Mối quan hệ giữa văn học và chính trị giống như hai mặt một tờ giấy, nó vừa rõ ràng vừa mơ hồ, vừa là ý thức khai phóng nhưng cũng lại là sự dè dặt, thận trọng đến đáng sợ. Phải chăng, ở ta, chính trị được/ bị đồng nhất với chế độ và ý thức hệ xã hội như Lê Ngọc Trà trong Văn nghệ và chính trị từng khẳng quyết: “Nói văn nghệ phục vụ chính trị (tức một chế độ chính trị) là đúng. Văn nghệ chính thống của một xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ những nền tảng, những yêu cầu của việc xây dựng và củng cố chế độ ấy. Đó là quy luật.” ? Nếu như vậy thì, dường như, quan niệm về chính trị thường gắn liền với ý nghĩa giai tầng xã hội và với con người chính trị nhiều hơn là gắn với ý thức trách nhiệm của công dân trước những biến cố lớn xảy ra trong đời sống con người. Trong đó con người thực thi quyền công dân với vai trò là chủ thể gánh vác và sẻ chia trách nhiệm đối với nền văn hóa thế giới, trước những nguy hại đến từ tự nhiên đang đổ ụp, đe dọa sự tồn vong của trái đất. Vì vậy, quan niệm về chính trị và mối quan hệ giữa chính trị với hư cấu cần được phản tỉnh, nhìn nhận đúng.

Khai minh ý nghĩa của việc trả lời câu hỏi: chính trị là gì?

Ý nghĩ xem chính trị bị/được đồng nhất với chế độ, đảng đoàn là một quan niệm sai lầm. Chính quan niệm đó đã tạo ra sự dè dặt đến sợ hãi, im lặng đến rùng mình của giới trí thức trước hiện thực kinh nghiệm sống. Chế độ xã hội hay ý thức hệ xã hội, mà nói đúng ra, những nhóm lợi ích nắm quyền lực đất nước thường muốn đồng nhất giữa cái đặc thù và cái phổ quát làm một xung quanh khái niệm chính trị, trong khi đó, về bản chất, quyền lực chỉ là một khía cạnh nhỏ trong cái chung cục phổ quát là chính trị ấy. Các thế lực lưu vong và đầy hận thù, bất đồng quan điểm về chế độ đã lợi dụng văn học như công cụ để đòi lợi ích cho điều mà họ gọi là “ý nghĩa chính trị của văn học”, đánh đồng giữa lợi ích nhóm với ý nghĩa nhân loại của văn học. Thực trạng khủng hoảng về đời sống chính trị của lớp người lưu vong ấy đã chứng tỏ: bất cứ sự lạm dụng nào đối với nghệ thuật cũng đều là những vũ khí quay lưng chống lại nghệ thuật. Người văn nghệ cần phải rạch ròi giữa lợi ích nhóm bị thâu tóm vào con đường vị kỷ ý thức hệ và trách nhiệm của con người trước vận mệnh nhân loại đang bị đe dọa từ các thế lực tự nhiên, từ chính con người, để từ đó, họ có thể chọn cho mình con đường khai phóng lý tưởng trong vai trò trí thức.

Ngày hôm nay, khi một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của nhân loại, kéo nhân loại vào nguy cơ diệt vong thì đó là chính trị. Nói như vậy thì, đại dịch ung thư, HIV, hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng tan, chiến tranh, tranh chấp các vùng đặc quyền đặc lợi, sự suy đồi văn hóa, sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự diệt vong của nhân bản, sự tha hóa của nhân tính, sự hủ lậu của tri thức, sự nô dịch về ngôn ngữ… cũng đều là chính trị. Vì những vấn đề ấy ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, và sự tự tôn quốc gia, dân tộc và con người trong những nền văn hóa cụ thể, đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của toàn thế giới nhân loại. Chính trị cần được hiểu là những gì quyết định đến sự sống còn của thế giới, của nhân loại và quốc gia – dân tộc. Khi nào lợi ích đại đồng được đặt trước lợi ích quốc gia, khi nào giá trị nhân loại đặt trên giá trị con người giai cấp, con người chính trị, thì khi ấy, câu trả lời cho câu hỏi chính trị là gì?, mới thực sự được khai minh.

