Công việc bình thơ là một công việc tuy khó nhưng hết sức lý thú. Mỗi khi phát hiện được vẻ đẹp ẩn chứa trong những câu thơ, bài thơ mà mình ưa thích và nói được những điều mình cảm, mình nghĩ để mọi người cùng chia sẻ là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người bình thơ.

Bình thơ là công việc đòi hỏi có vốn sống, có trình độ, có khiếu thẫm mỹ, tinh tế và nhạy cảm. Bình thơ còn phải có phát hiện và giọng riêng. Nó là một công trình vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Nhà thơ thì nhiều nhưng những người bình thơ tài năng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở Việt Nam có một vài người bình thơ khá hay trong đó tôi hết sức khâm phục Hoài Thanh và Xuân Diệu.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của một bài bình thơ là sự phát hiện. Đọc một số bài bình thơ gần đây được đăng tải trên một số tờ báo, tạp chí tôi cứ thầy đều đều, bằng lặng ít gây được ấn tượng mạnh có lẽ là vì thiếu tính phát hiện chăng? Những phát hiện độc đáo của người bình thơ khiến cho bạn đọc đặc biệt thích thú và khắc ghi vào trí nhớ chẳng thua gì những câu thơ, tứ thơ, bài thơ hay. Xuân Diệu từng nói vui: phê bình như bà mối đưa nàng thơ đến với công chúng. Đôi khi bà mối “tán” hay đến mức công chúng yêu bà mối hơn cả nàng thơ. Tôi đã đọc những bài bình của Hoài Thanh và Xuân Diệu cách đây mấy chục năm nhưng đến nay vẫn nhớ như in. Với Hoài Thanh là trường hợp ông bình bài ca dao Đi lính thú: Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài, một tay thì cắp hỏa mai/ Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Trước khi chưa đọc lời bình của Hoài Thanh tôi không hề để ý đến con người giả và con người thật trong bài ca dao. Con người thật chỉ hé lộ ra trong bốn chữ cuối bài mà làm đảo lộn tất cả. Thì ra bao nhiêu thứ mà triều đình phong kiến trang bị, nào là bao vàng, nón dấu, súng dài, hỏa mai, giáo… vẫn không che giấu được cái tâm trạng thực của anh ta. Đây là một phát hiện hết sức tinh tế của Hoài Thanh. Qua đó, chúng ta càng hiểu hơn cái thật, cái giả trong cuộc đời. Cái giả dù có ngụy trang đến mấy cũng không che giấu được sự thật. Khi bình đoạn Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoài Thanh cũng có những phát hiện hết sức bất ngờ. Đang đang cầu xin Thúy Vân “cậy em, em có chịu lời”, đang kể cho Thúy Vân nghe câu chuyện tình sâu nặng của mình… đột nhiên Thúy Vân biến mất. Trước mắt Kiều giờ là Kim Trọng. Và nàng thổn thức: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi, thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.Phát hiện này giúp chúng ta càng hiểu hơn sự biến hóa tài tình của ngòi bút Nguyễn Du. Xuân Diệu cũng phát hiện khá nhiều điều thú vị trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

Khi “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa xuất hiện, có thể nói Xuân Diệu là một trong những quảng bá nhiệt tình nhất, hăng hái nhất. Xuân Diệu viết bài bình, nói chuyện thơ Trần Đăng Khoa trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ở cơ quan, trường học, xí nghiệp. Thơ Trần Đăng Khoa vốn đã hay đọc và nghe Xuân Diệu bình càng thấy hay hơn. Tôi nhớ mãi buổi Xuân Diệu nói chuyện với sinh viên khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh ở rừng núi Thạch Thành (1968). Khi nhà thơ đọc bài Con bướm vàng – được xem là một trong những bài thơ đầu tiên của Khoa. Trước khi nghe Xuân Diệu bình tôi từng đọc bài thơ này và thấy không có gì thật đặc sắc:

