Từ ngày 22/5 đến 02/6/2013, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã tham dự cuộc gặp gỡ các nhà thơ thế giới tổ chức tại Pháp. Tại cuộc gặp mặt này, nhà thơ Trần Đăng Khoa có bài phát biểu, trong đó đưa ra quan điểm, đánh giá về thơ Việt Nam hiện đại từ hiện thực và những trải nghiệm của chính ông.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

…Tôi xin góp đôi lời giới thiệu một cách tổng quát về thơ ca hiện đại Việt Nam, theo sự cảm nhận của riêng tôi. Đây là một đề tài rất cụ thể nhưng cũng vô cùng phức tạp. Và ở đất nước tôi, trong suốt mấy thập kỷ qua đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận thậm chí rất gay gắt và dường như chẳng bao giờ có tiếng nói cuối cùng ở mảng đề tài này.

Đất nước tôi liên miên trải qua các cuộc chiến tranh, nên các nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ hiện đại đã chọn cho mình một con đường chính chủ đạo là lấy thơ làm phương tiện phục vụ đất nước, phục vụ cuộc kháng chiến của toàn dân. Dường như đây là tâm thức của toàn bộ dân tộc chúng tôi thời bấy giờ. Nên rất khó có thể nảy sinh những con đường khác. Một số tác giả cũng cố cưỡng lại nhưng nhanh chóng thành lạc lõng nên cuối cùng họ cũng lại hoà theo cái dòng chảy cuồn cuộn ấy. Tuy vậy trong nền thơ chúng tôi bấy giờ, cũng có những cánh cửa sổ trổ ra hướng khác, như một số tác phẩm của các thi sĩ sống trong các vùng đô thị Miền Nam trước đây, hay phong trào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945, mà ai cũng nhận ra những ảnh hưởng rất tốt đẹp của nền thơ ca vĩ đại của Pháp.

Phong trào Thơ Mới rất rực rỡ này có nhiều thành tựu đặc sắc, trong đó có không ít tác giả, tác phẩm có sức sống vĩnh cửu với thời gian. Nhưng đó vẫn không phải là âm hưởng chủ đạo của cả nền thơ trong những năm chiến tranh. Bởi chính những nhà thơ mới ấy sau này cũng lại tự chuyển hướng, để hoà chung vào dòng chảy cuồn cuộn của toàn dân tộc. Tất nhiên, đối với thơ ca, hay văn học nói chung, một phong trào rầm rộ với số lượng tác phẩm đồ sộ cũng sẽ chẳng nói lên được điều gì cả, nếu như tác phẩm không hay. Chúng tôi cũng rất hiểu thế nào là nghệ thuật đích thực, nhưng cao hơn nghệ thuật lúc bấy giờ lại là sự sống còn của Tổ quốc. Nhân dân khi ấy rất cần sự động viên, an ủi, kể cả sự cổ động. Có một nhà thơ rất nổi tiếng của chúng tôi là ông Chính Hữu đã nói thẳng ra trong một bài thơ rằng:

Tôi viết bài thơ

Ghép bằng khẩu hiệu

Tất nhiên đó là những khẩu hiệu viết bằng tâm hồn, chứ không phải lý trí. Cũng không phải chỉ có Chính Hữu, rất nhiều nhà thơ khác nữa cũng rất sung sướng làm cái công việc đi ghép khẩu hiệu như thế. Bởi người dân lúc bấy giờ cần khẩu hiệu hơn là những nỗi niềm vân vi mây gió. Có khi chỉ vịn vào một khẩu hiệu là đã có được một niềm tin, một sức mạnh có thể vượt qua gian lao, vượt qua cả cái chết. Chúng tôi phải hy sinh rất nhiều để có được những tác phẩm thực sự có ích như thế đối với nhân dân. Chúng tôi cũng lấy sự có ích, sự trung thành với Tổ Quốc và nhân dân trong việc phục vụ những nhiệm vụ trước mắt làm thước đo đánh giá mọi tác phẩm ở trong thời điểm cụ thể ấy. Trong số những sáng tác ấy, cũng có không ít tác giả, tác phẩm vượt qua các sự kiện báo chí để có sức sống lâu bền. Một nhà thơ rất lớn của chúng tôi là ông Chế Lan Viên, người đã từng nhiều lần sang Pháp và có nhiều thơ được dịch sang tiếng Pháp, đã viết:

Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt
Nụ cười tiễn đưa con ngàn bà mẹ in nhau…

Một đất nước có chung tâm hồn là cái bên trong, chung gương mặt là cái bên ngoài, lại chung cả những nỗi niềm riêng tư là nụ cười tiễn đưa con ra trận, thì thơ ca tất sẽ rất giống nhau. Điều ấy cũng dễ hiểu. Bởi vậy, Tế Hanh, một nhà thơ cũng rất nổi tiếng của chúng tôi, một người rất thực thà, đã viết một câu thơ, như là một phát hiện về một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy:

Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình

Ấy là nói một cách tổng quát. Còn cụ thể trong từng trường hợp, ở những nhà thơ lớn có cá tính sáng tạo đặc sắc thì vẫn có những giọng điệu hoàn toàn khác nhau, nhưng âm hưởng vẫn rất gần nhau. Và như thế, có thể nói, trong những năm chiến tranh, dường như chúng tôi chỉ có một dòng thơ chính. Và đó cũng là dòng văn học lớn của nhân loại: Dòng văn học yêu nước, bảo vệ Tổ Quốc, và chống lại các thế lực xâm lăng. Đây là mặt mạnh của chúng tôi và đồng thời cũng là mặt có phần nào hạn chế của chúng tôi khi hội nhập toàn cầu. Đặc điểm này kéo dài cho đến tận năm 1975.


Sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986, thơ ca của chúng tôi đã có những bước phát triển mới rất đa dạng về giọng điệu cũng như phong cách. Bây giờ, ở đất nước tôi có bao nhiêu nhà thơ thì có từng đấy cách quan niệm về thơ. Không ai giống ai. Nội dung thơ cũng thay đổi. Có điều trước đây hay được quan tâm, bây giờ thấy nhạt. Có những vấn đề trước đây e ngại bây giờ lại được khám phá. Nghệ thuật thơ cũng thay đổi rất nhiều. Có thơ truyền thống. Có thơ hiện đại. Rồi thơ hậu hiện đại. Thơ không vần trước đây xuất hiện dè dặt, bây giờ ra đời ào ạt và trở thành tiếng nói chủ đạo. Có nhà thơ còn quan niệm thơ hay phải là thơ không thể hiểu được. Càng bí hiểm càng tốt. Không ít bài thơ cứ như những câu đố không có lời giải. Hỏi, tác giả cũng không biết gì hơn. Ông bảo, nếu ông biết bài thơ nói gì thì ông đã nói toẹt ra rồi, còn làm thơ làm gì nữa. Ngược lại, có nhà thơ lại tìm đến sự giản dị, khai thác những số phận riêng của mỗi con người. Có bài thơ như truyện ngắn, hoặc như cả một cuốn tiểu thuyết, có cốt truyện, có nhân vật, có mở, có thắt. Nếu nhà tiểu thuyết có thể triển khai thành một cuốn sách dày đến mấy trăm trang, thì nhà thơ chỉ viết hơn chục câu thơ, vỏn vẻn chừng vài chục chữ. Vậy mà bài thơ vẫn không bị văn xuôi hoá, vẫn tự sống được. Cốt truyện, nhân vật chỉ là cái cớ để thi sĩ bộc lộ tài thơ của mình. Cũng có nhà thơ không quan tâm lắm đến cấu tứ, ngôn ngữ. Ông chỉ muốn bài thơ mang đến cho bạn đọc một ấn tượng gì đó. Và chỉ thế là được rồi. Rồi thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ ấn tượng, thơ vị lai… Nói như một nhà thơ và nhà nghiên cứu thì tất cả các trường phái và phương pháp của thơ ca thế giới trong suốt một thế kỷ qua đều chen chúc thử nghiệm và gây ảnh hưởng ở Việt Nam trong một quãng thời gian rất ngắn. Và thơ xuất hiện rất nhiều. Tính trung bình mỗi ngày, tôi nhận được từ hai đến ba tập thơ của các tác giả gửi tặng. Rồi thơ trên truyền hình. Thơ trên đài phát thanh. Thơ trong câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ của các nhà khoa học, của các tầng lớp học sinh, sinh viên. Rồi thơ trên các báo. Nước chúng tôi có đến trên 800 tờ báo. Hầu như tờ báo nào cũng dành riêng một ít trang để đăng thơ, kể cả những tờ báo chuyên ngành, rất xa với văn học. Ở Quảng Ninh, một tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, nơi có Vịnh Hạ Long rất nổi tiếng được UNESCO hai lần công nhận là di sản thế giới, còn có một ngày hội dành riêng cho Thơ và các nhà thơ. Đó là ngày 29 tháng Ba hàng năm, từ năm 1988. Ngày đó, thơ ngự trị trên mọi phương tiện truyền thông và trên khắp mọi địa bàn trong tỉnh. Ngày thơ ấy, 15 năm sau, từ năm 2003, đã được nhân rộng ra thành một lễ hội thi ca của cả nước. Đó là ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Việc xuất bản thơ ở đất nước chúng tôi bây giờ cũng rất dễ dàng. Tác giả chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng tiền Việt Nam, khoảng 200-300 Euro là đã có thể có được một tập thơ với gần 1000 bản in rồi. Ấy là chưa kể hàng loạt các trang Blog, có thể xem như những tờ báo tư nhân, có thể công bố thơ trên đó. Nhiều tác giả còn tự dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, in song ngữ. Và như thế, chỉ một bước, tác giả đã đến thẳng với bạn đọc thế giới. Trước đây, nhà thơ Trần Dần của chúng tôi có câu thơ rất đau xót:

