Mở đầu bài viết “Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học nhìn từ điểm đầu của thế kỉ XXI ”, GS. Nguyễn Huệ Chi có viết: “Phân kỳ lịch sử văn học bao giờ cũng là một vấn đề có sức hấp dẫn đối với người viết văn học sử, bởi đó là cái chìa khóa then chốt để có thể nhận diện văn học như sự nối tiếp của nhiều tiến trình”.
Rõ ràng, phân kỳ là một thao tác cơ bản của khoa văn học sử, không có sự phân kỳ thì khó có thể hình dung ra lịch sử văn học, dù đó là lịch sử văn học dân tộc hay lịch sử văn học thế giới. Bởi vậy, phân kỳ lịch sử văn học Việt nam đã được rất nhiều các nhà nghiên cứu văn học đề cập tới với các tên như: Dương Quảng Hàm, Văn Tân, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Huệ Chi, Trần Đình Hượu, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Nguyễn Đình Chú, Phạm văn Diêu, Vương Trí Nhàn, nhóm Lê Quý Đôn (gồm Trương Chính, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu), nhóm Phan Cự Đệ v..v.. và các tổ chức đã từng rất quyền uy trong thời kỳ bao cấp như : Ban nghiên cứu Văn sử Địa, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam… Điều lý thú là mỗi “nhà” đều đưa ra cách phân kỳ riêng của mình với các lý luận, minh chứng đầy thuyết phục và … còn xa hơn nữa ! Bởi vậy, hình như cho đến nay vẫn chưa có một sự thống nhất khả dĩ về sự phân kỳ của lịch sử văn học Việt nam. Điều này cũng hợp lẽ, bởi nói gì thì nói, mọi sự phân kỳ đều là chuyện áp đặt đối với tiến trình phát triển phức tạp và liên tục của văn học theo các góc nhìn khác nhau từ các lý luận văn học “bịa đặt” (nói theo kiểu hậu hiện đại !). Bởi lẽ, lý luận, phê bình văn học chỉ là thứ “ăn theo” (lại nói kiểu hậu hiện đại !) văn chương – một hoạt động kỳ lạ của con người, một thành tố gắn chặt với mỗi nền văn hóa, là chính văn hóa được phản ánh bằng ngôn từ vậy.
Tuy nhiên, mặc sự khác nhau của các kết quả nghiên cứu, ta vẫn có thể tìm thấy trong đó một vài điểm chung lý thú để có thể nhận diện văn học Việt nam (và cả văn hóa Việt ). Bởi vì, nói đến phân kỳ là nói đến các mốc thời gian cụ thể, dù chỉ là tương đối. Điều này không thể và không sao né tránh được, dù có khoác lên nó các tên gì chăng nữa, như thời kỳ “trung đại”, “cận đại”,“hiện đại”… hoặc cụ thể hơn như với Phạm văn Diêu trong “Văn học Việt Nam” là: thời phôi thai (mốc thời gian sẽ là từ thế kỷ XIII đến đầu XV), thời xây dựng (mốc thời gian sẽ là thế kỷ XV-XVI), thời toàn thịnh (mốc thời gian sẽ là thế kỷ XVII-XVIII đầu XIX); hoặc với Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” là : thời kỳ sơ khởi (Trần Lê), thời kỳ phát triển (Mạc đến hết Tây sơn), thời kỳ thịnh đạt (triều Nguyễn), văn học hiện đại (1962-1945 gồm: giai đoạn 1862-1907, giai đoạn 1907-1932, giai đoạn 1932-1945), v..v..và v..v..
Dễ dàng nhận ra rằng, mặc dù các mốc phân kỳ lịch sử văn học VN có khác nhau giữa các nhà nghiên cứu, nhưng có một đáp án chung là : các mốc thời gian phân kỳ này đều rất gần, thậm trí còn trùng khít với các mốc thời gian quan trọng diễn ra trong lịch sử phát triển của dân tộc – đó là các mốc thay đổi của thời thế dẫn đến sự thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan… trong mỗi con người Việt nam, mà rõ ràng nhất là từ thời điểm sau “cái chết của chữ Nôm” (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) cho đến nay. Có thể thấy điều đó khi nhóm Lê Quí Đôn trong “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam – 1957” đã đưa ra các mốc thời gian như sau: văn học thế kỷ XIII-XV, văn học thế kỷ XVI-XII, văn học thế kỷ XVIII – đến đầu XIX, văn học đầu XIX đến giữa XIX, văn học từ 1858 đến 1930,văn học 1930-1945; giáo trình “Lịch sử văn học Việt Nam” của Đại học sư phạm Hà Nội gồm: văn học giai đoạn XI-XIV, văn học giai đoạn XV- giữa XVIII, văn học giai đoạn giữa XVIII đến đầu XIX, văn học giai đoạn 1858 đến đầu XX, văn học đầu XX đến 1930, văn học giai đoạn 1930-1945, văn học giai đoạn 1945-1960 (sau này kéo đến 1975); rõ ràng nhất là trong bộ “Lịch sử văn học Việt Nam” thuộc công trình quốc gia do Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn và ra đời năm 1980 đã đưa ra 4 thời kỳ lớn của văn học VN với các mốc thời gian là: từ thế kỷ X về trước, thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt, thời kỳ chống ách thống trị của thực dân Pháp, thời kỳ từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bởi vậy, nói không quá là: “nhắm mắt” một chút cũng có thể tưởng tượng ra các mốc phân kỳ của văn học VN dựa vào các mốc sự kiện lớn đã xảy ra trong lịch sử dân tộc, chả cần luận tranh nhiều. Và cũng chính từ đây ta lại có thể tìm được lời giải thích cho việc tại sao lại có sự trùng hợp như vậy. Một thoáng nhìn sẽ dẫn ta đến những nhận xét lý thú về văn chương (và văn hóa) Việt nam.
