Bằng cách nào đó, tôi có trong tay những truyện ngắn của bà, nhà văn Oh-Cheang Hee (Hàn Quốc). Tôi tự hỏi tại sao mãi tới tận bây giờ, vào đúng cái khoảnh khắc này, Oh-Cheang Hee mới thèm hiện diện, trình tự và ngổn ngang, cười mỉm nụ cười chua chát, khóc với những giọt nước rơi âm thầm mà nồng ấm. Và bà nói với tôi, rằng bà đang cô đơn một mình trên vạn dặm, bà đang cố xua đuổi sự cô đơn, nhưng nó đến trong tim, nó ở trong tim và nằm ngỗ ngược như dòng máu đen chảy qua tim cái khoảnh khắc ấy, lại qua tim những khoảnh khắc tiếp theo, tiếp theo nữa… Nhưng, bà lại mỉm cười, nụ cười chua chát, nụ cười của nữ thần tự do, rằng, nếu không có nó – sự cô đơn, hỏi cuộc đời này chúng ta có cái gì? Có thể bạn sẽ đọc Ván bài lúc hoàng hôn khi ngày nghỉ cuối tuần đã đến. Bạn tự hỏi, ồ, tại sao? Tại sao lại giống chúng mình như thế? Cũng cái bếp ga đọng nhiều vết cáu bẩn, cũng cái nút thoát nước ở bồn rửa bát. Cũng cô gái ấy, mắt đeo kính áp tròng. Cũng ông bố ấy, lưng gù gù, khuôn mặt sệ xuống mệt mỏi, những ánh mắt tinh quái trong những ván bài gần như tự chơi một mình, dù ván bài thường có hai người, bố và con gái. Nhưng phía sau họ, phía sau cô gái, thường nhấp nhô xuất hiện một cuộc sống khác, dường như không tồn tại thực, dường như đã mất… Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

OH-CHAENG HEE
(Hàn Quốc)
Hoàng Hải Vân dịch

Ván bài lúc hoàng hôn



Như người bị nhìn thấu tận ruột gan. Tôi cố xua đi cái cảm giác bất an như lúc nào cũng bị theo dõi vì cái cấu trúc cửa bếp thông thống thẳng ra sân, không có gì che chắn cả. Tôi kỵ cọ vết nước cơm trào ra bằng cái khăn ướt, rồi cắm cúi lau lại thật cẩn thận bằng một chiếc khăn khô. Mặc dù vậy nhưng xung quanh cái bếp ga vẫn còn đọng lại nhiều vết bẩn và những chỗ đang bị tróc sơn dần.
Có lẽ đấy là vết cáu lại từ mùa đông năm ngoái bố sắc thuốc vô ý làm đổ ra. Rễ cây bạch chỉ, ếch bụng đỏ và mỡ cóc, đậu đen, bố cho tất cả những thứ ấy vào đun cho đến chừng sùi lên bọt nâu thì cho mật ong vào, từ từ khuấy đều đến khi nó cô đặc lại. Bố uống trường kỳ cái thứ cao đen ấy trong suốt mùa đông, ông bảo nó lọc máu tốt lắm, nhờ nó mà bố không còn bị táo bón nữa. Với tôi, hình ảnh bố cầm chiếc đũa dài cần mẫn khuấy cái nồi cao đặc quánh, đen sì như mùn than trong kho quân dụng ấy trông giống hệt như một nhà giả kim từ thời trung cổ.
Trong suốt thời gian sắc thuốc, nhà tôi như bị hun trong cái mùi cay nồng, thum thủm ấy, xương thịt bọn ếch bụng đỏ cũng bốc lên nghi ngút những làn hơi độc, rồi cuối cùng lại nặng nề, nhớp nháp đọng lại trong không khí như chất phóng xạ nguyên tử.
Tôi hay bị chóng mặt vì mắc chứng thiếu máu và buồn nôn, mỗi lần đứng trước gương lại khổ sở vì những nếp nhăn và vảy nấm cứ sùi lên trên làn da vốn đã khô làm nó trông càng bẩn thỉu. Những vết này độc còn hơn cả sắt gỉ, nó sẽ thành sẹo lâu lắm đây.
Mọi việc vẫn tốt, chả khác gì ngày hôm qua. Đồng hồ trên giá bếp chỉ năm giờ rưỡi, cơm đã nấu được một lúc lâu, cá đang nướng đã bắt đầu chuyển sang màu vàng, tỏi cháy bốc lên một làn khói mờ mờ.
Ánh nắng chiếu vào từ ô cửa sổ hướng Tây làm loang loáng cái mặt thớt ướt, nó phản xạ lại làm át cả ánh dao sáng bóng, đám rác đọng lại trong bồn rửa bát cũng bị khúc xạ với ánh nắng to phình lên trong nước.
Qua cái cửa bếp chạy dài theo chiều ngang, hình ảnh đám trại viên trại cải tạo đang đi ngang qua bãi sân trống sau khi kết thúc công việc lao dịch cũng lặp lại, chả có gì khác mọi ngày.
Họ cũng khá đông, khoảng bảy tám mươi người, tất cả đội mũ, mặc quần áo cùng một màu xám xịt, không hiểu tại ác cảm với bộ quần áo tù ấy hay tại cơn gió luồn từ khoảng sân trống thổi lên làm tôi thấy sởn gai ốc, như thể bị ai chạm vào làn da xù xì, thô ráp dưới bộ quần áo bảo hộ rộng thùng thình của mình. Một đoàn người đang di chuyển chậm chạp, lù rù như những chiếc bánh xe bò lờ đờ lăn, tạo ra một thứ âm thanh như một điệu sáo dài, đơn điệu, buồn tẻ.
Đằng trước và sau đoàn trại viên, cách vài hàng lại có một người đàn ông chắc là giám thị mặc áo budông đi theo giám sát.
Nếu chưa bao giờ nhìn thấy sát mặt những người đó, có lẽ tôi cũng chỉ lơ đãng nhìn qua và cho rằng đó là một doanh trại bộ đội với những quân nhân chứ cũng không đến nỗi đần người ra nhìn như một đứa trẻ mỗi khi tưởng tượng thấy cái cối đá của diêm vương quay tít theo bàn tay ghớm ghiếc vô hồn nào đó hay mỗi khi nghe thấy tiếng sáo trầm buồn, quen thuộc.
