(Qua trường hợp “Anh chàng xe điện” của Hitoni Nakano)
Sự bất lực do thiếu tương thích về ngôn ngữ thể hiện một cách rõ ràng và hùng hồn ngay trong bài viết này. Bởi chúng tôi dù đã rất cố gắng, vẫn không làm sao có thể dẫn lại những ví dụ, những trích dẫn, những Icon, những link, những hình ảnh vẽ bằng kí tự mà cuốn “tiểu thuyết” (nếu chúng ta tạm gọi “nó” là tiểu thuyết) Anh chàng xe điện (Densha-Otoko) đã trình bày.“Trời ơi, chúng ta đã thả một con quái vật quá kinh khủng ra ngoài thế giới” [9,280]
Chúng ta đang làm một việc hầu như vô nghĩa, bởi sự thiếu thốn và lạc hậu về những công cụ “ngôn ngữ” cần thiết, hữu dụng, nhằm khảo cứu một loại văn bản văn học mới, được viết trên nền của “ngôn ngữ nhị phân” (ngôn ngữ mạng) [1]. Thật vậy, trong khi những văn bản văn học hậu hiện đại dần thực hiện cuộc di thê từ ngôn ngữ viết đơn thuần sang ngôn ngữ mạng, một dạng trình bày và cấu trúc trên màn hình máy tính, với vô số những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, các đường link nối kết, dạng thức văn bản mà Umberto Eco gọi là “văn bản thậm phồn” (hypertext), với tính chất của truyền thông đa phương tiện (multimedial), thì chúng ta vẫn cứ phải cắm cúi khảo cứu một đối tượng luôn biến thiên màu sắc, hình hài như thế bằng thói quen sử dụng những kí tự viết đơn thuần. Điều này giống như, có những kẻ “mù chữ” đang nghiên cứu “miệng” về những văn bản viết, tức sự thiếu tương thích và thiếu tương ứng về ngôn ngữ giữa văn bản nghệ thuật và văn bản nghiên cứu. Đó là một niềm cảnh báo. Không có gì quá đáng, và cũng không thể “tự ái” với khái niệm “mù chữ” ngôn ngữ mạng, điều mà Nguyễn Hưng Quốc từng gọi là “mù chữ số” (digital illiteracy) [11,261], còn U.Eco từng nhận định rằng: “Hôm nay, khái niệm biết-chữ bao gồm nhiều phương tiện truyền thông. Một chính sách khai sáng về giáo dục biết-chữ phải quan tâm đến khả năng của tất cả những phương tiện truyền thông ấy” [7,206]. Từ đó, Eco phân định thành hai loại giai cấp công dân, một loại sử dụng thụ động thông tin, do chỉ biết ngồi trước truyền hình, và một loại biết sử dụng máy tính, nhằm thao tác và lựa chọn thông tin một cách có chọn lọc. Một thế hệ tri thức hoàn toàn có thể vô cùng uyên bác trong hệ hình ngôn ngữ của họ, nhưng khi phải đối mặt với một hệ hình ngôn ngữ mới, đa phần họ bị lịch sử bỏ lại sau lưng, và trở nên “mù chữ”. Hiện tượng các nhà Nho có thói quen viết bằng Hán – Nôm trở thành “nạn nhân” mù chữ trước tiếng Pháp ở nước ta đầu thế kỷ XX là một minh chứng [11,261].
Sự bất lực do thiếu tương thích về ngôn ngữ thể hiện một cách rõ ràng và hùng hồn ngay trong bài viết này. Bởi chúng tôi dù đã rất cố gắng, vẫn không làm sao có thể dẫn lại những ví dụ, những trích dẫn, những Icon, những link, những hình ảnh vẽ bằng kí tự mà cuốn “tiểu thuyết” (nếu chúng ta tạm gọi “nó” là tiểu thuyết) Anh chàng xe điện (Densha-Otoko) đã trình bày. Chính vì vậy, trong một phương thức làm việc “mù chữ” và khốn cùng nhất có thể, trước tiên, chúng tôi sẽ chỉ đi vào một số vấn đề liên quan đến lí luận văn học truyền thống của chúng ta, và nỗ lực scan một số ví dụ nhằm đưa vào minh họa. Còn một nghiên cứu đích thực về một “siêu văn bản” văn học mang tính thị giác và tùy biến, được viết nên bằng ngôn ngữ nhị phân (ngôn ngữ mạng), trong một cuộc cách mạng mạng hóa (webization), phải được viết bằng chính ngôn ngữ đó, được đăng chẳng hạn trên một diễn đàn mạng, trong một cuộc Hội thảo khoa học trực tuyến.
1. Cộng đồng viết và cấu trúc phân quyền
Marshall McLuhan (1911-1980), người anh minh trong công cuộc tiên đoán về sự lên ngôi của truyền thông đa phương tiện, người phát ngôn riết róng cho sự ra đời của những “kẻ vô hình” (discarnate man) (những cá nhân ảo di chuyển bất định trong không gian mạng), sở hữu “sự ý thức về toàn thể” (integral awareness) (quá trình kết nối tương tác đồng thời), đã có thể tìm thấy sự thừa nhận thông qua những văn bản văn học như Anh chàng xe điện. Đó thực sự là một “bức tranh đa khảm” của vô số những trích dẫn, phản hồi, hiệu ứng, hình ảnh, đường link kết nối, đúng với phát ngôn nổi tiếng của McLuhan: “phương tiện truyền thông chính là thông điệp” (the medium is message) [8,297]. Một số nhận định còn e dè của chúng tôi trước đây qua các bài viết [1], [2] đã được cổ vũ khi đối điện với một tác phẩm hoàn toàn được viết bằng ngôn ngữ nhị phân như Anh chàng xe điện, cho dù, cứ liệu để khảo sát chính thức trong bài viết này vẫn dựa chủ yếu vào phần “thi hài” (bản in) của nó. Tức là, Anh chàng xe điện trước tiên không phải là một văn bản in mang “tính chất tiểu thuyết”. Nó là một câu chuyện trên diễn đàn mạng, mà thực chất là một trường đối thoại liên tục qua 57 ngày (14/3 đến 16/5 năm 2004), trải qua 29,862 comment (phản hồi) liên tục, giữa một bên là nickname (biệt danh mạng) Xe điện, với một bên là cả cộng đồng mạng trên diễn đàn của những người độc thân thuộc trang web 2channel [14]. Khi trường đối thoại kết thúc, với kết quả là mối tình tuyệt đẹp giữa nickname Xe điện với cô gái Hermes (cũng là một biệt danh phiếm chỉ), thì câu chuyện đã vượt quá ngoài cuộc trò chuyện, tư vấn đơn thuần trên một diễn đàn. Người ta đã biên tập từ 29,862 comment thành 1919 “bài viết” liên tục đối thoại với nhau, và đặt tên văn bản đó là Anh chàng xe điện. Sau đó, “cuốn tiểu thuyết” đã được chuyển thể thành bốn phiên bản manga (truyện tranh Nhật Bản) khác nhau, cả phim điện ảnh và phim truyền hình, và giành đến sáu giải thưởng tại Television Drama Academy. Sau hai tháng, cuốn “tiểu thuyết” Anh chàng xe điện bán được 500.000 bản. Một con số không quá shock, nhưng cũng có thể làm những ai còn quá tự tin với quyền uy vĩnh cửu của những hình thức văn học viết đơn thuần phải giật mình.
