Trong danh sách 36 hội viên được xét kết nạp năm 2013, những gương mặt trẻ tiếp tục được tôn vinh. Văn nghệ Trẻ đã có cuộc trò chuyện với 3 gương mặt trẻ đến từ 3 vùng miền của đất nước vừa chính thức trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đó là Mai Phương (Bắc Giang), Nguyễn Quang Hưng (Hà Nội) và Lưu Ly (Huế).

Văn chương không chỉ còn là nghiệp, mà đến một giai đoạn nó đã trở thành nghề. Nó cần tính chuyên nghiệp, sự tâm huyết và bản lĩnh sáng tạo. Là những nhà văn trẻ, các bạn nghĩ gì về điều này?

Nguyễn Quang Hưng: Vấn đề mà chị đặt ra rất “đúng đắn”, dường như những người làm văn đã mặc định từ lâu nên tôi khó lòng “phản bác” (cười). Tôi chỉ băn khoăn về khía cạnh kinh tế, thì số đông người làm văn khó lòng sống được bằng nghề văn. Trừ một số tác giả, dịch giả tiểu thuyết, truyện ngắn bán chạy, bán được hay thường xuyên được các báo đón nhận, đăng tải tác phẩm – mà việc này cũng không thể tạo nên một nền tảng kinh tế sung túc, thì những người làm thơ, kể cả không ít nhà nghiên cứu, đều sẽ khó khăn, khó sống nếu chỉ trông vào thù lao, nhuận bút.

Cho nên, người làm văn cơ bản vẫn phải làm những nghề khác, làm thêm những việc khác để nuôi tính chuyên nghiệp, sự tâm huyết và bản lĩnh sáng tạo của mình. Phải chăng nghề văn đang mang cả vẻ đẹp của niềm đam mê, sức sáng tạo, tâm huyết và bản lĩnh lẫn những nhọc nhằn, thử thách – cũng chính là “vẻ đẹp của sự vượt khó”!

Lưu Ly: Tôi nghĩ rằng đây là một nhận định đúng và phù hợp với xu thế phát triển của văn chương hiện nay. Bởi vì, khác với những ngành nghề khác, văn chương không chỉ đòi hỏi tất cả những yếu tố trên mà còn gợi mở cho người đọc hướng đến những giá trị chân thực của cuộc sống hiện tại và tuơng lai. Nếu không chuyên nghiệp, không sáng tạo…thì có thể sẽ tạo ra những tác phẩm thấp hơn tầm người đọc….

Mai Phương: Tôi đã đến với văn chương như một duyên nợ mà mình không định trước. Mỗi lúc có điều gì trăn trở, day dứt hoặc cô đơn tôi lại cầm bút viết, viết bất cứ điều gì mình nghĩ, mình cảm thấy. Lâu dần trở thành niềm đam mê không thể từ bỏ. Những tư liệu ấy được sử dụng để sáng tạo tác phẩm. Với tôi, viết văn là công việc nặng nhọc và hạnh phúc. Mỗi khi viết là được giải toả một nguồn năng lượng tiềm tàng sâu kín nào đó mà chính mình không thể điều chỉnh bằng lí trí, nó như có từ trong tiềm thức vậy. Nhiều khi những số phận, những cảnh đời tôi gặp cứ ám ảnh, thôi thúc khiến mình phải viết ra để thông qua tác phẩm nói một điều gì đó cho họ. Tôi nghĩ, viết văn là để cảm thông, chia sẻ, đồng điệu với cuộc đời, để ít ra những gì khuất lấp trong đời sống con người được xã hội quan tâm dưới con mắt nhân văn. Tôi hy vọng rằng những gì mình viết có thể an ủi được ai đó trên đời. Bởi tôi tin rằng văn chương có thể lay động đồng loại hoặc thay đổi tâm tư, số phận con người. Tôi đã đến với văn chương như một “ duyên nợ” mà mình tự nguyện gắn bó như vậy. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, văn chương trở thành nghề, mang tính chuyên nghiệp và kỹ năng chuyên sâu, hay nói chính xác hơn là “tinh thông nghề nghiệp”. Điều đó vô cùng quan trọng, nó đòi hỏi nhà văn phải luôn luôn vận động và học hỏi. Học đồng nghiệp trong nước và ngoài nước, học trong sách vở và trong cuộc sống. Còn tâm huyết và bản lĩnh sáng tạo thì nhà văn đương nhiên phải có. Song tâm huyết thì còn dễ, chứ bản lĩnh sáng tạo thì đòi hỏi phải rèn luyện. Bản lĩnh liên quan đến nghề. Có giỏi nghề mới có bản lĩnh. Tôi nghĩ những người trẻ như chúng tôi phải học tập lâu dài để trở thành một nhà văn giỏi nghề, có bản lĩnh sáng tạo. Điều quan trọng là phải luôn giữ cho ngọn lửa cảm xúc cháy trong lòng mình. Tôi nghĩ rằng, có giỏi nghề thì văn chương mới trở thành nghiệp mà mình suốt đời gắn bó.