Có một tối nào đó, tôi dắt chó đi dạo và đã gặp họ lần đầu tiên. Cả toán đang ngồi quanh một ngọn đồi ngay phía trước, tôi bỗng thở dài vô nghĩa, cúi đầu kéo phăng sợi dây bắt chó quay đầu và cũng quay mặt đi như để giấu đi sự ngượng ngùng bản năng của mình. Phía giữa toán người, một khuôn mặt trẻ măng đến giật mình cứ nhìn hút theo tôi. Ánh mắt của người thanh niên rất khó đoán tuổi ấy trong veo và đẹp lạ lùng. Phải chăng vì sự tươi trẻ toát lên phía sau bộ quần áo tù, hay vì sắc mặt lạnh ngắt của đôi má tròn xoe mà bỗng nhiên tôi ý thức được sự già nua của bản thân mình.
Người thanh niên trà trộn cùng đoàn người đi ngang qua ngay cạnh tôi. Tôi không tài nào hình dung nổi khuôn mặt của cậu ta nữa. Giả dụ bây giờ có cho tất cả xếp hàng trước mặt để tìm thì tôi cũng không thể nào nhận ra được. Song chỉ cái ánh mắt trong veo, đẹp đến hút hồn ấy thì vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tôi. Ngày nào cũng vậy cứ vào khoảng giờ ấy, dán mắt qua khung cửa sổ gian bếp tôi lại nhắm vào khoảng vị trí cậu ta có thể đứng để cố gắng tìm lại gương mặt ấy.
Khi cả toán đi ngang qua gần hết cánh đồng bỗng có đám nhốn nháo ở khoảng giữa đoàn. Một thanh niên tụt lại nằm dài ra sửa đôi dép vừa bị đứt quai. Cả đoàn dồn lại sau anh ta, người giám thị từ phía sau chạy lại. Hình như người thanh niên lôi một cái gì đó sáng loáng từ trong cánh tay áo ra rồi lại nhanh chóng nhét vào. Hay có khi anh ta giấu trong giày cũng nên. Người thanh niên vạch lưng, xòe tay cho quản giáo xem. Họ còn đang nói với nhau gì đó nhưng từ đằng xa, tôi chỉ thấy những cử chỉ hoa chân múa tay chứ không nghe được gì cả.
Người giám thị quay lại chỗ của mình, họ chỉnh đốn lại hàng ngũ rồi lại tiếp tục di chuyển nhanh hơn trước. Chắc không có chuyện gì cả. Trên cánh đồng vừa tắt nắng, một cái gì đó đã loé lên. Họ đã khuất khỏi tầm nhìn của tôi, sau khoảng đất trên chỏm núi cuối cánh đồng, lác đác vài ngôi nhà đang xây dở hoặc đang cố gắng hoàn tất trước khi những đợt rét của mùa đông ập đến. Tôi rút cái nút thoát nước ở bồn rửa bát, thích thú nhìn theo xoáy nước ùng ục chạy tuột khỏi bồn trong chốc lát. Đúng rồi, lúc ban ngày thợ đã đến thông lại cái lỗ tắc. Trước đây cái lỗ đấy không thoát được nước, lúc nào cũng bốc mùi rác thối. Mấy lần đã phải hút lên bằng cái phễu cao su, ở dưới còn đọng toàn tóc rối và đám rễ rau. Bố đứng sau lưng nhìn tôi hồi lâu từ lúc nào.
Sáu giờ đến nơi rồi. Tôi lại theo thói quen xếp lên chiếc bàn ăn đặt bên trong góc tường bếp ba bộ thìa đũa, rồi giật mình nhớ ra, cất đi một bộ. Đầu óc để đâu thế không biết, dù biết chắc hôm nay anh cũng sẽ không về nhưng đôi tay vẫn cứ hoạt động theo quán tính của nó.
– Này, con chim ác là nó nhìn về hướng nào mà kêu thế?
Nghe bố hỏi, tôi nhìn lên ngọn cây dương cao trên khoảng đất trống nơi khuất bóng các trại viên khi nãy. Chim ác là đang kêu trên ngọn cây, giữa đám lá đã bắt đầu nhuốm vàng.
– Con không đeo kính.
Xếp mấy cái bát kêu lách cách, tôi trả lời bố. Dù biết tôi mà không có cái kính áp tròng thì chả khác mấy người đui, bố vẫn cố tình nói.
– Nhổ nước bọt thủi thui về hướng chim kêu đi. Ác là kêu buổi tối là điềm gở đấy.
– Con đã bảo không nhìn thấy gì mà.
– Kính của mày lại để đâu rồi? Lại làm mất rồi hả? Đã bảo lúc nào không đeo thì nhớ ngâm vào nước để đấy rồi mà.
Tôi đã nói dối là không đeo kính. Qua cái tròng kính áp chặt vào đồng tử, tôi thấy rõ mồn một từ cái cánh chắc đanh như thép đến bộ lông đuôi đen nhánh của con ác là đang ngồi chồm hỗm trên tít ngọn cây, đang quay về hướng này mà kêu.
Tôi quay lại thoáng nhíu mày nhìn bố, ông cụ ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đặt ngoài sân đang nhá nhem dần vì hết ánh mặt trời. Tôi ấn nút bật máy ghi âm trên giá. Đoạn dạo đầu của dàn nhạc Kodaly – một nhạc sĩ nhạc dân tộc người Hunggary, tiếng băng chạy xè xè, chậm chạp, yếu ớt. Đang tưởng không ghi âm được thì đoạn nhạc bắt đầu.
Chương trình “Âm nhạc hy vọng” thì phải. Thấy một bản nhạc nghe quen tai trên đài, tôi nảy ra ý định ghi âm lại. Đó là chiếc máy ghi âm nhỏ đời cũ rích của anh. Tôi đã tìm ra nó dù lâu lắm không dùng đến. Lau hết bụi bặm, lúc tôi lục hết ngăn kéo tìm ra được cái băng trắng thì cũng là lúc bản nhạc kết thúc. Chắc là đĩa để lâu nên tạp âm lẫn nhiều. Không bị ngắt giữa chừng là may mắn lắm rồi.
Mười phút sau, tôi tắt đài, hắng giọng nói.
– Cơm tối chuẩn bị xong rồi bố.
Bố đang bật tanh tách các móng tay vào nhau để búng lũ ráy tai vừa ngoáy ra, không nhìn tôi cũng hình dung được hình ảnh bố khó khăn nhấc người lên khỏi chiếc ghế phía sau như thế nào.
Tiếng nước phun xoè xoè, rồi tiếng giật nước trong nhà vệ sinh qua bức tường vẫn nghe rõ, tôi lấy giẻ lau lại cái bàn ăn đã được dọn gọn gàng sạch sẽ.
– Có khăn không?
Bố vào bếp tay vung vẩy làm nước vãi đầy sàn.
– Sao bố không dùng khăn treo trong buồng tắm ý.
