Tại Trung Quốc, các nhóm nhà văn có ảnh hưởng quan trọng trên văn đàn chủ yếu có nhóm nhà văn Hà Nam, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, nhóm nhà văn miền Tây, nhóm nhà văn Bắc Kinh, nhóm nhà văn Thượng Hải… Do mỗi nhóm nhà văn quá đông về số lượng và trải dài ở nhiều thể loại sáng tác, cho nên tác giả bài viết chỉ khuôn lại ở tiểu thuyết gia trong mỗi nhóm nhà văn.

1. Nhóm nhà văn Hồ Bắc

Nhóm nhà văn Hồ Bắc có sự trầm tĩnh giống như nhà văn Hồ Nam. Dù là trên văn đàn “văn học tầm căn” hay “văn học tiên phong”, nhà văn Hồ Nam đều không có ảnh hưởng quá lớn. Nhà văn Hồ Nam bắt đầu thể hiện thực lực sáng tác của mình từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Dù bản thân nhà văn phủ nhận hay tán thành, Phương Phương và Trì Lợi được công nhận là đại biểu của nhà văn “tân tả thực”; Lưu Tinh Long được cho là đôi cánh của “ngọn sóng xung kích của chủ nghĩa hiện thực”; Đặng Nhất Quang là người duy nhất giành được giải thưởng văn học viết về đề tài quân đội. Đây là nhà văn ngoài biên chế quân đội nhưng lại viết khá sâu sắc và rõ nét về đời sống quân nhân. Tiểu thuyết của Đặng Nhất Quang kết hợp đậm nét dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.

Bốn nhà văn có sở trường thể hiện cuộc sống ở những góc độ khác nhau: Phương Phương viết về phần tử tri thức; Trì Lợi viết về tầng lớp thị dân; Lưu Tinh Long viết về người cán bộ nông thôn; Đặng Nhất Quân viết về người quân nhân… Các nhà văn này đều tích lũy được bề dày vốn sống và dành tâm huyết cho sáng tác mà thành danh chứ hoàn toàn không do ngẫu nhiên. Khi đã thành danh, tiếng vang của họ không một sớm một chiều mất đi. Những năm gần đây, tiểu thuyết của họ ngày càng nổi bật, từ đó nâng cao địa vị văn học của tác gia Hồ Bắc trên toàn quốc. Trong những năm đầu thế kỷ mới, nhóm tác gia Hồ Bắc đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn. Năm 2003, có 6 giải thưởng trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết ưu tú tổ chức tại Thượng Hải thì nhà văn Hồ Bắc chiếm 3 giải, trong đó có Ánh lửa bỏ chạy (Phương Phương), Sự kiện chó điên (Trần Ứng Tùng), Nam Kinh ở đâu (La Chí Thanh). Ngoài ra, tác phẩm Vết thương ở vịnh Bài Châu (Nhạc Hằng Thọ) giành được giải thưởng Báo cáo văn học toàn quốc; tuyển tập tản văn Tha hương, cố hương của Ôn Tân Giai giành được giải thưởng Tuấn mã trong cuộc thi viết về các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ 7. Còn có hai tác phẩm của nhà văn Hồ Bắc đặc biệt được vinh danh, đó là Thiêu thân tháng Năm của Diệp Mai và tuyển tập phê bình Linh hồn thơ ca xa xôi của Đặng Bân, Hướng Quốc Bình.

Nhà văn trẻ có Trương Chấp Hạo, Điền Chu, Lý Tu Văn… cũng lần lượt giành được giải thưởng sáng tác Văn học Thanh xuânGiải thưởng Thơ ca. Lâm Ngạn, Hoa Tư… là nhà văn viết cho thiếu nhi tương đối sáng chói ở Hồ Nam. Hoa Tư nổi tiếng bởi nhận được giải thưởng của cuộc thi sáng tác Văn học thiếu nhi Băng Tâm năm 2004 với tác phẩm Tình yêu cuồng nhiệt của hai người. Năm 2005, nhà văn Hồ Bắc tiếp tục giành được 3 giải thưởng văn học lớn. Trong đợt bình chọn của Giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 6, tiểu thuyết Trương Cư Chính của Hùng Chiêu Chính đã giành được giải thưởng, trong khi trước đó, chính tác phẩm này cũng giành được Giải thưởng tiểu thuyết Diêu Tuyết Căn được tổ chức lần đầu tiên. Trong cuộc bình chọn giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần thứ 3, nhà văn Hồ Bắc nắm hai giải với tác phẩm Vì sao tùng nha hót của Trần Ứng Tùng và Cách mạng châu Vạn Lý của Hồ Thế Toàn và Triệu Du. Ngoài ra còn có Y Toàn Sinh giành được giải thưởng sáng tác truyện ngắn toàn quốc Kim ma tước lần 1; Hiểu Tô giành được giải thưởng Sáng tác truyện ngắn Bồ Tùng Linh do Báo Văn nghệHiệp hội tác gia Trung Quốc kết hợp tổ chức. Trì Lợi trở thành nhà văn được đông đảo độc giả yêu mến, được giới phê bình đánh giá khá khách quan và được thị trường sách coi trọng. Trong số những tác phẩm được chú ý vào những năm đầu thế kỷ mới có tập thơ Khúc giao hưởng Tam Hiệp của Tạ Khắc Cường khá đặc biệt và gây được sự chú ý lớn của độc giả cũng như các nhà phê bình.

Nhìn từ ý nghĩa, thành tựu của nhóm nhà văn Hồ Bắc những năm gần đây có được là do các nhà văn đã tích lũy được bề dày vốn sống. Tác phẩm của nhà văn Hồ Bắc hướng về đời sống hiện thực. Dù là sự kiện trọng đại của xã hội hay những sự việc vụn vặt đời thường đều là sự ưu tiên đầu tiên của họ. Kiểu tác gia Học viện, Trai phòng của Hồ Bắc không nhiều. Đi tiên phong và đuổi theo thời thượng không phải là ưu thế của nhóm nhà văn Hồ Bắc mà ưu thế của họ chính là sự tích lũy của bề dày kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm đó có thể bắt nguồn từ cơ sở nông thôn hay thành thị. Đó chính là bối cảnh sáng tác, cũng là tầm nhìn văn học của họ. Nội dung tác phẩm đầy ắp hiện thực cuộc sống thực tế khiến nhà văn Hồ Bắc được độc giả yêu mến và được các nhà phê bình đánh giá cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến tác gia Hồ Bắc được vinh danh trong giai đoạn văn học chuyển hướng chú trọng đời sống hiện thực.

Nhà văn Hồ Bắc tích lũy được khá dày kinh nghiệm sáng tác. Mấy năm gần đây, thành tựu sáng tác tiểu thuyết của nhà văn Hồ Bắc đã cho thấy rõ điều đó. Hầu hết nhà văn Hồ Bắc dựa trên kinh nghiệm sáng tác phong phú để viết tiểu thuyết. Trong thời kỳ mới, tiểu thuyết của nhà văn Hồ Bắc đi lên từ trong quá trình phát triển của truyện ngắn, truyện vừa. Vào niên đại 70, 80 của thế kỷ trước, truyện ngắn, truyện vừa của các nhà văn Lưu Phú Đạo, Du Sam, Lý Thúc Đức, Ương Tuyền, Sở Lương đều giành được nhiều giải thưởng. Bước sang thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, nhà văn Hồ Bắc kiên trì viết truyện vừa và tiếp tục phát huy ưu thế đó trong những năm đầu thế kỷ mới. Từ tác phẩm Chiếc đàn Phượng hoàng đến Khó phân định của Lưu Tinh Long; Phong cảnh, Ánh lửa bỏ chạy, Yêu hay không yêu đều khắc cốt ghi tâm, Cây cối đều mang sắc thu, Nước đi theo trời của Phương Phương; Cuộc sống tốt đẹp, Ngày hoài niệm thanh danh sói, Gặp Mai nương của Trì Lợi đều là những tác phẩm hay. Cũng nhờ vào nhiều tác phẩm hay mà nhà văn Hồ Bắc trở nên sáng giá. Dùng thực tế sáng tác làm bước đệm, sáng tác tiểu thuyết của nhà văn Hồ Bắc không sớm thì muộn sẽ hiện hữu và được vinh danh. Những cuốn tiểu thuyết Niên giám hồ Điểu Ni (Phương Phương), Nước và lửa quấn quít, Hễ sướng thì hét lên (Trì Lợi), Nỗi đau mất mát, Bầu trời rộng lớn (Lưu Tinh), Cửa thiên thánh (Tam Quyển Bản), Nhớ tới thảo nguyên, Nhớ về một nơi chưa từng qua, Một đóa hoa không thể không nở, Giang sơn (Đặng Nhất Quang), v.v… là kết quả gặt hái quan trọng trong sáng tác tiểu thuyết của nhà văn Hồ Bắc. Cuốn tiểu thuyết 4 tập Trương Cư Chính của Hùng Chiêu Chính được giải thưởng văn học Mao Thuẫn đã trở thành một tiêu chí cho sự phát triển của tiểu thuyết Hồ Bắc những năm gần đây. Hùng Chiêu Chính sinh năm 1953, người Anh Sơn (Hồ Bắc). Trương Cư Chính viết về nhân vật truyền kỳ Trương Cư Chính thời Minh Vạn Lịch, qua đó khắc họa cuộc đấu tranh chính trị quân quyền đầy phức tạp và tàn khốc. Tác phẩm này đã đưa tác giả lên vũ đài văn đàn những năm đầu thế kỷ mới.