Chúng ta đừng quá huyễn hoặc cái ý nghĩa chính trị đã trở thành huyền thoại của giai cấp sử dụng nó, hãy trả nó lại nguyên nghĩa tích cực hồn nhiên vốn lẽ thuộc về Con Người. Có như vậy, văn học nghệ thuật mới làm đúng vai trò, chức năng của vị thần khai sáng lý tưởng, hướng con người đến một thế giới hòa bình, bác ái và vị tha. Chỉ khi nào, văn học quan tâm đến chính trị mà không phát ngôn thành lời mang tính cách chính trị, nghĩa là, nó đang đứng trong lòng chính trị. Còn khi nào diễn giải về thế giới, mà văn chương vẫn đeo đẳng bên cạnh nó những khẩu hiệu vì một lý do nào đó, thì khi ấy, nó nói đến chính trị nhưng thực chất là đang đứng ngoài chính trị.

Hư cấu chính trị là gì?

Hư cấu chính trị (Political Fiction) không phải là sự giải thích và minh họa cho những vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích thế giới, lợi ích quốc gia và con người, mà cần thiết được xem như là hành động tích cực trong việc đánh giá và khai phóng con đường giải quyết hữu hiệu nhất những vấn đề chung đó bằng hình tượng nghệ thuật. Nói như vậy thì, tác phẩm Hư cấu chính trị không chịu bó hẹp mình trong những giới hạn lợi ích quốc gia, mà cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trong vòng tròn biện chứng (Dialectica circle) với lợi ích thế giới, lợi ích nhân loại. Chỉ khi chúng ta vượt ra khỏi lối tư duy cục bộ theo kiểu “dân tộc tính”, thì khi ấy, văn học nghệ thuật mới thực sự trở thành thành trì bảo vệ cho cuộc sống hòa bình, mở ra một thế giới lý tưởng “tứ hải giai huynh đệ”. Văn học nghệ thuật mà không mở ra cho con người đời sống lý tưởng trong một thế giới lý tưởng, thì nghĩa là, văn học nghệ thuật đang suy sụp tự thân. Nói như vậy thì, khi chúng ta đặt văn học trong lòng chính trị, nghĩa là, chúng ta đang thừa nhận bản chất của văn học luôn có tính cách lãng mạn, và người viết nên tác phẩm Hư cấu chính trị là người đeo đẳng tâm thức lãng mạn trong cảnh lưu đầy.

Vì sự ưng bế của các vấn đề chính trị không phải đến với nhân loại hàng ngày mà là từng giây, từng phút. Nó khóa chặt con người vào sự bế tắc và bị giam hãm trong sự cô đơn khủng khiếp. Trong ý nghĩa thiết tha của việc giải thoát, con người cần phản kháng, phá rào, lên tiếng bảo vệ lợi ích chung thay vì phải thở than trong câu nói “tôi cô đơn quá!”. Nhưng con người không thể mở hướng tư duy của mình đến hiện thực chính trị đang trói chặt họ trong sự cùng quẫn đi tìm lối thoát cho nó, mà cần phải hướng đến một thế giới được dựng lên bằng hư cấu và tưởng tượng, kèm theo những cách thức giải quyết có phần “huyễn tưởng”. Chính điều ấy đã cứu vớt cho con người văn học thoát khỏi sự u ám do hiện thực nóng bỏng như chảo lửa đang ùa đến, dồn “tinh anh” của tâm hồn cho những con chữ bay bổng trong thế giới của hoa và mộng mà họ mơ về và mong được sống trong đó. Lại nhắc tới Chinh Phụ Ngâm Khúc. Hiện thực lưu đày nơi chiến sa của người chinh phu là vấn đề chính trị lớn. Nó kéo sụp tuổi thanh xuân, hủy hoại tinh lực của người thiếu phụ trong cái bóng còm cõi nhìn từ xa mà ngóng chồng về, dồn nén nỗi buồn vào giọt lệ cuối cùng lúc chia tay: “Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi/ Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề”, để rồi sau đó ấm ức và hối hận cho một quyết định chính trị sai lầm: “Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu/ Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong…Hướng dương lòng thiếp như hoa/ Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương… Nhủ rồi tay lại trao liền/ Bước đi một bước lại vin áo chàng”, rồi cuối cùng ôm phận lưu đày của tâm thức tuyệt vọng: “Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?”.

