(Nhân đọc Con ma cây vả và Xác chết trả thù,truyện kì ảo – kinh dị Việt Nam, 2 tập, Nhà xuất bản Phụ nữ, 201
Yêu ngôn của Nguyễn Tuân gợi mở hứng thú tiếp nhận văn chương kì ảo Việt Nam
Với tôi bắt đầu dường như có một sự thôi thúc từ bên trong, mơ hồ nhưng bền bỉ, sau khi đọc truyện Bến trần gian của Lưu Sơn Minh (Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1992 – 1994 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội), là phải viết một cái gì đó về văn chương kì ảo Việt Nam. Nhưng rất tiếc là trong bộ sách mà quý vị đang thưởng thức lại thiếu vắng Bến trần gian, một truyện kì ảo, theo tôi, là vào loại hay nhất trong văn chương đương đại Việt Nam. Thôi thì “Đành lòng vậy. Cầm lòng vậy”! Nhưng như ai đó nói làm việc gì cũng phải có cái nguyên cớ sâu xa bên trong của nó, thậm chí đôi khi là một áp lực nào đó chẳng hạn. Trong tủ sách riêng của tôi từ lâu đã có Truyện kinh dị của Edgar Poe (Nxb Lao động, 1989), Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Nxb Văn học, 1999), Truyện kì ảo thế giới (2 tập, Nxb Văn học, 1999), Truyện Lâm Ngữ Đường (Nxb Hội Nhà văn, 2002)… Trong thâm tâm tôi vẫn mong muốn và chờ đợi một ấn phẩm văn chương kì ảo – kinh dị đặc sản Việt Nam. Trước khi tiếp nhận 2 tập sách đầy đặn (gần 800 trang khổ to 15,5 x 23,2) Con ma cây vả và Xác chết trả thù (truyện kì ảo – kinh dị Việt Nam) tôi cũng như nhiều độc giả đã say mê đọc Yêu ngôn (Nguyễn Đăng Mạnh sưu tầm và giới thiệu, Nxb Hội Nhà văn, 2000) của Nguyễn Tuân như Trên đỉnh non Tản, Khoa thi cuối cùng, Đới roi, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Loạn âm, Tâm sự của nước độc. Viết “yêu ngôn” (những truyện kì ảo – kinh dị), theo Nguyễn Tuân, là để thỏa mãn sự thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt vì “Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu tối tân hôn” (Lời giới thiệu Yêu ngôn). Vậy là đã rõ ràng, truyện kì ảo – kinh dị được sáng tác nhằm đáp ứng cái nhu cầu của con người muốn khám phá cái mới, với một cảm giác lạ và mạnh (giống như những cuộc tổ chức đua mô-tô, ô-tô ngoạn mục trên thế giới mà chúng ta háo hức theo dõi, cuộc đua “Công thức 1” chẳng hạn).
Con ma cây vả và Xác chết trả thù tập hợp 57 truyện kì ảo – kinh dị Việt Nam từ trong kho tàng văn học trung đại (15 truyện), qua thời hiện đại (11 truyện) và vắt sang thời đương đại (31 truyện). Sự hiện diện của truyện kì ảo – kinh dị theo sự tập hợp này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Ngẫm kĩ lại sẽ thấy tất nhiên vì khi xã hội càng hiện đại, khoa học kỹ thuật càng phát triển, khi lối sống thực dụng và hiện sinh càng trở nên phổ biến và chi phối đến từng cá thể trưởng thành trên hành tinh này thì chính là lúc con người càng tỏ ra ham muốn quay trở về thế giới “ảo” hơn lúc nào hết (chơi game, xem phim ma chẳng hạn). Nghịch lí chăng? Tôi nghĩ là hợp lí.
