Nhiều tác giả nổi tiếng của Trung Quốc nhận định, nền văn học nước này chưa hấp dẫn thế giới và còn ít được độc giả phương Tây biết đến. Nguyên nhân được nêu ra là do chưa có nhiều tác phẩm trong nước được dịch sang tiếng nước ngoài.

Nhân bàn về việc thúc đẩy sự phát triển của giải thưởng văn học lớn của Trung Quốc là giải Mao Thuẫn, mới đây, các tên tuổi trong văn đàn nước này nhận xét, hiểu biết của người Trung Quốc về các tác giả phương Tây vượt xa những gì mà độc giả phương Tây biết về văn học Trung Quốc.

Dù Trung Quốc là một trong những nước NXB sách, báo, tạp chí lớn nhất thế giới, nhà văn nước này vẫn còn ít được biết đến trên thế giới. Văn học hiện đại Trung Quốc chưa hấp dẫn độc giả phương Tây dù nền kinh tế của họ đã vươn lên tầm cường quốc. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do thiếu hụt lượng sách được dịch.


Mạc Ngôn là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, và là tác giả hiếm hoi của nước này có tác phẩm được phương Tây biết đến. Ảnh: People’s Daily.

“Vấn đề không nằm ở chất lượng tác phẩm… mà ở chỗ, sự thiếu hụt các tác phẩm Trung Quốc được dịch là một trong nguyên nhân khiến sự tồn tại của nền văn học chúng ta chưa mạnh”, nhà văn Lưu Chấn Văn nói.

Bên cạnh đó, vài tác giả khác cho rằng, việc các tiểu thuyết thiếu nguồn cảm hứng hoặc các tư tưởng cách tân để có thể tạo nên sự thay đổi là một trong những rào cản lớn nhất khiến văn học Trung Quốc chưa được thế giới công nhận.

“Để có được tác phẩm dịch làm rung cảm độc giả, chúng ta cần có những tư tưởng mang tầm vóc lớn lao, kích thích suy nghiệm”, Mạc Ngôn, nhà văn từng đoạt giải Mao Thuẫn khẳng định.

Trung Quốc có Cao Hành Kiện, đoạt giải Nobel văn học năm 2000 và được biết đến trên khắp thế giới. Nhưng nước này lại không mặn mòi lắm với thành tựu của ông. Bản thân tác giả cũng rời bỏ quê hương đến Pháp vào thập niên 80 của thế kỷ 20 để trốn tránh sự kiểm duyệt.

Chi Mai

Nguồn: eVan.

Exit mobile version