Lưu đày chiến sa là một bi kịch chính trị của con người, ngắm lên trăng thì trăng chẳng thấu nhìn đến người thì người chẳng hay, phận đời tù túng, muốn phóng thoát bằng một tiếng hét vang trời, nhưng nào hay ngoài trời kia có biết bao phận người cũng trong cảnh đó. Trách đời nhưng cũng là trách người, thi nhân chẳng thể giải nỗi buồn chính trị này cùng ai, đành dồn tâm lực và trí tuệ của mình để đốt cháy tâm thức đang lạnh toát vì côn đơn thành thế giới hư cấu lãng mạn, mong cứu chuộc mình trong những lúc bí bách. Kết quả từ sự đốt mình ấy của Đặng Trần Côn đã hóa thành lửa của Chinh Phụ Ngâm, một ngọn lửa bất diệt cho dòng Hư cấu chính trị ở Việt Nam. Ngọn lửa ấy đã cháy xuyên biên giới và lan sang cả Trung Hoa, chạm tới chiều sâu nhân tính của xứ sở totem sói, khiến họ phải bật lên thành lời kinh điển để xót xa cho một kiếp đời nhưng cũng là để tụng ca cho một “vị chúa” người Việt đã sáng thế bằng kiệt tác bất hủ: “Tinh thần trút cả vào đây, tác giả bài này chỉ sống ba năm nữa thì chết” và quả thực “ông làm đến chức quan Ngự sử rồi mất đúng như lời đoán trên ấy” (Phạm Đình Hổ (1943) Trúc Khê dịch, Tang thương ngẫu lục, Tân Dân xuất bản, H, tr.162).

Đặc điểm của dòng Hư cấu chính trị là nó chỉ ra cho con người thấy trách nhiệm của công dân trong thế giới đại đồng, thúc giục họ cần phải làm cái gì đó để thay đổi hiện thực chính trị đang tác động đến nhân loại, quốc gia, dân tộc, để thấy mình còn là một phần trong cuộc sống ấy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà phương pháp phê bình sinh thái (Ecocrticism/ Écocritique) được các nước chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa sử dụng phổ biến. Trong đó, việc lí giải văn học chỉ là một phần nằm trong sự tác động của phương pháp ấy, vì dù gì đi nữa, mỗi phương pháp phê bình cũng chỉ đóng góp một hoặc một số khía cạnh thẩm định, đánh giá các hiện tượng văn học. Nó không thể và không bao giờ là phương pháp hữu hiệu cho chân lí phổ quát trong văn học. Tuy nhiên, bên cạnh việc xem phê bình sinh thái như một phương thế tư duy văn học, thì nó còn được xem như là sự can dự trực tiếp của các nhà phê bình vào quá trình ngăn chặn suy thoái môi trường, thể hiện thái độ trí thức trước vấn đề đang nóng lên trong toàn xã hội. Và suy thoái môi trường là một hiện tượng chính trị. Nó thúc giục toàn xã hội phải vào cuộc để ngăn chặn và chống lại những tác động tiêu cực từ tự nhiên tới vận mệnh nhân loại. Chính sự can dự biểu hiện thái độ trí thức ấy của người cầm bút đã chứng minh tính nhịp nhàng, ăn nhập của văn học trước những vấn đề xã hội, con người. Tuy rằng, phê bình sinh thái không phải là Hư cấu chính trị, nhưng nếu không có tác phẩm Hư cấu chính trị quan tâm đến các hiện tượng sinh thái, thì hiển nhiên sẽ không thể tồn tại cách thức tư duy, phương thức tồn tại của phương pháp phê bình tương ứng với nó. Tính chất biện chứng ấy đã chứng minh sự tồn tại của dòng Hư cấu chính trị như một đới cực, nhằm can thiệp, giải quyết phần nào đó các vấn đề chính trị thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật.