Nhưng lấy truyền thống hiện thực trong văn học làm thước đo thì nhà văn Hồ Bắc không hề yên phận như vậy, dù là sáng tác “tân tả thực” hay “làn sóng xung kích” đều mang hơi thở mới của chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực thấm sâu vào sáng tác của các nhà văn trẻ như Lưu Kế Minh, Trương Chấp Hạo, Lý Tu Văn… Nhưng các nhà văn trẻ không chỉ dừng lại đó mà còn dùng khí chất “tiên phong” phá vỡ kết cấu chủ nghĩa hiện thực đơn nhất. Tiểu thuyết của Trương Chấp Khiết, Lý Tu Văn càng theo đuổi chủ nghĩa hiện thực và sự thể nghiệm theo đuổi nghệ thuật trong sáng tác… khiến cho sáng tác tiểu thuyết Hồ Bắc mang nét đặc sắc của chủ nghĩa hiện thực và phong cách ổn định, lành mạnh, vì thế thể hiện sắc thái khác biệt. Sự tiếp xúc thân mật giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện đại thúc đẩy sự hình thành một loạt tác phẩm viết về Thần Y Giá của Trần Ứng Tùng. Xuất thân từ nhà thơ với các tác phẩm Điệu nhảy cuối cùng của con báo, Chim Tùng nha vì sao hót, Vọng Lương Sơn, Huyết án núi Mã Tư, Sự kiện chó điên, v.v… khiến Trần Ứng Tùng được liệt vào hàng ngũ nhà văn quan trọng của thế kỷ mới. Mạc Ngôn đánh giá rằng, “Trần Ứng Tùng dùng ngôn ngữ giàu cá tính, tạo nên một thế giới nghệ thuật giàu sắc thái đầy rẫy ma quỷ và ảo tưởng. Thế giới đó xây dựng nên Thần Y Giá nhưng là Thần Y Giá siêu việt. Điều đó thuộc về vương quốc của anh, cũng là một điểm sáng trong bức tranh văn học Trung Quốc”.

Hồ Bắc nằm ở giao giới giữa miền Nam và miền Bắc nên đã tiếp nhận văn hóa cả hai miền Nam, Bắc khiến văn học Hồ Bắc mang đầy đủ yếu tố truyền thống và hiện đại. Nội dung sáng tác của văn học Hồ Bắc liên quan đến cả các phần tử tri thức và tầng lớp dưới. Cho nên, dung hợp là đặc điểm nổi bật trong sáng tác của các nhà văn Hồ Bắc.

2. Nhóm nhà văn Quảng Tây

Quảng Tây vốn không phải là vùng đất nổi bật về sáng tác văn học nhưng quan điểm đó đã bị lung lay mấy năm gần đây bởi các “kiếm khách” Đông Tây, Quỷ Tử, Lý Phùng, Tân Di Ổ…, trong đó Đông Tây, Quỷ Tử, Lý Phùng là “ba kiếm khách” khá nổi bật. Các vị đó không những thành danh mà còn có thành tựu phi phàm khiến cho tiềm năng và tiềm lực sáng tác của nhà văn Quảng Tây được khai phá và được giới văn học Trung Quốc nhìn nhận. Năm 1997, Đông Tây giành được giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần đầu, sau đó năm 2001, Quỷ Tử giành được giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần 2. Sau Cuộc sống không lời, Đông Tây lại có mấy tác phẩm Không cần hỏi tôi, Cô nhi của thời đại, Ánh mắt càng kéo càng dài, Đoán đến tận cùng, v.v… về cơ bản đều khá ưu tú. Sau khi Quỷ Tử có tác phẩm Dòng sông bị ướt, các tác phẩm khác như Ruộng lúa trống ở thành phố, Ánh sáng hạnh phúc, Cô bé ngáp ngủ buổi sáng đều được độc giả và các nhà phê bình chú ý. Lý Phùng từng lấy tư thế “tiên phong” bước lên văn đàn, dùng lịch sử làm tư liệu chủ yếu trong sáng tác cho nên tác phẩm của anh nằm giữa “tiên phong” và “lịch sử”. Những tác phẩm như Võ Tòng đánh hổ, Tôn Hành Giả, Khổng Tử, Triều Đường, Tôi là một phiến đoạn sống của anh hùng Võ Tòng, v.v… đều được độc giả ưa thích.

Tân Di Ổ là nữ tác gia trẻ mới nổi của Quảng Tây. Tiểu thuyết của cô khá thành công khi viết về đề tài thành xuân, tình yêu đôi lứa và cuộc sống gia đình. Là nhà văn nữ nên ngôn ngữ trong tác phẩm của cô tràn đầy nữ tính, cốt truyện cũng rất nữ tính. Anh có thích nước Mỹ không nói về quá trình trưởng thành của một cô gái, thất bại liên tiếp trong tình trường. Mối tình đầu bỏ cô đi Mỹ, mối tình thứ hai cũng vậy. Cứ tưởng rằng những chàng trai của mình là “hoàng từ hành tây”, nhưng cuối cùng mối tình đầu đã quay về với cô. Hóa ra anh vẫn ở đây là một tác phẩm khác của cô. Câu chuyện tình yêu ở đây như khắc cốt ghi tâm, nhưng thường phải trải qua thăng trầm và trả giá rồi con người mới biết được giá trị đích thức của tình yêu là gì. Đọc tác phẩm của Tân Di Ổ, chúng ta thấy trong đó là những mối tình chân thành, đẹp đẽ. Chỉ có tình yêu, con người mới có cuộc sống đích thực, mới là chính mình, mới có chốn đi về, mới yên ổn. Các tác phẩm của Tân Di Ổ khiến người ta suy nghĩ nhiều về tình yêu và sự vĩnh hằng của tình yêu.

