Nói tới văn hoá của một dân tộc không ai là không nghĩ tới văn học, bởi văn học có một vị trí không thể thiếu trong mỗi nền văn hoá. Tuy nhiên trong một thời gian dài do nhu cầu bức thiết của thực tế, vai trò văn học chủ yếu được hiểu như là phương tiện để tuyên truyền, giáo dục văn hoá, một công cụ mang tính chất như là “văn dĩ tải đạo”. Cách hiểu đó đã làm giảm sút vai trò chủ động sáng tạo văn hoá sâu sắc, nhiều mặt của văn học. Ngày nay, trong viễn cảnh xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vai trò sáng tạo văn hoá của văn học cần được nhìn lại cho thấu đáo.


Theo cách hiểu chung nhất về văn hoá và văn học hiện nay thì vai trò sáng tạo văn hoá của văn học có thể nhìn nhận dưới bốn khía cạnh như sau.

Lấy việc sáng tạo, biểu hiện con người làm trung tâm, văn học trước hết phát huy vai trò sáng tạo những mô hình nhân cách con người. Về một mặt nào đó, đây chính là vai trò nêu gương của văn học đã thể hiện trong toàn bộ lịch sử văn học. Trước đây trong điều kiện kháng chiến chống ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu : “Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu mai sau”([1]). Ý kiến đó đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa, song ngày nay ta còn phải hiểu rộng hơn, cụ thể hơn, văn học hơn. Ngày xưa các nhà thơ thường làm thơ nói chí, chí là tâm nguyện, ước mơ lí tưởng. thì đó là thơ, trong đó nhà thơ ngợi ca, khẳng định nhân cách, chí hướng của mình, đặc biệt là chí hướng sống thanh cao, trong sạch, cứng cỏi, không luồn cúi, không ham danh lợi, hoặc là than cho sự đời vô đạo, suy đồi, tức là thất vọng khi bất đắc chí. Nếu là trong văn xuôi thì đó là cuộc đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa con người. Tấm gương không nên hiểu giản đơn như gương đạo đức phi lí và giả dối trong Nhị thập tứ hiếu ngày xưa. Phải là những tấm gương sống cho ra con người cả trong những thời tăm tối, khi con người bị chà đạp, vùi dập như Kiều trong Truyện Kiều.

Lý tưởng thẩm mỹ chẳng gì khác hơn là lý tưởng về cuộc sống văn hoá, trong đó cái chân, cái thiện và cái đẹp được thể hiện hài hoà. Đặc biệt là hình ảnh những con người sống tài hoa, biết sống mạnh mẽ trong lập công, nhưng cũng biết hưởng thụ tinh tế, biết tự khẳng định tự do nhân cách như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,… biết hưởng thụ vẻ đẹp của văn học Á Đông trong đó có Việt Nam. Nếu nói ở đâu có cuộc sống con người ở đó có văn hoá, thì với ý nghĩa đó văn học sẽ xây dựng những mô hình văn hoá đầy đặn nhất, tinh vi nhất trong cuộc sống chung cũng như cuộc sống riêng thầm kín. Với ý nghĩa này, làm nghèo văn học tức là giảm sút vai trò sáng tạo văn hoá của nó.