Anh chàng xe điện trước tiên không có “tác giả”, một quan niệm tác giả đơn thuần và truyền thống như chúng ta vẫn hằng quan niệm. Đó là sự khiêu khích đầu tiên của những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ nhị phân đối với các ranh giới quan niệm văn học truyền thống. Tác giả truyền thống trước tiên thường là một cá nhân (trừ truyện tranh thường sáng tác tập thể), hắn ta xác lập quyền cá nhân của mình đối với văn bản trên hai phương diện, phương diện tự trị trong việc sáng tạo, viết là một hành vi cá nhân và phương diện sở hữu văn bản, mỗi văn bản viết thường do tác giả nắm giữ bản quyền hoặc quyết định quyền chuyển nhượng bản quyền. Nhưng dù có chuyển nhượng bản quyền hay không, sự ổn định về cấu trúc và ngôn ngữ của văn bản đều phải được đảm bảo. Người ta không thể mua hoặc thay tên tác giả, cho dù có thể mua quyền sở hữu văn bản đó. Quan trọng hơn, sáng tạo khi viết luôn là một hành vi cô độc và tự do của cá thể, điều đó đã được các thiết chế trong các xã hội dân chủ đảm bảo cho tác giả như một trong những quyền thiêng liêng tiên quyết nhất.
Nhưng Hitori Nakano là ai? Kẻ được mệnh danh hoặc “đội lốt” tác giả, được ghi chễm chệ trên văn bản cuốn tiểu thuyết Anh chàng xe điện ngay ở trang bìa và gáy sách, ở vị trí ngai vàng thường thuộc về tác giả (dòng chữ nhỏ hơn và đặt ngay trên đầu tên tác phẩm ở bìa và gáy sách). Sự thách thức với những ranh giới văn học cũ xuất hiện ngay trong hai chữ đầu tiên, nằm ngay ở trang bìa của cuốn Anh chàng xe điện. Bởi vì, Hitori Nakano không là bất kì một ai cả. Không là một. Dĩ nhiên. Là nhiều người. “Hitori Nakano” chỉ là một cách chơi chữ, nhằm chỉ một cộng đồng mạng với tên gọi “Những người độc thân cùng tập trung lại tại một diễn đàn trên Internet” (mà cụ thể ở đây là diễn đàn của trang 2channel). Cuốn sách được công ty cổ phần Shinchosha xuất bản, với sự cho phép của 2channel, còn lại, không một ai có quyền tác giả với cuốn tiểu thuyết này, không ai xác minh từng comment phản hồi là của ai, Xe điện là nickname của cá nhân nào, và cũng chẳng trả nhuận bút cho bất kì ai.
Nhưng 2channel là cái gì? 2channel (2ちゃんねる,) là một địa chỉ mạng, với link đầy đủ là http://www.2ch.net/, một trong những trang web có quyền lực nhất trong đời sống tinh thần Nhật Bản, được Hiroyuki Nishimura thành lập năm 1999, trong một căn hộ ở Conway, Arkansas, thuộc đại học University of Central Arkansas. Năm 2007, mỗi ngày trên 2channel có đến 2,5 triệu bài viết, năm 2008, nó mang lại doanh thu gần 100 triệu USD mỗi năm cho người sáng lập [13]. Một trang web đa phần do người Nhật viết, có quyền lực lớn lao trong đời sống tinh thần Nhật bản lại được ra đời tại một địa điểm ở… Mỹ. Một minh chứng hùng hồn cho khái niệm “ngôi làng toàn cầu” (Global village) của McLuhan. Nhưng tại sao 2channel lại thể hiện được vai trò thống ngự đời sống tinh thần mạng tại Nhật, giữa hàng triệu trang web khác? Bởi vì 2channel có những quy định đặc biệt khi các thành viên muốn đưa bài lên. Trang này có gần 600 mảng thảo luận khác nhau gọi là các boards (Vd: Tin tức xã hội, máy tính, nấu ăn…). Từng board lại có khoảng gần 600 chủ đề cụ thể khác nhau nữa, gọi là từng Thread. Mỗi Thread thường có khoảng 1000 ý kiến phản hồi (comment), Anh chàng xe điện ban đầu cũng chính là một Thread như vậy. Nhưng mọi diễn đàn mạng đều cấu trúc gần như vậy, cái khác của 2channel là chấp nhận (và qui định) tính vô danh (anonymous) của người viết comment. Đây là một trang không đòi hỏi người viết phải xưng danh tính thực, thế nên họ có quyền phát ngôn như mình nghĩ, bởi sự phi hệ lụy đến danh phận được đảm bảo. Tính dân chủ của ngôn luận được chấp nhận bằng sự tự do tối đa. Với quan điểm: “Hơn nữa, người ta chỉ thực sự có thể thảo luận về một cái gì đó khi họ không biết nhau” [13]. Trang 2channel đã trở thành một vũ hội carnaval mà cộng đồng người đến tự do trao đổi tư tưởng và tình cảm dưới những cái mặt nạ do họ tùy chọn.
Quay trở lại với vấn đề “tác giả” của Anh chàng xe điện, rõ ràng lúc này, các lí thuyết nghiên cứu văn học đã trở nên bị lỗi thời, bị vượt qua giới hạn. Ở đây, chúng ta có thể xét đến một cách công khai, với chính nghĩa đen của các cách nói bóng bẩy, ngụ ý từng có như: “cái chết của tác giả” (Roland Barthes), “cái chết của chủ thể” (M.Foucault), “nhà văn chết” (Paul Ricoeur), người đọc đồng sáng tạo, người đọc đồng tác giả, thậm chí tác giả cũng là những đồng-tác giả của trường phái Mỹ học tiếp nhận [11,266]… Thì đã quá rõ ràng. Anh chàng xe điện ngay từ đầu đã là một sáng tác tập thể, đến cuối cùng cũng là một sáng tác tập thể. Một tác giả cá nhân với quyền uy tuyệt đối chưa bao giờ xuất hiện, ở bất cứ phương diện nào đối với loại văn bản văn học này. Một tác phẩm văn học dân gian, dù vô danh, nhưng có thể, ban đầu cũng do một người nhất định sáng tác nên. Nhưng kiểu văn bản hậu hiện đại được viết nên từ ngôn ngữ nhị phân (mạng) như Anh chàng xe điện thì không. Ngay từ đầu, mỗi Thread đã là một quảng trường cộng đồng cho các comment giễu hành carnaval, với vô số những mặt nạ và các thanh âm phồn tạp. Quan điểm tham dự (Participante) được đặt lên tối đa cho từng cá nhân tham gia Thread. Vậy ta có thể xem “tác giả” thực sự của một văn bản hậu hiện đại được viết trên nền của ngôn ngữ nhị phân đó không là một ai cả, mà là một “cộng đồng viết” (writing community). Chúng tôi không gọi họ là cộng đồng tác giả (community author), bởi họ không xác lập quyền tác giả của mình, không đến với câu chuyện như một tác giả toàn năng, đến để hư cấu, mà đến để phát biểu và tham dự. Như vậy, Hitori Nakano chỉ là một “mặt nạ tác giả” (author’s mask) điển hình, đúng với nghĩa đen của thuật ngữ ấy: “kẻ bịp bợm” (trickster) độc đáo, cười nhạo không chỉ tính ước lệ của văn học cổ điển, mà phần lớn và thường xuyên hơn là văn học đại chúng với những khuôn sáo của nó: trước hết y cười nhạo những chờ đợi, hy vọng của độc giả, sự ngây thơ, lối tư duy văn học và thực tại cuộc sống theo khuôn mẫu của anh ta, bởi đối tượng cười nhạo chính của y đó là sự duy lý của tồn tại” [3,48].
