“Văn chương nói chung và thơ nói riêng không nên phân biệt cái gọi là văn học nữ quyền. Bởi vì phân chia như thế là cực đoan. Thực tế cũng có nhiều cây bút nam viết về thân phận người phụ nữ rất hay” – nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 với báo điện tử Tổ Quốc.


Chân dung nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà (ảnh nhân vật cung cấp)

PV: Được biết nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà đến với thơ không sớm, tuy nhiên khi vừa xuất hiện đã thể hiện độ chín. Nhà thơ từng in tập thơ “Đứt dải yếm” khi mình không còn trẻ, một cái tên rất đàn bà, rất gợi, vừa có gì như lẳng lơ, đong đưa, táo bạo vừa như sơ sểnh, quê mùa và nó hợp với tâm trạng của một cây bút trẻ hơn. Nhà thơ có thể chia sẻ tại sao khi mình không còn trẻ lại có một bài thơ có tên táo bạo như vậy?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Tôi đến với văn chương từ rất sớm, chỉ công bố không sớm thôi. Tôi sáng tác văn xuôi trước khi sáng tác thơ, nhưng công bố thơ với bạn đọc trước khi công bố văn xuôi.

Trước tập (Đứt dải yếm) tôi đã có những tập thơ 1/ Gửi Con Lời Ru. 2/ Đi Ngang Chiều Gió. 3/ Cỏ Mặt Trời. 4/ Người Gánh Vô Hình. Sau tập thơ Đứt dải yếm, tôi đã xuất bản tập thơ tiếp theo Ngả vào giữa nguyên khôi; Tập truyện ngắn Đầm Ma (được dịch và xuất bản tại Mỹ); Tập truyện ngắn Ám ảnh- NXB Dân Trí; tập tản văn Lạc trong đêm Liêu Trai- NXB Quân đội; Tiểu thuyết Mưa trong nắng- NXB Công an nhân dân, giải III cây Bút vàng năm 2015 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong số những tập thơ trên có nhiều bài thơ được giải. Có những bài được tuyển chọn trong những Tuyển tập thơ.

Thực ra cái tên Đứt dải yếm nó gợi người đọc, nhưng nội dung bài thơ lại không phải (lẳng lơ /đong đưa/ sơ sểnh…) như nhiều người cảm nhận đâu. Đây là một bài thơ mang tính ẩn dụ, nói lên tâm trạng của người phụ nữ trước sự phản bội. Tôi ví lời yêu thương nồng nàn nhất được ấp ủ trong tim sau làn yếm mỏng, dây buộc cũng mảnh, nhưng sự phản bội đã khiến tình yêu ấy vỡ tràn, khiến dải yểm mỏng manh ấy không giữ nổi.

Câu cuối: …Dải yếm đứt/ chẳng giữ nổi bấy nhiêu lời trước gió/ Nay rẽ sang một phương trời lạ/ Ngày thương em/ Người thả nơi đâu.

PV: “Đứt dải yếm” dường như đã trở thành tên gọi mà mỗi khi nhắc đến nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà là độc giả nghĩ ngay đến. Nhà thơ có cảm thấy hạnh phúc vì điều đó không hay nhà thơ muốn chối bỏ cái tên này?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Khi xin giấy phép xuất bản tập thơ thứ 5 của mình, tôi đặt tên Chín Vía. Người biên tập là nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư đã gợi ý lấy tên “Đứt dải yếm” làm tên tập thơ. Tôi đồng ý, và thấy cái tên ấy rất thú vị.

PV: Thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà viết nhiều về thân phận người phụ nữ, cũng dễ hiểu vì nhà thơ là phụ nữ nên dễ đồng cảm nhưng lý do nào khiến nhà thơ có thể hóa thân vào nhiều thân phận người phụ nữ đến vậy: – người con, người mẹ, người vợ liệt sĩ, người phụ nữ trắc trở tình duyên…?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Là nhà văn ai cũng phải hiểu tâm lí nhân vật, phải biết hóa thân vào những thân phận, những số phận trong xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng để sáng tác. Tôi không bê cuộc đời của tôi vào tác phẩm trừ bút kí và một vài tản văn.

PV: Trong các bài thơ viết về thân phận người phụ nữ của mình cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà tâm đắc nhất bài thơ nào? Lý do?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Thực ra với một người làm thơ, tác phẩm nào cũng được coi là đứa con tinh thần của mình nên tác giả cũng đều yêu quý hết.

Tuy nhiên, những bài thơ tôi viết về mẹ, về những người góa phụ có chồng con hi sinh ở các cuộc kháng chiến khiến tôi tâm đắc hơn. Bản thân tôi thấy gần gũi nhất là khi viết về mẹ. Tôi cũng là người hiểu về thân phận của mẹ nhất khi phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và thực tế, khi những bài thơ viết về mẹ của tôi được đăng tải thì cũng nhận được sự đồng cảm nhiều nhất của độc giả.

PV: Nhà thơ có nhận xét gì các nhà thơ nữ cùng thời? Các nhà thơ nữ trẻ hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Với các nhà thơ nữ cùng thời dù mỗi người đều có một sắc thái riêng, góc cạnh riêng với những đánh giá nhất định của độc giả, tạo được tên tuổi như: Đoàn Thị Lam Luyến, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh… cách viết vừa truyền thống lại vừa có những cách tân đáng kể. Cùng với những trải nghiệm của bản thân nên tác phẩm qua thử thách của thời gian vẫn đứng vững và luôn được độc giả đón nhận.

Còn các nhà thơ trẻ họ sáng tạo ra nhiều cái mới, thông tin mới, cách viết mới và phải thừa nhận họ có khá nhiều cái hay, cũng đáng phải học tập. Tuy nhiên vì trải nghiệm của các nhà thơ trẻ còn ít nên không phải tác phẩm nào cũng lưu lại được.

PV: Theo nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà thì trong văn chương có cần phải phân ra cái gọi là văn học nữ quyền không, hay chỉ cần tiêu chí hay và dở là đủ?

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Văn chương nói chung và thơ nói riêng không nên phân biệt cái gọi là văn học nữ quyền. Bởi vì phân chia như thế là cực đoan. Thực tế cũng có nhiều cây bút nam viết về thân phận người phụ nữ rất hay. Tôi cũng biết là có một số nhà lý luận phê bình văn học không đồng tình khi phân chia văn học nữ quyền.

Với văn học, chỉ cần hay và không hay là đủ.

PV: Xin hỏi nhà thơ một câu hơi riêng tư một chút, là người cầm bút thì ngày 8.3 nhà thơ có thích được tặng thơ không?.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Tôi rất trân trọng và hạnh phúc nếu được tặng quà là những tập thơ của bạn bè, đồng nghiệp. Ngay hôm vừa rồi, ban nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức một chuyến đi, trong chuyến đi này tôi có mang tác phẩm mới của mình đến tặng bạn bè và cũng được bạn bè tặng lại. Nếu như trong tập thơ mới đó mà lại có bài thơ hay, bài thơ tôi thích thì quả thực rất hạnh phúc và dường như là thứ hạnh phúc của riêng mình.

* Cảm ơn nhà thơ, chúc nhà thơ luôn tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.!

Hiền Nguyễn (thực hiện) – Văn học quê nhà

Exit mobile version