Trong những năm gần đây, nhiều truyện ngắn hay của Trung Quốc được đăng trên tờ Cuối tuần phương Nam. Các truyện ngắn thường có tình tiết đơn giản, nhân vật tập trung, kết cấu tinh xáo, miêu tả những phiến đoạn đời sống mang ý nghĩa điển hình nhất, có sức mạnh khắc họa đặc trưng tính cách nhân vật chủ yếu, phản ánh một mặt của đời sống.


Truyện ngắn Trung Quốc đương đại được đánh dấu khởi đầu bằng Chủ nhiệm lớp (1977) của Lưu Tâm Vũ. Truyện này nổi tiếng bởi nó đại diện được cho Văn học vết thương, nội dung nhằm vào hiện thực đời sống với câu chuyện tình bi ai, thể hiện cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh chính trị, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của người Trung Quốc đã bị mất đi bởi sự tổn thương trong tâm hồn. Chủ nhiệm lớp là tác phẩm văn học đầu tiên thời bấy giờ viết về sự giải phóng tư tưởng và nghệ thuật dân chủ, chỉ ra giới hạn giữa văn học cách mạng và văn học thời kỳ mới nên có ý nghĩa đánh dấu một mốc son lịch sử văn học.

Cho đến khi khổ nạn của phong trào Cách mạng văn hóa được phản ánh thành một trào lưu trong văn học thì tác phẩm mở đầu chính là truyện ngắn Vết thương của Lư Tân Hoa đăng trên Văn hối báo ngày 11-8-1978. Từ thời điểm đó, tên gọi “văn học vết thương” chính thức xuất hiện. Truyện ngắn Vết thương phản ánh sự nguy hại nghiêm trọng khi con người bị “nội thương tư tưởng” và hô hào “chữa trị vết thương”. Đây là truyện ngắn đầu tiên có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của dòng “văn học vết thương” ở Trung Quốc. Nhà văn đã dùng nghệ thuật bi kịch làm sức mạnh nên đã gây chấn động văn đàn đương thời. Tác phẩm khắc họa khá rõ nét nhân tính, chủ nghĩa nhân đạo, sự o ép văn nghệ trong một thời gian dài nên gây không ít tranh luận trái chiều. Cuối cùng, giới phê bình Trung Quốc rút ra kết luận rằng, đứng trên góc độ chính trị, truyện ngắn Vết thương là tiếng nói đầu tiên phủ định triệt để Cách mạng văn hóa. Đến lúc đó, người ta mới thực sự hiểu được rằng, họ quả thực đã trải qua một tai họa lớn, sống cùng với những con người và sự việc xấu xa, thấp hèn, cho nên phải chống lại và gạt bỏ hết tất cả những gì họ phải chịu đựng trước kia.

Hầu như truyện ngắn thuộc dòng “văn học vết thương” viết về cùng một đề tài. Còn những cuốn tiểu thuyết thuộc dòng “văn học vết thương” thì khá hiếm hoi, bởi nhà văn cần phải có sự chuẩn bị và sáng tác dài hơi. Trong số ít truyện ngắn “văn học vết thương”, tiêu biểu có Ngâm vịnh tướng quân (Mạc Ứng Khuê, 1979), Hứa Mậu và những cô con gái của ông (Chu Khắc Cần, 1979), Thị trấn Phù Dung (Cổ Hoa, 1981), Những người trẻ tuổi trong thời đại của chúng tôi (Diệp Tân), v.v… Tuy cùng đề tài sáng tác, Chủ nhiệm lớp và Vết thương có ý nghĩa khai sáng cho dòng “văn học vết thương”, nhưng chính chúng cũng khá non yếu về mặt nghệ thuật. Các tác phẩm sau này hoàn thiện hơn nhiều, trong đó phải kể đến Giấc mơ trên phím đàn (Tông Phác), Đứa trẻ đi ra từ trong rừng sâu (Trương Khiết), Tướng quân nơi thị trấn nhỏ (Trần Thế Cưu), Cây phượng (Trịnh Nghĩa), v.v… Sau Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ, Vết thương của Lư Tân Hoa, Vua cờ của A Thành, Nguyệt thực của Lý Quốc Văn một dạo có ảnh hưởng hơn cả tiểu thuyết, cũng là động lực thúc đẩy các nhà tiểu thuyết như Vương Mông, Thiết Ngưng, Trương Hiền Lượng, Trương Thừa Chí, Trì Lợi, Phương Phương… đầu quân vào truyện ngắn.