Nhưng cái “cộng đồng viết” trong Anh chàng xe điện có cấu trúc như thế nào? Lúc này ngay cả tác giả cũng có cấu trúc riêng, vì đó không phải là một cá thể, mà chính là một đám đông có kết nối về mặt ngữ nghĩa, cho nên nó xác lập một cấu trúc nhất định cần xem xét. Thành phần đầu tiên của cấu trúc “mặt nạ tác giả” Hitori Nakano cần phải xét đến đó là nickname (biệt danh thay tên khi tham gia viết trên mạng) “Xe điện”. Thread đã tạo nên Anh chàng xe điện (về sau) được khởi nguồn từ các bài viết đầu tiên của nickname này. Câu chuyện do “Xe điện” kể và kêu gọi các tư vấn từ những thành viên ẩn danh khác khá đơn giản. Xe điện là một anh chàng độc thân, là một Otaku (fan hâm mộ truyện tranh cuồng nhiệt), chưa bao giờ có người yêu, chưa hôn bao giờ, và “còn gin”. Trong một chuyến đi xe điện, anh chàng độc thân ấy đã tình cờ cứu một nhóm các cô gái thoát khỏi sự quấy rối của một lão say. Một cô gái xinh đẹp trong nhóm các cô gái đó gửi hai chiếc tách hiệu Hermes (sau này Hermes là biệt danh cô gái) đến cho Xe điện để cám ơn. Xe điện muốn tiến xa hơn trong mối quan hệ với Hermes, và cần sự tư vấn từ cộng đồng 2channel. Câu chuyện bắt đầu từ đó. Do vậy, vai trò của Xe điện là khơi mào và kích thích cho sự thành lập của Thread. Xe điện cho đến nay tên thật là gì không ai biết, nhưng vai trò tạo lập trước tiên đối với mặt nạ tác giả Hitori Nakano thuộc về hắn ta.
Nhưng Xe điện sẽ không làm được gì nếu thiếu cả cộng đồng mạng rộng lớn, với gần hai chục ngàn comment động viên, tư vấn, thúc giục trên 2channel. Chính nhờ cộng đồng này, Xe điện mới có đủ dũng khí và các kinh nghiệm cần thiết nhằm hẹn hò, thay đổi trang phục, ngỏ lời tỏ tình… với Hermes. Nhưng ở đây, chúng ta không cần xét đến vai trò của cộng đồng mạng 2channel đối với sự vận động của cốt truyện, chỉ xét riêng trong cấu trúc mặt nạ tác giả, có thể nói, chính cộng đồng trên 2channel mới là nòng cốt của Hitori Nakano. Chiếm đa số trong cấu trúc văn bản Anh chàng xe điện là những bài viết (comment) của cộng đồng đông đảo này, chứ không phải của Xe điện. Mỗi comment đều tham dự, đối thoại vào câu chuyện mà Xe điện đang kể, nhưng đồng thời, nó cũng liên tục đối thoại với nhau, không ngừng kể về những câu chuyện của riêng mình, mang số phận của mình dưới lốt ẩn danh. Những câu chuyện “tiểu tự sự” của từng cá nhân ẩn danh đã được đan khảm không quy tắc, không cần logich vào câu chuyện chung của Thread (về mối tình của Xe điện và Hermes). Ví dụ:
– “Hồi cấp I, lần đầu tiên trong đời, anh liều tới mức dám lấy trộm cả đồ… lót của gái đấy” [9,46].
– “Trước có lần anh mời một em nhưng em ý bảo: “Sao em lại phải vừa ăn vừa nhìn cái mặt anh chứ” [9,116].
– “Có một bé ở câu lạc bộ trong trường có vẻ khá là hâm mộ em. Có lần chỉ có hai người, em tỏ tình với bé: “Hãy yêu anh nhé” thì bị bảo: “Em không coi anh là con trai đâu” [9,156].
Ba ví dụ từ ba “tiểu tự sự” của các thành viên trên Thread cho thấy, họ là những cá nhân thực sự trong đời sống, có kỉ niệm, có cảm xúc, có số phận. Nhưng cái thực sự xuất hiện trên văn bản, ngoài một đại từ phiếm chỉ chung là “Ẩn danh”, đó chỉ là “giọng nói”, là ngôn ngữ được trình bày như một giọng nói. Họ không viết, mà thực sự đang nói, bởi từng Thread thực chất là một quảng trường của các giọng tự do phát biểu, một hình thức của phòng trò chuyện mạng (chat room). Nhưng các nickname ẩn danh này không chỉ góp giọng cho vui, mà ngoài việc độc tấu riêng, còn trực tiếp tham gia vào bản hòa tấu chung của Anh chàng xe điện. Bởi các comment từ các nick ẩn danh đã không ngừng tư vấn, khuyên răn, ngăn cản, chỉ đạo, thậm chí đe đọa… Xe điện, buộc Xe điện thực hiện theo điều mà các nickname ẩn danh nghĩ là đúng. Và đa phần, những hành động Xe điện thực hiện đều đúng với cơ bản (thậm chí vượt quá) những điều mà các thành viên chờ đợi. Nhưng vấn đề đa giọng trong Anh chàng xe điện không đơn thuần là sự đồng ca đơn bè. Các giọng luôn kịch liệt tranh luận, phản đối, phủ định nhau bên cạnh sự đồng tình vẫn đôi khi xuất hiện. Ví dụ ở trang 32, 33, khi tham vấn về ý nghĩa của món quà tặng (hai chiếc tách hiệu Hermes) cho Xe điện, các thành viên ẩn danh đã có một cuộc tranh luận nhiều chiều:
– Thứ tự viết 35: “Tặng tách mà lại tặng hai cái thì chỉ có thể là con bé đang thả thích với chú thôi” [9,32].
– Thứ tự viết 48 (trước là 480): “Cốc hay bát đĩa thường tặng theo đôi. Thường là thế. Tôi nghĩ là chẳng có ý gì khác đâu” [9,33].
– Thứ tự viết 50: “Ừ, có đầy thứ tặng một là được mà. Sao lại chon thứ phải tặng cả đôi. Biết là không nên nghĩ gì sâu xa nhưng ngẫm ra thì đúng là thế” [9,33].
– Thứ tự viết 56: “Mình cũng đồng ý với 680. Bình thường sẽ đi theo bộ. Tặng tách trà cũng chỉ là sự lựa chọn an toàn thôi” [9,33].
…
Các cuộc tranh luận đa thanh như vậy xuất hiện phổ biến trong Anh chàng xe điện. Tính dân chủ của cuộc đối thoại ấy là ai cũng có quyền cất tiếng nói, ai cũng có quyền đưa ra cảm tưởng, nhưng tất cả đều ẩn danh dưới những mặt nạ, chỉ có giọng nói là tồn tại. Không có cơ may nào cho tất cả chúng ta, nhằm xác định một cá nhân trong đời thực đã nói bao nhiêu lần tại Thread. Mỗi lần nói, hành vi ấy đã đồng thời khai sinh và chứng minh cho sự tồn tại của một cá thể trong cộng đồng viết. Chính vì vô danh, nên uy quyền từ địa vị xã hội, uy tín học thuật, kinh nghiệm tuổi tác, sức nặng tiền tài… đều bị loại trừ. Cũng bởi vì vô danh nên một cá nhân trở nên bí mật, mà bí mật tức là mời gọi một sự tò mò thú vị. Nói cách khác: “các biến ngã (alter ego), mà mọi người tạo ra trong các trò chơi trực tuyến hay trong các không gian riêng, không nghi ngờ gì nữa, đã xác nhận niềm tin của họ về sự quyến dụ trước đám đông thông qua bản đội lốt” [8,320]. Tất cả là chỉ những tham chiếu gợi ý cho Xe điện lựa chọn, và mục đích của các comment là tự biểu hiện, sau đó mới mang tham vọng tác động và quyết định lên đối tượng.
