Những sáng tác văn chương lấy các sự kiện và con người Việt Nam thời chiến làm nội dung, có được phẩm chất trải nghiệm thực thụ, vẫn chưa đi hết vai trò thuộc hệ biểu trưng xã hội, thực thi chức năng nhận thức, minh giải và phục hồi tính thống nhất văn hóa-lịch sử của xã hội thời hậu chiến. Và những tác phẩm văn chương viết về chiến tranh trong khoảng mười năm qua lại một lần nữa thúc đẩy sự thức nhận lịch sử, kể từ sau thời kỳ nở rộ 1986-1991.
Những điểm quan tâm chủ yếu vẫn trên hai hướng chính, không ngừng giao cắt lẫn nhau: suy nghĩ về những hy sinh cực kỳ to lớn của người Việt cả về sinh mạng và tinh thần; và phục hiện những hình hài chân thực của con người trong chiến sự, trong chiến cuộc và xã hội thời chiến. Hướng thứ hai này cho thấy bước tiến về phía mở rộng cái nhìn trước đây của những người đã chiến thắng trong chiến trận, mở rộng vào những quan sát nhiều chiêm nghiệm hơn, tức là chân thực hơn về chính mình và về con người đối phương – nói như nhà văn Trung Trung Đỉnh, là về “nguồn gốc của cái bi cái hùng, tức là nguồn gốc sâu kín của tình cảm trong con người ta” – mà thực tế có thể hàm chứa ý nghĩa hòa giải một cách tích cực.
Cũng trên hướng tiến theo một “độ lùi” thời gian, cùng lúc mở rộng tầm suy tư như thế, văn chương về chiến tranh phù hợp hơn với trào lưu nhà nhà viết tiểu thuyết trong mươi năm lại đây, mà, dường như một nỗi thôi thúc về dung lượng câu chuyện hơn là về thể loại đã sắm vai trò thực chất trong cái lựa chọn chung thấy được ở nhiều người viết mới.
Nhưng với nhiều sáng tác văn xuôi về thời chiến, cũng như các tiểu thuyết đương thời, ít hư cấu hơn là tái dựng kể – tả, với một đề cương nội dung nhiều nhân vật nhiều tình tiết, nhiều tuyến trần thuật xoay chuyển trên cùng một trục thời gian thực, cùng một nhịp điệu, thường ít tạo ra được sự tách biệt các điểm nhìn, ít khi vượt qua được sự đồng hóa của giọng kể, thì dung lượng kể lớn dường như lại thiết thực, bởi có lẽ sự dồi dào sự kiện và tình tiết giúp vượt qua nhiều hạn chế khác nhau, tiếp cận mong muốn đáp ứng cái người đọc trông đợi một trải nghiệm văn học về những sự thực chưa khai mở của thời chiến và con người trong chiến cuộc.
Và trong khi phong cách cổ điển không mấy thuần thục, rất ít thấy việc sử dụng được các bút pháp cập thời hơn, như bút pháp giản lược, phương pháp tư liệu, hoặc là, với những sốt sắng về “văn học hậu – hiện đại”, phương pháp liên văn bản – những bút pháp có thể làm tăng nội hàm và khả năng tạo nghĩa.
Tuy nhiên trong khoảng mười năm vừa qua, chỉ riêng các nội dung kể đã đủ tạo thành bước tiến của văn chương về chiến tranh, cụ thể là trong các sáng tác tiểu thuyết. Nhân đây cũng nên nhắc đến một luận điểm đôi lúc vẫn được trưng ra, nói rằng văn chương về chiến tranh không phải là những câu chuyện chiến đấu, mà là câu chuyện về các chiều kích con người-nhân văn trong các bối cảnh chiến tranh v.v. Thật tiếc, những năm gần đây chẳng thấy một sáng tác nào đủ sức chứng minh điều ấy. Và dường như bởi những trang viết đó thiếu hẳn chất trải nghiệm chiến tranh thực thụ, nên thường thì “con người”-nhân vật trong đó quá gân guốc giả tạo. Về điểm “con người” này, các sáng tác của một số nhà văn cựu binh cho thấy thực chất hơn, gần cảm giác sự thật hơn; chưa kể chính những tác giả này đầy đủ ý thức nỗ lực tái hiện các nhân vật của họ với kích thước nhân tính vốn có của con người Việt Nam, của người chiến binh Việt với sức bền bỉ và lòng quả cảm lạ lùng.