Con bướm vàng

Con bướm vàng

Bay nhẹ nhàng

Trên bờ cỏ

Em thích quá

Em đuổi theo

Nó vỗ cánh

Vút lên cao

Em nhìn theo

Con bướm vàng

Con bướm vàng…

Tôi nhớ hôm ấy Xuân Diệu hỏi: Các bạn có biết phải đọc hai câu đầu và hai câu cuối bài thơ Con bướm vàng như thế nào cho đúng với ý đồ nghệ thuật của Trần Đăng Khoa không? Tất cả im lặng. Tôi cố tìm câu trả lời nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Ngừng một lúc, Xuân Diệu cất tiếng: Ở phần đầu phải đọc câu trước nhỏ hơn câu sau. Còn ở phần cuối thì ngược lại. Ông hỏi tiếp: Các bạn có biết vì sao phải đọc như thế không? Tất cả vẫn im lặng. Xuân Diệu giải thích: Con bướm vàng ở phần đầu là con bướm vàng bay từ xa đến, nó lớn dần. Con bướm vàng ở phần cuối là con bướm đang bay xa dần, nhỏ dần. Cả hội trường vỗ tay rào rào vì phát hiện độc đáo ấy của nhà thơ. Tôi thầm nghĩ cậu bé Khoa thuở ấy chỉ mới tám tuổi mà đã có cái “ý đồ nghệ thuật” như thế thật thì quả là “thần đồng”! Bình bài Sao không về vàng ơi, Xuân Diệu so sánh hai đoạn thơ Trần Đăng Khoa tả con chó vàng trước và sau khi mất. Ở đoạn trước:

Tao đi học về

Là mày chạy xồ ra

Đầu tiên mày rối rít

Cái đuôi mừng ngoáy tít

Rồi mày lắc cái đầu

Khịt khịt mũi, rung râu

Còn đoạn sau, Trần Đăng Khoa cố ý thêm vào hai tính từ chỉ màu sắc: vàng và đen:

Không thấy mày đón tao

Cái đuôi vàng ngoáy tít

Cái mũi đen khịt khịt

Nếu là một cậu bé khác sẽ làm ngược lại vì đoạn trước con chó đang hiện hữu trước mắt, quan sát cụ thể hơn. Ở đoạn sau là con chó trong trí nhớ không cụ thể bằng. Nhưng Trần Đăng Khoa có cái lý riêng của mình. Vì quá thương tiếc con chó vàng nên khí nhớ về nó thì nó hiện về rõ hơn cả khi nó đang đứng trước mặt. Thơ trung bình và thơ hay đôi khi chỉ hơn nhau một chút như vậy! Xuân Diệu kết luận. Nếu không có lời bình của Xuân Diệu chắc ít ai để ý hai tính từ chỉ màu sắc ở đoạn sau và “cái lý riêng” của cậu bé Trần Đăng Khoa.

Tôi cũng có tham gia bình một số bài thơ. Trong khi bình tôi tập trung làm rõ những phát hiện riêng của mình. Những phát hiện của tôi tuy chưa có gì đặc sắc nhưng cũng mạn phép được chép ra đây vài đoạn để bạn đọc tham khảo. Về hai câu kết trong bài Thương vợ của Trần Tế Xương “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” nhiều người cho là tác giả mượn lời bà Tú để chửi đời. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, Trần Tế Xương không chỉ thương cái vất vả, lam lũ của bà Tú: “lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước”… mà còn thương sự hụt hẫng trong đời sống tình cảm của bà. Phải thành thật đến mức nào, phải hiểu nỗi niềm bà Tú đến mức nào nhà thơ mới hạ được hai câu “độc chiêu” như vậy. Sức nặng của bài thơ dồn nén ở hai câu kết này. Với bà Tú, mọi vất vả khó khăn trong việc buôn bán làm ăn bà đều chấp nhận. Cả việc nuôi con, nuôi chồng bà cũng “âu đành phận”. Bà không than phiền, trách cứ gì ông. Điều mà nhà thơ ân hận nhất, day dứt nhất, cắn rứt lương tâm nhất phải chăng là ông tự thấy có khi, có lúc mình quả “hờ hững” với bà Tú, “hờ hững” với người đang “lặn lội thân cò”, “eo sèo mặt nước” để nuôi con, để nuôi cả chính mình. Cái “hờ hững” ấy quả thật là đáng trách. Nhà thơ hiểu rằng cái sự “hờ hững” ấy của ông đã làm cho bà Tú phải bao đêm trằn trọc, thao thức, đau khổ… Chính sự “hờ hững” này mà ông Tú cảm thấy mình “ăn ở bạc” với bà. Người ta đầu tắt mặt tối nuôi mình, nuôi con mà mình lại vẩn vơ tơ tưởng đến người khác là “ăn ở bạc” chứ còn gì nữa! Từ “hờ hững” là từ đắt nhất trong toàn bộ bài thơ vì nó chứa đựng rất nhiều tầng nghĩa .“Có chồng hờ hững cũng như không” đâu chỉ là tiếng lòng của bà Tú mà đó cũng là tiếng lòng của tất cả những người phụ nữ có chồng trên thế gian này.

