Có thể nói, việc nghệ sĩ âm nhạc Bob Dylan giành giải Nobel văn học 2016 gây ra những phản ứng hết sức trái chiều, với nhiều người đó còn là một cú sốc.
Tranh vẽ nhạc sĩ Bob Dylan của Kyle T. Webster – Ảnh: Bashny.net |
Trong khi vẫn còn tới ba trong số những tên tuổi văn chương của Mỹ là Philip Roth, Joyce Carol Oates và Don De Lillo đang chờ đợi giải thưởng Nobel, chưa kể những đại thụ trước đó cũng đã bị phớt lờ như Jorge Luis Borges, giải thưởng dành cho Bob Dylan đã khiến nhiều nhà văn bực bội bày tỏ quan điểm.
Người giận dữ, kẻ hân hoan
Tiểu thuyết gia người Pháp Pierre Assouline không giấu nổi cơn giận dữ với Ủy ban Nobel: “Tên tuổi của ông Bob Dylan cũng đã được nhắc tới trong vài năm qua nhưng chúng tôi luôn nghĩ đó chỉ là chuyện đùa. Quyết định của họ là một sự coi thường với các nhà văn. Tôi thích Dylan nhưng tác phẩm văn học của ông ấy đâu? Tôi nghĩ Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã tự biến họ thành trò lố bịch”.
Tiểu thuyết gia người Scotland Irvine Welsh mặc dù thừa nhận trên Twitter là một người hâm mộ Bob Dylan, nhưng ông cũng không thể chịu được việc giải thưởng Nobel văn chương lại trao cho nghệ sĩ 75 tuổi này.
Tiểu thuyết gia người Anh sinh tại Ấn Độ và cũng là một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel văn chương Salman Rushdie tỏ ra khoan hòa hơn trong cách nhìn nhận vấn đề. Chia sẻ trên Twitter, ông viết: “Một lựa chọn tuyệt vời. Từ Orpheus (một nhân vật trong thần thoại Hi Lạp) cho tới thi sĩ người Pakistan Faiz, thơ và nhạc đã gắn bó với nhau rất chặt. Ông Dylan là một người kế thừa tài hoa của truyền thống thơ nhạc đó”.
Cũng giống như Salman Rushdie, nhà văn Oates chúc mừng nghệ sĩ Dylan vì sự kiện này. Bà nói ông đúng là “một lựa chọn độc đáo và truyền cảm hứng”. Nữ nhà văn Mỹ nói: “Âm nhạc và ca từ đầy ám ảnh của ông ấy dường như luôn chứa đựng những cảm xúc sâu sắc nhất, đầy tính văn chương”. Tuy nhiên bà Oates cũng nói thêm ban nhạc Beatles lẽ ra cũng nên được tôn vinh như nghệ sĩ Bob Dylan.
Nữ ca sĩ huyền thoại Marianne Faithfull năm nay đã ở độ tuổi 60 cũng không giấu nổi niềm tự hào của bà về chiến thắng của Bob Dylan. Bà nói: “Tôi nghĩ ông ấy là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới và ông ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng tôi bằng thơ ca và những gì đã viết”.
Ảnh: Sony Pictures |
Bỏ lỡ cơ hội tôn vinh một nhà văn
Có lẽ hiếm khi nào trong lịch sử trao giải Nobel mà người được giải lại bị chính một tờ báo chính thống trong nước nói rằng họ không xứng đáng. Chuyện này đã vừa xảy ra với nghệ sĩ Bob Dylan.
Tờ New York Times cho rằng Bob Dylan vô cùng xứng đáng với rất nhiều giải Grammy ông đã nhận, trong đó có cả một giải thành tựu trọn đời năm 1991. Ông là một nhạc sĩ tuyệt vời, một người viết ca từ thuộc đẳng cấp thế giới, một hình tượng có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong văn hóa Mỹ.
Nhưng “Bob Dylan không xứng đáng được giải Nobel văn chương”, tờ báo này mở đầu như vậy trong bài viết đăng ngay sau ngày giải thưởng được công bố.
Tờ báo lớn của Mỹ khẳng định bằng cách trao giải thưởng này cho Bob Dylan, Ủy ban Nobel đã không chọn trao nó cho một nhà văn, và đó là một lựa chọn đáng thất vọng. Ông Dylan là một người viết ca từ rất mực tài hoa.
Ông cũng đã viết một cuốn thơ văn xuôi và một cuốn tự truyện. Người ta hoàn toàn có thể phân tích những ca từ của ông ấy như phân tích những bài thơ. Nhưng những gì Bob Dylan viết ra không thể tách rời với âm nhạc của ông ấy.
Ông vĩ đại vì ông là một nhạc sĩ vĩ đại. Và khi Ủy ban Nobel trao giải thưởng văn học cho một nhạc sĩ, họ đã bỏ lỡ một cơ hội để tôn vinh một nhà văn.
Trong bối cảnh văn hóa đọc đang ngày một thụt lùi trên toàn thế giới, các giải thưởng văn chương ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Một giải thưởng lớn cũng đồng nghĩa với việc gia tăng về doanh số sách bán ra cũng như tăng thêm lượng độc giả ngay cả với một nhà văn đã thành danh.
Nhưng hơn cả như vậy, việc trao giải thưởng Nobel cho một tiểu thuyết gia hay một nhà thơ còn là một cách để khẳng định rằng thơ và tiểu thuyết vẫn rất quan trọng, rằng chúng là những thành tựu sáng tạo quan trọng của con người, xứng đáng được thế giới ghi nhận.
New York Times cho rằng có lẽ Ủy ban Nobel không có ý xem nhẹ thơ hay tiểu thuyết với lựa chọn của họ. Nhưng bằng việc tôn vinh một biểu tượng âm nhạc, các thành viên trong ủy ban rất có thể đã muốn đưa một xu hướng văn hóa mới vào giải thưởng này và khiến nó trở nên phù hợp hơn với thế hệ trẻ.
Nhưng có rất nhiều cách khác để họ vẫn có thể làm như vậy trong khi vẫn đảm bảo việc tôn vinh một nhà văn.
New York Times kết luận một cách “đanh thép”: Bob Dylan không cần một giải thưởng Nobel văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel. Và năm nay nó đã không có giải.
Bob Dylan không cần một giải Nobel văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel – New York Times |
Xem lại định nghĩa về văn chương Giải thưởng Nobel văn chương dành cho Bob Dylan năm nay cũng tiếp tục làm dấy lên những tranh luận về việc đâu là ranh giới trong nội hàm định nghĩa về văn chương. Liệu văn chương có nhất thiết còn phải là thơ và tiểu thuyết nữa không nếu căn cứ vào việc giải thưởng Nobel văn chương năm ngoái đã được trao cho một nhà báo, bà Svetlana Alexievich? Hay phải chăng định nghĩa của văn chương cần được mở rộng thêm cả với những người giống như Bob Dylan, đã sử dụng ngôn ngữ một cách đầy cảm xúc trong nghệ thuật, ví như âm nhạc? |