Nguyễn Quang Hưng


Bên cạnh sự “vượt khó” mà nhà thơ Nguyễn Quang Hưng vừa nói đến thì còn một mối lo nữa, đó là mối lo về độc giả của văn chương ngày càng suy giảm. Bằng chứng là sách văn học ngày càng khó bán hơn, báo chí văn học ngày càng lép vế. Những người theo đuổi ngành khoa học xã hội ngày càng ít đi. Theo các bạn điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học hay không?

Nguyễn Quang Hưng: Đương nhiên là nó sẽ gây khó cho người viết, nhà sách, NXB. Nhưng khó khăn cũng không đến mức khiến người ta phải bỏ bút. Và những hạn chế, suy giảm ấy đang như những đòi hỏi, thúc đẩy để người sáng tác, nghiên cứu, làm báo chí – xuất bản văn chương phải có những thay đổi, điều chỉnh, sáng tạo mới trong cách tiếp cận xã hội, tiếp cận người đọc.

Trước đòi hỏi này, chúng ta cũng đang chứng kiến những mô hình, phương thức hoạt động, sinh hoạt nghề nghiệp mới, rộng rãi hơn, chủ động hơn về phía những người viết, quảng bá, kinh doanh sách văn học. Mối quan hệ, độ kết nối giữa người sáng tác và xuất bản, truyền thông đang thường xuyên và cũng thân mật hơn (cười). Các cuộc ra mắt, tọa đàm về tác phẩm mới, về vấn đề, hiện tượng văn học đã trở nên phổ biến. Các trang mạng văn học nở rộ. Các nhà văn, nhà thơ xây dựng website, chăm sóc facebook của mình như những cánh cửa rộng mở để tăng cường mức độ truyền tải và đón nhận… Như vậy, sự kết nối, tương tác trong hoạt động văn học lại đang được thúc đẩy.

Lưu Ly: Đó là một thực trạng mà chúng ta cần suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng văn chương, trong quá trình tồn tại và phát triển nó có một lối đi riêng, tuỳ vào bản lĩnh của từng chủ thể sáng tạo; Khi con người còn có nhu cầu nội tại với cảm xúc yêu thương, hờn giận… thì văn chương vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Mai Phương: Tôi không tin là độc giả văn chương suy giảm. Vấn đề là ngày nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, tạo nên thế giới phẳng, độc giả có thể đọc văn học qua mạng và bằng nhiều cách khác chứ không chỉ đọc bản in giấy. Cho nên tôi không lo ngại về điều này, mà chỉ lo mình có viết được cái gì đó mà độc giả mong chờ hay không thôi.


Lưu Ly


– Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng vừa nhắc đến một ý rất hay là sự nở rộ trang mạng về văn chương và sự kết nối văn chương trên các mạng xã hội. Tôi muốn nghe thêm những ý kiến khác nữa. Theo các bạn, sự phát triển của mạng xã hội, theo bạn có tác động tích cực, tiêu cực như thế nào đến sự phát triển của văn học?

Lưu Ly: Tôi nghĩ rằng cái gì cũng có tính hai mặt của nó và sự phát triển của mạng xã hội cũng vậy. Mặt tích cực là nó đã tạo ra hiệu ứng tham gia của đông đảo các thành viên xã hội. Mặt khác, mạng xã hội cũng chỉ là “kênh” văn hoá nghe nhìn – là bề mặt giác quan – không xuyên qua bề sâu của tâm hồn bằng văn hóa đọc.

Mai Phương: Sự phát triển của mạng xã hội là một kết quả hiển nhiên của xã hội thông tin. Tuy nhiên nó có tính hai mặt và tính tương tác. Nó tạo ra một mạng lưới khổng lồ để có thể quảng bá, giới thiệu văn học đến công chúng, tiếp nhận và trao đổi nhanh nhất các thông tin giữa nhà văn và độc giả, tuy nhiên cũng bộc lộ những mặt hạn chế nếu sự tự do không còn kiểm soát được. Nếu ta tận dụng được ưu điểm của nó thì sẽ có lợi cho sự phát triển của văn học.
Vậy các bạn có tham gia vào thế giới mạng, và sử dụng nó như thế nào để phục vụ cho việc sáng tác của mình một cách hiệu quả nhất?

Lưu Ly: Hiện tại, tôi mới chỉ khai thác thông tin trên thế giới mạng, còn về lâu dài tôi sẽ xem xét đến những tiện ích của thế giới mạng để phục vụ cho việc sáng tác của mình một cách hiệu quả nhất.


Mai Phương


Theo các bạn, để tạo môi trường thuận lợi cho văn học phát triển, nhà nước cũng như Hội nhà văn Việt Nam cần những chính sách cũng như hoạt động gì?

