Cái chết của Valerie Eliot, người vợ thứ hai và cũng là tri kỷ của nhà thơ Anh vĩ đại T.S. Eliot (giải Nobel 1948), đã tước đi của thơ ca một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất. Valerie qua đời ngày 9/11/2012, thọ 86 tuổi.

Theo nhà báo Peter Stanford của tờ Telegraph, việc Valerie Eliot qua đời đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên các “góa phụ văn chương” của thế kỷ trước. “Góa phụ văn chương” là từ chỉ những người vợ trẻ, thường là vợ hai, của các tác gia thế giới, những người giành quyền kiểm soát di sản văn chương, dành hàng thập kỷ cuộc đời họ để tôn vinh sự nghiệp văn chương của người chồng quá cố.

38 năm và tình yêu

Người vợ của nhà thơ kém chồng 38 tuổi nhưng điều đó không làm cho tình yêu của họ kém say đắm. Trong những bữa tiệc, vợ chồng nhà Eliot nắm tay và trao nhau những ánh nhìn tình tứ như một đôi uyên ương trẻ tuổi.

Nhà báo David Morley của tờ Guardian hồi tưởng lại về T.S. Eliot và Valeria Eliot: “Xung quanh họ toát ra một niềm hạnh phúc như thể họ không chỉ có chung tâm hồn mà còn chung cả thể xác. Họ là chính mình, hoàn toàn thanh thản trong tình yêu. Valerie từng viết lên tờ quảng cáo của vở kịch Antigone: Tôi đang ngồi cạnh TSE, tình yêu của tôi, và điều đó khiến mọi vở kịch đều có thể chịu đựng được”.

Nhiếp ảnh gia Myron Davis từng chớp được một khoảnh khắc tuyệt vời: Tom và Val đứng cạnh nhau trong một nhà hát ở Chicago (Mỹ) vào năm 1959. Đó là một trong những bức ảnh đẹp nhất của họ. Valeria tựa vào chồng và trò chuyện cùng ông. Tom trông tươi tỉnh. Khoảng cách tuổi tác trở nên vô hình.


Đôi vợ chồng Valerie và T.S. Eliot trong một nhà hát ở Chicago vào năm 1959 (Getty Image)

Ước mơ thời niên thiếu trở thành mãi mãi

Esme Valerie Fletcher sinh năm 1926 tại thành phố Leeds của nước Anh. Cuộc đời bà như một bài thơ. Năm 14 tuổi, cô gái Valerie đọc Cuộc hành trình của các đạo sĩ (Journey Of The Magi) của nhà thơ T.S. Eliot và tuyên bố với gia đình rằng sẽ không bỏ cuộc chừng nào chưa trở thành thư ký riêng của người đã viết nên những vần thơ đó. Bà đã xác định rõ ràng mục tiêu của mình, là “phải gặp Tom, làm việc bên cạnh anh ấy”.

Ước mơ này trở thành hiện thực vào tháng 8/1950, Valeria trở thành thư ký của Tom tại nhà xuất bản Faber & Faber. Năm đó, Tom đã 62 tuổi còn Valerie mới 24. Và, tất nhiên về sau, bà không chỉ là thư ký.

Trước đó, Tom đã trải qua một cuộc hôn nhân hỗn loạn với Vivienne Haigh-Wood. Sự ghê tởm đối với người vợ thứ nhất khiến Tom viết nên những bài thơ đen tối nhất trong sự nghiệp của ông. Haigh-Wood bị bệnh thần kinh ngày càng trầm trọng. 5 năm sau khi ly dị chồng vào năm 1933, bà được gửi đến nhà thương điên.

Lúc đó, Valerie xuất hiện, quá trẻ, quá say đắm, đánh thức niềm đam mê trong con người Tom. Bà đến phỏng vấn xin việc vào năm 1949 và người phỏng vấn chính là Tom. Ông hút thuốc liên tục và “cũng bối rối như chính tôi vậy”, theo lời Valerie.

Năm 1956, nhà thơ lấy can đảm để nói lời cầu hôn với người thư ký. Họ kết hôn vào tháng 10/1957, khi người chồng 69 và người vợ 31 tuổi. Bố mẹ Valerie chúc phúc cho họ. Bà nhớ lại niềm hạnh phúc của chồng: “Có một đứa trẻ bên trong con người anh ấy, chưa từng được giải phóng trước đó”.

Sau này, T.S.Eliot đã viết trong bài thơ Dâng vợ (A Dedication To My Wife): “Gửi đến người đã cho anh niềm say mê đầy mạo hiểm/ Khi chúng ta thức dậy, các giác quan của anh như sống lại/ Chúng ta thở trong một hợp xướng/ Của những người tình mà cơ thể quyện mùi nhau/ Những người có cùng suy nghĩ mà chẳng cần cất tiếng/ Và bập bẹ những lời giống nhau mà chẳng cần ý nghĩa”.

Một “góa phụ văn chương” điển hình

Họ chỉ được bên nhau 8 năm ngắn ngủi. Tháng 1/1965, Tom qua đời. Valerie nắm quyền kiểm soát tác quyền văn học của chồng, điều khiến bà bị giới học giả khinh miệt, tô vẽ bà như một kẻ hãnh tiến thiếu trình độ nhưng tham lam.

Chính xác thì Valerie là một “góa phụ văn chương” điển hình, với trí thông minh, lòng nhiệt huyết và cả sự “cứng đầu” cùng những quyết định gây tranh cãi. Bà bị chỉ trích nhiều năm trời vì đích thân biên tập các bức thư của chồng để xuất bản. Năm 1985, bà sử dụng quyền phủ quyết của mình để từ chối cho nhà văn Peter Ackroyd trích dẫn thơ Eliot trong một cuốn tiểu sử.

Nhưng trong một trường hợp khác, bà lại hào hứng cho nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber dùng thơ Eliot trong vở nhạc kịch Cats. Hơi thất thường và thiếu công bằng, nhưng Valeria có lý lẽ riêng, bởi sinh thời Tom vốn không thích người ta viết tiểu sử về ông.

Peter Stanford viết trên Telegraph: “Ngày nay những cộng sự của các nhà văn, nhà thơ không còn hào hiệp, tâm huyết và đáng yêu như vậy nữa. Các góa phụ văn chương, tôi sợ rằng, đã hết”.

Vợ chồng nhà thơ T.S. Eliot (1888-1965)

T.S. Eliot, tên đầy đủ Thomas Stearns Eliot. Ông là nhà thơ lớn nhất thế kỷ 20 của nước Anh kiêm nhà soạn kịch, nhà phê bình văn học và xã hội. Các tác phẩm lớn: Đất hoang (một trong những bài thơ quan trọng nhất thế kỷ 20), Bản tình ca của J. Alfred Prufrock, Ngày thứ Tư tro bụi, Những kẻ rỗng tuếch, Bốn khúc tứ tấu…

Valerie Eliot (1926-2012), tên đầy đủ Esme Valerie Eliot (đổi họ theo chồng). Bà là cổ đông lớn kiêm biên tập viên nhà xuất bản Faber & Faber của chồng. Sau khi Eliot chết, Valeria đã biên tập và tổ chức xuất bản các di sản của ông như tập Đất hoang: Bản chép đúng và bản thảo của những bản nháp đầu tiên, Những bức thư của T.S. Eliot (nhiều tập).

Nguồn: thethaovanhoa.vn