Trong những năm gần đây, văn học Quảng Tây có nhiều thay đổi, có ích cho sự lựa chọn đặc biệt của các nhà văn trẻ. Sau đây là một số đặc điểm của văn học Quảng Tây trong những năm đầu thế kỷ mới:

Thứ nhất, văn học Quảng Tây xóa bỏ sự ngăn cách khu vực, không những kiên trì quan niệm sáng tác văn học Quảng Tây truyền thống và đứng vững ở Quảng Tây mà còn mở rộng tầm nhìn đến văn đàn Trung Quốc đương đại. Tuy Quảng Tây nằm ở miền Tây Trung Quốc, một số nhà văn Quảng Tây rời khỏi vùng đất này nhưng vẫn lấy phong tục tập quán nơi đây để theo đuổi sắc thái bản địa, đưa kinh nghiệm đời sống bản địa vào sự thể nghiệm nhân sinh hiện nay, thử đồng thời theo đuổi hiện thực và hình thái tiểu thuyết hiện đại. Giống như Quỷ Tử nói trong Dòng sông bị ướt mưa rằng, câu chuyện là hiện đại, nhưng mô thức và bối cảnh ngôn ngữ lại bảo đảm tính tự sự hiện đại”. Cho nên, phần lớn tác phẩm của anh đều không quá đậm nét dấu ấn địa phương mà thể hiện rõ tính hiện đại. Có một nhà phê bình phân tích rằng, “thứ nhất, sự thức tỉnh ý thức tự giác trong sáng tác tiểu thuyết, tiêu chí của nó là từ phê phán “mối quan hệ sinh thái” xã hội chuyển hướng sang phê phán “mối quan hệ sinh thái”; thứ hai, sự tự thức tỉnh ý thức tự sự ngôn ngữ, tiêu chí của nó là có một loạt tiểu thuyết mang nét đặc sắc của ngôn ngữ Lĩnh Nam đặc biệt, vừa là ý thức ngôn ngữ hiện đại”. Đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến giới phê bình và độc giả chú ý đến nhóm nhà văn Quảng Tây những năm gần đây.

Thứ hai, phá bỏ rào cản văn học, kết giao với điện ảnh, tìm phương thức truyền bá nhà văn và tác phẩm một cách hữu hiệu, tăng cường mức độ nổi tiếng. Tác phẩm Cuộc sống không lời của Đông Tây do tác giả tự chuyển thể thành phim Người yêu trên trời và đã giành được giải thưởng điện ảnh Tokyo lần thứ 15. Nhà văn còn căn cứ vào tác phẩm cùng tên của mình chuyển thể thành bộ phim nhiều tập Ánh sáng bên vành tai cũng được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc. Tác phẩm Ánh sáng hạnh phúc của Quỷ Tử cũng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc. Còn tác phẩm Thiếu nữ ngáp buổi sáng đã được đạo diễn Trần Khải Ca nhằm trúng. Tác phẩm Ghi chép tìm súng của nhà văn Phàm Nhất Bình cũng được chuyển thể thành phim Tìm súng. Sau này, tác phẩm Quỳ xuống, Người thợ cắt tóc của anh cũng được đưa lên màn bạc và anh cũng vì những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của mình mà trở nên nổi tiếng. Nhờ điện ảnh mà nhiều nhà văn Quảng Tây đạt được danh lợi song toàn. Cũng nhờ điện ảnh mà địa vị của nhóm nhà văn Quảng Tây được nâng lên một tầm cao mới.

3.Nhóm nhà văn Hồ Nam

So với thời kỳ cực thịnh thập niên 80 của thể kỷ XX, gần đây, nhóm nhà văn Hồ Nam ngày càng có xu hướng “tản cư”. Tàn Tuyết và Hàn Thiếu Công đã lần lượt định cư ở Bắc Kinh và Hải Nam; Tân Tú Thịnh Khả Dĩ và Lý Sỏa Sỏa lần lượt làm khách ở Thâm Quyến và Quảng Châu; Diêm Chân ẩn mình nơi học viện; Vương Dược Văn đi vào thế giới điện ảnh. Sau khi Đường Hạo Minh tuyên bố cuốn tiểu thuyết Trương Chi Đồng là tác phẩm cuối cùng của mình thì cũng dự định chuyên tâm vào học vấn. Giới văn học Hồ Nam cấp thiết lên tiếng “chấn hưng”, nhưng Hồ Nam không thiếu nhà văn có tâm huyết, vẫn xuất hiện nhiều sát thủ văn học với phong cách sáng tác mới, vượt qua cả những nhà văn huy hoàng trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Tiểu thuyết của nhà văn Hồ Nam vẫn đa dạng về phong cách và đạt nhiều thành tựu về phương diện đề tài.

Là một trong những người đề xướng “văn học tầm căn”, Hàn Thiếu Công không vì phiêu bạt ở Hải Nam hay ẩn cư ở Bạc La mà dừng chấp bút. Sau Từ điển Mã Kiều (1996), gần đây Hàn Thiếu Công lại xuất bản Ám thị (2009) và nhiều tùy bút tư tưởng. Từ điển Mã Kiều cũng giống như Ám thị, là sự tiếp tục thưởng thức phương diện ngôn ngữ văn học với thể loại tiểu thuyết. Đương nhiên, điều quan trọng hơn là, chính Hàn Thiếu Công nói rằng, cuốn sách “lý tưởng hóa tiểu thuyết” đó dùng phương thức tiểu thuyết và tùy bút để gửi gắm tư tưởng nghiên cứu của tác giả về nhiều vấn đề lý luận văn học. Ngoài sáng tác, Hàn Thiếu Công còn dịch một số tác phẩm văn học, có cách nhìn đặc biệt về ngôn ngữ văn học, được Bộ văn hóa Pháp trao giải thưởng Văn học kỵ sĩ nước Pháp.

Tàn Tuyết sinh năm 1953 tại Trường Sa, tên thật là Đặng Tiểu Hoa, người Lỗi Dương (Hồ Nam), cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa… Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Hồ Nam mới, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào Cánh hữu chống Đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh túng quẫn. Năm 1966, cuộc Cách mạng Văn hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của Cánh hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh ghét của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện mang màu sắc kỳ lạ. Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay Chợ Hoàng Nê, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn Bọt xà phòng trên nước bẩn trên tờ Tân sáng tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn Căn nhà nhỏ trên núi năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san Trung Quốc... và Tàn Tuyết dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.

Tàn Tuyết không chỉ có ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh… Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc có tác phẩm được dịch ở nước ngoài nhiều nhất. Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả truyện ngắn và truyện vừa), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare… Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.

Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá bản thân, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng… trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Đó là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn thiếu. Tuy vậy, thế giới ảo tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài mà tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có các vị anh hùng, các bậc thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh, là “hiện thực”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ, lay động tâm hồn con người.

Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình dị, đơn giản, rất cô đọng nhưng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Tàn Tuyết có sở trường dùng sự phi lý khai thác tâm linh con người. Sau tác phẩm Ngõ vị hươngNgười tình cuối cùng, Tàn Tuyết được mệnh danh là nhà văn theo “chủ nghĩa hiện thực chân chính” đương đại. Cũng giống như viết tiểu thuyết, Tàn Tuyết dường như cũng dày công viết tùy bút. Trong những năm đầu thế kỷ, Tàn Tuyết liên tục có tác phẩm ra đời như Người độc hành trong địa ngục (Nxb. Tam Liên, 2003), Thành lũy linh hồn (Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 2004), Sự rèn luyện sống mãi (Nxb. Văn nghệ Tháng Mười Bắc Kinh, 2004) và tập ghi chép phỏng vấn Để báo thù viết tiểu thuyết (Nxb. Văn nghệ Hồ Nam, 2003), v.v… Có lẽ, do giỏi đi vào tâm hồn của những bạn đọc tầm cỡ kinh điển, cho nên Tàn Tuyết tuy là nhà văn của “văn học tiên phong” thời kỳ thoái trào nhưng vẫn kiên trì với sáng tác nội tâm, vẫn giữ được thái độ “tiên phong”. Tàn Tuyết tuy không học qua đại học chính quy nhưng do hiểu biết rộng, sớm đọc nhiều tác phẩm văn học phương Tây nên tác phẩm của cô đã đạt đến độ cao thâm, sáng tác của cô cũng khá phong phú tư tưởng triết học.

Trên văn đàn Hồ Nam gần đây còn xuất hiện một số cái tên khá quen thuộc như Vương Dược Văn, Diêm Chân… Vương Dược Văn được độc giả biết đến bởi tác phẩm Quốc họa; Diêm Chân đặt chân lên văn đàn bởi tác phẩm Nước trên ngọn sóng. Hai tác giả này kế tục tiểu thuyết “quan trường” truyền thống thời Vãn Thanh, mở ra “quy tắc tiềm ẩn” trong chốn quan trường, cung cấp kiểu “nhật ký hiện hình quan trường”.