– Tao thấy nó vừa bẩn vừa ướt.
Bố lại nói dối. Ban ngày tôi đã thay cái khăn thợ đến thông đường ống dùng và lấy khăn mới treo lên rồi mà.
Con chim ác là vẫn ngồi chồm hỗm trên ngọn dương kêu dóng dả.
Bố vẫn để ý đến tiếng kêu của nó, ông đưa mắt ra cửa sổ lẩm bẩm một mình “cái bếp này đặt sai hướng rồi, vào đúng chỗ hứng nắng chiều thế này là không tốt đâu”.
Từ sau khi mổ cắt mất hơn một nửa dạ dày từ hai năm trước, thời gian cho bữa ăn của ông cụ dài ra. Dù tôi đã cố gắng để ý ăn thật chậm thì thường cũng phải buông đũa khi ông cụ mới được non nửa bữa. Nắng dần tan, đến lúc chỉ còn vương lại một dải vàng nhạt trên bậu cửa. Rồi cả cái dải mỏng đó cũng sẽ tan biến ngay trong giây lát.
Mỗi lần nhai cơm cái xương cằm lại lộ bành ra, những nếp nhăn sau gáy cứ chảy sệ xuống, ướt sũng mồ hôi, cứ nhìn thấy hình ảnh đó của ông cụ tự nhiên lòng tôi lại thấy nao nao như tiếc nuối một điều gì đó.
Trời mùa thu, mặt trời đi ngủ sớm, bóng tối dần buông.
– Bật đèn lên bố nhé?
Tôi đẩy đĩa cá đã róc xương ra trước mặt bố và hỏi.
– Canh nguội rồi.
Tôi bật ga, đặt nồi canh lên bếp. Ngọn lửa ga bùng lên như pháo hoa xanh luôn làm tôi liên tưởng tới ngọn lửa trong các trò ảo thuật. Khuôn mặt bố trong bóng tối lại càng ảm đạm, cái đầu mũi khoằm xuống làm sống mũi trông như kéo dài hơn ra. Tự nhiên ý nghĩ mặt mình cũng như thế làm tôi thấy khó chịu.
Đặt nồi canh đã hâm nóng lên bàn, tôi lặng lẽ đứng lên bấm nút bật chiếc máy ghi âm như mọi ngày. Giai điệu hơi ầm ĩ như cãi nhau của violin và violonxen làm bố thoáng ngẩng đầu lên rồi lại cúi xuống. Chương ba của một bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, thong thả bắt đầu. Bố vừa nhai vừa chầm chậm như suy tư điều gì đó vừa húp từng ngụm canh nhỏ.
Bản nhạc kết thúc, còn lại là đoạn băng trắng. Cái băng chín mươi phút hết nhanh thật, nút đài sẽ tự bật lên.
– Cho bố tí nước.
Bố đã ăn xong, cổ ợ lên một tiếng rồi đẩy cho tôi cái cốc.
Tôi rót nước vào cốc, bố quay người nhìn ra sân như theo một phản xạ vốn có. Một người nào đó bước vào, sừng sững đứng trong bếp. Giọng nói trầm đục, thở ra sặc mùi khói thuốc lá…

… Thú vui duy nhất của anh – một người chỉ sống trong mấy bức tường bao quanh và say sưa với sở thích của mình là khẩu súng lục. Đợi cho vạn vật chìm vào giấc ngủ, cởi hết quần áo, dí khẩu súng đã nạp băng đạn năm viên dưới tai, tất cả chỉ vì anh thích tự do và cái cảm giác căng thẳng đến tột độ. Không, có lẽ đó không phải là tự do mà là một thú vui. Ngón tay đặt lên cò súng, chẳng may một ai đó bất ngờ mở cửa, hay bỗng phát hiện thấy một ánh mắt đang rình rập, hoặc đột nhiên bị muỗi đốt bên mạng sườn thì một cách vô thức hoàn toàn theo phản xạ, ngón tay có thể bóp cò. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi, các huyết quản trong đầu cũng đã như được nạp một dòng điện hàng vạn oát…
Người khách đột nhiên biến mất. Cả tôi và bố đồng thời cùng đưa mắt nhìn cái ghế trống trên bàn ăn ba người. Cái băng trắng lại quay rè rè. Tôi rót nốt nước vào cốc.
Phải mất một lúc tôi mới nhận ra đó là giọng của anh.
Những âm thanh của người chết đi sống lại, tất thảy đều như vậy chăng. Giọng anh vang đến từ một nơi rất xa như tiếng hồn phách của một vong nhân, nhưng nó đến với chúng tôi trong sự gấp gáp đến lạ lùng.
Anh có thói quen ghi âm lại mọi thứ mà anh viết ra và nghe lại. Nhưng sau đó lại xóa sạch mọi dấu vết nên không hy vọng gì có thể tìm lại cái gì còn sót lại hay anh vô tình bỏ sót lại đoạn băng nào chưa xóa.
– Bật đèn được chưa bố?
Cuộn băng rè rè chạy hết, nút tắt tự động nhảy tách lên, tôi giật mình mở bừng mắt trong bóng tối, hỏi bố bằng giọng nói thận trọng, rón rén.
Đèn bật lên, dưới ánh sáng toả ra từ chiếc chao đèn, bàn ăn nổi bật lên, còn tủ lạnh, chạn bát, bức tường dán vải hồ biến mất sau cái bóng chao đèn như thể những đạo cụ trên sân khấu biến mất sau hồi chuyển cảnh.
Bố uống một ngụm nước, súc miệng òng ọc rồi vào phòng cầm bộ bài ra. Trong lúc tôi dọn bàn, bố không đợi được đã bắt đầu tráo bài tanh tách ra chừng đang hưng phấn lắm.
Dưới ánh đèn tròn, bả vai dầy thịt của bố được phủ ngoài bởi chiếc áo len sợi to làm in lên tường cái bóng to đùng.
– Trời tối rồi còn chơi làm gì bố?
Tôi vừa rửa bát, vừa nhát gừng.
– Tối thì tối còn chưa hết ngày.
“Chưa là chưa thế nào” trong bụng đang định hỏi vặn lại như vậy nhưng tôi chợt nhận ra, trong một câu nói bình thường nếu cứ xoáy vào nó những điều ám chỉ không bình thường thì sẽ trở thành một sự nhạy cảm lố bịch.
Tôi úp hết chỗ bát đĩa đã rửa vào chạn, cởi chiếc tạp dề, quay lại thấy bố đã gom hết những quân bài Hoa thu ([1]) vừa chia lại.
– Bố lật phải con gì thế?
– Con khách ([2]).