Quách Văn Bân viết truyện ngắn khá thành công gần đây. Làng quê trong truyện ngắn của anh chân thực, chất phác. Không những thế, truyện ngắn của Quách Văn Bân trong sáng và mang phong cách thuần truyện ngắn. Nội dung phản ánh trong truyện ngắn Quách Văn Bân bi thương nhưng không tuyệt vọng, thường viết về khổ nạn của người dân tầng lớp dưới mà không phải là nỗi khổ của bản thân. Ngòi bút của Quách Văn Bân sắc nhọn nhưng ôn hòa, khiến người ta nhớ về tuổi thơ đã qua và những câu chuyện quá khứ sâu sắc. Tác giả đã dùng trí tuệ sáng ngời của bản thân lý giải về chân lý, về phong khí cố hương, tìm hiểu về thế giới tốt đẹp một cách rõ ràng và tỉnh táo. Cát tường như ý (Nxb Văn học nhân dân, 2006) không phải là truyện ngắn hay nhất của Quách Văn Bân, nhưng lại mang sắc thái mới mẻ, mang sức nặng của sự ấm áp, ôn nhu.

Ngụy Vi là một trong số các tác giả truyện ngắn viết rất hay về nhân tình thế thái. Truyện ngắn của cô phần nhiều là tinh phẩm, cũng mang phong cách tự sự đặc biệt. Truyện ngắn Làng xóm, những người thân thích và tình yêu(Tạp chí Hoa Thành, số 5) là một trong số truyện ngắn khá hay của cô. Bằng ngôn ngữ giàu tình cảm, chân thật, ẩn chứa sự cao thượng, tác giả đã làm nên diện mạo ưu thế trong truyện ngắn của mình. Truyện ngắn của Ngụy Vi khiến độc giả cảm động, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà văn đi sâu vào sáng tác thân thể và sáng tác dục vọng ở Trung Quốc hôm nay. Ngụy Vi dựa vào một sự đơn giản, đưa đến cho độc giả sự cảm nhận cổ điển và tràn đầy tinh thần nhân văn. Một nhà văn nữ sinh sau thập niên 70 như Ngụy Vi mà đã nắm vững được mối quan hệ giữa một cô gái thành thị và một chàng trai nông thôn như trong truyện ngắn Làng xóm, những người thân thích và tình yêu quả là hiếm có! Ở đó không có câu chuyện thắng thua, được mất mà đằng sau câu chuyện đơn giản và mối quan hệ giữa các nhân vật là tình cảm ấm áp và “nội tâm” của “tôi”. Nhưng tình cảm ở đây không đơn thuần là tình cảm mà còn là tinh thần, là nòng cốt chủ đạo để dẫn dắt từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhân vật “tôi” trong Làng xóm, những người thân thích và tình yêu ban đầu là một cô gái ưa hưởng lạc vật chất, không tự thức tỉnh được tình yêu trong sâu thẳm tâm hồn mình. Sau đó, cô và người anh họ Trần Bình Tử yêu nhau. Mối tình này không thực tế bởi nó bị ngăn cách bởi “một dòng sông rất sâu”, không thể vượt qua được. Điểm xuất sắc của Ngụy Vi chính là ở chỗ, cô dùng một mối tình không thành để thể hiện nội tâm bản thân, về một quá trình từ chìm đắm đến thức tỉnh diệu kỳ phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn nhân vật “tôi”.