Tiếp tục theo đuổi nhân tố mới mà không rời bỏ truyền thống là nguyên nhân quan trọng khiến nhà văn Hồ Nam luôn đổi mới và phát triển. Nhà văn Hồ Nam kế thừa truyền thống “văn học Tương quân”, “sự quan tâm đến hiện thực nhân sinh, sinh thái sinh tồn nhân sinh và vận mệnh con người xuyên suốt trong các sáng tác của mình”. Các tác phẩm như Câu chuyện của Mai Thứ (Vương Dược Văn), Nạn lũ lụt (Lưu Xuân Lai), Cá chết đuối (Đào Thiếu Hồng), Con đê hình rồng (Hướng Bản Quý), Chuyến du lịch hoang dã (Hà Đốn), v.v… đều là những tác phẩm viết về đề tài hiện thực những năm gần đây của nhà văn Hồ Nam.

Nếu như nói nhà văn Hồ Nam chịu ảnh hưởng của nội hàm văn hóa Trung Nguyên thì sắc thái văn hóa của nhà văn Hồ Nam chính là kết quả từ sự lựa chọn của bản thân nhà văn. Mấy vị nhà văn ưu tú nhất của văn học Hồ Nam đều là những tác gia học giả, trai phòng và họ chủ yếu đào sâu về đời sống hàng ngày. Họ không giống các nhà văn lớp trước, quá chú ý đến nhân tố văn hóa. Đường Hạo Minh ban đầu theo học lịch sử, sau này trở thành tiểu thuyết gia lịch sử. Các tác phẩm của anh như Tăng Quốc Phiên, Dương Độ, Trương Chi Đồng càng có nội hàm văn hóa lịch sử. Tác giả đứng trên lập trường văn minh, tiến bộ xã hội, vừa thừa nhận vừa phê phán các phần tử tri thức và văn hóa dân tộc, đồng thời còn đưa ý niệm lịch sử vào tác phẩm với mục đích xem lại kết cấu chỉnh thể của thế giới, không ngừng kích hoạt, đề cao nội hàm của sự thực lịch sử vốn có trong bản thân đề tài, khiến cho các hình tượng nghệ thuật như Tăng Quốc Phiên, Trương Chi Đồng, Dương Độ có tính hiện thực và tính lịch sử cao độ.” Diêm Chân là giáo sư của Học viện văn học Đại học Trung Nam. Với tư cách vừa là nhà nghiên cứu văn học, vừa là tác giả sáng tác văn học, cho đến nay anh mới chỉ có hai tác phẩm Từng ở đường chân trờiNước trên con sóng nhưng đã có ảnh hưởng lớn trên văn đàn Hồ Nam, từng giành được giải thưởng Văn học đương đại năm 2001. Năm 2002, Diêm Chân được liệt vào hàng ngũ nhà văn lớn tiến bộ nhất, là “nhân vật văn học Trung Hoa” năm 2002.

Từ bề dày vốn sống và tri thức phong phú khiến một loạt nhà văn Hồ Nam có những tác phẩm “nặng ký”. Đó là hy vọng để chấn hưng đội quân văn học Hồ Nam năm xưa.

4. Nhóm nhà văn miền Tây

Miền Tây Trung Quốc gồm Tây Bắc và Tây Nam, vốn là mỏ vàng văn học. Trong số các nhà văn miền Tây, ngoài Trần Trung Thực và A Lai giành được giải thưởng văn học Mao Thuẫn, còn có một loạt nhà văn “gạo cội” đã bước sang tuổi trung niên, từng giành được nhiều thành tựu trong sáng tác như Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Cao Kiến Quần, Dương Tranh Quang, Diệp Quảng Ngâm, v.v… và một số nhà văn đại diện cho nhóm tác gia Sơn Tây như Trương Bình, Thành Nhất, Lý Nhuệ, Tưởng Vận, Lã Tân, Cát Thủy Bình, v.v… Các nhà văn đó đã có nhiều sáng tác đáng giá, trở thành vấn đề của các nhà phê bình. Nhưng được giới phê bình nhắc đến nhiều nhất vẫn là Giả Bình Ao và A Lai. Tuy mấy năm gần đây, A Lai là chủ biên ba tạp chí, công việc khá bận rộn, chỉ viết được vài truyện ngắn nhưng năm 2005 đã xuất phẩm Không sơn – truyền thuyết thôn Cơ mang dáng dấp của tiểu thuyết truyền kỳ, rất hấp dẫn độc giả. Giả Bình Ao một đời phấn đấu phi thường. Ông sinh trong một gia đình tại Đan Phượng (Thiểm Tây), từng học Khoa văn, Trường Đại học Tổng hợp Tây Bắc Trung Quốc. Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp viết văn vào năm 1973 với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Đôi tất. Sau đó, vào năm 1978, ông đã thành danh khi truyện ngắn Mãn nguyệt nhi (Trăng tròn) được trao giải Truyện ngắn ưu tú toàn quốc. Từ đó trở đi, suốt những năm 80 và sang những năm 90 của thế kỷ XX, tiểu thuyết của Giả Bình Ao thường được đánh giá có chất lượng cao hơn mặt bằng sáng tác nói chung. Ở Trung Quốc, số nhà văn giữ nguyên được tầm cỡ trong một thời gian dài như vậy là rất ít.

Giả Bình Ao hiểu biết nhiều về văn hóa truyền thống Trung Hoa, nghệ thuật và văn minh hiện đại. Hành trình sáng tác của Giả Bình Ao chia thành hai chặng rõ rệt: từ tác phẩm đầu tay đến hết những năm 80 và từ đầu những năm 90 đến nay. Hầu hết các tác phẩm của ông trước đây viết về đề tài làng quê nông thôn, xoay quanh chủ đề cải cách xã hội nông thôn, phong tục dân gian. Nhưng khi Giả Bình Ao ở tuổi gần ngũ tuần, tiểu thuyết của ông lại chuyển sang đề tài tình yêu và cuộc sống hiện đại. Các truyện ngắn ông viết ở giai đoạn này mang đậm triết lý cổ xưa, trong đó có triết lý đạo thiền.

Bước sang thế kỷ mới, trong 2 năm, tác giả đã có Hoài niệm sói (2000), Báo cáo bệnh nhân (2002) gây sự chú ý của nhiều nhà nhà phê bình. Từ năm 2003 đến năm 2004, tác giả tập trung viết Tần xoang (Giọng nói vùng Thiểm Tây). Đối với Giả Bình Ao, quá trình viết Tần Xoang chính là một cách giải phóng từ từ những khối u uất kết lại giữa lòng, là một quá trình tràn đầy mâu thuẫn và đau khổ. Đặc biệt, năm 2007, Giả Bình Ao xuất bản tiểu thuyết Phấn khởi (Nxb. Tác gia, 2007). Phấn khởi, bộ tiểu thuyết mới của nhà văn Giả Bình Ao được Hội Khoa học Bình luận sách Trung Quốc bình chọn là một trong Mười tác phẩm nổi tiếng nhất Trung Quốc năm 2007

Một nửa đàn ông là đàn bàCây Lục hóa của Trương Hiền Lượng từng gây chấn động văn học Trung Quốc. Mấy năm gần đây, Trương Hiền Lượng liên tục cho ra mắt nhiều bộ tiểu thuyết lớn như Cây Bồ đề, Thời thanh xuân, Phiền muộn, Đó là trí tuệ… Trương Hiền Lượng được xếp là một trong 100 nhà văn có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX.

Nói đến các nhà văn miền Tây, chúng ta không thể không nói đến Diệp Kim Ngân. Nhà văn hiện làm việc ở huyện Quế, tỉnh Thiểm Tây. Diệp Kim Ngân sau khi viết Trưởng thôn khỉ thì cho ra đời một loạt tiểu thuyết khác có ảnh hưởng tương đối lớn đến nhà văn miền Tây cuối thể kỷ XX.