Hơn nữa, vấn đề “con người” trong văn chương không thể phát lộ một cách tự luận tư biện thiếu căn cứ về trải nghiệm – nếu không phải trải nghiệm thực tiễn, thì cần có những trải nghiệm tri thức. Sự dạn dày nghiêm túc của loại trải nghiệm này quyết định sáng tác văn chương, đặc biệt trong những câu chuyện chiến tranh. Những ai trông đợi ở lớp người viết về sau này hẳn nên nhắc họ, thí dụ, về cuốn tiểu thuyết được giải Goncourt năm 2011, cuốn “Nghệ thuật chiến tranh Pháp” của Alexis Jenni, một giáo viên môn Sinh học, bốn mươi ba tuổi, ở Lyon – hơn nửa thế kỷ sau những cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương và Algeria, một người Pháp sinh ra vào khoảng cuối thời chiến tranh đó đã viết về quá khứ ấy rất thuyết phục, với phong cách “một tiểu thuyết Pháp cổ điển”,mà nhà thơ Tahar Bel Jelloun một thành viên Ban giám khảo giải Goncourt nhận xét, đây là “một tác phẩm văn chương lớn đã chạm tay vào lịch sử nước Pháp”, nhờ đó “hàng triệu người trẻ sẽ suy ngẫm về chiến tranh ở Đông Dương, ở Algeria, ở nước Pháp ngày nay”, và “Nhờ tiểu thuyết, chúng ta có thể dõi sâu vào những vấn nạn này và trực tiếp cảm nhận trái tim và lương tâm của con người ta.”
Trong một bối cảnh văn học – xã hội rất khác, mười năm qua chúng ta cũng đã có thêm những sáng tác về chiến tranh đủ sức mạnh của văn chương chân thực chạm đến trái tim và lương tâm con người, trước hết bởi chất trải nghiệm và hàm súc trong suy ngẫm: Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, của Văn Lê; Những bức tường lửa, Đối chiến, của Khuất Quang Thụy; Lính trận, của Trung Trung Đỉnh; Bến đò xưa lặng lẽ, của Xuân Đức; Rừng thiêng nước trong, của Trần Văn Tuấn; Tiếng khóc của Nàng út, của Nguyễn Chí Trung; Thượng Đức, Đỉnh máu, của Nguyễn Bảo; Dòng sông mang lửa, của Hồ Sỹ Hậu…
Bước tiến văn học qua những tác phẩm như thế là ở việc dần khai mở các phương diện phức tạp của một cuộc chiến tranh – nói như nhà văn Văn Lê, trước đây chúng ta mới chỉ viết về chiến thắng, chưa thật sự viết về chiến tranh, và nay đã có những tác phẩm khơi dậy cho mọi người hiểu và nhận thức về chiến tranh nhiều hơn. (báo QĐND, 4/11/2012) Hơn nữa, chiến tranh là sự hợp thành của lịch sử, hay chính là lịch sử trong một kỷ nguyên chiến tranh toàn diện. Và có thể nhận xét như Donald Reid (ở Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill; trong bình luận về cuốn “Nghệ thuật chiến tranh Pháp” nói trên): “… các sử gia có thể nhận được nhiều hơn từ những cuốn tiểu thuyết khi họ đặt câu hỏi liệu những tiểu thuyết đó có cho phép họ khảo sát các vấn đề về tầm quan trọng lịch sử mà các sử gia tự họ không thể trình bày một cách đầy đủ xứng hợp.” Một điều như vậy hẳn cũng có thể để nói về các tiểu thuyết chuyện chiến tranh của chúng ta, đặc biệt trong một thời kỳ mới mẻ hiện nay, khi tất cả chia sẻ một môi trường xã hội thông tin tăng trưởng mau lẹ đi cùng một sự quên lãng quá nhanh.
Không có những biểu hiện về tìm kiếm hình thức văn chương mới, các tiểu thuyết chuyện chiến tranh và thời chiến nổi bật những năm vừa qua cho thấy một nỗ lực tập trung tưởng nhớ tri ân những người đã hy sinh trong chiến đấu cũng như phục vụ chiến đấu, mặt khác, kiến lập những tượng đài văn chương cho một số sự kiện lớn của chiến tranh mà đồng thời có một tầm vóc không gian cân bằng nhìn nhận cả hai phía “Đối chiến” trên chiến trường.
