Bên cạnh làn sóng hallyu vẫn đang rất phát triển trên thế giới văn chương xứ kim chi bắt đầu có sự chuyển mình rõ rệt khi đi sâu khai thác vào những góc khuất đời sống xã hội và con người ở Hàn Quốc.

Tìm chỗ đứng ở thị trường Việt

Sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc những năm gần đây phát triển rất mạnh. Nền giải trí chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ. Mỗi năm đất nước này có thể sản xuất hàng loạt bộ phim tình cảm lãng mạn khiến các khán giả phải rơi nước mắt. Những ban nhạc thần tượng với những chuyến lưu diễn khắp thế giới, tạo hiệu ứng mạnh tới mức không ít ca sĩ phương Tây phải thán phục.


Nhưng khác với âm nhạc hay phim ảnh, văn học Hàn Quốc lại mang một nhịp thở khác. Nhà văn Kim Young Ha đã từng có những chia sẻ khi anh tới và mang tác phẩm tới Việt Nam: “Hàn Quốc thực sự đang đứng trong đầm lầy tăng trưởng yếu. Mọi người đang xem điện ảnh hay phim truyền hình, nghe nhạc đại chúng để biết thêm về văn hóa Hàn. Về mặt nào đó tiểu thuyết cũng đang đi đúng hướng. Có thể trên phim thể hiện là một Hàn Quốc hay Seoul đáng mơ ước nhưng trong văn chương lại u ám và khắc nghiệt hơn.”


Vài năm trở lại đây, lượng tác phẩm văn học Hàn Quốc được chuyển ngữ tại Việt Nam tăng mạnh. Độc giả được đón nhận những tựa sách như Lưỡi (Jo Kyung Ran) Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung sook), Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 (Park Lee Jeong), Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên (Cheon Myeong Kwan), Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ (Gong Ji Young), Điều gì xảy ra, ai biết; Chơi Quiz show và Tôi có quyền hủy hoại bản thân (Kim Young Ha), 7 năm bóng tối (Jeong You Jeong), Ai đã ăn hết những cây Sing-A ngày ấy (Park Wan Suh)…

Các tác phẩm văn học Hàn Quốc được chuyển ngữ khá nhiều mấy năm gần đây.


Tuy nhiên, số lượng tác phẩm này vẫn còn khá nhỏ. Thống kê cho biết số đầu sách Hàn có mặt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam nằm ở con số rất khiêm tốn trong khi đó số sách Trung Quốc lên tới 539 cuốn, áp đảo hoàn toàn.


Về vấn đề này đại diện Nhã Nam – một trong những đơn vị cho ra mắt nhiều đầu sách văn học Hàn cho biết: “Nhã Nam vẫn đang và sẽ không ngừng giới thiệu thêm nhiều tác phẩm văn học của Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đến độc giả Việt Nam. Chúng tôi đã có lộ trình riêng để giới thiệu các tác giả tiêu biểu và đặc trưng nhất của văn học đương đại Hàn Quốc, đồng thời cũng giới thiệu một số tác giả được giới trẻ nước này yêu thích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi một số sự chậm trễ nhất định do nguyên nhân khách quan như thiếu người dịch, bản thảo khó cần biên tập kỹ lưỡng, dẫn đến chậm tiến độ ra sách dự kiến”.


Không chỉ ở riêng Việt Nam, trong giai đoạn chuyển mình của văn chương xứ kim chi cũng vấp phải không ít khó khăn. Sự o bế thiếu đầu tư, dịch giả chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu, đề tài quá gai góc và u tối cũng một phần trở thành rào cản lớn khiến các tác phẩm chưa tới được tay độc giả.


Trong thời gian tới dịch giả Kim Ngân – người vừa giành giải thưởng dịch thuật hàn Quốc với tác phẩm 7 năm bóng tối cũng chuẩn bị cho ra mắt tùy bút của tác giả Kim Nan Do và bộ sách tranh của tác giả Shim Seung Hyun. Hiện tại, cô đang trong quá trình dịch một tiểu thuyết trinh thám của tác giả Pyun Hye Young.
Một hình ảnh khác về Hàn Quốc


Khác với nhiều trường phái văn học hiện đại trên thế giới, văn chương Hàn Quốc chủ yếu đi sâu khai thác những góc tối bên cạnh đời sống hào nhoáng, hoa lệ vốn có như nhiều người tưởng tượng. Tiểu thuyết hay truyện ngắn Hàn Quốc hiện đại viết nhiều về nỗi cô đơn, sự bế tắc và hoang mang trong cuộc sống của một lớp người trẻ tuổi.


Hàn Quốc nằm trong danh sách những nước có người tự sát nhiều nhất thế giới. Và nguyên nhân của tình trạng đáng lo ngại này là sự mất cân bằng về tăng trưởng kinh tế và đời sống tinh thần, sự rạn nứt của giá trị gia đình, cạnh tranh khốc liệt về công ăn việc làm…


Điều dễ nhận thấy ở nhiều tác phẩm văn học Hàn là sự ám ảnh và lay động lòng người. Nỗi cô đơn, sự bế tắc, cuộc sống đầy khó khăn đeo bám trong một xã hội phát triển chóng mặt… tất cả được đưa vào văn chương một cách trần trụi, chân thực và chi tiết nhất. Nhưng đan xen trong đó vẫn là tình cảm ấm áp giữa con người với nhau, đó mới là cứu cánh để con người vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.


Nhà văn Kim Young Ha với tác phẩm Tôi có quyền hủy hoại bản thân là một điển hình. Anh viết về một nỗi ám ảnh dai dẳng đeo bám và tồn tại rất lâu trong đới sống xã hội Hàn Quốc. Nhưng chính những lát cắt hiện thực lại trở thành sự soi sáng, chỉ lối giúp thế hệ trẻ bình tâm mà vững tin hơn.


Đó có lẽ cũng là điểm đặc biệt, gây ấn tượng của văn học xứ kim chi. Các nhà văn luôn khéo léo sử dụng mảng màu tối để làm sáng rỏ những suy nghĩ thật sự đẹp đẽ, khiến độc giả trên thế giới đồng cảm, và điều đó được thể hiện một cách vừa sâu sắc vừa hóm hỉnh. Qua đó, người đọc hiểu thêm về đất nước và con người Hàn Quốc.


Theo My Lan – Zing

 

Exit mobile version