Còn đây là phát hiện nhỏ của tôi về người đưa tiễn trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Khi bình Tống biệt hành, các bài viết thường quan tâm đặc biệt đến người ra đi. Trong khi đó theo tôi mấu chốt bài thơ chính lại nằm ở người đưa tiễn. Người ra đi chủ yếu được thể hiện qua lời độc thoại nội tâm của người đưa tiễn. “Ta” đang nói với chính mình. Kiểu xưng “ta” và “người” đã phần nào giúp tôi đoán được mối quan hệ đặc biệt của họ. Trần Tế Xương đã từng nhắn gửi với người mình yêu:“Ta nhớ người xa cách núi sông…”; Nguyễn Du cũng từng để nàng Kiều tự dằn vặt mình: “Vì ta khăng khít cho người dở dang…”. Qua giọng thơ trữ tình, qua cách xưng hô và chủ yếu là qua sự bộc bạch nội tâm trong Tống biệt hành cho tôi tin chắc rằng Thâm Tâm đã nhập vai bạn gái của người ra đi. Nàng rất hiểu, rất yêu chàng trai nhưng tình yêu đang còn dồn nén trong lòng. Chính sự dồn nén ấy đã tạo ra chất giọng trữ tình, sâu lắng rất khó nhận diện trong suốt bài thơ.

Hãy thử đọc lại bốn câu mở đầu:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

“Tiếng sóng lòng” và “hoàng hôn” chỉ có “ta” nghe, “ta” thấy, “ta” ngạc nhiên và “ta” tự đặt câu hỏi với chính mình. Đó chính là nỗi vấn vương, nỗi buồn mênh mông của người đưa tiễn. Nàng ngạc nhiên chính vì mãi đến lúc đưa tiễn nàng mới cảm hết nỗi trống vắng trong tâm hồn khi biết rằng người mà mình thầm yêu, trộm nhớ ra đi không hẹn ngày trở lại. Nàng tự thú với lòng:

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng…

“Ta chỉ đưa người ấy” là một cách nói tránh rất tế nhị, rất kín đáo. Điều nàng muốn khẳng định với mình là: ta yêu người ấy! Có điều giữa ta và chàng chưa ai dám thể hiện ra bên ngoài. Cả hai cố làm ra vẻ “dửng dưng”.

Khổ kết bài thơ vẫn là lời độc thoại của người đưa tiễn:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say.

“Người ấy” đã ra đi mà nàng vẫn không tin. Nhưng sự thực vẫn là sự thực! Sự thực ấy làm lòng nàng quặn thắt. Câu thơ chứa đựng nỗi niềm đầy luyến tiếc, đầy day dứt của người đưa tiễn. Tất cả những trạng thái tình cảm đó nàng dồn nén vào bên trong, nàng tự biết với lòng mình. Không tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt giữa người ra đi với người đưa tiễn, không đi sâu phân tích nội tâm của người đưa tiễn thì rất khó lí giải được một số câu thơ có vẻ khó hiểu trong Tống biệt hành.


 

Mai Văn Hoan

Nguồn: Văn học quê nhà


Exit mobile version