Từ thế kỷ mới đến nay, miền Tây không ngừng xuất hiện văn học “hắc mã”, trở thành đặc trưng rõ nét nhất của nhóm tác gia miền Tây. Tác phẩm Kỵ mã miền Tây, Mã Nạp Tư sống lại của nhà văn Hà Hồng đã đưa đến bầu không khí mới trên văn đàn miền Tây Bắc Trung Quốc. Nhà văn Tân Cương Đổng Lập Kiết, sau nhiều năm mò mẫm, năm 2003 đã cho ra đời một loạt tiểu thuyết “binh đoàn” như Đậu trắng, Ngày nóng, Cỏ loạn…, đã trở thành một hiện tượng văn học khá đặc biệt trên văn đàn miền Tây những năm đầu thế kỷ.

Nhà văn Tuyết Mạc của Cam Túc có tác phẩm Đại mạc thái (2000), Họa chó sói (2004), trong đó Đại mạc thái được ca ngợi là một trong số rất hiếm tác phẩm nghệ thuật, là cuốn tiểu thuyết miền Tây đúng với ý nghĩa của nó.

Ba nhà văn trẻ của Ninh Hạ là Thạch Thư Thanh, Trần Kế Minh, Kim Ngõa được mệnh danh là “ba cây đa của miền Tây Bắc”. So với những nhà văn trẻ sinh vào thập niên 60, 70, tác phẩm của các nhà văn này giàu bản sắc địa phương, thể hiện sự đa dạng, phong phú của “nhóm nhà văn thời đại tân sinh”.

Nếu như nói phong cách sáng tác của tác gia miền Tây Bắc chất phác, mộc mạc thì sáng tác của tác gia miền Tây Nam lại giàu lý trí. Nhà văn Vân Nam Phạm Ẩn sau một thời gian nghiền ngẫm, cuối cùng năm 2003 mới xuất phẩm tiểu thuyết Bầu nước to. Nhà văn Mai Gia của Tứ Xuyên có tác phẩm Hóa giải bí mật (2002), Ngầm đoán (2003) được các nhà phê bình đánh giá là “tiểu thuyết trí lực mới”, trong đó Hóa giải bí mật được trao giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần 6 và còn được Hội tiểu thuyết Trung Quốc đánh giá là tiểu thuyết hay nhất năm 2002. Mai Gia còn được bình chọn trong Tuyển san văn học Trung Hoa là “tác gia tiến bộ lớn nhất”. Trương Giả của Trùng Khánh khắc họa khá rõ nét Nho lâm mới trong tác phẩm Đào lý. Năm 2005, nhà văn có cuốn tiểu thuyết mang tầm nhìn lịch sử kháng chiến, đậm chất dân gian Lầu Linh Pháo. Năm 2002, Mạc Hoài Thích có tác phẩm Mối quan hệ kinh điển có ảnh hưởng lớn đến văn đàn Trung Quốc đương đại. Hải Nam là một trong số ít nữ nhà văn miền Tây, sớm thành danh vào niên đại 90 của thế kỷ trước, mấy năm gần đây viết khá nhiều, xuất bản một loạt tiểu thuyết như Câu chuyện đàn bà, Câu chuyện đàn ông, Câu chuyện tình yêu, Câu chuyện thân thể, Câu chuyện nông thôn… Tác phẩm Hoa văn (2003) của cô được đánh giá là tiểu thuyết hay nhất năm 2003.

Cát Thủy Bình cũng là một nhà văn nữ trẻ miền Tây nổi bật trong những năm đầu thế kỷ XXI. Cô rất quen thuộc với đời sống người lao động và có sự cảm nhận cũng như thông cảm sâu sắc với những thân phận thấp kém trong xã hội. Trong khoảng 3 năm, Cát Thủy Bình đã xuất bản hơn 20 cuốn tiểu thuyết. Những tác phẩm đó đều dùng phương thức “nguyên sinh thái” thể hiện cuộc sống gian khổ của người lao động. Trong hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt và xã hội cực đoan, trong mối quan hệ giữa người với người đơn giản và nguyên thủy, tác giả đã chỉ ra trạng thái tồn tại và trạng thái tinh thần của nhóm người thấp cổ bé họng nhất trong xã hội. Trong tư thế ung dung, tác giả đã thể hiện sức mạnh của tình cảm, thể hiện cách lý giải văn học đặc biệt, đồng thời cũng biểu hiện ý chí và hung tâm sáng tác của mình. Cát Thủy Bình còn có tác phẩm Địa khí, Núi gào thu hút sự chú ý và đánh giá rộng rãi trong giới phê bình văn học.

Khi thử truy cứu nguyên nhân tạo nên sự hưng thịnh của nhóm nhà văn miền Tây, chúng ta sẽ phát hiện thấy rằng, hoàn cảnh địa lý và phong tục tập quán đặc biệt của miền Tây khiến việc xây dựng ý tưởng, lựa chọn đề tài, vận dụng ngôn ngữ trong thơ ca, văn học miền Tây có ưu thế đặc biệt. Chính nhờ ưu thế đó mà nhà văn miền Tây đã giành được những thành tựu phi phàm. Cùng với tiến trình hiện đại hóa mạnh mẽ hiện nay, nhà văn miền Tây ngày càng có nhiều tác phẩm viết về mối quan hệ của con người với tự nhiên, mối quan hệ của con người với văn hóa. Trong những năm đầu thế kỷ mới, sau khi Giả Bình Ao viết Hoài niệm sói, nhà văn đã nói rằng, sói là loài vật mang đầy đủ tính dân gian, thích hợp với yêu cầu so sánh và tượng trưng của tôi. Hoài niệm sói là hoài niệm về sức mạnh ban đầu, hoài niệm về người anh hùng, hoài niệm về thế giới công bằng”. Điều đó cho thấy rằng, nhà văn miền Tây đang có xu hướng “phát hiện mới”, cho nên mới xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết viết về mối quan hệ của con người với thú vật, điển hình là những tác phẩm của Tuyết Mạc, Dương Chí Quân (nhà văn của tỉnh Thanh Hải) và tác phẩm Đại hà của Hồng Kha. Như vậy, tác gia miền Tây ngày càng chú ý đến đại tự nhiên và phong tục dân gian. Quách Tuyết Ba sinh ra ở vùng Nội Mông Cổ, sống ở đó quá nửa đời người, sau này tuy định cư ở Bắc Kinh, nhà văn vẫn được mệnh danh là “đứa con của sa mạc” bởi những cuốn tiểu thuyết như Cáo sa mạc, Sói sa mạc, Bò sa mạc, Đầm khe trên sa mạc, v.v… Gần đây, Quách Tuyết Ba còn có các tác phẩm Linh hồn sa mạc, Đứa trẻ người sói trên sa mạc gây nhiều sự chú ý trên văn đàn. Quách Tuyết Ba từng hai lần được trao giải thưởng Tuấn mã. Phát hiện mới trong sáng tác của nhà văn miền Tây trên thực tế cũng là sự “phản tư” của người hiện đại đối với bản thân, với văn minh hiện đại. Văn học phản tư không chỉ hình thành bởi sự cống hiến của các nhà văn miền Tây mà sức sống mới của họ đã có tác dụng thúc đẩy nhất định. Sự thực đã chứng tỏ điều đó, nhà văn miền Tây tự giác đi từ văn học truyền thống nhanh nhạy theo đuổi văn học mới hơn. Họ kiên trì và kế thừa tài nguyên văn học truyền thống, đó là nguyên nhân quan trọng để các nhà văn miền Tây giành được nhiều thành tựu.