Bố thờ ơ nói.
– Con cắt hoa quả nhé?
– Bố uống cà phê.
Bố ngước mắt lên nhìn như có ý mong tôi ngồi xuống. Tôi đi đặt ấm nước lên bếp rồi mới quay lại ngồi.
– Mày đi trước đi.
– Đâu, con phải xem con cái thế nào đã chứ.
Tôi gom hết những quân bài bố vừa rải ra. Lật lên con “Hoa mai 5” ([3]). Nhìn thấy con “Hắc thảo” ([4]), bổ đẩy bài sang cho tôi. Tay tôi thu cả tập bài Hoa Thu bốn mươi tám quân dày cộp lại. Bộ bài đã cũ quá, cầm rất rít tay chứ không còn cảm giác trơn tuột, chia vèo vèo như lúc còn mới nữa.
– Phải tráo đều vào đấy. Nhìn thấy hết bộ rồi nên có chỗ nào không tráo là không được… Thế thôi, tráo nhiều quá nó lại quay về chỗ cũ mất.
Tôi lần lượt chia từng quân cho bố trước rồi mới đến mình, phải thế mới giải tỏa được nỗi lo của ông cụ sợ bài bị kẹp díp hay nhiều con trắng điểm lẫn vào.
– Nước sôi rồi kìa.
Bố không động vào những quân bài mới chia mà để cho đến khi được khoảng mười quân rồi cầm bài lên xem.
Nước sôi tràn cả ra vòi ấm.
Tôi đặt bài xuống, rót nước vào hai cốc trà đã chuẩn bị sẵn. Trong lúc tôi loay hoay pha trà, bố lén lật bài tôi lên xem.
– Cho đường vào cho bố.
– Con biết rồi.
Dù cố tình nói thế thì bố cũng thừa biết là tôi sẽ không cho đường. Bố chỉ làm ra vẻ như thế để cố tình che giấu cái tay đang động đậy lật xem trộm bài tôi.
Ông cụ mắc chứng bệnh tiểu đường rất nặng nên thường xuyên phải tiêm thuốc Insulin định kỳ. Dù có uống trường kỳ cái loại thần dược kia theo đúng đơn thuốc nhưng buổi sáng vẫn thấy bọt vàng của chất đường sủi lên trong nước tiểu. Bố thường ngâm cái dụng cụ thử vào đó với bộ mặt rầu rĩ.
Cầm chén trà quay về bàn, nhìn thấy tôi thu phần bài lên rồi bố mới cầm phần bài của mình lên, thận trọng mở từng cây, xếp như một chiếc quạt giấy xòe ra trên tay. Một nụ cười thoả mãn thoảng qua trên khoé môi ông cụ. Trên bàn, mười tám quân bài nằm rải ra hoa cả mắt.
– Một cánh đồng hoa. Đất thì rộng mà không có hạt để gieo thì làm thế nào đây?
Bố lại liếc mắt sang nhìn bài tôi. Tôi cũng túm chặt những quân bài của mình, rồi cũng rướn mắt nhỉn sang tập bài bố đang cầm. Mà có lẽ cũng không nhất thiết phải rướn mắt lên. Chỉ cần nhìn từ phía sau quân bài cũng có thể biết được bố đang cầm bộ gì. Có lẽ bố cũng vậy. Cây có một nếp gấp nghiêng theo chiều ngang là cây “Phong lan 5” ([5]), một vết mòn tròn tròn bên góc trái là quân “Mộc lan” ([6]), phía mép bên phải bị tách ra là con “Hồng thảo 10” ([7]) có vẽ con lợn rừng. Tôi và bố đã quá quen thuộc với mặt sau của những quân bài đến mức chỉ cần nhìn chúng cũng có thể biết được đó là cây gì để tính toán các nước đi.
Bố đang cầm bộ “Tanphung 10” ([8]) và “Mẫu đơn 5” có đai xanh, đôi mắt ông cụ đang dừng lại ở bộ “Phalkongsan hai mươi” ([9]). Và con đang nằm úp ngoan ngoãn đợi được lật lên có lẽ là con “Kongsan trắng”. Nếu lật ngay bộ hai mươi điểm ra để bắt hết quân trắng thì có vẻ như phũ phàng quá. Bố luôn như vậy. Sau một hồi làm ra vẻ ngẫm nghĩ, với bộ mặt ra thể rất tiếc vì không còn cách nào khác rồi mới lật bộ “Kongsan hai mươi”.
– Đã bộ hai mươi rồi cơ à. Bố tốt bụng thật đấy, bố có ra bộ tứ không đấy?
Tôi đã đổi cách dùng từ, nhẽ ra phải nói “biết điều” thì tôi đã nói là “tốt bụng”. Bố nhoẻn miệng cười hồn nhiên như một đứa trẻ.
Tôi ném bài xuống, ăn bộ Hồng thảo.
– Chắc sẽ ra “Chil-ti” đây.
– Giờ chỉ còn một thôi. Có phải cái gì cũng được theo ý mình đâu. Chắc bài không còn gì nữa…
Nếu phá bộ “Tanphung” thì phải làm cho bố hạ bộ “Mẫu đơn” đai xanh đang cầm xuống mới được, rồi cứ theo thế phá bộ ba hoặc không thì phải làm thế nào đó… đầu tôi chộn rộn với những suy tính.
– Tính cộng điểm đến một nghìn nhé?
– Vâng, thế cũng được.
Trời vào cuối thu, đêm như dài thêm ra vậy, dài đến mức phải chơi đến một nghìn điểm. Phía trên đầu vọng xuống tiếng dép loẹt quẹt. Tiếng trẻ con khóc hờn và tiếng hát ru thì thào, nhè nhẹ của người phụ nữ đang dỗ con.
Ngoài cửa sổ tối đen như phủ một lớp giấy than, dưới ánh đèn có cảm giác như bố và tôi đang bị chìm sâu trong bóng tối. Dường như chúng tôi đã ngồi đối diện nhau, trên chiếc bàn ăn này và chơi bài từ lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa. Ký ức về những ngày ấy như một giấc mơ của thời niên thiếu, lẫn lộn giữa hiện thực với tưởng tượng, xa xăm mơ hồ. Mỗi khi bài vào thế bí, anh thường làm theo cách của những tay cờ bạc chuyên nghiệp, lén đứng lên đi vào toilet để “giải đen” cho bài của mình.
– Khóc buổi đêm thế này là không hay đâu, trẻ con chúng nó nhạy cảm lắm, thể nào trong nhà cũng có chuyện gì không hay xảy ra cho mà xem.
– Sao bảo ngày xưa con cũng hay khóc lắm mà bố?