Bước tiến triển văn học mà những tác phẩm như thế tạo nên, một mặt, xuất phát từ sự khắc họa sâu sắc, chân thực cái khốc liệt tận cùng của những hy sinh và tổn thất, của tính tàn nhẫn bất trắc trong chiến tranh, mặt khác, bằng những bức tranh lịch sử chiến trận, những chân dung chiến binh trên cả hai bên chiến tuyến.
Đó là các đặc điểm mới mẻ của dòng văn học chiến tranh và cách mạng, mà một vài nhà bình luận nhanh nhạy đã gọi là “đem đến tinh thần đối thoại”. Song có lẽ cần đặt đúng vị trí của nó ở một tầm mức cao hơn. Đây chưa phải tính đối thoại nội tại do tính tiểu thuyết của mỗi tác phẩm sản sinh ra. Trong số những tiểu thuyết nổi bật đã kể đến ở trên, tính đối thoại nội tại tác phẩm chỉ mới xuất hiện trong Lính trận và Đối chiến.
Sức mạnh mô tả của văn chương trong những tác phẩm như Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Dòng sông mang lửa, Tiếng khóc của Nàng út, Rừng thiêng nước trong đem tới những đối thoại hàm ngụ bởi toàn bộ ngữ cảnh của mỗi cuốn tiểu thuyết đó – đấy là sự lên tiếng của một quá khứ chưa xa, còn nóng bỏng như những dòng dung nham bên dưới lớp vỏ đá mới nguội. Những tiếng nói chất vấn, bộc bạch, đặt câu hỏi cho những sự lãng quên và thoái thác thời hậu chiến, lừng lững nổi lên từ hình ảnh văn học của con người riêng tư trong chiến cuộc, bi kịch cá nhân đời chiến đấu của chiến sĩ, của những người anh hùng chiến trận, như trong Bến đò xưa lặng lẽ, Dòng sông mang lửa, Những bức tường lửa, hay từ hình tượng văn học của người chiến binh dân dã đeo mang tính lý tưởng một thời trên đôi vai bề bỉ của tính cách dân tộc Việt hiện đại, như trong Lính trận, Những bức tường lửa, Rừng thiêng nước trong.
Tiếng nói có tính đối thoại thì ở mọi thời đều có thể giúp xóa đi những ảo tưởng hay hoang tưởng nào đó, giúp thức nhận cái nơi chốn xứng hợp hơn cho các vấn đề-sự kiện – con người, cũng như một phép loại suy cho những hệ quả mai hậu, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. Cho nên tính đối thoại của văn chương về chiến tranh gần gũi tự nhiên với tính đối thoại từ một lịch sử chân thực và sinh động.
Hướng lựa chọn khắc họa những bức tranh lịch sử chiến trận đã mang đến tính đối thoại mới mẻ hơn qua các tác phẩm Những bức tường lửa, Đối chiến, Thượng Đức, Đỉnh máu. Những thời khắc lớn của chiến cuộc được lưu ảnh từ các góc độ khác nhau, như Mậu Thân 68 trong Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Rừng thiêng nước trong, và bước ngoặt 68-69 trên chiến trường Quảng Trị – Khe Sanh trong Những bức tường lửa, cuộc đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trong Đối chiến, Thượng Đức.
Sức sống từ tính thật của những bức tranh bằng văn chương này khiến chúng gần gũi một cách tự nhiên với những bài học trực quan về lịch sử, trong khi chất xúc cảm hùng tráng và bi thương, vượt qua được những điểm yếu về ngôn ngữ văn học, toát lên rất truyền cảm và thuyết phục từ những câu chuyện về chiến tranh, đặc biệt từ các hình ảnh con người những chiến binh cả bên này và bên kia chiến tuyến, bắt đầu khai mở một tiếp cận mới qua những nếp nhăn, nếp gấp, khoảng trống mà lịch sử để lại.
Văn chương về chiến tranh như thế dường như đang tiến bước trên hướng một nền văn học dân tộc đổi mới.
Nguồn: vanvn.net