Vai trò tiếp theo của văn học là “phê phán văn hoá”. Nói phê phán văn hoá có thể có người chưa tán thành, bởi họ muốn dành cho văn hoá chỉ những gì tốt đẹp nhất, cao cả nhất. Điều đó không sai. Song văn hoá là một hiện tượng lịch sử. Văn hoá là một cấu trúc đa tầng, có yếu tố tạm thời, nằm ở bề mặt. Văn hoá có phương diện tĩnh là hệ thống các kiến thức sinh tồn mà lịch sử đã sáng tạo như cách hiểu của Kroeber và Kluckhohn. Phương diện này làm cho cuộc sống trật tự, ổn định. Nhưng văn hoá có mặt động là quá trình “người hoá” mọi tự nhiên, mọi hiện tồn, không bao giờ ngừng nghỉ theo đà tiến hoá của văn minh. Nó không chấp nhận mọi ngưng đọng. Văn học cũng tiêu biểu cho phương diện động của văn hoá. Trung, hiếu, tiết, nghĩa là những phạm trù văn hoá lâu đời. Nhưng ở đây có ngu hiếu, ngu trung, là phản văn hoá. Mấy chữ trinh tiết đã làm hại biết bao đời người con gái. Lễ là một phạm trù lớn, tạo thành một nền văn hoá lễ. Nghĩa ban đầu của lễ là lễ vật, lễ thần linh, nghi lễ, rồi sau mới là lễ độ. Ngày xưa trong Lễ ký đã nói “lễ thậm tắc ly”, nghĩa là giữ lễ quá thì người ta xa cách nhau. Như vậy ngay trong các giá trị văn hoá chính diện vốn đã tồn tại biết bao mặt trái, mà văn học là hoạt động có thể phát huy vai trò thẩm định, phê phán. Văn học có vẻ như thích “nói ngược”, nhưng chính nó giữ vai trò điều chỉnh văn hoá, có thể nhận ra cái cũ, cái thái quá, cái bất cập, cái méo mó trong đời sống văn hóa. Bất cứ nền văn hoá nào cũng có mặt mạnh và có chỗ khiếm khuyết. Cứ xem Nhị thập tứ hiếu với các cảnh chôn con, cắt thịt đùi, nằm tuyết khóc măng… để báo hiếu, thì có thể thấy ở phương Đông truyền thống quý trọng người già lấn át truyền thống quý trọng người trẻ. Chỉ người già là đáng quý, còn người trẻ thì có thể hy sinh cho người già. Đó là một tệ nạn. Người xưa cũng biết câu “Hậu sinh khả úy”, nhưng “úy” đây không biết là sợ người trẻ lật đổ hay sợ họ sẽ tiến xa hơn. Xã hội thì đi tới mà lúc nào cũng hướng người ta nhìn lại đắng sau. Chân đi tới mà đầu mãi ngoái lại đắng sau. Đó có thể là một truyền thống làm cho phương Đông chậm tiến. Do vậy ý kiến cảnh báo của Kroeber và Kluckhohn cho rằng “hệ thống văn hoá tuy là sản phẩm của hoạt động con người, nhưng cũng có thể xem là nhân tố hạn chế bước tiến của nhân loại” là đáng suy nghĩ để không sùng bái một chiều các giá trị văn hoá đã có. Lỗ Tấn là nhà văn biết hoài nghi văn hóa, ngay trong truyện ngắn đầu tiên của ông, Nhật kí người điên, ông đã nêu ra vấn đề hoài nghi văn hóa: “Xưa nay đều như thế cả là đúng hay sao?”!

Nhưng không cứ gì trong truyền thống, ngay trong đời sống hiện tại đã thấy có biết bao nhiêu là tệ nạn, bao nhiêu là suy đồi mà ngòi bút của nhà văn có trách nhiệm là phải phê phán. Vấn đề cảm hứng phê phán trong lý luận và văn học không mới. Nhưng nhiều khi bị cảm hứng chính trị chi phối mạnh mẽ, người ta ít chú ý tới vai trò “phê phán văn hoá”. Trong đời sống hôm nay, ngay chính các nhà chính trị cũng nêu lên vấn đề văn hoá chính trị, văn hoá quản lý, văn hóa đảng thì cánh cửa “phê phán văn hoá” càng được mở rộng đối với văn học.

Trong văn học đầu thế kỷ đến trước năm 1945 đã có một luồng văn học phê phán các hủ tục, kể cả hủ tục trong Lều chõng. Trong hiện trạng có nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo lý, lối sống, lý tưởng như hôm nay thiết nghĩ ngòi bút phê phán càng phải được mài sắc hơn bao giờ hết. Đáng chú ý là trong cuộc sống văn hoá lại xuất hiện các “giá trị” văn hoá giả, sách giả,… đang nhiễu loạn cuộc sống văn hoá. Vẫn biết các hiện tượng đó sẽ tự đào thải, nhưng sự phê phán, xử lý là rất cần thiết.

Thứ ba, văn học có vai trò lựa chọn văn hoá. Sống là lựa chọn, tồn tại là lựa chọn. Lựa chọn để sống tốt hơn, dân chủ hơn, hạnh phúc hơn, dân tộc phát triển hơn. Bất kể là văn hoá truyền thống hay văn hoá nước ngoài đều hết sức bề bộn, phồn tạp. Nho giáo, đạo Lão – Trang, Phật giáo đều có mặt hay và có mặt hạn chế. Cũng vậy các trào lưu tư tưởng và lối sống hiện đại khác nhau ở phương Tây cũng có mặt này mặt khác khả thủ và bất khả thủ. Ngay lí thuyết chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà chúng ta đã tôn sùng và lĩnh giáo hơn nửa thế kỉ qua cũng có nhiều mặt không thể chấp nhận. Hãy nhớ lại các cuộc đấu tố, các cuộc cải tạo, các phong trào này nọ… đã phá hủy biết bao giá trị kinh tế, văn hóa, tài nguyên của dân tộc. “Văn hóa bao lực” là điều khó chấp nhận nhất. Thiếu văn hóa đối thoại. Vấn đề là sự lựa chọn văn hoá cũng là văn hoá. Không biieets lựa chọn là thiếu văn hóa. ở đây văn học cung cấp một sự lựa chọn từ phía đời sống, từ nhu cầu làm giàu đời sống tâm hồn và trí tuệ, chứ không chỉ là từ lập trường chính trị. Văn học có chỗ đứng riêng là sáng tạo cuộc sống theo quy luật của cái đẹp, theo nhu cầu hài hoà của cuộc sống con người. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngũ thường, văn học chọn “nhân nghĩa” chứ không chọn “lễ nghĩa”. Lão – Trang là tư tưởng “phi chính trị” nhưng lại thường được văn sĩ xưa nay chọn. Trong thế giới tiểu thuyết Trung Quốc, truyện thơ Nôm bác học Việt Nam lại chọn các tác phẩm có xu hướng giải phóng cá tính, đề cao hạnh phúc cá nhân để sáng tạo lại. Họ không chọn đám hảo hán ăn thịt người như trong Thủy Hử để tái tạo thành truyện Nôm.