Kì ảo như là một văn mạch dân tộc
Văn chương kì ảo thời hiện đại và đương đại không phải là một sản phẩm hoàn toàn mới mẻ mà là một sự tiếp biến truyền thống dân tộc và khu vực. Muốn hiểu hiện tại không thể khước từ truyền thống. Các tác phẩm đượm chất kì ảo – kinh dị vốn có trong kho tàng văn chương truyền thống dân tộc như Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Thánh Tông di thảo (tương truyền của nhà văn – Hoàng đế Việt Nam Lê Thánh Tông), Lĩnh Nam chích quái (tác phẩm sưu tập văn học dân gian Việt Nam, lưu truyền Trần Thế Pháp là tác giả)… Hơn thế ngay bên cạnh chúng ta là một kho tàng văn chương kì ảo Trung Quốc đồ sộ từ “truyền kì” đời Đường, Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (thế kỉ XIV), đến Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (thế kỉ XVII)… Thi sĩ Tản Đà đã có lời bình về Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh như sau: “Đêm thu dưới trăng, một mình ngồi nghĩ ngợi. Nghĩ rằng: Hằng Nga Quảng Hàn liệu khó thể là có, mà tự mình không muốn bảo là không; lại cả như Khiên Ngưu, Chức Nữ, Ngân Hà, có lẽ cũng là không, mà thế gian vẫn cứ nói là có, cứ chi là có là không; không hay có, ở tự lòng vậy (…). Riêng nói về bộ Liêu Trai này, chuyện hồ quỷ chiếm có quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay. Cái hay của Liêu Trai, như nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kĩ, sẽ thấy được rõ ràng” (Tản Đà là một trong ba dịch giả chuyển ngữ Liêu trai chí dị sang tiếng Việt, Lời bình được viết năm Mậu Dần).
Mười lăm truyện kì ảo – kinh dị thuộc dòng văn chương truyền thống Việt Nam thời trung đại đem lại cho độc giả một khoái cảm thẩm mỹ, giúp độc giả vượt ra khỏi cái vòng kim cô “văn dĩ tải đạo” đôi khi nặng nề. Phải thừa nhận rằng các bậc tiền bối văn chương rất khéo léo khi vận dụng kì ảo – kinh dị như một hình thức nghệ thuật hữu hiệu nhằm “khuếch đại thẩm mĩ”, nhằm tái hiện đời sống qua một lăng kính phóng đại nhiều màu sắc đặc biệt sặc sỡ. Ở đây tôi không nhằm tranh luận “kì ảo” là “hình thức nghệ thuật” hay là một “thể loại văn chương” như cách mà Tzevan Todorov đã đặt ra và có ý khẳng định nó như một thể loại trong tác phẩm Dẫn luận về văn chương kì ảo (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch, Nxb Đại học Sư phạm, 2008). Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý: trong khi viết truyền kì (bây giờ ta gọi là kì ảo) Nguyễn Dữ như một trường hợp tiêu biểu (và truyện Từ Thức lấy tiên là một ví dụ điển hình) thường đưa thơ vào trong truyện làm cho hình ảnh đời sống trở nên “bay” hơn, “say” hơn (về sau, trong thời đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn rất chí cốt với cách thức này trong sáng tác truyện ngắn). Câu chuyện người trần diễm phúc lấy được vợ tiên là hoàn toàn bịa đặt nhưng nó quyến rũ người đọc vì sự “bay”, sự “say” (bây giờ lớp trẻ gọi là “say nắng” – có thể là say tình, say tiền, say rượu, say…). Giới nghiên cứu văn học vẫn thường so sánh Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (Trung Quốc, thế kỉ VIV) với Kim ngao tân thoại của Kim Thời Tập (Triều Tiên, thế kỉ XV) và Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (Việt Nam, thế kỉ XVI) như là một bộ “kiềng ba chân” của truyền kì châu Á thời trung đại. Đó thực sự là những áng văn chương kì ảo mẫu mực khó có thể bắt chước và vượt qua trong mọi thời đại.