Không nói đâu xa, hiện tượng động đất và sóng thần diễn ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại Nhật Bản đã thực sự giáng xuống con người đương thời một cú sock tâm lý. Cú sock ấy đã lặn sâu, trở thành tâm bệnh, ám ảnh cả nhân loại. Con người cảm thấy sự mong manh của số phận. Thay vì phải tạo ra cảm giác thư thái, và cách thức để sống chậm trong thời khủng hoảng tinh thần này, thì con người lại sống gấp và bất an hơn. Nhưng chính lúc con người đang khủng hoảng trong nội giới, thì cũng là lúc các nhà Hư cấu chính trị vào cuộc, thúc đẩy một phong trào rộng khắp “chống lại” hiện tượng động đất, sóng thần. Thái độ can dự ấy đã ra đời ngay trên quê hương của bi kịch. Các tác giả Hư cấu chính trị đã sinh hạ những đứa con tinh thần, gửi gắm đến người dân Nhật Bản giấc mơ mơ về thế giới của sự đoàn kết và chống lại thiên tai. Những tác phẩm như Shinsai Kashū [Những bài thơ chọn lọc viết về thảm họa 11 tháng 3 ở Nhật Bản], Chūō Kōron Shinsha, see JBN No.70 của Hasegawa Kai, Me no umi – watashi no shisha tachi ni” [ Biển Mắt: Tìm về dĩ vãng đã qua của tôi] (Bungakukai, June 2011) của Henmi Yō, Uma tachi yo, sore demo hikari wa muku de [Những con ngựa, Ngay cả bây giờ ánh sáng vẫn còn tinh khiết] của Furukawa Hideo, Koi suru genpatsu [Nhà máy hạt nhân của tình yêu] của Takahashi Gen’ichirō, Fukushima no genpatsu jiko o megutte: Ikutsu ka manabi kangaeta koto [Sự cố hạt nhân ở Fukushima: bài học và suy ngẫm](Misuzu Shobō) của nhà vật lý Yamanoto Yoshitaka và Nihon no daitenkan [Nhật bản đang chuyển mình] (Shūeisha) của nhà nghiên cứu tôn giáo Nakazawashin’sichi… đã “lập tức trở thành một hành động bi thương, là lời nguyện cầu; đặc biệt vượt lên trên tất cả là nỗ lực không tuyệt vọng của nhà thơ hướng đến sức mạnh biểu đạt thơ ca và “sử dụng” nó để chống lại sự ngang ngược từ phía “các thế lực” tàn phá của tự nhiên” (Nhiều tác giả (2012), Japanese Book News, Number 71, p. 2 – 3) (xin xem bản dịch: Ngô Hương Giang, Văn học Nhật Bản Hậu động đất – sóng thần, trên văn nghệ trẻ số 29 ra ngày 14, 15/7/ 2012).

Vậy, với những con người Việt Nam, chúng ta đã làm gì và sẽ tiếp tục làm gì để chống lại sự ngang ngược của các thế lực xã hội trong sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta? Chúng ta sẽ chọn thái độ trí thức, can thiệp vào vấn đề chính trị của cả dân tộc và thế giới, hay chúng ta thờ ơ xa lạ và vô cảm? Hỡi những nhà Hư cấu chính trị, chúng ta phải làm gì để hướng những con người trên đất nước hình chữ S (.S:) này tới một thế giới của hòa bình và bác ái? Chúng ta chọn ngòi bút và trang giấy để viết lên sự phản kháng trước những vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc hay chúng ta chọn sống lầm lũi như một cái bóng, tụng ca cho những điều vô ích, để rồi chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân cho cuộc đời vô ích ấy?…Tất cả những điều đó đánh động đến lương tri của những con người đang hàng ngày nói và viết tiếng Việt. Chúng ta hãy thử tìm mình trong sự quật cường, đanh thép của người dân Nhật Bản, để thấy rằng, sẽ có một dòng văn học được khai sinh mang tên: Văn học Việt Nam Hậu Hoàng Sa – Trường Sa. Thành tựu của thái độ trí thức ấy sẽ “tạc vào non sông” thêm một hình hài mới của chữ viết và tư duy mang tên Việt Nam.

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version