Nhưng chỉ cộng đồng viết không hề đơn thuần chỉ có Xe điện cùng những thành viên tham gia phản hồi. Đối với văn bản in bằng ngôn ngữ viết, có một kẻ uy quyền giấu mặt nữa trong bóng tối. Ai vậy? Chính là kẻ đã nhẫn tâm và kì công cắt xén từ 29,862 comment trên diễn đàn 2channel trở thành 1919 comment trong văn bản in chứ còn ai nữa. Kẻ đã chia 1919 comment ấy thành bảy chương (mang đặt tựa đề hẳn hoi) và viết phần Chú giải vào cuối văn bản. Kẻ viết chú thích cho những kí tự, từ lóng, từ viết tắt trong suốt cả chiều dài văn bản, kẻ thỉnh thoảng, vẫn lộ mặt ra như giáo sư Moriarty trong các câu chuyện lừng danh về Sherlock Holmes (Conan Doyle), bằng những lời dẫn truyện và bình luận ngắn ngủi nhưng quan trọng trong suốt các biến cố chính của truyện. Nhưng kẻ đóng vai trò như Kim Thánh Thán đối với bộ Thủy Hử này trong Anh chàng xe điện lại không có tên riêng, cũng không phát ngôn từ ngôi thứ nhất, nên ta tạm gọi hắn ta là “Người biên tập”. Rõ ràng quyền uy của Người biên tập là không thể coi thường, bởi trong việc tạo lập văn bản in của Anh chàng xe điện, người biên tập chỉ giữ lại 1/15% dung lượng. Hắn ta có quyền cắt bỏ bất kì comment nào thấy không cần thiết, chỉ theo ý thích cá nhân và tiêu chí thẩm mỹ không được tiết lộ, ngay cả với những comment của Xe điện cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ cắt một vài comment thôi là đã có thể tác động lên toàn bộ cấu trúc văn bản, huống gì cắt đến 14 phần, chỉ giữa lại 1 phần nhỏ nhoi. Nhưng quyền lực của người biên tập hoàn toàn không tuyệt đối như tác giả truyền thống. Dù có viết vài lời dẫn nhập, nhưng hoàn toàn những lời dẫn này có thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng gì đến cấu trúc và ý nghĩa của văn bản Anh chàng xe điện. Về cơ bản, Người biên tập không viết được gì (thực sự có ý nghĩa). Tác giả mà không viết được gì thì là loại tác giả nào cơ chứ?
Nhưng Người biên tập không hành động một cách vô điều kiện, hắn ta được “thuê mướn” bởi Công ty cổ phần Shinchosha. Công ty cổ phần Shinchosha lại không toàn quyền sử dụng một Thread trên 2channel đặng xuất bản, mà phải xin phép lại trang web 2channel, trang này lại thuộc quyền sở hữu của Hiroyuki Nishimura. Tuy nhiên, Hiroyuki dù có quyền quyết định cuối cùng, nhưng anh ta thậm chí không có cả quyền biên tập và cắt xén như Người biên tập, không viết nên văn bản, không quyết định bất kì ai viết gì trên Thread, và cũng không thể biết mỗi nickname ẩn danh đích xác là ai. Như vậy, đã đành người đọc luôn là một cộng đồng, nhưng đối với các văn bản hậu hiện đại viết bằng ngôn ngữ mạng, sự viết (sáng tác) cũng là một hành vi tương tác của cộng đồng. Cộng đồng đó bao gồm một cấu trúc phức tạp, trước tiên là Người khởi chuyện và kể chuyện (Xe điện), sau đó là tập hợp Những người bình chuyện và góp chuyện, kế đến là Người biên tập, sau nữa là Nhà xuất bản và công ty sở hữu bản quyền cuốn sách đã biên tập, và cuối cùng là trang web đã đăng tải mọi ý kiến. Trong cấu trúc đó, không ai uy quyền hơn bất kỳ ai, ai cũng tác động và ảnh hưởng lên đối tượng, nhưng không ai được phép quyết định đến số phận của đối tượng. Và câu chuyện đã được kể lên bởi một cộng đồng viết không dấu diếm, không tính toán, không danh xưng, không kiểm duyệt, một câu chuyện mang tính chất đối thoại kiểu Socrates, trong một không khí hội hè Carnaval mà Bakhtin vẫn thường nói đến.
2. Trườn đi trên những bức tranh đa khảm
Trong Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, Cynthia Freeland đã tin tưởng vào sự phát triển của một nền nghệ thuật mới mang tên nghệ thuật mạng (Web-based art), ở đó sự chiếm ưu thế của các văn bản thậm phồn (hypertext) là một quy luật tất yếu. Và Freeland đã chỉ ra ba đặc trưng lớn nhất của một văn bản văn chương thậm phồn, bao gồm tính tương tác, tính đa phương tiện và tính siêu văn bản. Một dạng thức văn minh, văn hóa và văn bản văn học mới ra đời, nói theo U.Eco là nền “văn minh được định hướng bởi hình ảnh”, với Baudrillard là một nền văn hóa với hiện thực thậm phồn (hyperreal) được tạo nên từ vô số những biểu tượng ngụy tạo (simulacres). Chúng tôi muốn sử dụng thuật ngữ “bức tranh đa khảm” của McLuhan nhằm nhận định về văn bản văn chương hậu hiện đại được viết bằng ngôn ngữ mạng. Một dạng thức văn bản mới đặt ra nhiều thách thức với những giới hạn của nghiên cứu văn học truyền thống. Đúng với nhận định của Kim Nguyên Phủ: “Mặc dù chúng ta đều đang quan tâm đến sự biến đổi này (không hẳn là hoàn toàn ủng hộ), nhưng ở mức độ nhất định, chúng đã buộc quan niệm cho rằng thế giới là văn bản của nghiên cứu văn học phải tiếp nhận sự khiêu chiến của quan niệm cho thế giới là hình ảnh… Tất nhiên hình ảnh của thế giới không thể thuần túy chỉ là hình ảnh của thị giác, hình ảnh cũng là văn bản, hình ảnh về cơ bản vẫn là ngôn ngữ” [10,57].
