A. TOFLICOLE (Mỹ)

Khi xét về điều kiện xã hội, một số người đã cho rằng, nếu một đất nước bị chìm trong chiến tranh hoặc xung đột triền miên thì sẽ không thể có được những tác phẩm văn học đỉnh cao. Họ bảo cứ lấy giải Nobel làm ví dụ, có bao giờ được trao cho những dân tộc kiểu như Israel, Palestin, Afghanistan, Iraq, hay Nam Bắc Triều Tiên đâu?

Ảnh minh họa- nguồn Internet

Nhưng luận điểm đó dường như ngay lập tức bị nhiều học giả bác bỏ. Mà thực tế cũng đã chứng minh rằng, chẳng những người nói câu đó đã quên, mà các tác phẩm văn học đồ sộ của các dân tộc đau thương thường vẫn được sáng tạo trong không/thời gian những cuộc chiến tranh đẫm máu, hoặc trong các xã hội sống dưới chế độ độc tài khắc nghiệt, không nhiều hơn thì cũng chẳng kém cạnh gì so với thời trời yên biển lặng.

Cứ lấy ví dụ ngay như dân tộc Do Thái chẳng hạn. Dĩ nhiên mảnh đất Israel có quá ít hòa bình, nhưng họ vẫn có những nhà văn lớn như Shmuel Yosef Agnon, người được trao giải Nobel văn học năm 1966 vì “nghệ thuật kể chuyện độc đáo một cách sâu sắc, chứa đựng các mô típ dân gian Do Thái”. Nhà ông bị đốt 2 lần. Ông sống qua thời nổi dậy của người Arab năm 1936, Đại chiến Thế giới lần thứ II, rồi Chiến tranh Trung Đông ngay sau đó. Vậy mà ông vẫn sáng tác ra được những tác phẩm làm say đắm lòng người.

Rồi thật nhiều những ví dụ khác. Nhà văn Đức Thomas Mann viết Núi thiêng trong và ngay sau Đại chiến Thế giới lần thứ I, mà so với nó, Chiến tranh Trung Đông chẳng là cái gì đáng kể. Nếu nói đến những trường hợp khác của giải Nobel thì thật kỳ quặc. Phân nửa các tác giả Nobel thế kỷ XX đã rơi vào quên lãng, trong khi biết bao nhà văn khác vẫn sáng ngời như Kafka, Joyce, Musil, Virginia Woolf, Lỗ Tấn… những nhà văn đi xuyên qua những thời kỳ tao loạn. Có nhà văn đã từng nói rất hay, rằng khi đại bác gầm lên, nàng Thơ còn cất giọng cao hơn. Nhân loại không cần phải viện dẫn đến bệnh ung thư hay tai nạn giao thông để mô tả cái chết bi thương của những vị anh hùng, bởi chiến tranh và xung đột đã làm xong việc đó, một cách “tốt hơn nhiều”. Hay nói cách khác, những xung đột ngoại cảnh vẫn thường biết cách đẩy con người vào những tình thế gay cấn, buộc họ phải bộc lộ những giá trị nội tâm, qua đó những giá trị văn chương sẽ bừng phát, lộ diện. Ngay từ thời cổ đại, các nhà văn như Aeschylus, Sophocles, Tư Mã Thiên… đã biết cách chộp lấy những mảnh vỡ của đời sống đó, làm nên những tác phẩm tuyệt diệu.

Còn những cuộc hủy diệt khiến các nhà văn phải thiệt mạng, chưa kịp để lại tác phẩm gì, thì đó lại là chuyện khác. Cuộc chiến nào chả để lại mất mát. Nhưng kể cả trong những sự tận diệt tàn bạo nhất, những dấu tích tro tàn của chúng vẫn còn vương vất, và các nhà văn hậu thế luôn biết cách đào bới vào quá khứ để làm ra những công trình vĩ đại. Nhân loại đã chẳng từng phải ngả mũ trước sức mạnh vô song của những S. Yizhar, David Grossman, La Quán Trung, Solokhov… đấy sao!