5. Nhóm nhà văn Giang Tô

Giang Tô nằm ở vùng đất phồn hoa của miền quê sông nước Giang Nam, nổi tiếng bởi những cảnh đẹp mà “chỉ thiên đường” mới có, xưa nay được mệnh danh là cái nôi có bề dày văn hóa lịch sử. Văn hóa Giang Tô từng đưa đến bầu không khí và khí chất riêng cho văn đàn Giang Tô. Các tác gia Từ Tăng Phác, Từ Chẩm Á, Bao Tiếu Thiên, Chu Sưu Quyên đến Lưu Bán Nông, Du Bình Bá, Diệp Thiệu Quân, Chu Tự Thanh, Uông Tăng Kỳ, Lục Văn Phu, v.v… đều thể hiện văn hóa truyền thống đó. Sau này, Diệp Diêu Ngôn, Tô Đổng, Hoa Phi Vũ… kế thừa truyền thống đó, học hỏi nhiều ở các nhà văn Giang Tô lớp trước, dùng thân phận của tác gia tiên phong bước lên văn đàn, thể hiện sự tinh xảo trong kết cấu tiểu thuyết và ngôn ngữ tự sự. Ba nhà văn này đều có sở trường miêu tả số phận nữ giới. Các tác phẩm Guơng trạng nguyên (Diệp Diêu Ngôn), Thê thiếp thành bầy, Phấn hồng (Tô Đổng), Áo xanh (Hoa Phi Vũ)… đều miêu tả tinh tế tâm lý nữ giới. Trong số đông nữ nhà văn Giang Tô, Hoàng Bồi Giai, Phạm Tiểu Thanh, Diệp Mị, Chu Văn Dĩnh, Ngụy Vi, v.v… đều viết khá chuyên nghiệp và yêu thích văn chương. Nhưng do nữ tác gia theo đuổi sự tinh xảo nên trong sáng tác vô tình lộ rõ khí chất yếu ớt, có lẽ đó cũng là một nét độc đáo của nhóm nhà văn nữ Giang Tô.

Đứng về tuổi tác mà nói thì tuổi của nhóm nhà văn Giang Tô tương đối lý tưởng. Nhóm nhà văn Giang Tô hiện hội tụ mấy đời nhà văn và họ vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Các nhà văn ở những độ tuổi khác nhau như Triệu Bản Phu (sinh năm 1947), Chu Tô Tiến (sinh năm 1953), Hoàng Bội Giai (sinh năm 1955), Phạm Tiểu Thanh (sinh năm 1955), Chu Hải Sâm (sinh năm 1956), Diệp Diêu Ngôn (sinh năm 1957), Kinh Ca (sinh năm 1960), Tô Đổng (sinh năm 1963), Hàn Đông (sinh năm 1961), Lỗ Dương (sinh năm 1963), Kỳ Trí (sinh năm 1963), Diệp Mị (sinh năm 1964), Chu Văn (sinh năm 1967), Hoa Phi Vũ (sinh năm 1964), Vương Đại Tiến (sinh năm 1965), Chu Văn Dĩnh (sinh năm 1970), Ngụy Vi (sinh năm 1971), Trần Vệ (sinh năm 1973), Ba Kiều (sinh năm 1975), v.v… Trong nhóm tác gia đó, sáng tác của nhà văn trẻ gần đây nhiều và nhanh đến độ chóng mặt.

Trên văn đàn đầu thế kỷ mới, có mấy nhà văn Giang Tô gây sự chú ý sinh vào niên đại 60. Hoa Phi Vũ có một loạt tác phẩm như Áo anh, Ngọc mễ, Ngọc tú… biểu hiện giới hạn tinh thần phức tạp của con người và tiếng cười trào phúng đời sống xã hội Trung Quốc dưới áp lực của cải cách xã hội, rất kích động giới phê bình. Năm 2006, sau tác phẩm Bình nguyên, Hoa Phi Vũ không chỉ giành được giải thưởng về sáng tác tiểu thuyết mà còn được mệnh danh là một trong mười tiểu thuyết gia được hoan nghênh ở Trung Quốc. Diệp Mị và Vương Đại Tiến lần lượt có các tác phẩm Lông thiên nga, Vũ Thường, Mãnh hổ, Người con gái nhỏ, Cuộc sống hôn nhân lãng mạn của tôi, Con đường dục vọng, Hoan lạc, Thiền ý… khiến hai nhà văn này trở thành lực lượng kiên cường của nhóm tác gia Giang Tô.

Nhà văn “hậu 70” Chu Văn Dĩnh có 3 tác phẩm Giầy cao gót, Nhân duyên nước, Đới nữ sĩ với màu xanh. Ba tác phẩm này thể hiện rõ sự trưởng thành của nhà văn “hậu 70” mà Chu Văn Dĩnh là đại diện. Mấy năm gần đây, Ngụy Vi có Hóa trang, Cô gái của ông chủ Trịnh. Trần Vệ và Ba Kim là hai nhà văn nam hiếm hoi trong số không nhiều nam tác gia “hậu 70”. Tuy hai nhà văn này không có nhiều tác phẩm nhưng những gì họ viết ra đều không thể không khen ngợi. Tác phẩm A Dao của Ba Kim đã được đưa lên bảng vàng tiểu thuyết năm 2003. Còn Trần Vệ không chỉ là tác giả đề xướng khái niệm tác gia “hậu 70” mà còn là một nhà văn tương đối đặc biệt trong nhóm tác gia “hậu 70”.

Văn đàn Giang Tô hưng thịnh bởi có nhiều nhà văn chuyên nghiệp, tính ra nhà văn chuyên nghiệp ở Giang Tô nhiều nhất so với các nhóm nhà văn ở các vùng khác. Hiện tại, chỉ tính riêng các đơn vị sáng tác chuyên nghiệp ở Giang Tô cũng không chỉ dừng ở con số 12 cơ quan, đơn vị. Giang Tô xưa và nay mãi là tỉnh lợi hại nhất về văn học. Nhà văn Giang Tô đã vượt biên giới tỉnh để đi đến hầu hết các miền trên đất nước Trung Quốc rộng lớn.

6. Nhóm nhà văn Bắc Kinh

Là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, Bắc Kinh tập trung nhóm nhà văn lớn nhất, đã gồm nhà văn bản địa mà còn có cả nhà văn từ các nơi về định cư ở Bắc Kinh. Mỗi lớp nhà văn đều có những tên tuổi tiêu biểu.

Những nhà văn lớp trước vẫn không ngừng sáng tác, trong số đó có Tông Phác, Lý Quốc Văn, Vương Mông, Trương Khiết. Đầu thế kỷ mới, Tông Phác có các tác phẩm Quả hồ lô hoang dã, Nam Độ ký, Đông Tạng ký, Tây chinh ký, Bắc quy ký chứng tỏ nữ nhà văn vẫn còn rất dồi dào khả năng sáng tác. Đông Tạng ký của Tông Phác đã giành giải thưởng Mao Thuẫn lần thứ 6, cũng là tác phẩm quan trọng nhất để Tông Phác kiếm tiền sinh sống. Lý Quốc Văn từng được nhận giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần 2, mấy năm gần đây chuyên chú viết tản văn. Vương Mông sau một thời kỳ tạm nghỉ, năm 2004 lại có tác phẩm mới Con cáo xanh; năm 2005 có tác phẩm Phong lưu lúng túng. Nhân vật chính trong Phong lưu lúng túng là một bậc trí giả về tinh thần, tư tưởng nhưng lại yếu mềm trong cuộc sống và nhân tình thế thái. Câu chuyện viết về 365 ngày trong đời sống hàng ngày, liên quan đến sân khấu cuộc đời. Trương Khiết phải mấy mấy năm dồn hết tâm sức mới hoàn thành tiểu thuyết Vô tự. Vô tự (Nxb. Văn nghệ Tháng Mười, 2007) ra đời gây nên một luồng tranh cãi khá sôi nổi trên văn đàn đương thời. Vô tự kết tinh tâm huyết một đời của nữ sĩ khá nổi tiếng này. Hiếm có nữ nhà văn nào chân thành và dũng cảm, dám viết về những gì bản thân từng trải qua, cũng là tiếng nói của phụ nữ hiện đại. Vô tự khiêu chiến với đạo đức truyền thống và chủ nghĩa nam quyền. Tác phẩm nhận được liền hai giải thưởng Văn học Mao ThuẫnVăn học Lão Xá lần thứ 6. Nhờ Vô tự, Trương Khiết trở thành một nhà văn nữ được nhận giải thưởng Mao Thuẫn hai lần.