Thử quan sát biểu đồ thời gian sau đây chứa các mốc phân kỳ lịch sử văn học mà giới nghiên cứu đã nhắc tới với sự xê dịch tương đối:
—–(1)——(2)—–(3)—–(4)—–(5)—–(6)——(7)——>
trong đó:
(1): năm 1858 – thời điểm thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lăng nước ta.
(2): cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp cho giải thể phép thi cử chữ Nho (1915 ở Bắc Kỳ, 1919 ở Trung Kỳ) và đưa chữ Quốc-ngữ lên hàng văn tự chính thức bắt đầu từ năm 1908 .
(3): năm 1930 – Đảng CSVN ra đời.
(4): năm 1945 – nước VNDCCH ra đời.
(5): năm 1954 – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, hòa bình về trên miền Bắc XHCN, Bắc-Nam chia cắt.
(6): Năm 1975 – kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, đất nước thống nhất, nước CHXHCNVN ra đời.
(7): 1989 (1990) – bắt đầu thời kỳ đổi mới.
Từ biểu đồ trên cho ta có thể tạm thời có những nhận xét sau đây :
Một là: khoảng cách giữa 2 mốc thời gian (một thời kỳ) lớn nhất là khoảng 40 năm ((1) – (2)), nhỏ nhất là khoảng 9 năm ( (4) – (5) ) và trung bình là khoảng 20 năm, so với một đời người thật là ngắn ngủi, ngắn đến nỗi rất khó để có thể hoàn thành trọn vẹn một tiến trình văn học nào đó. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu thường có ý kéo dài các phân kỳ thành các phân kỳ lớn, như cách làm của Phạm Thế Ngũ, v..v…, nhưng vẫn không tránh khỏi rồi trong mỗi phân kỳ lớn đó lại phải chia nhỏ ra thành các phân kỳ nhỏ hơn (mà gọi là các giai đoạn). Điều này chứng tỏ dù có loanh quanh dựa trên các lý luận khác nhau thế nào chăng nữa để phân kỳ lịch sử văn học Việt nam, người ta vẫn phải quay về các mốc thời gian của lịch sử dân tộc. Bởi mỗi mốc thời gian đó đều là các mốc đánh dấu sự thay đổi thời thế dẫn đến thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan… của toàn dân tộc. Rõ ràng nhất là thời kỳ (2) – (3) mà GS.Trần Đình Hượu đã đặt tên là “thời kỳ giao thời”,”văn học giao thời” trong lịch sử văn học (Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930), nó chỉ tồn tại trong khoảng trên dưới 30 năm, đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng. Ở thời kỳ này nhân sinh quan, thế giới quan... của CN Tư bản (phương Tây) bắt đầu thay thế cho nhân sinh quan, thế giới quan… trong chế độ Phong kiến (phương Đông), và văn hóa, văn chương Việt đã có sự thay đổi lớn lao về mọi phương diện sau “cái chết của chữ Nôm” và sự ra đời của văn chương chữ Quốc-ngữ-một bước ngoặt của văn hóa Việt nam(“Cái chết của chữ Nôm-bước ngoặt của văn hóa Việt nam”-Phongdiep,Net). Sự thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò” (Trần Tế Xương) và văn nhân chỉ kịp than thở cho cái đã mất đi đang diễn ra ngay trước mắt mình :“Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên). Do đó, nếu chỉ gọi thời kỳ này là“thời kỳ giao thời”thì chưa phản ánh rõ tầm quan trọng của nó, mà phải gọi nó là “thời kỳ giao thời then chốt” trong lịch sử văn học Việt nam. Chính nó đã mở ra một trang hoàn toàn mới cho nền văn chương Việt nam nói riêng và cho cả nền văn hóa Việt nam nói chung, tạo tiền đề cho một thời không thể nào quên của văn chương Việt (“Một thời của văn chương”- Phongdiep.Net) và sự tiếp nhận CNCS với sự ra đời của Đảng CSVN ở thời kỳ tiếp nối, một lần nữa, tạo nên sự xáo trộn lớn lao trong nhân sinh quan, thế giới quan… của toàn dân tộc.