Xem xét một văn bản được viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ mạng như Anh chàng xe điện, cho dù chúng ta vẫn bắt gặp những hình thức ngôn ngữ viết truyền thống, thậm chí, ngôn ngữ viết truyền thống vẫn chiếm dung lượng chủ yếu, nhưng những hình thức ngôn ngữ đa phương tiện mới thực sự đặt ra những thách thức có tính chất khiêu khích với các quan niệm về văn bản truyền thống. Ít nhất, có thể kể đến một hệ thống các “kí tự truyền thông đa phương tiện” mới mẻ không thể tồn tại trong môi trường văn bản truyền thống như sau:
STT |
Kiểu loại |
Ý nghĩa |
Ví dụ |
1 |
Các đường link trang web |
Tạo ra những điểm trung chuyển nối kết từ Thread hiện hành trên trang 2channel đến các trang web khác nhằm bổ sung thông tin, minh họa ý tưởng hoặc hướng dẫn thực hành. |
http://www.diamond-dining.com/atcafe/index.html [9,50] (Một thành viên tư vấn địa điểm ăn tối cho Xe điện) |
2 |
Các Icon |
Thể hiện cảm xúc một cách đơn giản, linh động hóa văn bản |
J [9,44] |
3 |
Các dấu được cấu trúc tượng hình |
Thể hiện cảm xúc một cách đơn giản, làm sinh động hóa văn bản, (xem thêm phần Chú giải vào cuối cuốn tiểu thuyết về ý nghĩa các dấu được cấu trúc tượng hình) |
(‘A’)!@#%&_+@#$$%%%^^&**(())_+###$$$%%%^^^^ (…) [9,90] |
4 |
Các bức vẽ tượng hình được cấu trúc từ các kí tự mạng |
Thể hiện cảm xúc một cách phức tạp, mạnh mẽ, đột ngột. Nếu dạng thức 2 và 3 chỉ là những hình thức bổ sung cho ngôn ngữ viết, thì dạng thức 4 này thường chiếm toàn bộ dung lượng một bài viết. Thay thế hoàn toàn ngôn ngữ viết. |
[9,187] (xin xem thêm phần Phụ lục vào cuối bài viết) |
Trong các loại kí tự truyền thông đa phương tiện trên, loại thứ nhất (các đường link web) là một hình thức đặc thù nhất không thể nào tái hiện trong môi trường ngôn ngữ truyền thống. Cố nhiên, trên mặt giấy vật chất thông thường, một đường link web chỉ là một chuỗi kí tự hầu như vô nghĩa. Nhưng trên màn hình máy tính, nó là một cửa ngõ nhằm dẫn đến một không gian, một thế giới mạng khác, khi chúng ta nhấp chuột vào chính đường link đó. Đúng như nhận định của Nguyễn Hưng Quốc: “Văn học số, ngược lại, được sáng tác trên máy vi tính, tận dụng tính chất đa phương tiện (multimedia) và các điểm nổi (link) trên internet để dẫn dắt câu chuyện và tạo sự tương tác với độc giả, chỉ được đọc trên mạng mà thôi” [11,256]. Một hình thức tồn tại trong không gian ảo, không gian phi địa lý (non-geographical space). Tính liên văn bản trong Anh chàng xe điện còn được biểu hiện bằng vô số những biểu tượng điện ảnh, âm nhạc, truyền thuyết thế giới [9,117], [9,143], [9,371], những trích dẫn về lịch sử trà Benoist [9,237]. Chính tên gọi ngắn gọn của những biểu tượng ấy cũng đã thúc đẩy, khiêu khích người đọc đến với những văn bản khác (qua các đường link nối kết), nhằm hiểu hết dụng ý của việc trích dẫn, khảm nạm.
Chúng ta không bao giờ có cơ may “đọc” hết, chính xác hơn, là “lướt” (surf) hết một văn bản mạng, vì chúng là những tấm thảm đa khảm các đường link nối kết, mà bản thân những trang web thì luôn thay đổi, cập nhật, thế nên, mỗi lần ta đọc lại văn bản, xem lại các link, thì nó đã như một con trăn trườn đi qua vị trí khác. Michael Joyce xem văn bản mạng là thứ văn bản không ngừng trốn chạy, và mỗi lần đọc là mỗi lần đối mặt với những diện mạo mới của văn bản [11,269]. Mặt khác, ngay cả cách thức sử dụng ngôn ngữ viết truyền thống trong Anh chàng xe điện cũng có nhiều biến đổi, rõ ràng nhất là biến đổi về mặt phong cách, chuyển từ phong cách ngôn ngữ tiểu thuyết truyền thống sang phong cách ngôn ngữ nói, đề cao tính khẩu ngữ. Chính vì vậy, chúng tôi mới xem từng câu trong các comment chính là các lời nói và các giọng trong các lời nói. Có khi các giọng đại diện cho tiếng nói của chính mình trong một comment, nhưng có khi toàn bộ một commnet lại chỉ hoàn toàn nhại lại giọng của người khác bằng các thủ pháp trích dẫn tổng hợp, trích dẫn điệp ngữ, hoặc hỗn hợp giữa giọng của chính mình xen với giọng của người khác… Các thủ pháp thường xuyên được sử dụng nhằm thể hiện tính khẩu ngữ bao gồm:
– Xen lẫn hoặc thay thế hoàn toàn các từ ngoại ngữ và trong ngôn ngữ nói.
Ví dụ: – Thứ tự viết 795: “Grats” [9,52] (người viết muốn nói Congratulations – Chúc mừng)
– Sử dụng trích dẫn một cách trùng điệp mang tính nhại.
Ví dụ: – Thứ tự viết 717: “ > Rồi cầm vào lòng bàn tay em
- Thế này mới tự nhiên anh ạ
- Rồi cầm vào lòng bàn tay em
- Thế này mới tự nhiên anh ạ
- Rồi cầm vào lòng bàn tay em
- Thế này mới tự nhiên anh ạ” (…) [9,187]
– Sử dụng các từ lóng, viết tắt hoặc các từ cố tình viết sai chính tả.
Ví dụ: – Thứ tự viết 722: “4C, 4C quên Xe điện là dân Kiba à” [9,51]
(4C: Các cô các chú; Kiba: Akihabara)
– Sử dụng các từ cảm thán và thực hiện đối thoại liên tục hoặc gián cách giữa các comment với nhau.
Tất cả các thủ pháp ngôn ngữ trên được trình bày hoàn toàn trong các comment ngắn, mỗi comment thông thường ngắn nhất chỉ một kí tự, và dài nhất vào khoảng nửa trang giấy in. Nhưng chiếm ưu thế chủ yếu là những comment ngắn, trừ những comment kể chuyện của chính Xe điện. Sự kết nối của những comment này, ngoài ngữ nghĩa của ngôn ngữ hoặc kí tự, còn được đánh dấu bằng những thông tin đặc thù chỉ có trong văn bản được viết bằng ngôn ngữ nhị phân, đó là thứ tự viết, ngày đăng bài và thời gian viết. Rõ ràng một khi tác giả là một cộng đồng ẩn danh, thì chính thứ tự, thời gian viết của các comment đã tạo nên cấu trúc của văn bản. Nếu ta xóa bỏ các thông tin ấy, khi lướt trên Thread, người đọc sẽ hoàn toàn bị mất phương hướng. Vì một Thread không chia thành các trang, các chương, các phần như trong văn bản in của Anh chàng xe điện. Do vậy, khi xem qua một ví dụ về thông tin comment như sau:
– “660 Tên: Ẩn danh Ngày đăng bài: 21/03/2004 23:06” [9,83]
Dựa vào thời gian và thứ tự viết, ta có thể biết comment ấy xuất hiện trong giai đoạn nào của câu chuyện, dự báo nó sẽ nói về biến cố gì trong các sự kiện cơ bản diễn ra ngày hôm ấy. Như vậy, mỗi comment luôn có tính thời tính của nó, và thời gian cũng là một phương thức để cấu tạo văn bản.
Trong 1919 các comment, theo thống kê của chúng tôi, chỉ có 431 comment thuộc về Xe điện, như vậy, có đến 1488 comment thuộc về cộng đồng diễn giải trên trang 2channel, đó là chưa tính đến 51 lời dẫn truyện của Người biên tập được đánh dấu riêng trong những khung chữ nhật. Như vậy, ta tạm chia cấu trúc truyện kể của Anh chàng xe điện thành hai nhóm, một bên là câu chuyện tình yêu giữa Xe điện và Hermes do người kể chuyện Xe điện đảm nhiệm, một bên là một tập hợp các lời bình của cộng đồng mạng (và của Người biên tập – đối với bản in). Nói cách khác, có hai câu chuyện trong cùng một văn bản, một câu chuyện thực sự (về tình yêu), và một câu chuyện khiếm diện bàn luận về câu chuyện thực sự. Câu chuyện thứ nhất được xem là câu chuyện thực sự là bởi nó có cốt truyện, có sự thống nhất và cá nhân trong vai trò chủ thể của người kể. Câu chuyện thứ hai được xem là câu chuyện khiếm diện là bởi cơ sở tồn tại của nó là câu chuyện thứ nhất, nội dung của nó là diễn giải, bình luận về câu chuyện thứ nhất, nó không có cốt truyện, người kể là một tập hợp chủ thể hỗn loạn. Nhưng vấn đề thú vị nằm ở chỗ, câu chuyện thứ hai chiếm ưu thế về dung lượng một cách áp đảo (cả trong bản in và cả trong bản điện tử), quan trọng hơn, sự thú vị của toàn bộ văn bản, phần lớn thuộc về chính câu chuyện thứ hai này.
Con quái vật kí sinh đã trương phình và trở nên lấn át vật chủ. Thật vậy. Nếu không có câu chuyện thứ hai, câu chuyện thứ nhất không thể tồn tại như là chính nó. Trước tiên, không có phản hồi thì Xe điện sẽ không thể đủ dũng cảm hành động trong đời thực, sau đó, nếu một Thread không có comment thì Thread đó thiếu cơ sở tồn tại. Tính tương tác và đối thoại không chỉ là vấn đề bản chất và được mang lại trong ý nghĩa như văn bản viết truyền thống. Các thuộc tính trên chính là cơ sở tồn tại và biểu hiện bằng hình thức bên ngoài của chính văn bản mạng. Nói mọi văn bản đều là liên văn bản (intertextuality) như Roland Barthes trong trường hợp này tức là đang nói đến nghĩa đen của nhận định. Mỗi comment, mỗi link web, mỗi bức tranh tượng hình được viết nên từ những kí tự… đều là một văn bản thành viên hoàn chỉnh trong văn bản chung (Thread hoặc bản in). Như vậy, một văn bản văn chương viết bằng ngôn ngữ nhị phân là một minh chứng cụ thể, sống động cho những phạm trù, thuật ngữ của nghiên cứu văn học hậu hiện đại. Mặt khác, chính văn bản mạng đã tạo ra những thách thức có tính chất khiêu khích, khi nó diễn trần nghĩa đen của các thuật ngữ nghiên cứu ấy, biểu lộ lên trên bề mặt văn bản những ý nghĩa vốn dĩ thuộc về tư tưởng, về thế giới quan, về triết học.
Trong tương quan giữa hai câu chuyện, có thể câu chuyện thực sự (về tình yêu) là điều kiện tồn tại tiên quyết, nhưng giá trị nghệ thuật của văn bản lại thuộc về câu chuyện thứ hai. Hệt như mối quan hệ giữa câu chuyện về vụ án (câu chuyện thực sự) và câu chuyện về phá án (câu chuyện khiếm diện) trong diễn ngôn truyện kể của truyện trinh thám. Câu chuyện thứ nhất xét về cả cốt truyện và tư tưởng không có gì đáng bàn, bởi đó là một câu chuyện tình giản đơn, không mâu thuẫn, không biến cố, không ngăn trở, không có kẻ thứ ba, không cao trào thử thách. Ngẫu nhiên gặp nhau, rồi làm quen, rồi đi ăn, mời về nhà chơi, rồi tỏ tình, rồi hôn nhau… và hết. Ngoài việc tính cách nhân vật Hermes khá thú vị, câu chuyện thứ nhất chưa xứng tầm mang giá trị nghệ thuật. Nhưng câu chuyện thứ hai lại mang lại những giá trị, bởi các comment của các thành viên liên tục giả định, hư cấu, tiên đoán về những tình tiết, hành động mà Xe điện và Hermes đã, đang và sẽ tiến hành trong suốt hành trình tình yêu. Tập hợp những câu chuyện hư cấu này thực sự thú vị. Nó công khai tính hư cấu của mình, giễu nhại hiện thực và bày tỏ những quan niệm và kinh nghiệm sống. Những câu chuyện bên lề của các số phận cá nhân ẩn danh cũng góp phần Carnaval hóa văn bản. Lần đầu tiên, trong một văn bản, từng lời và nghĩa của câu chuyện thứ nhất đã được công khai đa thanh thông diễn bởi một cộng đồng đông đảo. Ví dụ:
– Thứ tự viết 306: “Lần đầu tiên được đi ăn với con gái nên anh phải cấp tốc chuẩn bị đấy”
“Anh vẫn còn trong trắng”” [9,150]
– Thứ tự viết 337: “Đợi đã nào
“Lần đầu tiên được đi ăn với con gái nên anh phải cấp tốc chuẩn bị đấy”
Các bác không nghĩ xe điện đang khiêm tốn à?”” [9,150]
Như vậy, cũng là lần đầu tiên, một văn bản cho phép tồn tại song hành hai dạng thức văn bản trong lòng chính nó. Một văn bản kể về câu chuyện thực sự và (tập hợp các) văn bản kia có tính chất phê bình văn bản thứ nhất. Hệt như, chúng ta in lồng ghép Tội ác và hình phạt của Dostoevsky với tiểu luận Những vấn đề thi pháp Dostoevsky của M.Bakhtin, chính xác hơn, phải in Tội ác và hình phạt kèm một tập hợp những tiểu luận nghiên cứu về Dostoevsky, thì mới có thể so sánh với kiểu văn bản văn chương mạng. Một văn bản văn chương mạng không phải là một live show của một danh ca hát solo, nó là một buổi hòa tấu nhạc cụ cổ điển. Trong đó, người kể chuyện khơi mào chỉ là nhạc trưởng, anh ta tạo ra tính nối kết, nhưng tổng phổ chung của tác phẩm lại thuộc về hòa âm của vô vàn những nhạc cụ đang ngân nga.