Mọi người đều biết rằng, cá tính sáng tạo và trải nghiệm văn hóa thì vẫn luôn được tạo khởi thông qua những cuộc xung đột. Và loài người từng đã trải qua biết bao những cuộc bom rơi đạn nổ như thế kể từ lúc bình minh. Vấn đề nảy sinh là: Kẻ thù nào thì có ý nghĩa giúp những trải nghiệm kia đơm hoa kết trái?

Xung đột nhằm mục đích giành giật không gian sinh tồn thì đương nhiên sẽ rất điển hình và rất cụ thể, ví dụ giữa Pháp và Đức là vùng đất Alsace-Lorraine. Nhưng cũng có những cuộc xung đột chỉ nhằm giành giật một chân lý nào đấy, ví dụ một niềm tin. Tưởng như kiểu thứ hai chẳng mấy liên quan đến sự bức thiết phải thể hiện một cá tính bản thể. Nhưng hãy bình tĩnh. Cái niềm tin kia dai dẳng đến nỗi, từ đời này qua đời khác, các thế hệ đã lần lượt xúc phạm nhau, không bao giờ biết tự dừng lại, để rồi không chỉ niềm tin mơ hồ bị tàn sát, mà cả chính những mục tiêu cụ thể trên mặt đất cũng bị xâm hại. Tập quán lối sống của cộng đồng này bị áp đặt lên cộng đồng khác, những di sản của dân tộc này cũng bị chiếm đoạt bởi dân tộc kia. Vậy là những mối thù truyền kiếp cũng hình thành. Các dân tộc như thể bị rơi vào những cái bẫy không đáy, những vòng xoáy định mệnh, không bao giờ có lối ra.

Chúng ta hãy dừng lại một chút để trở về với nghề viết, bởi cuối cùng, chúng ta không phải là những triết gia, mà là những nhà văn. Cái chủ đề đấu tranh sinh tử thì luôn chế ngự tâm hồn mỗi người, dù kín đáo như trong tác phẩm Cái chết của Ông lão, hay phô phang hơn như trong các tác phẩm Đối mặt với rừngNgười tình, hay Cô dâu được giải thoát. Có một điều đáng kinh ngạc, là trong một cuốn sách mang tên Ông Mani, nhà văn đã để ngỏ nhiều phương án xung đột của một gia đình Do Thái với: người Anh, người Arab, và người Đức. Và mỗi phương án lại dẫn đến một giá trị tiêu biểu khác hẳn nhau.

Thế đấy, mỗi thành viên trong gia đình ông Mani lại đại diện cho một chủ thể cá tính khác nhau, để rồi chính ông Mani đã từng phải tuyên bố: “Người Israel đáng phải chịu cảnh chia rẽ, để tránh cho một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu hơn”. Có nghĩa là gì? Mục đích tranh giành ở đây đã vượt quá cả lãnh thổ, lãnh hải, quá cả ý thức hệ, tôn giáo, hay tiền bạc, thịnh vượng.

Từ những cuộc chiến tranh cụ thể, các nhà văn dẫn dắt nhân loại đến với những cuộc xung đột vô hồi kỳ trận trong nội tâm của mỗi con người. Ngày nay, thực tế là, văn học chuyển tải những cuộc xung đột bên trong và bên ngoài mỗi cá nhân ở mức độ ngang bằng nhau. Thậm chí, các thể chế chính trị còn biết cách nấp đằng sau những tác phẩm nổi tiếng để giải thích cho các định chế vốn lúc nào cũng “trên mây” của mình. Để rồi, đến lượt mình, các nhà văn lại tiếp tục cuộc hành trình soi xét kỹ vào mỗi động thái của các nhà chính trị, nói lên tiếng nói đích thực của mỗi cá thể trước những biến thiên của dâu bể cuộc đời. Đâu là kẻ chủ động? Câu hỏi này chưa bao giờ có một lời giải đáp triết học rốt ráo, bởi đó thuộc vào loại câu hỏi tương tự như câu chuyện con gà và quả trứng.

Nhưng có một câu hỏi khác gần gũi hơn nhiều, tác phẩm văn học như thế nào thì đi sát hơn vào cốt lõi bản thể của cái vẫn được coi là Tính Người?