Tôi vừa dồn mấy cây “Thuỷ cúc trắng” lại vừa hỏi lại bố.
“Ngủ đi con, con tôi ngủ ngoan cho đến sáng mai, khi bình minh đến bên cửa sổ con nhé.”
– Mẹ mày ngày xưa hát ru hay lắm.
Đúng như thế thật. Mẹ tôi đã từng là một bảo mẫu trong nhà trẻ, bà biết rất nhiều bài hát, rất thích hát và có một giọng hát mượt mà.
“À… ơi… con vàng con bạc của mẹ, nhắm đôi mắt đen như ngọc, sáng như sao, bay vào thế giới của những giấc mơ con nhé.”
– Đến lượt mày đấy.
Bố cũng bị cuốn theo tiếng hát ru, bỗng nhiên như sực tỉnh, nói giọng gắt lên với tôi. Trên trần, người phụ nữ như không hề biết sốt ruột, cứ đi đi lại lại từ đầu ban công bên này sang đầu ban công bên kia, từng bước một, đều đặn chính xác như một cái máy đếm nhịp.
Từ khoảng bốn tháng trước, số lần nhìn thấy người phụ nữ mới đến thuê nhà trên tầng hai chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần vì cầu thang đi lên tầng hai ở phía bên ngoài, phần vì người đến thuê dùng cửa phụ nên hầu như không có dịp nào chạm trán nhau. Nhưng vì đứa bé hay gắt ngủ mà nó khóc suốt từ chập tối cho đến tận khuya thành ra trong suốt thời gian bố con tôi đánh bài trên đầu luôn có tiếng bước chân loẹt quẹt ở ban công tầng hai và tiếng hát ru con trầm trầm, đều đều đơn điệu của người phụ nữ dỗ con.
Đến lượt tôi với ba cây bài còn trên tay, liếc thấy bố đang cầm bộ “Otong 11” ([10]) nên tôi cũng ném bộ Otong 10 xuống. Như chỉ đợi có thế bố hý hửng ôm ngay bộ đó lên.
– Lúc đầu tưởng bài đẹp thế cơ mà, sao giờ lại chán thế….
– Cờ bạc ăn nhau về cuối mà bố.
– Đèn tối quá, chắc phải dùng máy biến thế mất.
– Mắt bố kém đi rồi đấy.
Tôi và bố đang diễn lại vở kịch với kịch bản cũ rích.
– Làm gì suốt từ nãy thế, đổ hết vốn đi buôn giờ đến tiền mua thuốc uống cũng không có nữa.
Tôi vươn vai, duỗi dài tay, bố đang ngồi tính điểm, rồi giẫy nẩy lên vội vàng lấy tay che bài.
– Chưa hết ván mà, ai cho nhìn bài người khác thế. Bài tao cũng có gì mấy đâu.
– Cuối ván rồi còn gì, con thôi rồi.
Đánh cây cuối cùng, bố ném bộ “Sakhura 10” xuống, lật nốt cây cuối, bốc lên và hạ bài.
– Bài mà không đẹp thì có lợi nước đầu cũng chẳng ích gì. Đến con cuối cùng cũng chẳng ăn uống được gì.
Tôi ghi lại điểm vào giấy, xếp bài lại rồi đẩy sang cho bố. Trong lúc bố tráo bài, tôi ra bật cái tivi để ngoài hiên. Màn hình mờ mờ ảo ảo như bị ám khói, hình ảnh những người đang bận rộn di chuyển hiện ra chốc lát rồi lại biến mất.
– Điện yếu quá nên hình nó không lên được ý mà. Có chuyện gì xảy ra thế?
– Có cái nhà trẻ bị cháy, trẻ con có đứa chết.
– Khốn kiếp, sống lâu nhục nhã thế đấy, lại phải chứng kiến cả cái cảnh đấy nữa.
Giọng nói của bố như đã tìm lại được sinh khí.
– Phải chăng việc đó là tại chúng ta?
Tôi hạ thấp giọng như để ghìm tiếng bố lại. Thật sự đấy là lỗi tại chúng ta chăng. Con ơi, con vàng, con bạc của mẹ…
Mẹ vừa cắm hoa vừa hát. Mẹ mày người bé nhỏ như thế, đẻ nhiều là quá sức lắm đấy.
– Bố kìa, bài bị kẹp díp.
Tôi hơi gắt gỏng, chỉ ra một cây bài kẹp vào giữa cây bị bong gần hết   lớp nilông.
– Dùng lâu quá rồi đấy mà. Phải đổi bộ mới thôi.
Bố rút cây bài bị kẹp, cười khà khà. “Con tôi chết oan”. Đúng là nói lung tung. Lẽ ra không được để mẹ ở cái nhà cầu nguyện vớ vẩn đấy. Một người đàn ông thày tu không ra thày tu, thày cúng cũng không ra thày cúng đã quất mẹ bằng một cái roi cành đào. “Cứu tôi với, con ơi cứu mẹ…” Đến khi về nhà mẹ vẫn không sao thoát khỏi nỗi kinh hãi với cái roi đào đó.
“Bố mày sinh hoạt bừa bãi nên mới thế”. Tay chỉ đứa bé có cái đầu to, phù lên như túi nước, mẹ nói như hát với anh – khi đó là một học sinh trung học nhưng lớn trước tuổi. Cái quai cặp bị đứt làm tôi bực mình, về đến nhà thấy mẹ đang đặt cái gương trên cửa sổ, ngồi đó hong nắng, chải tóc. Em đâu? Tôi hỏi. Mẹ đưa bàn tay lạnh ngắt như cột đá bấu ra sau gáy nói. “Để mẹ mua búp bê cho”.
Khi xe cứu thương từ bệnh viện đến, mẹ đang bò dưới bàn ăn. “Con ơi, không đi đâu, sợ lắm, đừng để bọn chúng đưa mẹ đi.” Bị người ta lôi đi, mẹ ngoái cổ lại kêu la cho đến khi không còn nhìn thấy tôi nữa. Cười gì, sao mà cười. Bố không nghĩ là đã làm một việc quá đáng lắm sao? Mày không hiểu gì hết con ạ. Kết cục thì có gì khác đâu. Con vẫn còn bé, không hiểu hết được đó là chuyện gì và vì sao nó lại như thế. Em mày chả biến mất đi như thế đó sao. Cuối cùng hóa ra mày nghĩ là mẹ mày ra nông nỗi thế tất cả là tại bố à. Lẽ ra bố đã có thể trông nom mẹ cẩn thận hơn. Với mẹ mày, chỗ đó có lẽ lại hợp hơn đấy. Vừa có bạn có bè, mà thật ra gia đình đâu phải cái gì to tát ghê ghớm lắm như người ta nghĩ. Còn mày, trong thâm tâm không phải mày cũng đã thấy thật may mắn khi không phải ở gần mẹ mày đấy sao. Trước đây chả có lần mày đã trách móc vì mẹ mày mà có đám đến hỏi mày chạy mất còn gì. Tôi cau mày khó chịu. Bố đang lấy móng tay di di cố xoá đi cái nếp gấp ngang đằng sau quân bài.