Tôi khóc những những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời…

Bây giờ thì ở đâu cũng là “chân trời” cả. Chân trời ở ngay dưới chân mình. Chỉ có điều, mình có đủ sức để mà bay hay không?

Việc đánh giá thơ ở đất nước tôi bây giờ cũng rất khó. Hầu như không tìm được tiếng nói chung. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt dẫn đến cãi vã cũng thường bắt đầu từ thơ. Đó là sự va đập giữa các khuynh hướng nhằm muốn tự khẳng định, gây ảnh hưởng trước công chúng, có khi gay gắt dẫn đến triệt tiêu nhau. Tất cả các cuộc tranh luận này rốt cuộc dường như vẫn bỏ ngỏ, không có kết luận và cũng không có tiếng nói cuối cùng.
Trong cái sự ồn ào có tính báo chí đó, cũng có không ít các nhà thơ của chúng tôi chỉ im lặng sáng tạo và quan tâm đến những vấn đề lớn hơn, là giữ gìn bản sắc dân tộc và tìm cách hoà nhập với thế giới rộng lớn. Đây là một vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu.

Nhưng làm thế nào để đến được với thế giới rộng lớn? Đó lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Qua những nhà thơ lớn thế giới, chúng ta thấy những tác phẩm còn lại được với thời gian, thành di sản văn hoá của nhân loại, đều rất giản dị, trong sáng, mang những buồn vui, khát vọng của nhân dân và của nhân loại. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, R. Tagore, A. Puskin, V. Huygô, A. Rimbo, Pon Veclen, Apoliner, Sile, Gớt, Henrich Hainơ, Béctôn Brếch… đều là những nhà thơ như thế. Đọc những bậc thiên tài ấy, tôi đều thấy họ học nhiều, đọc nhiều, biết nhiều, đi cũng nhiều và đặc biệt là nghĩ rất nhiều. Giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là cứ đóng cửa, thở mỗi bầu khí quyển của riêng mình, mà là mở rộng mọi cánh cửa để đi ra với thế giới rộng lớn. Và rồi bằng con mắt của thế giới rộng lớn có tầm vóc nhân loại ấy mà nhìn lại cảnh sắc thiên nhiên và con người của quê hương mình, đất nước mình.


Chỉ có như thế, những tác phẩm cụ thể viết về những con người cụ thể, những cảnh sắc cụ thể của quê hương mình mới vượt qua được biên giới riêng của mỗi quốc gia, thậm chí mọi biên giới của thời gian mà đến được với toàn nhân loại…

Paris 25-5-2013

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version