Hoa Thục Mẫn vừa chú tâm bảo vệ Thạc sĩ tâm lý học vừa viết Hồng xử phương, Chuông máu, Hãy cứu lấy bầu vú, Nữ công nhân… Phương Phương có Chiếc gương rỗng, Căn phòng trống, Hương khí mê người… Sau này, tác phẩm Căn phòng trống được chuyển thể thành phim đã đưa nữ nhà văn lên một bậc thang mới của nghề viết. Tiểu thuyết gia tiên phong thập niên 80 của thế kỷ trước Lưu Sách Lạp xuất bản tiểu thuyết mới của mình với nhan đề Canh trinh nữ vào năm 2003. Đây là một cuốn tiểu thuyết khá kỳ lạ. Tác giả viết về một câu chuyện truyền kỳ xảy ra trên một hòn đảo lớn sau 4.000 năm. Canh trinh nữ kết hợp các thể loại tôn giáo, thần thoại, lịch sử, ngụ ngôn, thơ ca, ca dao, báo chí, v.v… Lưu Sách Lạp đã sáng tạo nên một thế giới đảo lớn vừa thực vừa hư.

Còn nhà văn của làn sóng tiên phong thứ hai Cách Phi sau khi trở thành giảng viên đại học Thanh Hoa, năm 2004 có tác phẩm Nhân diện đào hoa. Tác phẩm đã vượt qua cả tư thế, thái độ của một tiểu thuyết tiên phong.

Từ Khôn và Triệu Nghi đều có những sáng tác mới vào thế kỷ mới. Năm 2003, tác phẩm Yêu em hai tuần của Từ Khôn được xuất bản đã chính thức kết nạp bà thành hội viên Hiệp hội nhà văn Bắc Kinh. Cũng từ tác phẩm này, độc giả càng có nhiều hy vọng ở Từ Khôn. Năm 2010, Từ Khôn cho xuất phẩm Yêu anh hai tuần rưỡi (Nxb. Nhân dân Thiên Tân). Tác phẩm này đưa đến nhiều hy vọng của độc giả về sức viết của nhà văn. Tác giả đã viết khá tỉ mỉ, chân thực về tình yêu thời hiện đại, áp lực trong công việc, áp lực trong đời sống của giới trẻ đương thời. Cũng nhờ tác phẩm này, Từ Khôn trở thành Hội viên chính thức của Hiệp hội nhà văn Bắc Kinh. Còn Triệu Nghi có tác phẩm Đêm hóa trang dẫn đến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa trên văn đàn Trung Quốc.

Hiểu Hàng là nhà văn trẻ mới xuất hiện đầu thế kỷ mới. Anh vốn là nhà nghiên cứu vật lý, nghiên cứu sinh vật nhưng cũng khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh và sáng tác văn chương. Sự trải nghiệm khoa học của Hiểu Hàng khá hiếm thấy trong đội ngũ tác gia Trung Quốc, cho nên anh đã nói rằng, nghiên cứu khoa học khiến tôi bình tĩnh và lý trí, còn kinh doanh khiến tôi hiểu được sự cạnh tranh thiện ác trong cuộc sống và nhân tính. Năm 2004, Hiểu Hàng có tác phẩm Làm tình nhân đã là chuyện cũ, Thấu kính huynh đệ, Khi cá bơi hoa rụng đã thành chuyện cũ. Sáng tác của Hiểu Hàng gây được sự chú ý của độc giả và các nhà phê bình bởi đã thể hiện tình cảm thế tục, nghiêng về giải trí, trong đó có nhiều mệnh đề thần bí và màu sắc thưởng thức của lý trí con người. Có người gọi sáng tác của anh là “sáng tác trí tính”. Ngoài ra, còn có Trình Thanh, Y Hướng Đông, Vương Nguyên, Thạch Khang, Khâu Hoa Đông, Đinh Thiên, v.v… cũng lần lượt có những tác phẩm hay của mình. Cần nhắc đến nữa là hai tiểu thuyết gia thanh xuân sinh vào niên đại 80 của thế kỷ trước, đó là Tôn Duệ và Vệ Tuệ. Tôn Duệ vì có các tác phẩm Hoa thơm cỏ lạ, Sống không rõ ràng, Hoa thơm cỏ lạ 2 mà trở thành một trong những tác gia có thực lực nhất của tác gia “hậu 80”. Thiếu nữ phản nghịch Xuân Thụ thì vì Búp bê Bắc Kinh mà nổi danh, cô trở thành đại diện cho nhà văn “hậu 80” trên tờ Thời đại của nước Mỹ và sự kiện đó cũng gây nổi sóng trên văn đàn Trung Quốc.

Có nhà nghiên cứu văn học chỉ ra rằng, trong thời điểm chuyển giao thế kỷ, văn học Bắc Kinh có 2 thay đổi lớn, “thứ nhất, chuyển đổi toàn diện của ngôn ngữ văn học. Trong đó, biểu hiện nổi bật nhất là sự chuyển hướng của diễn ngôn tập thể dân tộc sang diễn ngôn cá nhân, từ ngôn ngữ quan phương hướng về diễn ngôn dân gian; thứ hai, sự phân hóa giá trị quan văn học hình thành kết cấu mới. Biểu hiện chủ yếu: đi từ phiến diện chú trọng tinh thần đến nhấn mạnh sự theo đuổi vật chất nhưng không rời bỏ nhu cầu chuyển hóa tinh thần.

Là thành phố lớn quốc tế hóa và là trung tâm văn hóa của cả nước, rất khó khái quát phong cách, đặc điểm sáng tác của nhóm nhà văn Bắc Kinh. Nhóm nhà văn Bắc Kinh trong những năm đầu thế kỷ mới đã sớm rời khỏi phạm trù ý nghĩa thủ đô mà thể hiện hình thái đa nguyên, cởi mở. Ở trạng thái đa nguyên đó, sáng tác của nhóm nhà văn Bắc Kinh ngày một hướng tới sự phồn vinh.

7. Nhóm nhà văn Thượng Hải

Từ thế kỷ XX đến nay, Thượng Hải vốn là thành phố và trung tâm phát triển văn học, nhưng sau khi cánh cửa thế kỷ cũ khép lại, cũng chỉ còn những nhà văn cũ cố thủ tại đây như Diệp Tân, Vương An Ức, Tưởng Lệ Bình, Tiểu Vương Ưng, Thái Văn Quân, Vương Hiểu Ngọc, Trần Đan Yến, Tu Lan, Phan Hướng Lê, Đường Dĩnh, Trương Mạn, Hạ Thương, Trương Sinh, Đinh Lệ Anh, Cát Hồng Binh, Miên Miên, Vệ Tuệ, Quản Yến Thảo, Hàn Hàn, Quách Kính Minh, Tiểu Phạn, v.v…

Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, Thượng Hải là một thành phố được khai phá sớm nhất, đến nay đã trở thành một thành phố lớn phồn vinh, mở cửa. Văn học đô thị Trung Quốc manh nha phát triển tại đây cho nên Thượng Hải có thành tựu văn học vượt xa Hồng Kông. Trương Khiết được Vương Đức Uy đặt tên là “truyền nhân mới của tiểu phái biển”. Nhiều tác phẩm của Trương Khiết viết khá hay và sắc nét về Thượng Hải. Vương An Ức từ nhỏ đã chuyển đến sống ở Thượng Hải nên đã cảm nhận được sự giao thoa giữa không gian và thời gian của Thượng Hải. Cảm nhận đó được tác giả đưa vào khá nhiều tác phẩm của mình. Hạt nhân tư tưởng của sáng tác văn học Trung Quốc thời kỳ mới là khai thác mối quan hệ giữa con người với xã hội cho nên Vương An Ức đã viết khá nhiều về thành phố phồn hoa, thơ mộng này.

Thượng Hải phát triển chưa đầy trăm năm mà vào thập niên 20, 30 đã được mệnh danh là “thành phố lớn thứ 5 thế giới”. Chính vì vậy, Thượng Hải xưa trong tâm trí Vương An Ức là “chốn mộng mơ”, cho nên bà mới có tác phẩm Giấc mộng Thượng Hải phồn hoa. Trong Trường hận ca, Vương An Ức gọi Thượng Hải là “di mộng 40 năm”. Nữ nhà văn đã thực hiện sự tưởng tượng và sờ nắm được thành phố này. Truyện Đàm Dương thuyền của Vương An Ức viết về lịch sử sáng nghiệp di dân của châu Đàm Dương ở miền Bắc. Nhân vật chính A Côn là người đặt chân đầu tiên lên Thượng Hải, cuối cùng làm nghề buôn bán trên biển. Đàm Dương chính là khởi điểm của Thượng Hải.