– Bố chia nhanh lên đi.
– Được rồi.
Bố chia từng cây một.
Cái vết này từ lúc sinh ra mày đã nhìn thấy rồi đúng không. Chỉ tại anh mày nên mới bị thế đấy.
– Bài có được không?
Bố vừa sắp bài thành bộ, ngó sang tôi hỏi.
– Toàn con linh tinh, chả bộ nào ra tấm ra món cả.
Nhặt đến con Songhak ([11]), tôi bỗng giật mình lắng tai nghe. Dường như từ bên kia cánh đồng có tiếng sáo vọng đến. Cả hương hoa khô theo làn gió bay đến sộc vào mũi rười rượi. Chắc không phải đâu, tôi xua đi ý nghĩ trong đầu.
– Sao thế?
– Không, có gì đâu.
Cái ngày nó đến tìm tôi bằng tiếng huýt sáo ấy cách đây đã mười năm rồi. Mà không, có lẽ còn lâu hơn, một ngày trong giấc mơ xa xôi nào đó. Vào những đêm khuya, nghe thấy tiếng sáo lả lướt từ phía cánh đồng là tôi mở cửa đi ra, nó đang đứng say sưa thưởng thức mùi hương hoa cỏ khô. Từ khi nó không đến nữa, tôi thường mơ được đi bộ trên con đường quanh cánh đồng nở đầy hoa cỏ dại với nó – một chàng trai mới mười chín tuổi. Tôi sẽ mặc bộ đồ ngủ, đầu thắt ruy băng đỏ, gió thổi rì rào mang theo mùi hoa cỏ thoang thoảng đâu đó. Dưới đôi chân trần bỏ dép, đất mềm mại, trơn nhũn như con giun cát. Trên đầu tiếng chim chiền chiện kêu dày đặc, nó mắt hấp háy nói với tôi. “Ruy băng không hợp đâu”. Đúng thế, tôi đã quá tuổi để dùng chiếc ruy băng đỏ đó. Tầm tuổi tôi mà lại thắt cái ruy băng đỏ như trẻ con thế này thì chỉ có một là thần kinh, hai là gái làng chơi mà thôi. Tôi nhìn con “Sakhura” quay như chong chóng giữa các ngón tay của bố.
– Bố ăn con này.
– Bố cứ ăn hết thế thì con còn gì mà đánh nữa.
Liệu giờ này anh đang ở đâu nhỉ. Đừng có nhắc đến cái thằng ấy. Bố gắt lên. Cái thằng ấy, trước khi có nó mọi việc đều yên ổn cả. Phải chăng bố tức giận với sự vắng mặt của anh vì đánh bài Hoathu ba người thú vị hơn hai người rất nhiều. Ván bài bẩn thỉu. Một ngày nào đó, anh bỗng xô bàn đứng dậy, làm đứt phựt một sợi dây đang kéo căng ra, phá vỡ một cấu tạo bộ ba. Tôi và bố lảo đảo, loạng choạng vì đột nhiên mất thế cân bằng.
Liệu tôi cũng có thể bỏ đi mất hút như thế được không nhỉ. Liệu có thể bỏ chạy, giống như việc khoác chiếc áo phao cứu mệnh thoát khỏi cái chết trên con tàu đang dần đắm được không. Tôi thoáng nhìn khuôn mặt bố đang căng thẳng vì sợ tôi ăn mất con “Mecho” thì sẽ làm mất một bộ của bố. Khuôn mặt dài, nhỏ, cái mũi khoằm, lại thêm thịt ở hai bên má kéo sệ xuống làm mặt bố trông lại càng dài hơn. “Con ơi, đưa mẹ đi đi. Ở đây sợ lắm, buồn lắm.” Nhưng chỗ nào cũng thế thôi mẹ à. Bộ bài Hoathu đã được chuyển từ tay bố sang tay tôi.
– Thế mà cũng vã mồ hôi mới thắng được đấy nhỉ.
Bố thắng liền hai ván, pha trò nhạt thếch bằng bộ mặt gàn dở. Tôi chuyển những cây bài thật nhanh cố để không kịp phải nhận ra cái hơi nóng nóng, dấp dính của những quân bài. Tay bố lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi.
Cuối cùng, tôi ném xuống một quân Kukchin trắng chẳng ăn nhập với bộ nào, bố hý hửng nhặt ngay lấy.
– Bộ tứ này. Mày đang làm cái gì thế?
Tôi ghi điểm của bố vào giấy dù đó là những con số vô nghĩa. Mười giờ, tivi bắt đầu chương trình “Show diễn hạnh phúc”. Điểm của bố đã được hơn một nghìn, tôi gom hết bài lại.
– Đến giờ bố uống thuốc rồi.
Tôi túm vội vào góc bàn, lảo đảo.
– Sao thế?
Bộ đặt bộ bài xuống, khuôn mặt thoáng chốc bỗng rầu rĩ, già hẳn đi.
– Con hơi chóng mặt.
Lại có tiếng huýt sao đằng xa. Các mạch máu của tôi bắt đầu rung lên, giật giật, ảo giác về tiếng huýt sáo là một triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính.
– Thằng mất dạy nào nửa đêm lại còn huýt sáo thế không biết. Lại cái bọn cha vơ chú váo tụ tập nhau vào đấy mà.
Tay bố như thành thói quen, lúc nào cũng dính vào bộ bài. Rồi như nhận ra ánh mắt tôi đang nhìn tay bố, ông cụ mới chần chừ lôi từ trong túi ra mảnh giấy.
– Xem đây này, để trong hòm thư đến mấy ngày rồi. Đã biết là không nộp đúng ngày là bị phạt thêm tiền rồi cơ mà. Việc lúc nào làm ngay lúc đấy thì mới không có hậu quả. Mà không hiểu sao tiền điện tháng nào cũng nhiều thế chứ. Biết cách dùng thì tiết kiệm được khối rồi đấy.
Bố lúc nào cũng có thể moi móc về chuyện tiền điện được.
– Tủ lạnh bây giờ cũng có chạy nữa đâu.
Thật là vớ vẩn, tôi bỗng thấy bực mình, cãi lại bố bằng cái giọng hơi    run run.