Không cần tranh luận thì sự công nhận Nguyễn Tuân như một nhà văn có công tiếp biến truyền kì (hay kì ảo), giữ gìn cái văn mạch chính của dân tộc ở thời hiện đại là dễ đi tới sự thống nhất trong thẩm bình, đánh giá. Truyện Xác ngọc lam (tác giả coi đó là một thứ “yêu ngôn”) kể về nhân vật cô Dó (vợ cậu Năm) một lúc có thể “ăn hết hương thơm của mấy trăm tờ sắc vừa seo xong còn ướt để ngoài hiên”, cô còn có cái khả năng siêu phàm “ngủ ngay trong lòng đá” và thỉnh thoảng “lách mình ra khỏi đá để hát cho anh nghe” (tức hát cho chồng nghe). Những chuyện như thế độc giả thời nay biết rõ mười mươi là nhà văn hoàn toàn bịa đặt, nhưng vẫn say sưa thưởng thức. Trong số 11 truyện kì ảo – kinh dị thời hiện đại (hiểu là từ đầu thế kỉ XX đến 1975 như cách sắp xếp của những người tuyển chọn), chúng ta thấy bóng dáng thời hiện tại, hiện đại in dấu ấn rất rõ (chẳng hạn trong Xác ngọc lam, ở đoạn cuối Nguyễn Tuân viết “Năm 1925 vào cuối đời Hoàng Tôn Tuyên Hoàng đế, đất Nam Kì, trấn Gia Định có một ông huyện… tên là Khỏe”). Nói cách khác bóng dáng và “hơi hướng” lịch sử thấm đượm trong hình thức kì ảo. Truyện Con ma cây vả của Phạm Cao Củng (1912 – 2012) được dùng đặt tên chung cho tập đầu của bộ sách lại càng làm cho độc giả cảm nhận được hơi thở thời đại khi tác giả viết “Cái tính hiếu sát của hắn đã tỏ lộ rõ ràng hai bận: bận thứ nhất, khi hắn được tập “bay-don-nét” đâm vào những thằng người rơm giả làm quân địch”. Qua cái kì ảo – kinh dị tác giả như luôn muốn nhắc nhở độc giả “Đừng quên anh (chị) đang sống vào cái thời có thật này đấy nhé!”. Rõ ràng cái kì ảo có mối lương duyên với cái hiện thực như hai mặt của một tờ giấy. Cái kì ảo đạt tới mức trác tuyệt, sẽ như Nguyễn Tuân ví von, là “rượu tối tân hôn” làm say lòng người.
31 truyện kì ảo – kinh dị thời đương đại nằm trọn trong tập hai của bộ sách với tên chung Xác chết trả thù (nhan đề một truyện của Ngô Tự Lập). Chúng ta gặp trong tập này tên tuổi từ Nguyễn Minh Châu (1930 -1989) không nhằm viết kì ảo nhưng truyện Phiên chợ Giát của ông lại được người đời sau khuôn vào đó nhờ những giấc mơ hiển hiện trong tác phẩm (phải chăng giấc mơ cũng là một thế giới ảo?!) đến những nhà văn trẻ nhất như Di Li (1978), cây bút đam mê viết kì ảo – kinh dị (tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ). So sánh với truyện kì ảo – kinh dị thời trung đại và hiện đại (nằm gọn trong cuốn sách thứ nhất) thì 31 truyện thời đương đại có đặc trưng gì? Rõ ràng đây là một sự so sánh không mấy dễ dàng vì như cổ nhân nói “mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Tôi nghĩ có hai đặc điểm nổi bật, đó là: chất “dị” nổi hơn chất “ảo” và tinh thần hiện sinh