Nhà văn Văn Chinh (ảnh: Internet)
Vào thời điểm tôi nghe câu nói ấy qua VOV, tôi có cảm giác như nghe lời Đảng nói, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và như lời hồn nước nói. Trong lịch sử chiến tranh, hiếm có tuyên bố nào của người (đại diện bên) chiến thắng hàm chứa nhiều nhân bản hơn, nó cũng cắt nghĩa nguyên nhân của chiến thắng, cái tạo nên động lực cho chiến thắng. Vào năm 1865, khi hàng vạn cư dân New York vây quanh Đại tướng Ulysses Simpson Grant (1822 – 1885) hò reo phấn khích mừng chiến thắng, ông U.S. Gant đã nói: “Xin các người nhớ cho, họ (tức miền Nam ly khai) cũng là người Mỹ chúng ta.” Đó là câu nói giống, nhưng hàm chứa không lớn và sâu rộng bằng câu của Tổng bí thư Lê Duẩn.
Tôi chưa có điều kiện nói to điều ấy lên trong suốt 40 năm qua.
Đại tướng U.S Gant về sau làm Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ (1869 – 1877). Lịch sử Hoa Kỳ ghi nhận ông là “tổng thống tròn vai”, nghĩa là không có scandal nhưng cũng không có thành tích nổi bật; ông ngồi đó như một uy tín giữ cho nhịp điệu của công cuộc hàn gắn thương tổn, hòa giải hòa hợp giữa hai miền Nam Bắc được đẩy mạnh và nhịp nhàng theo như lời ông tuyên bố vào lúc hàng vạn dân Bắc Mỹ đón ông về thủ đô với tư cách biểu tượng của phe chiến thắng; như một quan tòa của sự hòa hợp.
Tuy vậy, suốt gần 150 năm qua, vết thương Nam Bắc Mỹ vẫn chưa lành hẳn. Kẻ trẻ nhất trong số người ngửi mùi súng đạn năm ấy cũng đã chết từ lâu, nhưng hận thù đã chưa chết hẳn trong ký ức con cháu họ.
Tính chất cuộc chiến tranh Mỹ – Việt khác với nội chiến Mỹ. Mỹ đã đổ già nửa triệu lính Mỹ và hàng chục ngàn quân chư hầu cùng hàng triệu tấn bom đạn và thiết bị chiến tranh đánh Việt Nam. Việt Nam đã đánh Mỹ cùng chính quyền Việt Nam cộng hòa và bằng cách nói nhẹ nhàng nhất, ta vẫn phải nói đó là chính quyền phục vụ cuộc chiến tranh của Mỹ; Việt Nam đã đánh bằng sức mạnh và ý chí của cả dân tộc. Nhưng Mỹ thua, Nixon đã Việt Nam hóa chiến tranh hay còn gọi là học thuyết thay đổi mầu da trên xác chết. Những xác chết là máu đỏ da vàng và đó là một sự thật đau lòng và không thể không tiếp tục cộng vào sổ kế toán chiến tranh chống Mỹ.
Những kẻ thua trận luôn luôn nhấn mạnh tính nội chiến mà không chịu thừa nhận sự thật của chiến tranh Giải phóng. Đó là cái sai, cái sai cố tình khoét sâu lòng thù hận. Nhưng liệu chúng ta, những người chiến thắng và đã nỗ lực Thống nhất Đất nước, liệu chúng ta có sai không nếu cảm giác được Giải phóng chưa trọn vẹn với mọi người phía bên kia chiến tuyến? Trường hợp nhà văn Dương Nghiễm Mậu là ví dụ trong muôn một. Trong chiến tranh, ông ta đứng về phía bên kia và viết văn chống Cộng. Sau 1975, chả ai non nớt gì lại đem in những tác phẩm chống Cộng của ông ta. Nhưng còn những tác phẩm viết về con người Việt Nam trong đời thường của Dương Nghiễm Mậu vẫn vô tăm tích và khi một tờ báo in truyện của ông, liền bị có ý kiến kêu ca là tại sao không in những tác phẩm của họ mà lại in tác phẩm của kẻ chống Cộng? Đó là quan điểm phân chia chiến quả, không thuộc về nội hàm Giải phóng. Quan điểm sai trái này khiến cho những kẻ ác ý có thêm ví dụ để gọi cuộc chiến tranh Giải phóng thành chiến tranh ý thức hệ. Thật buồn, quan điểm sai lại nhân danh trung thành và kiên định lập trường.