Ngày nay văn hoá ngoại nhập (ngoại lai) là một bộ phận cấu thành của văn hoá dân tộc hiện đại, nhưng phải được lựa chọn và vận dụng sáng tạo trên cơ sở hiện  thực và dân tộc. Thơ mới (1932-1945) đã chứng tỏ một sự lựa chọn đi đôi với Việt hoá, tạo thành những giá trị bất hủ. Thực tế cho thấy văn học phản ứng rất nhạy bén đối với các hiện tượng lựa chọn dung tục, xô bồ, rập khuôn trong cuộc sống, mặc dù không phải lúc nào tiếng nói văn học cũng được tôn trọng. Lựa chọn văn hóa là lựa chọn tự do, không phải là áp đặt. Mọi áp đặt đều không đem lại cái gì tốt đẹp.

Cuối cùng văn học có vai trò sáng tạo văn học. Văn học là bộ phận quan trọng của văn hoá, sự giàu có của nó về nội dung và hình thức trực tiếp làm giàu cho văn hoá. Sáng tạo văn học không giản đơn chỉ là nói càng nhiều về các hiện tượng mới của đời sống. Các hiện tượng mới chưa chắc đã là văn hóa. Nó có thể là nhất thời và sớm muộn sẽ bị đào thải. Cùng với việc sáng tạo ra nhân sinh quan, sáng tạo cách cảm nhận mới và đánh giá mới đối với đời sống, văn học phải sáng tạo ngôn ngữ mới, hình thức mới. Việc sáng tạo ra khúc ngâm, truyện Nôm, hát nói, thơ mới, kịch nói, tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại phải xem là những hiện tượng sáng tạo văn hoá lớn lao của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX. Việc Việt hoá thể thơ Đường luật và thể phú thời trung đại cũng là một tấm gương sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Về phương diện này, thiết nghĩ người Việt Nam hiện đại cũng nên thể nghiệm thơ tượng trưng chủ nghĩa, thơ siêu thực, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết huyền thoại, tiểu thuyết suy lý, văn học hiện đại chủ nghĩa và văn học hậu hiện đại… miễn là đứng vững trên mảnh đất hiện thực và gắn bó với con người Việt Nam hiện đại. Không có giá trị văn hoá nào đã trở thành nhân loại mà người Việt Nam hiện đại lại không thể thể nghiệm. Ngay cả những tìm tòi thuần tuý chữ nghĩa cũng không phải là không có ích.

Trong sự cạnh tranh quyết liệt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, quỹ thời gian của con người hiện đại có eo hẹp thì văn học vẫn có chân trời riêng của nghệ thuật ngôn từ, mà ngôn từ là phương tiện giao tiếp không gì cạnh tranh được. Vấn đề là bản thân nghệ thuật ngôn từ phải đổi mới. Dù không có được ưu thế nghe, nhìn trực tiếp, văn học là nghệ thuật của tưởng tượng tinh thần, của suy luận, phản tư. Ta sẽ có dịp hiểu vì sao các nhà văn nước ngoài nhấn mạnh tới phương diện “viết” của văn học, khai thác đối thoại nội tâm, dòng ý thức của con người. Bởi đó là phương diện mà phương tiện nghe nhìn không sánh được.

Vai trò sáng tạo văn hoá của văn học còn thể hiện ở nhiều phương diện khác, như phát triển tiếng nói dân tộc, thúc đẩy các nghệ thuật khác, v.v. Tuy nhiên bốn phương diện trên cho thấy vai trò của văn học đối với văn hoá thật lớn lao. Chăm lo văn học là chăm lo văn hoá. Tạo điều kiện cho văn học phát triển thật sự là một khâu tác động mạnh mẽ cho đời sống văn hoá xã hội phát triển.

……..

[1] Thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai (1948) trong sách Hồ Chí Minh về công tác văn hoá văn nghệ, NXB Sự thật, H., 1971, tr. 17.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version