3. Người đọc chết và nỗi lo sợ của các Pharaoh
Chúng ta đã “lướt” qua “thân phận” của tác giả và văn bản trong hệ hình ngôn ngữ mới, vậy còn người đọc? Một người đọc nguyên nghĩa chỉ đọc không thôi đã chết. Bởi vì, đối với một văn bản mạng, tính mời gọi người đọc “đồng sáng tạo” trong một “cấu trúc động” không chỉ đơn thuần xảy ra trong tư duy của cá nhân khi hành vi đọc xảy ra, mà cho phép sự tham dự của họ bằng một hành vi viết trên bề mặt văn bản. Viết để bày tỏ sự hiểu của cá nhân, và viết với tham vọng thay đổi hoặc tác động đến câu chuyện. Một khái niệm lai ghép mới “người đọc – nhân vật – tác giả” đã ra đời để thay thế cho ba khái niệm tách rời trước đây, đó là người đọc, nhân vật và tác giả. Trong một văn bản mạng, đọc là một hành vi sống, không có người đọc thuần nghĩa nhưng bất kì ai cũng phải đọc một cách thường trực. Người khởi đầu và dẫn dắt (Xe điện) luôn phải đọc những phản hồi; cộng đồng mạng luôn đọc các comment của Xe điện và các comment đối âm với mình; Người biên tập đọc tất cả các comment từ các bên để tiến hành biên tập; Nhà xuất bản và Ban quản lý trang 2channel đọc bản chọn lọc của Người biên tập để xem xét; đó là chưa kể đến chúng ta, những người đọc tiếp nhận văn bản in của cuốn tiểu thuyết. Đối với một văn bản mạng, khi anh đang viết một comment tức anh là tác giả, nhưng trước khi viết và sau khi viết anh phải đọc các comment khác của các tác giả khác, vậy anh cũng đồng thời là người đọc. Nhưng những người khác cũng đang đọc anh, và sự tham dự của anh vào câu chuyện đối với những người đọc khác lại có ý nghĩa như một nhân vật. Cái tam vị nhất thể “tác giả – nhân vật – người đọc ” xuất hiện, và người đọc thuần nghĩa bị tử vong. Đành vậy.
Ta có thể thấy khi Xe điện viết những comment của chính mình, hắn là tác giả. Khi đọc những comment phản hồi của cộng đồng mạng, hắn là người đọc. Trong câu chuyện giả định và bàn luận của những độc giả ấy (và đối với cả những bạn đọc bản in như chúng ta nữa), hắn là nhân vật. Trong Anh chàng xe điện, ngay cả bản thân người biên tập cũng mang thân phận tam vị nhất thể. Thân phận tác giả (vì có biên tập, cắt xén, chú giải) và người đọc (vì buộc phải đọc trước tiên thì mới làm thân phận biên tập được) thì đã rõ, nhưng thân phận nhân vật thì như thế nào? Đối với văn bản in Anh chàng xe điện, trong một chừng mực nào đó, vai trò của Người biên tập là vai trò của người dẫn truyện. Và chúng ta đang đọc những lời dẫn truyện ngắn ngủi của anh ta, đang xem các chú giải của anh ta, vậy hóa ra anh ta cũng đang là một nhân vật (dù giấu mặt). Chỉ có một nhân vật trong Anh chàng xe điện là nhân vật nguyên nghĩa, đó là Hermes. Hermes không tác động tham dự vào câu chuyện, chỉ tồn tại trong các diễn ngôn kể của các “tác giả – nhân vật – người đọc” khác. Hermes không trực tiếp nói lên giọng nói của chính mình. Nhưng bởi vì thân phận “tam vị nhất thể” của Xe điện, Người biên tập và cả cộng đồng mạng, nên hóa ra, Hermes là nhân vật mũ hai, nhân vật được các “nhân vật” khác kể nên. Hermes là nhân vật do các “nhân vật” (- tác giả – người đọc) khác tạo điều kiện tồn tại, nhưng nàng lại là nguồn cảm hứng chính giúp các “nhân vật” khác được nói. Người quan trọng nhất đã không bao giờ thực sự nói gì. Cô ấy là một huyền thoại.
Nhưng có thể ai đang bĩu môi rằng, người đọc thuần nghĩa vẫn sống. Thì ví như những người đọc bản in Anh chàng xe điện chứ còn ai nữa, kẻ đang viết bài viết này chứ ai nữa. Nhưng, chúng ta – những người đọc bản giấy in của cuốn Anh chàng xe điện chỉ là những người đọc thứ cấp, loại người đọc đã bị tha hóa, loại người đọc có tính chất quá độ cần “tiến hóa” trong tương lai. Do chúng ta bị tước mất quyền tham dự vào câu chuyện. Bởi vì, bi kịch của chúng ta đó là, thứ văn bản in kia chỉ là “thi hài” của văn bản mạng thực sự. Văn bản in chỉ là một bản sao rút gọn bị cố định hóa, hóa thạch như một cái xác ướp bất động so với văn bản mạng thực sự. Ngay từ đầu bài viết này, chúng tôi đã nói đến sự bất lực của các công cụ nghiên cứu văn học truyền thống trước những ranh giới mới của văn chương mạng.
Trong Văn bản là gì? của Paul Ricoeur, nhà tường giải học người Pháp tin tưởng một cách sâu sắc rằng: “Tôi vẫn thường nói rằng đọc một quyển sách nào đó có nghĩa là chúng ta xem tác giả đã chết còn cuốn sách của anh ta được in sau khi anh ta chết. Mối quan hệ của chúng ta với quyển sách thực sự trở nên trọn vẹn và phần nào là nguyên vẹn khi nhà văn chết, anh ta không thể trả lời được nữa, chúng ta chỉ còn việc đọc tác phẩm của anh ta” [12,850]. Roman Ingarden thì xem tác phẩm văn học là vật hai lần có ý thức, một từ phía người viết và lần thứ hai được cung cấp từ phía người đọc. Nhưng tình hình ở văn chương viết bằng ngôn ngữ nhị phân có khác. Thứ nhất, tác giả mạng không “có quyền” được chết. Anh ta phải liên tục cất tiếng nói đáp lời đám đông đang phấn khích mà anh ta là một thành viên. Từng cá thể trong đám đông phải luôn cất tiếng nói của riêng mình nhằm xác lập sự tồn tại, nhằm chứng minh mình vẫn sống. Thứ hai, tác phẩm văn học mạng không đơn thuần là vật hai lần có chủ ý, nó là vật đa bội lần có chủ ý. Bởi vì, trong quá trình tồn tại của văn bản trên mạng, nó không ngừng được đọc – viết, bổ sung những chủ ý mới từ cộng đồng viết. Bên cạnh “tác phẩm văn học như là quá trình” (Trương Đăng Dung), thì “văn bản như là quá trình” là vấn đề cần bổ sung.
Nhưng khi đối mặt với một văn bản viết bằng ngôn ngữ nhị phân như Anh chàng xe điện, nhất là khi nó tồn tại dưới đúng hình thức bản nguyên trên màn hình máy tính với không gian web, nhiều người sẽ không xem nó là một loại hình văn chương. Mà đã không phải là văn chương, thì toàn bộ những thứ như “cộng đồng viết”, “văn bản như là quá trình”, “tác giả – nhân vật – người đọc”, “người đọc chết”… chỉ là thứ cà rỡn do chúng tôi bày đặt ra. Đó là một sự phủ định triệt để rất thú vị. Chưa kể, sự phê phán (và cả cảnh báo) có thể đến từ rất nhiều góc độ, nào là sự xuống cấp của ngôn ngữ nghệ thuật, nào là triệt tiêu trí tưởng tượng của con người, nào là tầm thường hóa ngôn ngữ viết bằng ngôn ngữ nói, nào là phá hủy tính thống nhất của văn bản… Cơ man là nguy hiểm.
Theo U.Eco, trong Phaedrus, Plato kể lại, Pharaoh Thamus đã từng rất lo sợ khi nghe Hermes (người được mệnh danh phát minh ra chữ viết) trình bày về một phát minh có thể làm cho con người lưu trữ những kí ức mà không cần trí nhớ. Pharaoh Thamus ôn tồn bảo: “Anh bạn Theut tài giỏi của tôi ơi! Trí nhớ là một món quà vĩ đại, cần phải giữ nó sống động bằng cách luyện tập liên tục. Với phát minh của anh, thiên hạ sẽ không buộc phải luyện tập trí nhớ nữa. Họ sẽ nhớ sự việc không vì một cố gắng bên trong, nhưng vì tác dụng đơn thuần của một công cụ bên ngoài” [7,201]. Nhưng mấy ngàn năm trôi qua, chữ viết đã không triệt tiêu trí nhớ, mà đã giúp cho trí nhớ con người bền vững hơn, trí tuệ loài người nâng cao hơn. Nỗi lo sợ của chúng ta hôm nay về các nguy cơ từ một loại văn chương viết bằng ngôn ngữ nhị phân phần nào cũng mang tính chất nỗi lo ngại của Pharaoh Thamus.