Ngôn ngữ truyện ngắn của Hải Phi lưu loát, tự sự dễ hiểu, có vỏ bọc câu chuyện và nhân vật có cá tính. Ngữ khí trong truyện ngắn của Hải Phi ôn hòa, bình tĩnh, chậm chạp, thể hiện sự cảnh giác triệt để trước thế sự. Đó cũng là ưu thế và đặc điểm nổi bật trong nhiều truyện ngắn của Hải Phi. Hiện nay, Hải Phi đã tự xây dựng cho mình một quan niệm sáng tác riêng. Tác giả có nơi để gửi gắm tinh thần, đó là những thôn làng và thị trấn nhỏ miền Giang Nam. Những truyện ngắn tiêu biểu của Hải Phi có Tôi là trưởng thôn và Ai là hung thủ (Tạp chí Cảng văn học, số 2-2007) đều viết về nhân tâm và chính trị trong một thôn làng ẩn chứa một xã hội cứng nhắc.

Đọc truyện ngắn Xin mọi người hãy bảo vệ lưng của mình (Tạp chí Chung Sơn, số 4-2003) của Ba Kiều, chúng ta thấy một điều rằng, sáng tác của thế hệ mới sinh quả thực có sự thay đổi lớn. Truyện ngắn thể hiện sự quan sát thấu đáo về đời sống hiện thực cũng như thể nghiệm sâu sắc nỗi đau khổ, bi thương và lạnh lùng trong nội tâm con người. Ba Kiều viết về đời sống không được nhẫn nại, kiên trì như những nhà văn khác, nhưng khá bình tĩnh và tế nhị. Tác giả đã dùng kinh nghiệm của bản thân để khắc họa khá rõ và chính xác những gì có trong nội tâm nhân vật. Trong một thời gian dài, truyện ngắn của Trung Quốc đắm chìm trong quan niệm và kỹ thuật, cho rằng đó là hướng đi đúng đắn để có sự đột phá và sâu sắc hơn. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều nhà văn ý thức được rằng, tình tiết và trường cảnh chắc chắn, kinh nghiệm sống chân thực là cách hữu hiệu nhất để thể hiện hạt nhân tinh thần thời đại. Truyện ngắn của Ba Kiều thể hiện rõ sức mạnh của kinh nghiệm, sức mạnh của chi tiết, nhưng điều quan trọng hơn là, tác giả không làm nô lệ cho kinh nghiệm mà là từ trong kinh nghiệm thể hiện sự cảnh giác trước kinh nghiệm và theo đuổi sự tồn tại của kinh nghiệm.

Trong vài năm trở lại đây, truyện ngắn viết về tình yêu tương đối đa dạng, phức tạp, trong đó phải kể đến Họa đồ ký (Tạp chí Nhân gia, số 4, 2010), Song diện hạ oa (Báo Độc giả, ngày 15-3-2010), Sợi tơ vàng (Nxb Kinh tế thời đại, 2011), Tự lượng sức mình (Tạp chí Hoa núi, số 15-2010), Cơ thể ai mềm mại hơn (Tạp chí Giới văn học, số 8-2010), v.v…

Họa đồ ký chịu ảnh hưởng lớn của Trương Ái Linh. Câu chuyện viết về mối quan hệ mơ hồ giữa Tống Vĩ Kiêu và người em họ. Họa đồ ký khắc họa bức tranh tình dục nam nữ đô thị, khiến người ta cảm nhận được sự kế thừa văn học truyền thống của Văn Trân.