hằn nét rất rõ trong những truyện được khoác bộ xiêm y kì ảo – kinh dị trong tay các nhà văn đương đại. Xin được dừng lại dẫn giải vài trường hợp cụ thể mà ở đó chất “ảo” khá đậm đà làm nên hồn cốt tác phẩm. Tôi đặc biệt có ấn tượng với những truyện kiểu như Cẩm tú cầu ứng mệnh của Phạm Duy Nghĩa hay Huyết đằng của Phạm Hải Anh. Tôi nói cái tinh thần hiện sinh thấm đượm trong truyện kì ảo – kinh dị hiện nay là có căn cứ xác thực. Truyện của Phạm Duy Nghĩa kể: “Ở Sa Pa mới có chuyện lạ (…). Người mà nói chuyện được với hoa, lại thấy hoa hiện lên thành người nữa”. Nhân vật chính tên Tú “Học hết lớp chín, thi vào sư phạm hệ tiểu học không đỗ, thấy công ty Du lịch tuyển người thì xin vào Sa Pa làm. Người Tú thấp mập, mặt rỗ, tóc xoăn, bàn tay to bản, ngón ngắn chùn chùn. Mắt Tú lờ đờ, ai bảo gì cũng làm. Mọi người gọi Tú là “Tú đần”. Tú ít nghĩ ngợi lắm”. Sự “ít nghĩ ngợi” của nhân vật này, theo tôi, đặc trưng cho con người hiện nay khi số đông ỷ lại vào máy móc (máy tính, internet chẳng hạn), mất dần tính chủ động và độc lập suy nghĩ. Nhân vật thứ hai là May “Mười bảy tuổi, cũng học hết lớp chín như Tú. Nghe đâu May từng học ở nhà văn hoá thiếu nhi của tỉnh rồi lỡ có thai với một chàng nhạc công nên bỏ học, theo tiếng gọi của mây gió mà vào Sa Pa”. Lại thêm một mẫu hình của lối sống buông thả, tự do khi một cô bé tuổi vị thành niên đã kịp trở thành đàn bà. Đó không phải là tinh thần hiện sinh của đời sống thì là cái gì?! Ở đoạn sau của truyện, hoa cẩm tú cầu hiện thành cô gái trò chuyện với Tú rồi dẫn dắt Tú đi gặp nhân vật thứ ba tên Thụ, một người đàn ông kì dị, thà ôm ấp một hình nhân trong sạch (ma-nơ-canh) còn hơn sống với bất cứ người đàn bà đã bị vấy bẩn nào. Hoá ra, đến đây thì độc giả giác ngộ hoàn toàn, kì ảo hay kinh dị chỉ là một hình thức, cách thức, con đường nghệ thuật để tác giả dẫn dụ độc giả đi tới khám phá sự thật, chân lí đời sống mà thôi. Truyện Huyết đằng của Phạm Hải Anh kể về một “ca” bệnh nhân ung thư đặc biệt (một căn bệnh đang tác oai tác quái, đe dọa sự sống của con người, nhất là ở Việt Nam hiện nay), truyện cũng kể về phương thức chữa trị bệnh nan y theo bài thuốc dân tộc đang khá phổ biến. Phận người thuở nào và ở đâu cũng đều mong manh trước bệnh tật, đói nghèo, cái ác, bạo lực. Và con người nhiều khi bất lực hoàn toàn trước số phận người thân yêu của mình. Chủ đề sâu sắc ấy được khoác bộ trang phục kì ảo – kinh dị càng tác động mạnh mẽ đến tình cảm độc giả. Cả hai nhân vật nam bệnh nhân và cô con gái thầy thuốc đều bảng lảng trong sương khói, câu chuyện vì thế vừa huyễn hoặc vừa sát thực trong tâm thức độc giả như một hiệu ứng tinh thần “sắc sắc, không không”.