Hai là: trong mỗi thời kỳ ngắn ngủi lại có sự chèn lấn, xô đẩy, phủ định lẫn nhau giữa các dòng văn học. Điển hình là thời kỳ (3) – (4) giữa VH cách mạng và VH đương thời; thời kỳ (4) – (5) giữa VH “ngoài tề” và VH “trong tề” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; thời kỳ (5) – (6) giữa VH miền Bắc XHCN và VH miền Nam … Đặc biệt là thời kỳ (5) – (6), giữa thời đạn bom chống Mỹ, tất cả cho tiền tuyến, tiến tới thống nhất Tổ quốc, miền Bắc chúng ta đã có cả một thời kỳ có thể gọi là “văn hóa thời chiến” và đương nhiên, đó cũng là thời kỳ “văn chương thời chiến”, mà có người đã mượn từ ngữ nước ngoài để rồi nhiều người rêu rao gọi là thời kỳ “văn chương minh họa” khi rất nhiều người “viết bài thơ ghép bằng khẩu hiệu, tất nhiên đó là những khẩu hiệu viết bằng tâm hồn, chứ không phải lý trí”(theo Trần Đăng Khoa-“Vài nét về thơ Việt Nam hiện đại” – Phongdiep.net – 07/2013)… để mươi năm gần đây, trong thời kỳ từ mốc (6) – (7), nhất là sau mốc (7) đến nay, đã có khá nhiều ý kiến trái chiều nhau trong việc đánh giá thành tựu của văn học, khi có sự xem xét lại sự kiện “Nhân văn giai phẩm” và đánh giá lại các tác gia, tác phẩm mà các thời kỳ trước đó có ý phủ định (như các các công trình khảo cứu của Lại Nguyên Ân về tạp chí Tri-tân (1940-1945), về tác gia Phan Khôi , v..v…). Do sự ngắn ngủi của các thời kỳ như đã nói ở trên, rõ ràng một nhân sinh quan, thế giới quan… mới vừa mới hình thành, chưa kịp thấm sâu và lan tỏa thì một nhân sinh quan, thế giới quan… khác đã xuất hiện chèn lấn, xô đẩy. Đặc biệt, trong các thời kỳ từ mốc (2) trở đi. Hãy thử tưởng tượng trong vòng chưa đầy 100 năm, (tính từ mốc (2)), vừa trọn một đời người, một dân tộc đã phải trải qua ba bốn lần thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan… và sống trong sự chèn lấn, chen chúc thử nghiệm, thậm trí đối địch nhau, của các nhân sinh quan, thế giới quan… khác nhau đến từ các phương trời xa lạ; văn hóa mới vừa ra đời thì lại có một văn hóa khác xuất hiện, đan xen chèn lấn; “cái tôi” đầy lãng mạn lôi cuốn vừa hé mở thì lại phải nhường bước cho những cái to tát hơn; rồi cái to tát vừa đi qua thì “cái tôi” lại trỗi dậy gào thét “đi tìm cái tôi đã mất”(Nguyễn Khải)…, mà chúng diễn ra cũng rất nhanh, đến nỗi nhà thơ Phạm Tiến Duật sống ở sau mốc thứ (6) giữa lòng Hà-nội yên bình mà vẫn lơ mơ tưởng như đang ở Trường-Sơn“bên nắng cháy, bên mưa rừng..” thời đánh Mỹ ((5) – (6)), hỏi mỗi con người bình thường thôi chứ chưa nói đến các tác gia, làm sao mà định hình được trong một cuộc đời? Chả thế mà thực tế có cả một thế hệ những người cầm bút sáng tác đã phải chuyển từ cực này sang cực khác (mà trước đây hay gọi là thay đổi ý thức hệ) trong vòng xoáy của thời cuộc với tâm trạng “gặp thời thế thế thời phải thế” (như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nam Cao, v..v..), hoặc biến mất khỏi văn đàn (như “Thi chủ” sử thi, triết thi Minh Tuyền Hoàng-Chí-Trị (“Việt nam có triết thi ?”- Phongdiep.Net), và do vậy, đã để lại không biết bao nhiêu bi kịch và các “cuộc tranh luận gay gắt dẫn đến cãi vã” (Trần Đăng Khoa-“Vài nét về thơ Việt Nam hiện đại” – Phongdiep.net – 07/2013) cho đến tận bây giờ, mà nếu phân kỳ lịch sử văn học không dựa vào các mốc lịch sử của dân tộc thì không thể giải thích nổi. Điều này đặc biệt xảy ra nặng nề nhất từ sau mốc (4).