Các lĩnh vực kinh tế, quản lý cộng đồng và tính tôn trọng bình đẳng v.v… cũng đều có những ví dụ như vậy. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà cách mạng Cộng sản trung kiên, chịu tổn thương nặng nề nhằm phụng sự chiến tranh Giải phóng, ông đã nhiều lần nói về lĩnh vực này. Cũng đã có các Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh lời kêu gọi mọi thành phần, kể cả Việt kiều nỗ lực đầu tư kiến quốc. Nhưng hình như vẫn còn rất ít người coi là thiêng liêng câu tuyên ngôn của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Thắng lợi này không của riêng ai, vinh quang này thuộc về dân tộc!”
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Non sông đã liền một dải nhưng thời gian chưa thể khỏa lấp tất thảy những vấn đề của lịch sử. Vẫn còn đó khát vọng và những vấn đề của sự hòa giải, hòa hợp dân tộc trên phương diện văn hóa, nhân sinh và nhân văn. Văn học với thiên chức cao quý và thiêng liêng của nó không thể khước từ đối mặt với khát vọng cao cả ấy của cả dân tộc. Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam được thành lập gần như đồng thời với Mặt trận Dân tộc Giải phòng miền Nam Việt Nam, chỉ vài năm sau, năm 1965 đã có Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu trao cho các nhà văn Trần Đình Vân (Sống như Anh) Anh Đức (Hòn Đất) Nguyễn Thi (Chị Út Tịch)…Vâng, văn học gần như đi tiên phong và đã giành được các chiến công vang dội trong sự nghiệp Chống Mỹ – Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc – một cách để khuếch trương, để chiến thắng phát huy toàn bộ uy lực của nó: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo tôi nghĩ, các nhà văn cần đứng vào đội ngũ tiên phong và sẽ sớm gặt hái được thành công, như nửa thế kỷ trước họ đã là.
Văn học chiến tranh với tư cách công cụ tình yêu của xã hội
Văn học chiến tranh Việt Nam gần ¾ thế kỷ tính từ ngày lập nước, nhìn dưới góc độ nào cũng thấy ngay một thành tựu đáng kể. Nó thời sự với số lượng đông đảo tác phẩm, nhiều trong số đó trở thành định danh tác giả và có thể đứng được với thời gian. Như thế cũng là phải lẽ. Chúng ta có ít nhất 3 cuộc chiến tranh, toàn diện như chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại hay cục bộ với chiến tranh biên giới rồi làm nhiệm vụ quốc tế; phân nửa thời gian là đất nước tồn tại dưới mưa bom bão đạn. Đặc thù của chiến tranh dai dẳng, cuộc chiến này gối đầu cuộc chiến khác tạo ra tính khốc liệt; để lại chấn thương tinh thần cho nhiều thế hệ mà nếu xét từ góc độ này, nó còn khốc liệt hơn các cuộc chiến tranh trên thế giới như Nga Pháp (1812 -14) Nga Đức Quốc xã 1940 – 45 và ngay cả cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861 – 1865) dù mức độ thương vong của chúng là gấp mấy lần hơn.
Văn học viết về chiến tranh cần chia ra làm 3 giai đoạn để xác định giá trị:
1. Viết ngay dưới bom đạn, như tiếng thét căm thù tạo nên xung lực cho ý chí và có nhiệm vụ cổ vũ niềm lạc quan chiến thắng. Chúng ta biết tiếng địch sông Ô gieo nỗi niềm nhớ nhà nhớ nước Sở của Trương Lương làm tan rã đoàn quân bách chiến bách thắng của Hạng Vũ để dễ hình dung ra nhược điểm chết người của nền văn nghệ Sài Gòn rên rỉ tạo nên thương tổn khí xã hội, ngược hẳn với chính khí ca của văn nghệ miền Bắc những năm chống Mỹ. Vâng, tôi vẫn giữ quan điểm trong các binh đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn có binh đoàn văn nghệ và nó đáng để nhận đệ nhất công huân dù giá trị văn học không còn lại nhiều lắm ở giai đoạn này.