Lịch sử của nghệ thuật chẳng qua là lịch sử của những quan niệm về nghệ thuật [8,10]. Ngày nay, nếu những ai không quan tâm đến lịch sử của văn chương sẽ phì cười khi nghe rằng những biên bản hành chính, những bài thi cử, thậm chí, những bài văn tế người chết (trong quá khứ) từng là những văn bản văn chương. Hoặc là, nếu một người của thời Trung cổ, hoặc Cận đại bỗng nhiên hồi sinh, họ sẽ không thể tin rằng một cái bồn tiểu (tác phẩm Vòi nước của Marcel Duchamp), xác của một con cá mập ngâm trong tủ kính (tác phẩm Tính bất khả của sự chết trong trí tuệ của vài kẻ sống của Damien Hirst), máu của một người sống (cuộc trình diễn của Ron Athey tại Minneapolis), phân người (tác phẩm Phân của nghệ sĩ, thuần khiết 100% của Piero Manzoni)… lại là những tác phẩm nghệ thuật. Cách đây chừng chưa đầy một thế kỉ, mấy ai dám tin vào truyện không có cốt truyện, thơ văn xuôi, kiểu viết dòng ý thức, thơ tân hình thức, kịch phi lý… là các tác phẩm văn học? Vậy mà tất cả những thứ từng là “quái vật” đó giờ đây đã nghiễm nhiên trở thành điển phạm. Và trong thời gian ấy, cũng không ít hơn những thứ vốn dĩ từng là điển phạm lại tha hóa trở thành các kí ức trong thư viện hoặc viện bảo tàng. Các quan niệm trong nghệ thuật luôn là một phạm trù lịch sử. Mà ngoại diên hiện tượng nào được xem là nghệ thuật lại phụ thuộc vào chính sự tồn tại của những quan niệm ấy. Thật vậy, tác giả cũng là một phạm trù lịch sử, văn bản cũng là một phạm trù lịch sử, người đọc lại càng như thế. Và đặc biệt, chúng lại có một lịch sử hết sức ngắn ngủi so với tiến trình phát triển lâu dài của nghệ thuật.
“Cái chúng ta quen gọi là “tác giả” hiện nay chỉ nổi lên từ cuối thời Trung đại, gắn liền với chủ nghĩa duy lý và niềm tin vào cá nhân thời Phục Hưng” [11,265]. Cả một lịch sử lâu dài của loài người chỉ biết đến văn học dân gian, ở đó, không tồn tại cái gọi là “tác giả”. Sự phân định rạch ròi giữa “văn bản” và tác phẩm (văn bản đã được cụ thể hóa qua hoạt động đọc) thì lại phải chờ đến công lao của các nhà Hiện tượng học, Tường giải học, tức là vào đầu thế kỉ XX. Việc phát hiện ra “người đọc” một cách hoàn chỉnh về mặt lý thuyết lại phải chờ đến công lao của các nhà Mỹ học tiếp nhận, mà công đầu thuộc về trường phái Konstanz, tức là đến nửa cuối thế kỷ XX mới xuất hiện. Như vậy, sẽ không có gì là quá đáng, nếu như văn học mạng, vốn dĩ được viết bằng một hệ hình ngôn ngữ khác (ngôn ngữ nhị phân) phải đòi hỏi sự xuất hiện (hoặc biến cải) của những thuật ngữ mới, những phương pháp tiếp cận mới, các quan niệm mới về văn chương. Tất nhiên, nỗi lo sợ mang tính chất Pharaoh Thamus là một sự phản tư cần thiết, nhưng ngay từ năm 1936, trong tiểu luận nổi tiếng có tên Nghệ phẩm trong kỷ nguyên tái sản cơ giới, Walter Benjamin đã xem sự mất đi của các “anh hoa” (aura) trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thông đa phương tiện là một tất yếu. Tuy nhiên, điều đó chẳng có gì là tệ hại. Bởi vì chúng ta sẽ được thừa hưởng một nền nghệ thuật mới dân chủ hơn, tương tác và biến ảo hơn.
Nhiều người lo lắng về một con quái vật mạng sẽ lấn át và giết chết nàng thiếu nữ văn học viết truyền thống. Nhưng U.Eco trong Đi tìm sự thật biết cười đã cho chúng ta thấy chiếc xe Ô tô đã không thể giết chết chiếc xe đạp như thế nào. Thậm chí, chỉ qua chiếc xe Ô tô, chiếc xe đạp mới được con người đánh giá đúng nhất về chức năng, khả năng và tính hữu ích của nó trong một số trường hợp cụ thể (luyện tập sức khỏe, bảo vệ môi trường, đi dã ngoại gần). Tiến trình chuyển đổi hệ hình ngôn ngữ sẽ quy định việc chuyển hướng nghệ thuật, đó là một tiến trình khách quan không ai có thể cưỡng lại được. Chúng ta nên tránh ảo tưởng về một nền văn học (mạng) toàn bích mới không hề có những hạn chế, mất mát, nhược điểm, cực đoan. Nhưng ngay cả Achilles bách chiến bách thắng vẫn có một gót chân chí tử cơ mà. Tuy nhiên, những ai hoài cổ về một nền văn học viết trên ngôn ngữ truyền thống không có gì đáng phải khóc than. Do văn học kiến tạo bằng ngôn ngữ nhị phân sẽ không bao giờ có chủ tâm, chính xác hơn là không có những móng vuốt nhằm giết chết văn học viết truyền thống. Bởi vì, “khi một nền văn hóa đã được một lịch sử cưu mang, chưa bao giờ xảy ra chuyện cái gì đó giết chết cái kia một cách giản dị. Chỉ có chuyện cái gì đó đã thay đổi cái kia một cách sâu sắc” [7,222]. Và như thế, đến đây, các Pharaoh đã có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa?
Phan Tuấn Anh
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Phan Tuấn Anh (2009), “Ngôn ngữ nhị phân – Đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại”, Tạp chí Sông Hương, số 249, tr.90-95.
2. Phan Tuấn Anh (2010), “Tiếp nhận loại hình truyện tranh trong hoàn cảnh hậu hiện đại”, Tạp chí Đại học Huế, số 74, tr.91-94, Huế.
3. Lại Nguyên Ân và… (biên soạn) (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
4. M.Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Doxtoiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Umberto Eco (2004), Đi tìm sự thật biết cười, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
8. Cynthia Freeland (2009), Thế mà là nghệ thuật ư? – Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, Nxb Tri thức, Hà Nội.
9. Hitori Nakano (2011), Anh chàng xe điện, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
10. Kim Nguyên Phủ (2011), “Bàn về “chuyển hướng văn hóa” trong văn nghệ học đương đại Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5-2011, tr.52-63.
11. Nguyễn Hưng Quốc (2010), Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, Nxb Văn mới, USA.
12. Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
13. http://en.wikipedia.org/wiki/2channel
Nguồn: vanvn.net.