Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có mặt tại buổi ra mắt tác phẩm mới của 8 cây bút thế hệ 8X. Bày tỏ sự ủng hộ người viết, song ông kêu gọi họ quên ngay khái niệm trẻ, già khi cầm bút sáng tạo văn chương.

Sáng 21/3, tại Hội sách TP HCM lần bảy, diễn ra buổi giao lưu độc giả với 8 cây bút sinh vào những năm 1980. Các tác giả này gồm: Đỗ Đức Anh (tập Những sắc màu của gió), Nguyễn Anh Đào (Chỉ cần em biết khóc), Nguyễn Thị Hải (Quả đồi phía Tây), Ngô Thị Hạnh (Khúc hát giờ kẹt xe), Nguyễn Thị Kim Hòa (Nho đắng), Tiểu Quyên (Con tàu đi tìm sân ga), Trương Thanh Thùy (Một nửa của tình yêu), Nguyễn Hữu Tài (Những chuyến thiên di). Các tập truyện ngắn nằm trong “Tủ sách 8X” của NXB Văn hóa – Văn nghệ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi giao lưu “Tủ sách 8X”.

Ngoài các cây bút kể trên, buổi giao lưu có sự góp mặt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thu Phương, Bùi Anh Tấn, Phan Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu… Thế hệ đi trước này dành thời gian ngồi lắng nghe từng cây bút trong tủ sách 8X tâm sự, kể về trải nghiệm văn chương. Không chỉ vậy, họ còn có những đóng góp, lời khuyên chân tình.

Phan Hồn Nhiên bày tỏ, bước ban đầu đến với văn chương thường người viết luôn đầy hứng khởi. Chỉ đến những bước đi tiếp theo, khó khăn và nhọc nhằn của việc viết lách mới dần hiện ra, thử thách lòng kiên nhẫn và óc sáng tạo của nhà văn. Vì thế, phải không ngại khó, ngại vất vả, kiên nhẫn đi trên con đường sáng tạo thì mới hy vọng chạm đến mục tiêu.

Từ trái qua: Nhà văn Bùi Anh Tấn, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Danh Lam và Phan Hồn Nhiên đọc các đầu sách mới, được giới thiệu tại buổi giao lưu.

Nguyễn Danh Lam kể lại những năm tháng đầu vất vả khi anh gắn bó với con chữ, gửi bản thảo đến đâu cũng bị từ chối, in được một cuốn sách là cả một vấn đề lớn lao. Từ đó, anh khích lệ người viết, khi đã có bệ phóng là tác phẩm đầu tay càng cần nuôi dưỡng tình yêu và nhiệt huyết với nghiệp viết lách.

Bay từ Hà Nội vào TP HCM để dự Hội sách lần bảy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không bỏ lỡ dịp tiếp xúc các cây bút 8X. Ông cho rằng, những người trẻ là những người dám bứt phá, đổi mới, thử nghiệm và tìm tòi. Việc ra đời một tủ sách tập trung cây bút của cùng một thế hệ như thế này là đáng quý, là bệ phóng để người viết thêm tự tin. Tuy vậy, ông khẳng định, cần quên ngay khái niệm già – trẻ, bởi trong văn chương không tồn tại khái niệm này, giá trị tồn tại đó chính là “chất văn”, cá tính và tài năng của người viết. Phạm Xuân Nguyên cho rằng, các cây bút thế hệ sau nên sáng tác trong tâm thế “Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta…”.

Cây bút Tiểu Quyên.

Đại diện NXB Văn hóa – Văn nghệ cho rằng, 8 tập truyện ngắn vừa ra mắt của đơn vị này tuy chất lượng không đồng đều, khác nhau ở cách thể hiện, giọng điệu nhưng đều mang nội dung phong phú, phản ánh phần nào những bộn bề ngổn ngang của cuộc sống. Ở đó lấp lánh một niềm say mê văn chương lặng lẽ nhưng mạnh mẽ của những cây bút thế hệ hôm nay.

Chính văn chương và con chữ đã mang đến sức mạnh trong cuộc sống cho người viết. Nguyễn Hữu Tài làm việc và mưu sinh ở tận nước Mỹ nhưng vẫn nhớ về góc chợ, con người bình dị của quê nhà. Tiểu Quyên vốn làm công việc khô khan của nhà báo, vẫn đầy những trăn trở với sáng tạo chữ nghĩa, và đích đến của cuộc đời. Nguyễn Thị Kim Hòa có một tay bị bại liệt từ nhỏ, viết văn say sưa bằng cánh tay còn lại, mang đến những trang viết đầy đắng chát nhưng không thiếu yêu thương. Ngô Thị Hạnh vốn là nhà thơ quen thuộc của làng thi ca, vẫn một lần thử sức mình khi “dan díu” với truyện ngắn để nhìn cuộc sống với một góc khác…

Tủ sách văn học 8X ra đời từ tháng 6/2011, đến nay nhận được hơn 20 bản thảo tập truyện ngắn của các tác giả. Trước đó, ở đợt đầu, tủ sách này ra mắt 5 tập truyện ngắn của Bích Khoa, Yến Linh, Trần Minh Họp, Lê Minh Nhựt, Vũ Thị Huyền Trang.

NXB Văn hóa – Văn nghệ mong tiếp tục nhận được những bản thảo của người viết. Tiêu chí để các bản thảo được chọn in sách là phải đậm chất văn, mang đến cho người đọc sự ngẫm ngợi, rung cảm, khơi gợi tình yêu thương trong cuộc sống…

Thoại Hà

Nguồn: eVan.