Có hai kiểu tác phẩm như thế, theo ý kiến của Giáo sư Yehoshua, Đại học Tel Aviv, Israel. Một, là những tác phẩm chỉ mượn cớ những cuộc chiến tranh, hay xung đột giữa các nhóm người, để nói về bản chất của những toan tính mang chiều kích phổ cập. Và hai, là cuộc truy lùng những thế lực giấu mặt luôn muốn xô đẩy loài người vào những cuộc hỗn chiến sinh tử, dù con người có muốn điều đó xảy ra hay không.

Loại thứ nhất, đấy chính là những tác phẩm được đặt trong bối cảnh của những cuộc chinh chiến, bởi khi bom rơi đạn nổ, con người cá nhân dù muốn dù không thì vẫn luôn phải xù cánh xù lông như thể phản ứng tự vệ, nhằm thoát khỏi cái chết, cho mình và cho những gì mình hằng tin tưởng, bảo vệ.

Loại thứ hai, lại tìm về cái rốn của sự việc, là lúc trời yên biển lặng, nhưng luôn có những nhiễu động tinh thần sao đó, để chẳng bao lâu nữa, sẽ bùng lên những đám cháy oan nghiệt.

Người anh hùng sẽ đứng ở đâu trong hai bối cảnh ấy? Chẳng ở đâu xa, mà ngay tại chính giữa vòng xoáy của mỗi sự kiện. Nói như nhà văn, nhà thông thái Luba Eliav của nhà nước Do Thái cổ, thì “Đừng lo, rồi nhất định chàng thủ kho sẽ trở lại, người đưa thư sẽ trở lại, ông giáo làng sẽ trở lại, và cả cô nhân tình đỏng đảnh của quan bố chính sở tại nữa. Họ sẽ ngăn không cho kẻ thù của chúng ta tự do càn quấy”. Nghĩa là gì? Là cái đích của văn chương vẫn không xa tầm ngắm của mỗi thành viên cuộc sống, còn phương tiện để vươn đến cái đích ấy thì cũng lại được tin tưởng trao vào tay chính mỗi cá thể biết ý thức và có khát vọng giữ gìn cái đẹp.

Tất nhiên, nhân loại sẽ còn những cuộc đấu tranh sinh tồn dữ dội nữa, sẽ còn mãi. Và các nhà văn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đưa những kẻ chủ mưu, những con virus khát máu ra trước ánh sáng.

Nhưng cũng tất nhiên, nhân loại sẽ không thể tiến bộ được nếu chỉ nhăm nhăm đối phó một cách thụ động với những kẻ hủy diệt, bởi chúng không gì khác hơn chính là tình trạng u tối trong nhận thức và tình cảm của mỗi cá thể loài người.

Hẳn đã có lúc một nhà văn nào đó từng phải hét lên: “Tôi muốn quên hết những điều vô lý, những âm mưu và phản nghịch, những ngu xuẩn và tàn độc, để ngợi ca vẻ đẹp con người”. Nhưng chính ông ta, hay bà ta, đâu biết rằng những nguy cơ tai họa đó lại từng ngày từng giờ nảy sinh và ẩn nấp từ trong chính những khiếm khuyết lệch lạc của đầu óc của mỗi con người mà chúng ta đã tưởng là hoàn thiện nhất. Vậy thì sứ mệnh của các nhà văn phải chăng cũng không thể xa rời sứ mệnh của mỗi thành viên thông thường nhất của cả xã hội: Tìm ra và hóa giải kịp những cơ chế mù lòa đang vận hành trong mỗi con người, gần gũi và cấp thiết nhất là trong chính bản thể mình, để chúng không thể cản đường khi chúng ta muốn tiến tới sự hoàn thiện. Cuộc đấu tranh đó có kém cam go và khốc liệt hơn so với những cuộc binh đao khói lửa chăng? Câu trả lời sẽ tùy vào chính khát vọng vươn tới của mỗi cây bút.

Nói một cách ngắn gọn, khi nhà văn viết, họ sẽ luôn dấn mình vào những cuộc xung đột. Chỉ có điều, không có cuộc xung đột nào dữ dội và dai dẳng bằng cái điều xảy ra trong chính chúng ta.

LÊ BIÊN dịch

Theo Thewarannalistic.net

Nguồn Văn nghệ số 51/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài