Công việc bồi dưỡng, phát hiện đội ngũ tác giả trẻ đã rất được HNV quan tâm và có hiệu quả. Nhưng thời gian còn nhiều trong quỹ cuộc đời của họ – có khi họ đi làm nhiều thứ, và có nhiều sự quan tâm khác nhau chăng?

Cảm tưởng, suy nghĩ của anh/chị khi biết mình chính thức trở thành hội viên HNV VN?

Võ Diệu Thanh: Được kết nạp vào hội nghề nghiệp mà tôi mê đương nhiên là rất vui.

Đào Báo Đoàn: Hơn nửa thế kỷ qua các nhà văn lớn của VN đều ở trong HNV, nay tôi được “cùng nhà” với họ là một niềm vinh hạnh lớn.


Võ Diệu Thanh

Có hay không áp lực với anh/chị khi trở thành hội viên?

Võ Diệu Thanh: Ngay từ khi viết truyện ngắn đầu tiên, ngay từ khi nhận được những lời khen chê đầu tiên tôi đã có áp lực. Nghĩa là tôi phái cố gắng để mình hôm sau phải hơn hôm trước dù ít dù nhiều. Là ý nghĩ thôi. Còn được hay không tùy vào nhiều điều kiện khác. Tôi đã đi suốt những năm qua trong nghề với tâm thế đó. Sống trong cực khổ quen, thêm một chút cực nữa cũng không thấy thay đổi gì mấy. Một người anh/chị nói được cực khổ với văn chương là một may mắn. Tôi cũng thấy đúng như vậy.

Đào Báo Đoàn: Tôi nghĩ dù ít dù nhiều, các nhà văn luôn có một áp lực về việc viết, dù ở đâu cũng vậy.

Điều thay đổi lớn nhất với anh/chị khi trở thành hội viên của Hội nhà văn VN?

Võ Diệu Thanh: Tôi nhớ lần mình được kết nạp vào hội Văn học nghệ thuật của tỉnh An Giang. Biết là cũng không có gì to tát. Nhưng tôi luôn nghĩ phải làm sao xứng đáng với những người đã giới thiệu mình. Khi nhận được một giải thưởng tôi thường phải cực hơn vì làm sao để không phụ lòng người đã tin tưởng chấm cho mình những điểm cao. Lần này cũng thế. Một cái thẻ hội viên là có nhiều phiếu tín nhiệm của độc giả, của người đi trước đã gởi cho mình. Đây là bước khẳng định cho con đường chuyên nghiệp của nghề viết. Từng dòng viết không phải chỉ mang uy tín của riêng mình nữa rồi. Tôi phải lao động làm sao đúng tâm thế của một người chuyên nghiệp

Đào Bá Đoàn

Khi gửi lá đơn xin vào Hội nhà văn, anh/chị mong muốn điều gì?

Võ Diệu Thanh: Tôi chưa từng mong muốn điều gì ở văn chương. Tôi viết như là thở là ăn hay là một cái gì đó không thể thiếu. Tôi gởi đơn vào hội để muốn biết coi mình đang ở đâu. Thật sự không nghĩ là có thể vào đó dễ dàng. Tôi thấy cơ may của mình cũng thấp vì tôi không phải là người giỏi giới thiệu tác phẩm. Bị đánh rớt một lần tôi cứ cặm cụi viết. Tôi vẫn cứ tin làm việc miệt mài, có tác phẩm là cách tốt nhất để được mọi người công nhận. Dù gì tôi cũng còn trẻ mà.

Đào Báo Đoàn: Được ở cùng những người cùng theo đuổi việc viết – dù rằng tôi đồng tình với ý kiến “sáng tạo là cô đơn”, nhưng trên con đường thăm thẳm sẽ rất cần một cái nắm tay chia sẻ, thấu hiểu.

Nhiều tác giả ở xa như chị Võ Diệu Thanh thường có tâm lý e ngại những tác phẩm của mình và những nỗ lực của mình trong sáng tác ít được quan tâm, vì vậy dù có gửi đơn xin vào Hội cũng khó được xem xét đến. Với trường hợp mình, chị khuyên họ điều gì?

Võ Diệu Thanh: Tôi mới đọc một bài viết nói về sự ngộ nhận của những người xin vào hội nhà văn. Thật ra thì lượng người viết khá đông, những tác giả ở xa ít được quan tâm và bị bỏ sót là chuyện có thật. Những người từng một thời “sung khơi”như tôi hiện nay, đã vào tuổi lão. Mấy mươi năm trong nghề viết. Đi mòn gót, đọc mòn mắt, viết mòn bút. Đúc kết lại thấy mình như một lữ khách ghé viếng đất văn. Nhưng mà có phải thế đâu. Họ đã sống trọn đạo với văn chương, máu thịt với văn chương lắm rồi. Chỉ là thật sự không ai hiểu vì sao họ không được vào hội. Yếu ở mảng nào, điều chỉnh làm sao, làm sao để không có cảm giác bị bỏ quên mà còn phấn đấu. Đối với những người bạn vong niên, tôi chỉ ngậm ngùi chớ không dám có một lời khuyên. Những người bạn đó, tuổi đời chồng chất, kinh nghiệm nào cũng có chỉ có thiếu những cơ hội mà thời gian còn có bao nhiêu. Đó là điều tôi buồn khi nhận được những lời chúc mừng. Đối với những tác giả trẻ thì tôi chỉ mong các bạn hãy viết vì thương hiệu của mình. Đừng nghĩ đang bị bỏ rơi rồi mòn chí. Chưa có sự bỏ rơi nào đáng sợ như chính mình bỏ rơi mình.

Khác với chị Võ Diệu Thanh, anh Đào Bá Đoàn viết đã lâu, lại sống ngay giữa thủ đô, làm việc tại chính cơ quan cấp hai của Hội nhà văn (NXB Hội nhà văn) – nghĩa là có nhiều lợi thế trong cách đánh giá của nhiều người; nhưng tôi quan sát thấy anh làm việc lặng lẽ, ít xuất hiện trên báo chí, và ít người biết đến. Anh có nghĩ rằng điều ấy sẽ khiến anh bất lợi khi tiếp cận công chúng nói chung cũng như giới văn chương nói riêng?

Đào Báo Đoàn: Tôi nghĩ mỗi người có một kiểu làm việc, và làm thế nào để nó thoải mái nhất với mình. Tác phẩm đầu tiên tôi in là một tiểu thuyết (in năm 1997), không biết thế nào, nó không tương tác lớn với bạn đọc. Sau này khi viết truyện ngắn tôi cũng không in nhiều trên báo chí. Có lẽ đó là điều không hay. Bây giờ có nhiều người viết, và nhiều lựa chọn, tôi nghĩ nhà văn nên tương tác với truyền thông; nhưng ai không làm thì có lẽ đó là tính cách họ như vậy. Còn tôi, dù thế nào thì tôi cũng tiếp tục viết và sống như “kiểu” của mình.

Quan niệm văn chương của anh?

Đào Báo Đoàn: Viết là một sự tự do đầu tiên và cuối cùng…

Hiện nay hội viên trẻ của Hội (dưới 40 tuổi) chỉ khoảng 20 người. Anh/chị nghĩ sao về điều này? Theo anh/chị, Hội cần làm gì để phát hiện, bồi dưỡng cũng như bổ sung kịp thời đội ngũ tác giả trẻ vào Hội?

Võ Diệu Thanh: Lướt qua mạng thấy lượng người viết đông không kể xiết, người trẻ cũng nhiều. Vậy mà chỉ hai mươi hội viên dưới bốn mươi thì quả là ngạc nhiên.

Theo như hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang quê tôi có cách làm rất hiệu quả. Đó là tổ chức những cuộc thi lớn nhưng chỉ dành cho tác giả trẻ, trong độ tuổi học trò. Từ những cuộc thi như vậy sẽ phát hiện năng khiếu. Những người có trách nhiệm trong hội quan tâm đọc tác phẩm của những anh/chị trẻ này, để họ thấy mình được chú ý mà vững tâm bước tiếp. Từ đó chỉ ra đúng những điểm mạnh yếu của từng người mà điều chỉnh hoặc phát huy. Những lời khích lệ cũng như những uốn nắn kịp thời sẽ suy trì được đam mê cũng như nâng cao tay nghề cho từng cây viết trẻ. Tôi nghĩ đó là cách mà hội trung ương có thế làm để số lượng cây viết trẻ có chất lượng ngày càng nhiều hơn, trẻ hóa được đội ngũ hội viên nhà văn ở giai đoạn sắp tới.

Đào Báo Đoàn: HNV có Ban Nhà văn trẻ hoạt động thường xuyên và liên tục; những năm qua quy tụ được hầu hết những người trẻ tuổi viết văn. Năm 2001 tôi có tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ, tôi thấy ở những lần như vậy, người trẻ gặp nhau, thành bạn, và nhiều người sẽ kiên tâm việc viết, dấn thân theo nghiệp văn chương cả đời. Cũng trong những năm gần đây, năm nào cũng vậy, ở những “Ngày thơ VN” người trẻ cũng tham gia hào hứng, tích cực, nhiều khi có cảm giác ngày đó như là ngày của họ; và theo tôi được biết thì những việc như vậy cũng từ công sức rất lớn của ban Nhà văn trẻ – HNVVN. Qua những đợt như thế đều có những nhà văn trẻ ấn tượng xuất hiện, hoặc những người đã từng “ấn tượng” thì khẳng định mình. Như vậy thì công việc bồi dưỡng, phát hiện đội ngũ tác giả trẻ đã rất được HNV quan tâm và có hiệu quả. Nhưng thời gian còn nhiều trong quỹ cuộc đời của họ – có khi họ đi làm nhiều thứ, và có nhiều sự quan tâm khác nhau chăng? Nhưng dù thế nào thì họ cũng vẫn tiếp tục sáng tạo. Tôi luôn tin như vậy.

Xin cảm ơn cách anh chị về cuộc trò chuyện

Anh Phạm thực hiện

Nhà văn Đào Bá Đoàn sinh năm 1971 tại Thanh Miện, Hải Dương. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI. Đã in: Mảnh vỡ (tiểu thuyết, NXB Lao động, 1997; NXB Hội Nhà văn 2011); Rượu của thời chưa sinh (tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2007); Chỉ để bay qua một bình minh (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2012). Hiện anh là biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Nhà văn Võ Diệu Thanh sinh ngày 15/3/1975. Quê quán: Châu Phong, Tân Châu, An Giang. Nơi ở hiện nay: Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang. Đã xuất bản 3 tập truyện ngắn. Từng đoạt các giải thưởng văn học: giải C do UBTQ Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật xét tặng; giải nhì văn học tuổi 20 do Hội Nhà văn thành phố HCM kết hợp với báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức; giải nhì cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long; tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí Nhà văn năm 2011.

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version