2. Giai đoạn thứ hai có thể đặt tên là Dư âm của chính khi ca, viết sau ngày 30 – 4 – 1975. Đó là một mùa bội thu trường ca mà giọng điệu của chúng khiến hình dung ra độ trường sức, độ dư ba của dân tộc này, đánh giặc xong, viện trợ hết mà không tỏ ra mỏi mệt bi ai. Đó là các trường ca chịu được thời gian: Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh) Trường ca Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Đất nước hình tia chớp (Trần Mạnh Hảo)… Tiểu thuyết cũng vẫn tiếp tục cái dư âm chính khí ca với Cửa gió (Xuân Đức) Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy) Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh)… nhưng cũng bắt đầu lưu ý đến mặt tổn thất bi thương của cuộc chiến. Về cuối giai đoạn này, bộ tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ của Xuân Thiều khá thành công với nhân vật Tư Thiên vừa mưu lược, anh hùng vừa có chút dằn dỗi tiếc nuối trước cái giá của thương đau. Có một cuốn tiểu thuyết viết về cái đặc thù của cuộc chiến dai dẳng vẫn bị khuất sau những xôn xao của văn đàn dù nó cũng từng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn, cuốn Chim én bay của Nguyễn Trí Huân. Chiến tranh kéo dài, đất nước phải huy động đến các em thiếu niên vào trận. Nhân vật chính là Quy, để trả thù cho cha và anh bị lũ ác ôn sát hại, em đã xung phong vào đội biệt động cảm tử, lần đầu thấy kinh ở dưới hầm bí mật; anh đội trưởng phải hướng dẫn. Chiến thắng rồi, Quy trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, anh, người yêu xưa trở về với vợ, làm Chủ tịch huyện. Quy sống đơn thân, mỗi chiều thứ bẩy trở lại nhà các ác ôn xưa chị đã tiêu diệt, thấy cảnh nheo nhóc của mấy đứa con côi, chị ôm chúng trong cơ hàn. Hình tượng nghệ thuật này chẳng những hàm chứa cái giá đau thương của chiến thắng mà còn làm nên tư thế nhân bản của chiến thắng; đây là tiểu thuyết hiếm hoi không hổ thẹn với tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến.
Nhưng nhìn chung, cái âm hưởng ta thắng địch thua, ta dũng cảm anh hùng còn quân địch tà ngụy nhát sợ vẫn chủ đạo toàn tuyến. Đây chính là cảm giác rồi ra sẽ còn dai dẳng trong lòng bạn đọc, rằng các nhà văn còn nợ cuộc chiến tranh những tiểu thuyết mang tầm thời đại, những Tam quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió… Từ cảm giác của bạn đọc đến nhận định của các nhà phê bình cho đến các báo cáo có tính tổng kết suốt mấy chục năm qua. Cũng đã có những nỗ lực nhằm khắc phục, những nỗ lực ghê gớm mà tôi thấy cần ghi nhận ở giai đoạn thứ 3.
3. Thời hậu chiến. Đặc điểm của giai đoạn này gắn liền với văn học Đổi mới, với những nhận thức đa dạng mang đậm dấu ấn nhà văn, hướng cái nhìn về các góc khuất của cuộc chiến. Do đó, khi khảo sát giai đoạn này chúng ta gặp điều thú vị là để khỏa lấp thiếu sót chưa có tác phẩm đỉnh cao, các nhà văn tái hiện chiến tranh ở hầu khắp các trận tuyến, các chiến dịch và những bước ngoặt của nó. Có một cảm hứng chung dễ nhận ra trong các tiểu thuyết ở giai đoạn này là hồi tưởng ký ức với ít nhiều xót xa, thậm chí như một cử chỉ trả nợ, tưởng niệm, tâm linh. Độ khách quan đã có được do độ lùi của thời gian, chiến tranh được nhìn bằng con mắt chiêm nghiệm, triết luận mà thành công hơn cả là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh)…Các tác giả này gần Nguyễn Trí Huân trong cách nhìn về nhân tính qua tính chất khốc liệt của chiến tranh, với Khuất Quang Thụy (viết về bè lũ Khme Đỏ gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam nước ta) còn là cảnh báo không thể mang cả một dân tộc ra làm điều ngu xuẩn là gây hấn với một dân tộc khác – đây là điều không thể đùa được; với Trung Trung Đỉnh (viết về anh bộ đội lạc ngũ gặp tay lính Mỹ bị bắt ở Tây Nguyên, nhà văn “thu nhỏ” kích cỡ của chiến tranh qua hai nhân vật này) là sự chuyên chở thông điệp số phận cá nhân trong cuộc chiến. Nhưng với Bảo Ninh, hình như nhà văn thiếu một chừng mực trong đắm say ngôn từ, vâng, đành rằng dư âm của mọi cuộc chiến tranh đều nặng nề, nhưng cái nặng nề của kẻ thắng trận khác với người thua trận. Chung quy, cái chừng mực của Chim én bay vẫn Việt Nam hơn cả.
Sau khi “phủ sóng” biên giới Tây Nam, Khuất Quang Thụy hướng ra đa của nhãn quan trở lại Tây Nguyên, nơi ông đã chiến đấu suốt 9 năm ròng. Tiểu thuyết Những bức tường lửa đặt trong bối cảnh đám tang của một sỹ quan cao cấp, người Anh hùng thời trận mạc. Như là cái quan định luận, có sám hối, có chỉ trích và tự chỉ trích “những bức tường lửa” như là phụ họa là thành tố của chiến tranh – một “bức tường lửa” lớn hơn mà con người phải đối mặt; như thể có một cuộc chiến tranh khác sau cuộc chiến tranh các nhân vật đã trải, cuộc chiến tranh mà mỗi người phải tự chiến đấu với chính mình để trở về đời thường như một Thường Dân. Tiểu thuyết mới nhất của Khuất Quang Thụy là Đối chiến đã đưa văn xuôi viết về chiến tranh lên tầm khách quan mới; ấy là viết về những người lính bên kia khi họ còn đủ tư cách một quân nhân, có thiếu tá Hoàng Xuân Thời thà chết “thân bọc da ngựa” chứ không chịu bắt làm tù binh. Một số nhân vật của ông đã mấp mé Tam quốc diễn nghĩa; nhưng thói quen khách quan chưa lâu trong một chủ quan lưu cữu đã khiến ngòi bút ông do dự, hoặc còn e ngại trước tâm thế truyền thống nên nó như một lời thầm thì; trong khi, các hình tượng nghệ thuật lớn như Khổng Minh, Tào Tháo hay Chu Du, Hoàng Cái bao giờ cũng cần chạm khắc mạnh mẽ và dứt khoát.
Một tiểu thuyết nữa rất đáng kể là Thượng Đức của Nguyễn Bảo. Nó viết về trận chiến dằng co ác liệt của gần như cả quân khu quân giải phóng với chỉ một chi khu quận được tử thủ bằng một tiểu đoàn tăng cường, được chỉ huy bởi viên thiếu tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đầy gan góc và mưu trí. Y cho chuẩn bị hai quả bom, một nhỏ vừa đủ để làm xác y tan vào mảnh đất mà y được giao phó cai quản; một nữa là bom tấn, đủ sát thương toàn bộ đoàn quân tiến vào giải phóng chi khu trong lúc mà đối phương reo hò chiến thắng. Rốt cục, y đã “để đức”, để “cửa sống” cho vợ con hiện đang ở Đà Nẵng, mà chỉ cho nổ quả bom nhỏ.
Vâng, nếu như hình tượng nghệ thuật Quy xứng đáng làm tượng đài cho tâm thức Việt về ngày 30 tháng Tư; thì hình tượng chọn “da ngựa bọc thây” chứ không chịu bắt làm tù binh cũng như thà chết để bảo vệ danh dự cho tình yêu của Hoàng Xuân Thời và chọn cái chết làm tan xác mình hòa vào đất đai của Nguyễn Quốc Hùng xứng đáng làm tượng đài cho một phần của nước Việt ngày 30 tháng Tư. Ngày xưa vua bên thắng trận cởi chiến bào phủ trên thi hài người kiêu hùng của kẻ bại trận là tinh thần thượng võ, là nhân cách người chiến thắng vậy!
Văn học chiến tranh trong sứ mệnh bắc cả hai mố cầu hòa hợp
Chính quyền Ngụy thật, tay sai cho đế quốc Mỹ thật đã sụp đổ và bỏ chạy từ lâu. Đông đảo những người “giúp việc” của chính quyền ấy, như một định mệnh, đã chạy theo quan thầy hoặc chết trận cũng đã từ lâu lắm rồi. Giờ đây, trong các diễn văn hay các tác phẩm văn học vẫn gọi những người được Giải phóng 30 – Tư, trở thành Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “ngụy (cũ)” là phủ nhận ý nghĩa giải phóng, là một sự lười biếng trong tư duy và lao động nhà văn.
Những người bên kia còn ở lại liệu còn mục đích gì khác ngoài lòng yêu quê hương đất nước yêu thương và trách nhiệm với thân nhân đồng bào và tin vào tinh thần của chiến tranh Giải phóng?
Họ có lỗi nhưng để tự bắc một mố cầu hòa hợp là bất khả kháng, họ thiếu vật lực và chưa đủ tự tin dưới mấy lần mặc cảm. Vì lẽ này, người chiến thắng, người đi Giải phóng phải bắc cả hai mố cầu. Với tính tiên phong và đặc thù của mình, văn học là công cụ chính để bắc mố cầu nhân bản ấy: Nhân vật chị Quy chăm sóc các con của ác ôn đã đền tội, chăm sóc vì chúng là Người, như các nhân vật Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Xuân Thời. Muốn hòa hợp nhau, hai bên phải đều là Người cái đã. Khi xác nhận họ là Người, nhà văn đã đặt viên đá tảng đầu tiên cho hố mòng mố cầu hòa hợp.
Văn học chiến tranh gần đây còn một tác phẩm nữa cũng có được những viên dá tảng ấy, tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi. Tôi dành nhiều chữ cho nó, lại đặt ở cuối bài vì hai lẽ: Minh sư cần bàn nhiều hơn và lẽ thứ hai, đây là tác phẩm còn ít được biết tới về mặt giá trị văn học.
Trong Minh sư, nhân vật nhà nghiên cứu – người trò chuyện với lịch sử là Đoàn Minh Thành lại cũng từng là người lính, làm cần vụ cho anh Hai, Thường vụ Khu ủy trực tiếp chỉ huy chiến đấu, rồi ra ông sẽ hy sinh trên đường đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Về điểm này, Thành cũng lại là một nhân vật lịch sử, trong một biến cố thất bại cay đắng nhất của cuộc chiến tranh và, với cấu trúc liên tục của tiểu thuyết không chương hồi, cho phép người đọc liên tưởng rằng, cuộc mở cõi của Nguyễn Hoàng vẫn chưa kết thúc khi ông nằm xuống.
Thành công của nhân vật Nguyễn Hoàng khiến người đọc Việt đỡ tủi khi so sánh ông ta với Lưu Bị trong Tam Quốc diễn nghĩa. Đa mưu túc kế, nói như Tào Tháo, Nguyễn Hoàng là một anh hùng của thời loạn; con người trí lự này cũng giống Lưu Bị là đã phải dùng kế giả nhũn để thoát khỏi nanh vuốt của Trịnh Kiểm cùng cái triều đình Lê mạt đang như rết gặp gà trống. Vào đến Thuận Quảng rồi – một kiểu Tây Thục thời bấy giờ – Nguyễn Hoàng cũng chiêu mộ anh hùng hào kiệt, thu phục lòng người để sau hơn nửa thế kỷ, tạo được thế nhân hòa sau khi đã có được thiên thời và địa lợi. Phép ứng xử khoan dung nhân ái của ông đã thu phục một viên quan ngang chức tước với mình, vào trấn giữ Quảng Nam trước ông là Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán và Tổng trấn Luân quận công Tống Phước Trị tâm phục mà quy thuận. Ngoài các nhân vật có thật vừa kể, những Đỗ Chiêu, Phạm Dữ, Nguyễn Thiệu, Chế Mô… là nhân vật hư cấu, điển hình cho hàng vạn người vô danh khác đã châu tuần rồi xả thân phụng sự công nghiệp mở và giữ cõi của Nguyễn Hoàng. Nhờ tài đức và trí lự, Nguyễn Hoàng đã cố kết được lòng dân, muôn người như một, biến ước mơ khai khẩn cho riêng mình một cõi thành hiện thực chói lọi. Nhìn lại nửa thế kỷ huân nghiệp của ông, ta biết rằng bắt đầu từ vùng đất hoang sơ, lòng người ly tán, phần lớn là thần dân của vua Trà Toàn vẫn còn hoài nhớ cố quốc, lại bị thập loại di cư từ Bắc vào, chủ yếu là dân tay trắng, lưu tán hoặc bần cùng sinh đạo tặc đã khoét sâu bất hòa; hơn nữa, tàn quân của nhà Mạc thường xuyên quấy rối và còn bị chính quân của triều đình thình lình đánh úp nhằm phá thế chân vạc; với bối cảnh như thế, chúng ta càng khâm phục về đức tính bền bỉ giáo hóa nhân tâm, về trí lự cũng như chính sách nhân hòa của Nguyễn Hoàng – hạt nhân thành công cho huân nghiệp kiệt xuất của ông.
Là người trò chuyện với lịch sử xa xưa, Đoàn Minh Thành cũng vừa can dự vừa trò chuyện với lịch sử cận hiện đại và đó là một mảng khá thú vị của Minh sư. Trong chống Mỹ cứu nước, dải đất Khu 5 nơi Thành tòng sự chính là xứ Thuận Hóa – Quảng Nam mà Nguyễn Hoàng làm Tổng trấn là khúc ác liệt vào bậc nhất của cuộc chiến tranh. Cái cớ để Thành gặp và trò chuyện với chị Tư Trà – vợ của Thủ trưởng Hai là trận phục kích của lính Mỹ làm gần như toàn thể Ban chỉ huy sư đoàn của quân giải phóng đã hy sinh. Thực ra là vợ cũ, vì chồng chị Tư Trà đi tập kết sau 2 năm, 5 năm biền biệt không về, chị đã lấy chồng khác là sĩ quan quân lực Sài Gòn, về sau anh ta cũng chết trận. Chị trở thành hai lần góa phụ nhưng khi thì là vợ liệt sỹ mà không ai gọi chị như thế, lần góa sau thì lại càng không. Chiến tranh đi qua cõi lòng, đi qua đôi vai chị Tư Trà không còn là một ẩn dụ nữa, mà là hai nỗi đau có thật, giằng đi, xéo lại để rồi chỉ có thể gọi chị là góa phụ của chiến tranh, không danh phận gì, không lợi quyền gì. Chính từ thân phận mình mà chị Tư Trà đã nẩy sinh ý tưởng tìm ra Bắc, gặp chị Lộc là vợ liệt sĩ có danh phận – bà vốn là tướng quân phu nhân. Hai chị đã bàn bạc rồi đi đến thỏa thuận sẽ lập hội những góa phụ chiến tranh nhằm mục đích trên nền tảng chia sẻ những nỗi đau thuần túy con người để đi đến hóa giải hòa hợp dân tộc giữa những người từng chính kiến khác nhau; để tất cả sẽ thanh thản sống phúc âm trong lòng Mẹ Việt Nam.
Tiểu thuyết có chi tiết như một cách lý giải về tên của nó. Nguyễn Hoàng nói với hai tên lính gác đang bàn tán về ông với những lời bất kính: “Các anh đã nhắc ta biết một sự thật ta có thể quên thì đó là minh sư của ta”; và Thành cũng tin, chắc hẳn ông cũng nói thế về những người từng xóa tên ông khỏi những đường phố, những ngôi trường. Nhưng mảnh đất thấm máu tiền nhân, nơi hài cốt và mộ phần chồng lên hài cốt phần mộ và cư dân quanh các chùa miếu thì vẫn cứ bốn mùa hương khói, suốt hơn bốn trăm năm, cho mọi linh hồn, không phân biệt người của thời nào, dưới trướng của ai và từ quê quán nào mà đến. Đó là minh triết Việt. Và là minh sư của Thời Gian…
Văn Chinh- Tham luận tại Hội nghị Văn học 30 năm đổi mới