Hóa đơn tiền điện mà để trong hòm thư mấy ngày chẳng phải là do bố cố tình hay sao? Một ngày ít nhất bố cũng phải mở hòm thư đến chục lần cơ mà. Một tháng chỉ có một lần hoá đơn tiền điện, tiền nước gửi đến thôi, ngoài ra có bao giờ có thư từ gì đâu vậy mà bố vẫn mất công vô ích trước cái hòm thư rỗng tuếch ấy. Tôi nói bằng cái vẻ thân thiện với kẻ thù của đồng phạm, không giấu diếm ý đồ phản bội đã được chuẩn bị sẵn và có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Bố ném cái hoá đơn vào góc bàn rồi điềm nhiên cầm lấy bộ bài. Bố bắt đầu xếp bài theo hình tháp. Tôi ngồi đối diện, chống cằm nhìn theo tay bố xếp từng quân bài xuống bàn. Bố cầm lên một cây, một mình ông cụ có thể chơi được tất cả các loại bài.
– Lật được con gì thế bố?
– Con khách.
Bố bỗng trở nên tình cảm. Song lại đưa ánh mắt buồn rầu nhìn tôi.
– Còn chóng mặt không? Trông mệt mỏi lắm đấy, vào ngủ đi con.
Tiếng huýt sáo luồn theo bóng đêm vọng đến ngày một rõ hơn. Thế nào cũng phải kiếm một bộ mới chơi thôi, chứ biết hết bài nhau thế này chơi mất hay.
Trên đầu, tiếng bước chân đều đều của người phụ nữ dừng lại ở một góc rồi đi xa dần.
– Chắc cõng cả tối rồi giờ mới đặt được xuống đây. Quen thói quá rồi.
Tôi ngáp một cái rõ to rồi đưa tay dụi mắt.
– Con đi vào trước đây. Thuốc đây, bố uống đi và đừng ngồi khuya quá nhé. Cửa để con đóng cho.
Tôi vào nhà vệ sinh, vặn vòi hết cỡ cho nước chảy thật mạnh, rửa tay thật kỹ. Và dù biết rằng bố không bao giờ ngoái lại đằng sau hay làm một việc  gì đó nhưng tôi vẫn tránh ánh đèn lọt vào từ bếp, bước rón rén, đu người qua tường.
Tôi mở cửa ngoài hiên thật nhẹ nhàng không để có tiếng kêu nào. Nhảy qua mấy bậc đá là ra đến cổng. Vẫn còn nghe thấy tiếng hát ru thì thào, tôi cảnh giác xem liệu có bị ánh mắt của người phụ nữ trên tầng hai phát hiện không.
Chỗ cuối cánh đồng, công trường xây dựng nhà ở trên đỉnh đồi cao ngất ngưởng, đang làm việc cả đêm hay sao mà đây đó có những đống lửa được đốt lên. Chắc phải hoàn thành công trình trước mùa đông. Tôi gắng bước thật nhanh, tránh xa ánh sáng từ những ngọn đèn heo hắt treo rải rác.
Hắn đang đứng giữa đống cát và bức tường xi măng xây cao ngang đầu người bên ngoài một ngôi nhà xây dở.
– Đợi mãi, ra muộn thế.
Như đã dõi theo tôi từ đằng xa, hắn không thèm quay lại nhìn, vừa đạp chân vào đống cát vừa nói.
– Cũng bằng giờ hôm qua đấy chứ.
Tôi hạ giọng nói thật nhỏ.
– Đoán đằng ấy đến nên đây cũng cố tình xong việc sớm.
Giọng hắn nhừa nhựa hơi rượu. Sương bắt đầu xuống. Cái lạnh ngấm dần vào người. Hắn hơi luống cuống, không biết phải làm thế nào liền chộp lấy tay tôi. Các ngón tay của hắn rắn đanh như cục sắt. Bàn tay rất to và cứng. Nếu là ban ngày, chắc hẳn sẽ là một bàn tay trông rất thô và bẩn.
– Ở đây lạnh quá. Trong nhà trống đấy. Bọn chúng nó còn đang mải mê ở quán rượu.
Người hắn run lên dù đã có rượu, hay tại hưng phấn quá chăng? Tay hắn bắt đầu ra mồ hôi, lành lạnh, ươn ướt. Hắn nắm tay tôi, đạp mấy miếng gỗ, mảnh tường xi măng vỡ trước cửa để vào nhà.
Mẹ kiếp, hắn nhổ nước bọt toèn toẹt.
– Sao thế?
– Chưa chạy điện.
Thế nhưng hai cửa sổ mới dựng khung chiếm đến quá nửa hai bức tường và mái nhà vẫn thủng nên bên trong cũng không tối. Hắn lấy chân đẩy đống vỏ bào và các mảnh gỗ sang một bên dọn ra một khoảng trống.
Bàn tay cứng ngắc xọc vào trong ống tay áo len của tôi. Người hắn đang run lên bần bật. Và cười ngượng nghịu như muốn khoả lấp ngọn lửa hừng hực đang đốt cháy hắn. Không tháo được cúc cái áo len thứ hai, hắn thô lỗ tốc ngược áo tôi lên đến tận cổ. Tôi như nghẹt thở, da thịt chỗ phía trong bắp đùi sởn gai ốc. Nửa người trên bị cọ xuống sàn xi măng lạnh buốt, đau rát. Hắn cởi áo ngoài, lót xuống lưng cho tôi.
Bầu trời hiện ra trên mái nhà thủng, những ngôi sao lớn, sáng quắc sà xuống trước mắt tôi. Bóng tối của đêm luôn thoang thoảng mùi hoa cỏ khô. Chòm sao tiên nữ, sao thiên lang, sao đại hùng tinh… Đằng ấy mệnh sao gì thế? Sao bọ cạp. Nếu đằng ấy có một ngôi nhà nhỏ với những bức tường dày dặn và khung cửa nhỏ xinh thì… làm “việc ấy” cũng thích hơn đấy. Tuy bản tính nhút nhát, ít nói nhưng tôi luôn mơ đến một tình yêu lãng mạn. “Hoa không hợp đâu.” Đúng rồi, tôi đã quá già để có thể cài hoa lên đầu. Nếu không phải thần kinh hay gái làng chơi thì không ai cài hoa như thế cả.
– Trời lạnh quá. Còn lạnh hơn nữa thì không làm việc được mất. Phải khoảng mười lăm ngày nữa mới xong công trình. Đến lúc đấy chắc cũng không đến nỗi lạnh quá đâu nhỉ.
Hắn vừa nói vừa mân mê sợi tóc trên đầu tôi.