Nguyễn Quang Hưng: Về điều này, rất cần những ý tưởng cụ thể. Tôi chỉ xin góp một ý đã viết trong một số bài báo, là Bộ VHTT&DL nên sớm thành lập một cơ quan cấp Vụ hoặc cao hơn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn học, cũng như các cơ quan Cục điện ảnh, Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục mỹ thuật – nhiếp ảnh và triển lãm đang có nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Cơ quan đó sẽ chủ động phối hợp với Liên hiệp các hội VHNT toàn quốc, Hội nhà văn Việt Nam trong các việc như: Cố vấn, đề xuất với Nhà nước và Bộ VHTT&DL về các kế hoạch, chương trình đầu tư cho sáng tác, dịch thuật, quảng bá văn học; xây dựng và tài trợ cho các giải thưởng, các hoạt động giao lưu, hội thảo văn học cần thiết và hữu ích; tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác từ phát động, chấm chọn, tôn vinh cho đến xuất bản, lưu trữ và quảng bá những tác phẩm xuất sắc…

Trong những chính sách, hoạt động trên và nhiều đầu việc cho văn học khác như sáng tác, hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, đầu tư cho đào tạo…, cơ quan này cũng cần chủ động liên kết với các cơ quan trong Bộ như Vụ thư viện, Vụ văn hóa dân tộc, NXB Văn học, Khoa viết văn – báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng như các Sở VHTT&DL.

Còn với các Sở, cũng cần tăng cường chức năng hay thành lập các bộ phận về quản lý văn học để phối hợp với Hội VHNT địa phương trong việc vận động, thúc đẩy sáng tác văn học, hỗ trợ, tài trợ cho các tác phẩm xuất sắc và tác giả tiềm năng.

Với vai trò là tổ chức nghề nghiệp, với hệ thống báo chí, website của mình, Hội nhà văn có thể “kêu” nhiều hơn nữa cho sự ra đời cơ quan quản lý nhà nước về văn học. Cũng như, chính Hội sẽ chủ động đề xuất, cố vấn, tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến đầu tư, hỗ trợ sáng tác, dịch thuật, bồi dưỡng tác giả, tăng chế độ thù lao, nhuận bút… để các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nếu công tác này thành một “mũi nhọn” của Hội thì sẽ có rất nhiều bất cập đối với văn học được đưa ra để bàn cách cải thiện.

Lưu Ly: Hiện tại, Nhà nước và Hội nhà văn cũng đã có sự quan tâm đến sự phát triển của văn học, ví dụ như là đầu tư sáng tác, thâm nhập thực tế, công bố tác phẩm, xét tặng thưởng và giải thưởng…Nhưng để văn học nghệ thuật phát triển xứng tầm của nó thì Nhà nước và Hội cần quan tâm hơn nữa đến các hội viên để họ có điều kiện sống và viết tốt hơn

Theo bạn người trẻ vào Hội nhà văn có ích lợi gì? (cho bản thân họ
cũng như Hội nhà văn?)

Lưu Ly: Tôi nghĩ rằng nếu người trẻ vào Hội nhà văn thì trước hết mang lại cho họ một sự tự tin vào mình và có bản lĩnh hơn. Họ sẽ được sự quan tâm và giúp đỡ của tổ chức và đồng nghiệp trên con đường sáng tạo của mình trên nhiều phương diện.

Với Hội nhà văn thì sẽ tạo ra được một đội ngũ kế cận, tiếp thu và phát huy, khai thác được sức sáng tạo đang độ sung sức của thế hệ trẻ, mang lại nhiều giọng điệu và những nét riêng mới cho nền văn học Việt Nam.

Nguyễn Quang Hưng: Người trẻ vào Hội thấy mình thêm mái nhà gửi gắm. Hội có nhiều hơn những người trẻ và suy nghĩ trẻ, thấy mình thêm xuân

Mai Phương: Tôi thật vinh dự và may mắn khi được trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng những người trẻ như tôi vào Hội là một cơ hội lớn để chúng tôi được giao lưu, tiếp cận và học hỏi từ các nhà văn đi trước. Họ là những người tinh thông nghề nghiệp và giàu kinh nghiệm, vốn sống. Những người trẻ sẽ trưởng thành hơn. Lần này kết nạp, có nhiều người trẻ, điều đó chứng tỏ Hội nhà văn Việt Nam rất quan tâm và tạo điều kiện phát triển cho tuổi trẻ.

Cảm ơn các bạn đã tham gia cuộc trò chuyện

Phong Điệp thực hiện

MAI PHƯƠNG – Tên thật: Nguyễn Thị Mai Phương, sinh ngày 13/11/1977. Quê quán: Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang. Hiện công tác tại: Hội Văn học – Nghệ thuật Bắc Giang

LƯU LY – Tên thật là Trần Thị Vân Dung, sinh ngày 28/8/1978. Quê quán: Xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Hiện là giảng viên Khoa Xã hội, Trường CĐSP tỉnh Thừa Thiên Huế.

NGUYỄN QUANG HƯNG sinh năm 1980, sống tại Hà Đông – Hà Nội. Hiện làm việc tại ấn phẩm Thời Nay  của báo Nhân Dân


Văn nghệ Trẻ

 

Exit mobile version