Ba là: từ biểu đồ trên cho thấy văn học VN (Văn hóa VN) đã có 3 lần hội nhập quốc tế (chứ không phải bây giờ ta mới hội nhập đâu !). Đó là thời kỳ (1) – (2): lần đầu tiên hội nhập với phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp) – đó là cuộc CM lần thứ nhất, mở đầu một quá trình Âu hóa có ý nghĩa sâu sắc, mang tính bản lề; thời kỳ từ mốc (2) đến mốc (7): hội nhập với CNCS thế giới – đó là cuộc CM lần thứ hai; thời kỳ sau mốc (7): hội nhập toàn cầu – có lẽ là cuộc CM lần thứ ba? Tuy nhiên, do thời gian mỗi kỳ là quá ngắn ngủi và luôn bị xáo trộn của thời thế nên mỗi cuộc hội nhập đều không đủ thời gian chín muồi cho những thay đổi tầm vóc, nó mới như chỉ xào xáo lên để kịp cho ra đời “một thời văn chương”, chả bao giờ đủ độ chín cho “một nền văn chương” đích thực, để rồi… đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nhận định trong tham luận đọc tại cuộc gặp gỡ các nhà thơ thế giới tổ chức tại Paris từ ngày 22-5 đến 2-6 năm 2013, rằng: “Nói như một nhà thơ và nhà nghiên cứu thì tất cả các trường phái và phương pháp của thơ ca (văn chương) thế giới trong suốt một thế kỷ qua đều chen chúc thử nghiệm và gây ảnh hưởng ở Việt Nam trong một quãng thời gian rất ngắn”, và rằng: “Việc đánh giá thơ (văn chương) ở đất nước tôi bây giờ cũng rất khó. Hầu như không tìm được tiếng nói chung. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt dẫn đến cãi vã cũng thường bắt đầu từ thơ (văn chương). Đó là sự va đập giữa các khuynh hướng nhằm muốn tự khẳng định, gây ảnh hưởng trước công chúng, có khi gay gắt dẫn đến triệt tiêu nhau. Tất cả các cuộc tranh luận này rốt cuộc dường như vẫn bỏ ngỏ, không có kết luận và cũng không có tiếng nói cuối cùng… (“Vài nét về thơ Việt Nam hiện đại” – Phongdiep.net – 07/2013) …
*
Nếu văn chương là văn hóa kết tinh trong những ngôn từ thì sự phân kỳ lịch sử văn học phải chăng cũng là một phần quan trọng của sự phân kỳ của lịch sử văn hóa dân tộc cùng những hệ quả từ nó với cái nhìn thoáng qua ở trên?
Người viết bài này cứ bị ám ảnh mãi về “những thói xấu của người Việt” (Vương Trí Nhàn) và một phát biểu trên diễn đàn Vietnam.Net cách đây vài năm của một Việt kiều yêu nước khi nói về văn hóa Việt hiện đại: xin nói thật, không có văn hóa Việt nam hiện đại! Đúng sai thế nào? Nguyên do từ đâu? Sự xuống cấp của văn hóa, đặc biệt trong đời sống thường nhật hiện nay, là điều trăn trở của mọi người dân Việt, cho thấy sự lúng túng của các nhà quản lý xã hội mong có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Phải chăng đó là sự “lung tung” (nói theo kiểu hậu hiện đại!), “chả ra Tàu chả ra Tây” (nói theo kiểu dân gian) của nền văn hóa Việt từ sau mốc phân kỳ lịch sử văn học thứ (2) cho đến tận ngày nay. Văn hóa và văn chương Việt hình như vẫn đang tìm đường ra trong mớ bòng bong từ di chứng “đa thời thế” có lúc đối nghịch nhau của quá khứ 100 năm qua. Vấn đề trước hết và tiên quyết phải chăng là phải thấu hiểu dòng chảy của văn hóa Việt, văn chương Việt, để mà định hình phát triển nó chứ không phải từ cách làm duy ý chí, hiểu quá khứ hời hợt một chiều như thường gặp…
Mong rằng cùng với văn chương của thế hệ Việt nam mới đang khởi sắc, văn hóa và văn chương Việt nam sẽ có đủ thời gian để định hình và “đậm đà bản sắc dân tộc”!
Hà nội, tháng 07/2013
Nguồn: Vannghetre