Trần Đan Yến chịu ảnh hưởng lớn của tiểu thuyết truyền thống, nhất là tiểu thuyết của Trương Ái Linh. Cô viết nhiều về thiếu nữ và phong tục dân tình Thượng Hải như Phong hoa tuyết nguyệt Thượng Hải, Lá ngọc cành vàng Thượng Hải, tam bộ khúc Di sự hồng nhan Thượng Hải, v.v… Tác phẩm của Trần Đan Yến mang đậm sắc thái hoài cổ và nhân tình thế thái, vì thế mà có tên gọi “tiểu tư giáo mẫu”. Năm 2004, Trần Đan Yến có tác phẩm Mạn thuyền đi Trung Quốc. Tác phẩm thể hiện rất sâu sắc lịch sử, nỗi niềm hoài cảm, nỗi đau và trách nhiệm của một gia đình Thượng Hải trong quá trình tiến bước về thành phố phía Tây đất nước.

Nhà văn Thượng Hải thập niên 90 của thế kỷ trước có “phong cách hoài cựu, âm nhu khí”, thể hiện đơn nhất bộ mặt lịch sử phồn hoa nên đã khiến nội hàm lịch sử phong phú hơn. Dường như các tác phẩm của Vương An Ức, Trần Đan Yến, Đường Dĩnh, Tưởng Lệ Bình… là những cảnh quan lịch sử “công trường mộng”.

Trương Sinh là nhà văn khá đặc biệt trong nhóm nhà văn Thượng Hải, một phần do anh sinh ở Hà Nam, sau khi tốt nghiệp đại học mới đến định cư ở Thượng Hải. Với danh nghĩa không phải người nội địa, năm 2004, Trương Sinh có tác phẩm Vạn dặm, nghìn dặm mây trắng đầy khí thế phục cổ, có cả những cảnh tượng của chiến tranh Bắc phạt, tám năm kháng chiến chống Nhật, 4 năm chiến tranh giải phóng, 10 năm Văn cách cho đến loạn lạc cuối niên đại 70 của thế kỷ trước.

Không ít nhà văn trẻ Thượng Hải giàu tinh thần sáng tạo, trước hết là ngọn cờ sáng tác của nhà văn “hậu 70”, “hậu 80” như Vệ Tuệ, Miên Miên, Hàn Hàn, Quách Kính Minh. Bảo bối thượng hải của Vệ Tuệ và Kẹo của Miên Miên khiến hai nữ nhà văn trẻ trở thành hiện tượng văn học nổi bật nhất trên văn đàn Trung Quốc đầu thế kỷ mới. Năm 2004, Vệ Tuệ và Miên Miên lần lượt xuất bản Thiền của tôi, Gấu mèo. Hàn Hàn xuất hiện với thân phận “thiếu niên phản nghịch”, năm 2000, tác giả có cuốn Ba lần cửa khá gây chấn động. Sau đó, Hàn Hàn còn cho xuất phẩm Dưới 00C, Thông cảo năm 2003, Loạn Trường An, v.v… Quách Kính Minh giành giải thưởng văn học Khái niệm mới lần thứ 3 và thứ tư. Các tác phẩm Vương quốc ảo, Vô cực, Biết bao nhiêu hoa rơi trong mộng, Biên giới của tình yêu và đau khổ, Tiểu thời đại, 1995 -2005 Hạ chí chưa tới, v.v… đưa Quách Kính Minh trở thành nhà văn trẻ có thu nhập khá cao. Tháng 11/2007 Quách Kính Minh trở thành hội viên trẻ nhất của Hội nhà văn Trung Quốc. Trong bảng Danh nhân Trung Quốc hàng năm do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn, năm 2003 Quách Kính Minh được xếp thứ 97; năm 2004 thứ 94; năm 2005 thứ 92; năm 2008 thứ 84 và năm 2009 thứ 68. Năm 2008 tờ New York Times đánh giá Quách là nhà văn Trung Quốc thành công nhất…

Một số nhà văn Thượng Hải tương đối thành công khi viết về chủ nghĩa thương nghiệp và chủ nghĩa tiêu dùng. Một số “nhà văn mỹ nữ” như Miên Miên, Vệ Tuệ nghiêng về “sáng tác thân thể”; trong khi đó tiêu biểu cho “mỹ nam tác gia” có Cát Hồng Bình và nhà văn thiên tài có Hàn Hàn. Các nhà văn này được văn đàn nhiệt liệt chào đón và tiếp nhận nhưng cũng vì thế mà có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sáng tác của họ sau này.

Năm 2003, nhà văn Lý Phong qua đời vì bệnh tim khiến giới phê bình Thượng Hải như bừng tỉnh. Khi còn sống, Lý Phong viết nhiều tác phẩm ưu tú phản ánh đời sống của lớp người bình dân trong sự thay đổi của thời đại như Lục tiên sinh cần yêu, Mãi mãi không tạm biệt, Cuộc sống thành thị, Nữ công nhân… Sáng tác của Lý Phong gắn liền tầng lớp dưới và khi ông mất, một số nhà phê bình bắt đầu quan tâm đến các tác phẩm của ông. Trần Tư Hòa nói, Lý Phong hiểu rõ và có sở trường thể hiện đời sống của lớp người bình dân ở thành thị trong sự biến động của xã hội.

Tình hình văn học Thượng Hải thu hút các nhà nghiên cứu và khiến họ trở nên nghiêm túc hơn khi nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học. Có nhà phê bình cho rằng, “quyền lực thể chế ở Thượng Hải mạnh hơn quyền lực diễn ngôn”, “phàm mọi sự đều lấy chính trị, kinh tế làm đầu”, “khiến cho ưu thế diễn ngôn của văn học Thượng Hải đã không còn nữa”; có người cho rằng, nhà văn Thượng Hải không “khai thác và tìm hiểu đề tài và phương thức sáng tác hợp với biểu hiện của bản thân tác gia Thượng Hải”; có người lại cho rằng, “đại văn hóa Thượng Hải đại khái có ít cảm nhận thân phận của người có văn hóa”, “cũng chính là không có tiêu chí tinh thần của bản thân”. Còn có học giả cho rằng, vị trí trung tâm của văn học Thượng Hải mất đi là bình thường: “trong thời đại thông tin phát triển, in ấn bằng máy móc, đã không thể có trung tâm về mặt ý nghĩa không gian”, vì vậy văn học Thượng Hải “cuối cùng chỉ có thể là một phần của văn học Trung Quốc mà tồn tại”.

Kết luận:

Đất nước Trung Quốc rộng lớn với nền văn hóa, lịch sử lâu đời đã nuôi dưỡng nên bao thế hệ văn sĩ tài danh. Mỗi vùng đất Trung Hoa mang bản sắc văn hóa riêng, đã hun đúc nên con người nhà văn giàu sắc thái tình cảm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài những nhóm nhà văn kể trên, còn có một số đại diện cho các nhóm nhà văn vùng Đông Bắc như Thuật Bình, Tôn Huệ Phương, Trì Tử Kiến, A Thành, v.v… Còn có nhóm nhà văn Phúc Kiến mà Bắc Bắc, Tu Nhất Qua, Bắc Thôn, Trần Hi Ngã, Nam Phàm, Đinh Tam là đại diện. Ngoài ra, trong nhóm nhà văn Sơn Đông, tiêu biểu có Mạc Ngôn, Trương Vĩ, Long Phượng Vĩ, Hoa Tứ Hải, Lưu Ngọc Đường, v.v… Họ đều viết miệt mài sáng tác để vẽ lên bức tranh văn học thế kỷ mới Trung Quốc ngày càng thêm phong phú, đa dạng.

Phương Hiền

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.