Có tác phẩm nổi tiếng ở tuổi đôi mươi nhưng đến ngoài tuổi bảy mươi, nhà thơ Thiên Hà vẫn miệt mài sáng tác. Bỏ mặc những phù phiếm xung quanh, ông tự nhận mình là “kẻ ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút”.
NXB Trẻ vừa ấn hành 101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ ghi dấu tuổi 75 của nhà thơ Thiên Hà. Chính vì luôn làm “kẻ ngẩn ngơ” giữa cuộc sống xô bồ này nên thơ luôn tìm đến ông bất kể tuổi tác trĩu nặng kiếp người.
Không làm người viễn mơ
Thơ Thiên Hà chuộng vần điệu và giàu nhạc tính, nên được khá nhiều nhạc sĩ chọn làm ca từ. Trong số các nhạc sĩ, thơ Thiên Hà có duyên với Anh Việt Thu hơn cả. Nói đến Thiên Hà – Anh Việt Thu, hẳn người yêu nhạc không thể quên hai ca khúc Nhớ nhau hoài và Gió về miền xuôi.
Những bài hát này nổi tiếng từ những năm Thiên Hà mới tuổi đôi mươi nhưng đến nay vẫn nghe đâu đó người ta thầm hát: “Em ở nơi nào có còn mùa Xuân không em?/ Rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm/ Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố/ Gió ở trên non gió cuốn mây về” (Nhớ nhau hoài).
Hay: “Gió về miền xuôi, anh đưa em cuối nẻo cuối đường, gió đầu non gió lọt đầu ghềnh/ Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày/ Trên đường anh đi đường nở hoa khắp chiến trường” (Gió về miền xuôi).
Nhà thơ Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm, sinh năm 1940 tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Năm 1960 ông lên Sài Gòn làm văn làm báo trong “trường văn trận bút” thời đó cho đến hôm nay. Sau 1975, Thiên Hà làm báo Tuổi trẻ, Công an TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.
Trong lý lịch nghề báo, ông ghi: “Làm báo đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, kinh tế, tệ nạn xã hội, chống tiêu cực lãng phí tham ô” và từng đoạt giải A báo chí toàn quốc năm 2000.
Hỏi ông làm báo ở mảng nghe rất “hình sự” như thế có trái ngược với những vần thơ bay bổng hay không? Thiên Hà, thẳng thắn: “Cuộc sống vốn dĩ không như thơ nên tôi góp phần nhỏ bé của mình bằng nghề báo để đời này được đẹp lên. Khi cái xấu ít đi thì lúc đó thơ mới có nhiều cơ hội để bay bổng. Tôi không muốn mình làm người viễn mơ”.
Còn lại một chữ tình
Trong 101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ, Thiên Hà tự bạch về 54 năm lặn ngụp trong trường văn trận bút ghi dấu ông theo nghề viết từ năm 1961 đến năm 2015 này: “54 năm cầm viết/ trong trận bút trường văn/ theo dòng đời chảy xiết/ bao lốc xoáy sóng ngầm… 54 năm cầm viết/ tình thơ chưa nhạt màu/ nụ đời còn thắm thiết/ ta còn như mai sau”.
Đọc tập thơ này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nhận thấy thơ Thiên Hà gói gọn trong một chữ tình: “101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ là bút tích của tình yêu: tình yêu lứa đôi, tình bạn, tình yêu quê hương và cuộc sống – ở đó chất chứa tình người, tình đời cùng những buồn vui thế sự”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, sinh năm 1978, cách xa Thiên Hà mấy thế hệ, tìm thấy ở tập thơ này: “Ưu điểm dễ nhận thấy ở 101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ là mỗi bài đều có cơn cớ để xuất hiện. Một người dưng vừa gặp, một lối quen vừa qua, một ánh mắt vừa khuất đều rõ ràng và thao thức. Chất đa mang của Thiên Hà lặn vào làng quê: Ngày mới lớn trăng lên miền sông nước/ Lễ hội được mùa điệu múa Lâm Thôn” và chuồi vào phố xá “Nửa chiều nghiêng góc tình trốn nắng/ Ta chờ ta đợi gió mây về”. Thơ Thiên Hà chứng minh sự trải lòng với mọi người, dẫu trôi dạt, dẫu cách ngăn”.
101 bài thơ tình trên tờ lịch cũ chia thành 3 cõi: cõi ta, cõi tình và cõi nào. Phần “cõi nào” ông dành viết về bạn văn cùng thời đang còn hay đã mất: Một thời bằng hữu chưa xa/ Phần hai thế kỷ ngẩn ngơ cõi nào/ Người còn sau cuộc biển dâu/ Người đi mặc thế nhân sầu thiên thu.
Hôm Thiên Hà hẹn một vài bạn văn ra quán cà phê cóc tặng tập thơ này, ông buột miệng: “Sống chết nào ai biết được, còn chăng chút tình thơ lưu trên tờ lịch cũ”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nói: “Đọc bài thơ cuối Cõi nào lòng ai cũng thấy bâng khuâng trước khi khép lại tập thơ này của Thiên Hà”.
Theo Hoàng Nhân – Thể thao & Văn hóa