– Ghét trời lạnh nhỉ. Tôi cười khúc khích.
– Còn những cái khác thì thích chứ? Đằng ấy có phải chị góa thèm hơi giai không đấy?
Rồi hắn cũng cười khoái chí.
Tiếng hát í éo đua nhau từ đằng xa vọng lại.
– Bọn họ về rồi đấy.
Hắn đứng dậy, rũ rũ cái áo khoác vừa rải xuống rồi mặc lại vào người.
– Mai có đến không?
Ra đến giữa bãi cát và bức tường xi măng, hắn dừng lại hỏi.
– Có tiền không, đưa đây một ít đi.
Tôi nói luôn làm hắn sững người lại.
– Người thấy không được khoẻ, phải mua thuốc uống. Cũng không bảo đưa nhiều đâu.
Hắn lại nhổ toẹt bãi nước bọt, mồm lầm bầm.
– Lúc đầu tưởng hiền lành lắm, đi buôn không nộp thuế thế này, lấy rẻ thôi chứ.
Hắn sột soạt lôi điếu thuốc trong túi ra, gắn lên miệng, bật lửa châm một đoạn dài rồi gí gần đến mặt tôi. Nhìn đốm lửa như ngọn hoa đèn trên đầu điếu thuốc, tôi nhếch miệng, cười dài.
– Mẹ kiếp. Buôn với bán. Hôm nay không có. Ngày kia có đến thì đưa.
Hắn thuỷ nước bọt lung tung như thể bị ai xúc phạm ghê ghớm lắm. Tôi rảo bước thật nhanh. Có lúc còn va vào vai một toán công nhân say rượu.
Cổng vẫn mở. Người phụ nữ trên tầng hai đến giờ vẫn ỉ eo ru đứa con, chị ta đang đứng ngoài ban công. Lén mở thật khẽ cửa ngoài hiên vào nhà, tôi lấy tay đập đập lên người để rũ bớt khí lạnh. Bố vẫn ngồi y như cũ trên bàn, đang tự chơi bài.
– Con gì thế?
– Con khách. Đi ngủ đi.
Bố không cả quay lại nhìn, vẫn mải mê với mấy quân bài.
Tôi vào phòng, bật điện, rồi bỗng thần người ra nhìn bóng đèn trên tường. Tôi chợt nhớ ra, mở ngăn kéo bàn.
Con ơi, đưa mẹ đi đi. Ở đây sợ lắm, buồn lắm. Mẹ kêu cứu bằng mấy dòng chữ viết to, nguệch ngoạc như đứa trẻ mới học chữ. Phía dưới chỗ giấy trắng có vẽ hình người trồng cây chuối, hai chân dựng đứng lên như những cành củi khô và cái đầu tròn ung ủng như quả bóng. Tôi đưa tờ giấy lên mũi hít lấy hít để cái hương hoa cỏ khô thoang thoảng. Mở cái nắp quan tài mộc không có một chút trang trí, từ mái tóc hoa râm của mẹ cũng tỏa ra mùi hương hoa cỏ khô. Như chỉ đợi chúng tôi đến, nắp quan tài bắt đầu được đóng đinh. Thi thể đã bắt đầu bốc mùi của mẹ còn toả ra mùi hoa khô cay nồng như một làn sương khói mỏng mảnh. Lúc chết, người thì không tắm được nhưng nhất định phải xịt nước hoa. Mẹ vốn rất thích những cái xa xỉ và phù phiếm. Mãi sau này bố mới nói. Nếu vậy phải chăng đây là mùi nước hoa lẫn với mùi da thịt mẹ.
Tôi nằm sõng người xuống sàn lạnh ngắt. Vẫn chưa thấy có dấu hiệu bố sắp vào phòng, coi như đang một mình trong ngôi nhà trống, tôi tốc váy, kéo áo lên đến tận nách. Trên đầu tiếng chân bước nhè nhẹ của người phụ nữ ru con vẫn đều đều. “Con yêu quý, con vàng con bạc của mẹ”. Tôi duỗi tay tắt công tắc điện. Căn phòng trùng xuống, bước vào bóng tối tĩnh lặng. Một lát sau, cả ngôi nhà bắt đầu chìm dần vào vũng lầy bóng tối. Người phụ nữ bị cắm trên cột buồm của con tàu đang đắm, phần phật, phần phật trong đêm như một miếng vải cũ rích, rách rưới bị đóng khung trong một bố cục vô hình.
Người tôi như sắp tan ra thành từng mảnh dưới sức kéo, sức nhấn của thuỷ lực, tôi thở hổn hển, ríu rít kêu cứu, miệng nhệch ra, cười dài như đốm lửa trên que diêm chợt loé.

O.C.H

[1] Hoa thu là một loại chơi bài có xuất xứ từ Nhật Bản du nhập vào Hàn Quốc từ thế kỷ 19, sau đó nó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và ngày nay trở thành kiểu chơi bài phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Bộ bài Hoa thu gồm có 48 cây, mỗi bộ 4 cây và được thể hiện bằng các hình vẽ hoa lá, cây cỏ theo mùa tượng trưng cho từng tháng trong một năm. Tuỳ theo hình vẽ mà mỗi quân bài sẽ được tính điểm khác nhau: 20 điểm, 10 điểm, 5 điểm và quân trắng (không có điểm).
[2] Mỗi quân bài có một ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Con số 12 (pi koang: trời mưa) có ý nghĩa tượng trưng là sắp có khách đến.
[3] Hoa mai 5: quân bài có hình vẽ hoa mai, tượng trưng cho tháng 2, được tính 5 điểm.
[4] Hắc thảo: quân bài có hình vẽ một loại cỏ màu đen, tượng trưng cho tháng 4.
[5] Phong lan 5: quân bài có hình vẽ hoa phong lan, tượng trưng cho tháng 5, được tính 5 điểm.
[6] Moktan trắng: quân bài có hình vẽ hoa mẫu đơn, tượng trưng cho tháng 6, không có điểm.
[7] Hongsari 10: quân bài có hình vẽ một loại cỏ màu đỏ, tượng trưng cho tháng 7, được tính 10 điểm.
[8] Tanphung 10: quân bài có vẽ lá vàng, lá đỏ, tượng trưng cho mùa thu tháng 10, được tính 10 điểm.
[9] Phalkongsan 20: quân bài tượng trưng cho tháng 8, được tính 20 điểm.
[10] Otong 11: cây bài tượng trưng cho tháng 11.
[11] Songhak: cây bài tượng trưng cho tháng 1, có vẽ hình cây thông.

Nguồn tin: TCNV 08-2012

Exit mobile version