A Đỗ trong Song diện hạ oa tự phá vỡ hình ảnh mà anh tôn thờ nhiều năm nay. Cử chỉ cao quý của Lê Phượng là hình ảnh người phụ nữ của anh. Nhưng Quan Sơn nho nhã lại là người đàn ông lý tưởng trong mắt Lê Phượng và đó là một đôi vợ chồng siêu lãng mạn trong mắt A Đỗ. Hai người ly hôn bởi Lê Phượng phát hiện thấy cuộc sống không đẹp như cô tưởng tượng. Nhưng cuộc ly hôn đó đã khiến A Đỗ cảm thấy tiếc cho họ nên quyết định ra tay giúp đỡ. A Đỗ vun vào cho một cuộc hôn nhân chỉ còn là vỏ bọc, hai bên không còn nhiệt tình yêu thương và tình yêu giữa họ chỉ còn trong truyền thuyết. Truyện ngắn còn ẩn chứa một tuyến tố khác, đó là mối quan hệ giữa tình yêu với thời đại. Bản thân A Đỗ theo đuổi khí chất lãng mạn ở hình ảnh người phụ nữ mà anh tôn thờ từ “thời đại tinh thần cực đoan” niên đại 80 của thế kỷ trước. Mối tình như trong thần thoại giữa Lê Phượng và Quan Sơn cũng thịnh hành ở thời đại đó. Tác phẩm đã dựa vào cuộc hôn nhân của hai người để ngầm ám chỉ sự đổ vỡ của tình yêu trong thời đại ham muốn vật chất.

Sợi tơ vàng thể nghiệm bầu không khí thời đại đặc biệt của thập niên 80. Lão Khang vì yêu Đường Lệ mà cuối cùng bị “đánh thừa sống thiếu chết”. Rèm cửa sổ màu vàng là bằng chứng và tượng trưng cho tình yêu của Lão Khang và Đường Lệ, cũng là bối ảnh đẹp của những câu chuyện tình yêu vào những năm 80 của thế kỷ XX ở Trung Quốc. Sau khi Lão Khang chết, Đường Lệ mang di vật tình yêu là tấm rèm cửa sổ màu vàng vào cuộc hôn nhân với thi nhân Đổng Tiểu Bồi. Trong trào lưu kinh tế thập niên 90, thi nhân Đổng Tiểu Bồi trở thành Tổng giám đốc công ty truyền thông văn hóa. Vì Đường Lệ không thể sinh con nên mâu thuẫn giữa hai vợ chồng dần dần bộc lộ, cuộc hôn nhân chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Đổng Tiểu Bồi thậm chí còn diễn màn giường chiếu với con gái Thôi Mạn Sa của Lão Khang. Đó là án tử hình mà tác giả ban cho tình yêu lý tưởng trong thập niên 80. Hiển nhiên, tác giả không muốn bi quan như vậy. Sau khi Đường Lệ trải qua một lần phẫu thuật, mọi ân oán giữa cô với Thôi Mạn Sa đã được tháo gỡ và cô đã tìm được niềm an ủi mới. Cái chết bất ngờ của Đổng Tiểu Bồi khiến cô giả vờ tiếp tục cuộc sống mới trong tình yêu với người chồng đã khuất. Đó là một kỹ xảo của tác giả, bởi khi đó Đổng Tiểu Bồi đã không còn yêu thương Đường Lệ nữa và Đường Lệ vì anh mà sống cũng là bắt buộc.

Tự lượng sức mình của Diêu Ngạc Mai viết về một lần yêu thử. Trước khi bị tàn phế, A linh đã thử yêu một lần để lấp chỗ trống trải trong trạng thái hàng ngày. Nếu như không gặp hoàn cảnh cực đoan, A Linh đã không hiến thân mình cho tình yêu mà không suy nghĩ như vậy. Trên thực tế, tình yêu của A Linh với Uông Dương là thứ tình yêu có điều kiện. Qua mối tình này, tác giả cho rằng, tình yêu vô điều kiện không tồn tại.

Có thể thấy, truyện ngắn Trung Quốc những năm đầu thế kỷ mới đã đi sâu vào phản ánh đời sống hiện thực. Nhiều nhà văn đi theo khuynh hướng tả thực, phản ánh hiện thực đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của người Trung Quốc hiện đại. Theo Vương Tiên Bái, phản ánh sinh động hiện thực đời sống là “một xu thế chủ yếu trong sáng tác truyện ngắn” và cũng là một niềm hy vọng mới trong trạng thái bình thản của nhà văn Trung Quốc thế kỷ mới.

 

 

NGUYỄN THỊ HIỀN tổng hợp

Nguồn Văn nghệ số 22/2016