NVTPHCM- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có các bút danh khác như Anh Bồ Câu, Chu Đình Ngạn, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông… Ông học ngành sư phạm, từ năm 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi, bình luận thể thao, hiện nay chuyên viết tạp văn trên Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
* Thưa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông là một tác giả được rất nhiều người hâm mộ và hiện nay sách của nhà văn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt thành? Trong ba lô của những người lính đảo mang ra Trường Sa có không ít những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh, ông cảm nhận gì về điều này?
– Tôi rất vui và cảm động khi được biết thông tin này. Nếu những trang sách của tôi giúp những người lính trẻ xa nhà, ngày đêm giữ gìn biên cương tổ quốc có được những giây phút thư giãn, lạc quan, yêu đời thì đó là một hạnh phúc lớn đối với tôi. Tình cảm của những người lính đảo đối với các cuốn sách của tôi càng khiến tôi thêm tin vào công việc của mình.
* Có lúc nào đó ông viết một tác phẩm văn học của riêng mình dành cho người lính không?
– Hiện nay tôi đang chuyên tâm viết sách cho tuổi thơ nên chưa có thời gian nghĩ đến các đề tài khác. Nhưng một ngày nào đó, biết đâu tôi sẽ suy nghĩ về gợi ý của bạn! Lịch sử nước ta kể từ ngày dựng nước gần như là lịch sử của những cuộc chiến chống ngoại xâm nên vai trò người lính rất quan trọng và hình ảnh người lính luôn khắc sâu trong tâm thức người Việt. Nhưng tôi nghĩ để khắc họa thành công hình ảnh người lính trong văn chương không phải là chuyện dễ dàng.
* Trước kia Xuân Diệu thường nói cơm áo không đùa với khách thơ, Tú Xương, Tản Đà cũng từng nói về những gian nan nơi trần thế mà người nghệ sĩ phải đương đầu. Ngày nay, nhà văn có tài năng sống được bằng nhuận bút như ông rất hiếm. Ông là tác giả đặc biệt của Việt Nam, ông đã phải lao động và phấn đấu như thế nào để có một cái tên Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng trên văn đàn hôm nay?
– Thực ra lúc ngồi sáng tác, tôi cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện phấn đấu để có tên tuổi. Tên tuổi nếu có là cái đến sau. Lúc viết, tôi chỉ nghĩ cố viết làm sao cho hay, cho bản thân mình cảm thấy thích thú. Cũng may là những gì tôi thích, bạn đọc cũng thích. Đó là sự thích ứng tự nhiên, hay nói cách khác là sự đồng cảm giữa người viết và người đọc. Về mặt lao động, tôi viết 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả chủ nhật và ngày lễ, mấy chục năm trời như vậy. Tôi không gọi đó là kỷ luật lao động mà gọi đó là thói quen lao động thì đúng hơn.
Vì chẳng ai bắt tôi làm vậy, nhưng tôi thích, tôi cảm thấy hứng thú khi ngồi trước bàn viết. Sự đam mê công việc đó có lẽ xuất phát từ lòng yêu nghề. Không cứ là nghề văn, tôi nghĩ lòng yêu nghề là phẩm chất có tính quyết định đối với sự thành công trong bất cứ ngành nghề nào.
* Có ý kiến cho rằng: thời kinh tế khó khăn nhưng đã sinh ra nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đầy những dự báo thông minh về xã hội và con người, xa hơn nữa Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi rồi Nam Cao và Vũ Trọng Phụng đều xuất chúng khi kinh tế khó khăn. Vậy ông có suy nghĩ gì khi kinh tế phát triển chúng ta chưa xuất hiện tác giả tài năng xuất chúng? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Văn chương là lĩnh vực không thể sốt ruột. Những văn tài xuất chúng không phải thời nào cũng xuất hiện. Chuyện giàu nghèo cũng chẳng liên quan gì đến thành tựu văn chương. Tôi không tin nhà văn sống sung túc thì viết hay hơn nhà văn sống nghèo khó, ngược lại. Những kiệt tác văn chương xưa nay đều bắt nguồn từ phẩm chất sáng tạo của nhà văn chứ không nhất thiết tùy thuộc vào hoàn cảnh nhà văn đó sinh sống. Nhà quý tộc L. Tolstoi với trang trại mênh mông vẫn viết được Chiến tranh và hòa bình vĩ đại. Và H. de Balzac quanh năm viết để trả nợ vẫn làm nên một Tấn trò đời kiệt xuất. Đứng ở góc độ sáng tác, cảnh giàu hay cảnh nghèo đều là chất liệu quý giá đối với những văn tài thực sự.
Phạm Xuân Trường
Nguồn: nhavantphcm.com.vn