Văn chương kì ảo nhìn từ hai phía
Một câu hỏi đặt ra là vì sao bây giờ độc giả thích đọc văn chương kì ảo – kinh dị? Thiết nghĩ nếu đứng về phía lí luận tiếp nhận nghệ thuật để giải thích, chúng ta sẽ nhận ra một thực tế là: công chúng của nghệ thuật đã thay đổi một cách đáng kể (về tâm thế, về điều kiện sống, về sở thích, về trình độ). Trẻ em (và cả người lớn) say mê chơi game, lại càng đắm đuối với trò chat (và cũng vì thế biết bao hệ lụy đau lòng không tránh khỏi đã xảy ra trong cái thế giới ảo đầy bất trắc này). Internet đã làm thay đổi, thậm chí đảo lộn nhiều giá trị cố hữu của đời sống, trong đó có văn chương. Các lĩnh vực sinh hoạt tinh thần hiện đại phải phục tùng quy luật thích ứng và tiện lợi đối với con người trong tư cách người sử dụng và là người hưởng thụ. Con người hiện đại thích sống trong những ảo giác (cũng như trẻ em đi xem xiếc thích nhất trò ảo thuật) nên cần có những “nhà cung cấp” các món ăn tinh thần được sáng chế theo hình thức và nguyên tắc kì ảo – kinh dị. Văn chương kì ảo – kinh dị có đất sống, thậm chí có cơ hội phát triển là vì thế. Trong tiểu luận Đọc tác phẩm văn chương kì ảo (qua trường hợp Chùa Đàn của Nguyễn Tuân) in trong sách Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011) tôi đã nhấn mạnh một ý “Từ kinh nghiệm đọc Chùa Đàn của Nguyễn Tuân đến cách đọc các tác phẩm văn chương kì ảo đương đại Việt Nam” là dựa trên kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Tzevan Todorov “Cái kì ảo chủ yếu dựa trên một sự lưỡng lự của người đọc – một người đọc tự đồng nhất hoá với nhân vật chính – về bản chất của một biến cố lạ lùng. Sự lưỡng lự này có thể được giải quyết hoặc chấp nhận rằng biến cố thuộc về thực tại; hoặc quyết định rằng nó là sản phẩm của trí tưởng tượng hay kết quả của một ảo tưởng; nói theo cách khác, người ta có thể quyết định rằng biến cố có hay không có. Mặt khác cái kì ảo đòi hỏi một kiểu đọc nào đó: không thế, người ta có thể trượt sang ám dụ hoặc sang thơ ca” (Dẫn luận về văn chương kì ảo).
Thiết nghĩ nghệ thuật tồn tại là do sự cộng hưởng, thông đồng giữa “người cho” và “người nhận” (người cho là nghệ sĩ – người nhận là công chúng). Đứng trước một công chúng mới như vừa nói ở trên, không có lí do gì người sáng tác quay lưng lại, thậm chí “mũ ni che tai”. Lịch sử văn chương thế giới đã ghi nhận ngay như văn hào Pháp Hônôré de Balzac (1799 – 1850), một bậc thầy chủ nghĩa hiện thực đồng thời cũng là một tác giả của những áng văn kì ảo bất hủ (về vấn đề chuyên sâu này xin quý vị tìm đọc công trình nghiêm túc và bổ ích của nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn – Cái kì ảo trong tác phẩm Balzac, Nxb Giáo dục, 1999). Những tác phẩm cổ điển, để đời làm say mê biết bao thế hệ lại vẫn có thể là truyện kì ảo như Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, một nhà văn đã không chỉ làm say mê độc giả mà còn làm say mê cả giới nghiên cứu Việt Nam (tiêu biểu như tác giả Trần Văn Trọng với công trình mới toanh, rất đáng đọc – Thế giới nghệ thuật kì ảo trong Liêu trai chí dị, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012). Nhà văn khi sáng tạo không thể không tính đến một vấn đề cốt tử – tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật. Đã có một thời kì dài chúng ta chăm chú vào “nội dung” mà sao nhãng “nghệ thuật” (vì cho rằng đó là hình thức thuần túy). Sáng tác văn chương bằng hình thức kì ảo – kinh dị rõ ràng là một “chiêu thức” quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm, một tiêu chuẩn đầu tiên để “lôi kéo” công chúng nghệ thuật ngôn từ trong cuộc đua gay gắt từng ngày từng giờ với văn hoá nghe – nhìn để tranh giành các “thượng đế”.
Văn chương kì ảo – kinh dị có triển vọng sáng sủa khi nhận thức của con người thời đại càng rộng mở, đồng nghĩa với nhiều cánh cửa mở ra, dẫn đến những nẻo đường thiên lí của nghệ thuật tiếp cận chân lí đời sống trong những hình thức muôn hình muôn vẻ của nó
Hà Nội, tháng 3 năm 2013
Nguồn: Vannghequandoi