, tìm về nguồn cội.


Công bằng mà nói, được trẩy hội, lễ chùa  là một trong những nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Và nó càng thăng hoa khi điều kiện vật chất đủ đầy. Nhưng với những  biểu hiện tiêu cực diễn ra trong hầu hết các lễ hội gần đây cho thấy bức tranh đẹp đẽ của đời sống văn hóa tâm linh đã không còn nguyên nghĩa mà đã nhuốm màu trần tục. Và nguyên nhân sâu xa của nó chính là một bộ phận không nhỏ người dân đang mất phương hướng, không thể tự tin vào bản thân và họ tìm đến thần linh như một cứu cánh. Chính vì vậy, họ không ngần ngại nhét tiền vào tay tượng phật, cướp đồ thờ cúng cho dù phải dẫm đạp lên đồng loại bất chấp dưới chân họ là người già, trẻ con chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.


GÁNH NẶNG CỦA TƯƠNG LAI


Để hạn chế những tiêu cực này, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tiến hành chấm điểm lễ hội, ban hành hai văn bản là Chỉ thị 04/CT-BVHTTDL và Thông tư số 15/TT-BVHTTDL trong đó quy định khá chi tiết những trường hợp sẽ không được cấp phép tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, những văn bản được ra theo kiểu “quản không được thì cấm” vẫn không thể phát huy hết tác dụng. Chưa kể nhiều địa phương vẫn tiến hành quảng bá lễ hội một cách rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay cả khi chưa được sự đồng ý từ phía bộ chủ quản. Gần đây nhất có thể kể đến hội Chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội), Bắc Ninh, Lào Cai… đã được ban tổ chức bán vé giá rất cao, từ 120-150 ngàn đồng/vé. Ngoài ra còn có hình thức bình chọn cặp đấu, xẻ bán thịt trâu trọi sau thi đấu với giá lên tới  3 triệu đồng/ kg. Song người  dự hội không vì thế mà nản lòng, thậm chí họ còn tranh cướp nhau chỉ vì sự ấu trĩ thậm chí mù quáng khi tin rằng sẽ gặp may khi được sở hữu chúng. Chính sự tác động từ môi trường sống đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự ứng xử, cách sống của con người. Đây hoàn toàn là những điều có thật, và nó đang lan sang thế hệ con cháu chúng ta để minh chứng cho điều ông bà mình đã răn dạy:“gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Sự thể hiện rõ nhất là những hành động phản cảm, thiếu văn hóa của không ít người trẻ đã biến tục cướp vợ – một nét đẹp truyền thống tôn vinh người phụ nữ trong văn hóa người Mông thành chốn để quấy rối phụ nữ. Và cứ thử hình dung thế này, nếu trong số những du khách trẩy hội có khách ngoại quốc thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ bị xấu đi ít nhiều. Quay lưng với truyền thống, giẫm đạp lên những nét đẹp văn hóa là những điều có thật chỉ có điều nó không còn bó hẹp trong lễ hội mà hiện hiện ngay trong đời sống thường nhật hiện nay. Đó là hành động đáng lên án của một thanh niên xả bậy giữa phố, học sinh, sinh viên leo lên đầu rùa tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám chỉ vì mong muốn có được kết quả cao tại các kỳ thi. Điều đáng nói là những hình ảnh dù rất nhỏ song lại được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Con cháu chúng ta chính là bản sao của người lớn, chúng cũng đang biến thần thánh thành sở hữu riêng, tâm lý dựa dẫm đang hoành hành đã và sẽ thiêu rụi ý chí tiến thủ của lớp trẻ vốn được kỳ vọng sẽ là chủ nhân tương lai đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhưng sự kỳ vọng ấy sẽ không thể trở thành hiện thực nếu những tiêu cực, phản cảm trong đời sống xã hội vẫn còn tồn tại.


Theo các nhà văn hóa, những hoạt động văn hóa nếu không đưa tới giá trị nhân văn, khơi dậy tình thương yêu và sự cao thượng, ngược lại còn nặng tính sát thương, hơn thua… thì cần chấn chỉnh, loại bỏ để trả lại bầu không khí trong lành cho sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng, nhất là trong thời hiện đại, con người hướng tới sự tôn trọng giá trị của nhau và của muôn loài xung quanh vì hiểu sự tương hỗ trong cuộc sống cũng như tác động có thật từ những sinh hoạt thành nếp của con người.


Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập thế giới trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, bằng việc gia nhập hàng loạt tổ chức thương mại thế giới trong đó có TTP, và gần đây nhất là cộng đồng ASEAN được thành lập, do đó những nét đẹp trọng đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong tiến trình hội nhập. Muốn thực hiện được những mục tiêu cao cả do Đảng và Nhà nước đặt ra thì con người được xem là nhân tố quan trọng nhất. Những thắng lợi mà dân tộc ta đã giành được trong quá trình dựng nước và giữ nước một phần dựa trên hệ giá trị tinh thần truyền thống. Và điều này cũng đã được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Thắng lợi trong chiến tranh giữ nước, cũng như trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội chung quy là thắng lợi của con người Việt Nam. Đó là sức mạnh của giá trị Việt Nam”. Chính vì vậy, cho đến nay, hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam luôn là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Và nó thực sự  trở thành quả ngọt nếu như chúng ta bắt đầu chấn chỉnh, đưa vào nền nếp từ những điều nhỏ nhất từ chính mỗi cá nhân trong cộng đồng bằng công tác tuyên truyền chứ không phải những mệnh lệnh hành chính. Giáo dục truyền thống chính là con đường ngắn nhất đánh thức niềm tự hào dân tộc từ đó triệt tiêu những thói hư, tật xấu vốn tiềm ẩn trong mỗi con người mới là việc cần làm ngay lúc này để có thể giảm gánh nặng cho tương lại.


Theo kết quả chấm điểm và xếp loại công tác tổ chức lễ hội dân gian được Bộ VHTT&DL công bố  thì hiện cả nước có: 8 tỉnh thành đạt loại A, 25 địa phương đạt loại B, 1 tỉnh thành đạt loại C, 29 tỉnh thành không xếp loại do địa phương không gửi báo cáo đánh giá và tự chấm điểm về Bộ. Trong khi có nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí cho rằng nó mang tính phong trào và hình thức, và nếu để cơ quan quản lý địa phương báo cáo chấm điểm sẽ không khách quan, thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định việc tự chấm của địa phương là tiêu chí bắt buộc để đánh giá, xếp loại lễ hội và nhất định phải thực hiện, còn những điều chưa hợp lý sẽ điều chỉnh.

 

Theo Quỳnh Hoa – Nguồn: Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn VN