Nam Cao và Nguyễn Thị Thu Huệ là hai nhà văn ở hai thời kỳ khác nhau với những đặc điểm phong cách sáng tác riêng biệt. Xét về tầm vóc, có lẽ Nguyễn Thị Thu Huệ chưa thể ở cùng vị trí với cây bút gạo cội vùng chiêm trũng Hà Nam. Tuy nhiên, hai tác giả vẫn có nhiều điểm tương đồng về tư tưởng và nghệ thuật qua các nhân vật Thị Nở (Chí Phèo) của Nam Cao và Thảo (Cõi mê) của Nguyễn Thị Thu Huệ.

Ở hai tác phẩm trên, tác giả đều xây dựng nhân vật của mình với số phận thật bất hạnh. Trong Chí Phèo của Nam Cao, Thị Nở được miêu tả là một người “xấu ma chê quỷ hờn”, tính lại “dở hơi”, “nhà nghèo” và “lại là dòng giống của một nhà có mả hủi” nên “Người ta tránh thị như tránh con vật nào rất tởm. Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng”. Thị cũng chẳng còn bố mẹ mà chỉ ở với một bà cô già khó tính, nghèo khổ trong một cái nhà nhỏ cạnh con đê gần nơi Chí Phèo sống. Còn Thảo trong Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng bất hạnh chẳng kém. Nhà nghèo, nên suốt bốn ngày sau khi được sinh ra, cô phải chịu đói rét cùng người mẹ lúc nào cũng phải bươn chải kiếm cơm nuôi đàn con nhỏ. Nhưng khi bà mẹ đem cô về nhà nhờ ông chồng mà “Một năm, ông say khoảng mười một tháng” trông hộ trong chốc lát để kiếm cái ăn sau mấy ngày đói khát thì ông ta đã đem bỏ cô ở cổng nhà chùa đến mấy ngày nữa trong cái đói, cái rét cắt da cắt thịt của tiết trời cuối năm. Bất hạnh hơn, khi lớn lên cô lại bị điên. Nên khi bà mẹ mất, cả cái nhà đông đúc anh chị, con cháu ấy chỉ còn mẹ con bà chị gái là thương Thảo, còn lại đều coi cô “như một gánh nặng”, “như nắm giẻ lau, là cái gai trước mắt” và khinh bỉ đến điều “Tỷ thứ việc lại phải lo đến loại ấy nữa. Nó có nằm ra đấy cũng chả ai rước”.

Thế nhưng, chính ở hai con người tưởng không còn là người theo đúng nghĩa này chúng ta vẫn phát hiện ra những vẻ đẹp thật đáng trân trọng. Một người như Thị Nở mà vẫn tiềm ẩn nhiều chất nữ tính, cũng có những khát khao như bao người phụ nữ khác. Khi Chí Phèo đến với thị ở vườn chuối trong đêm trăng, ban đầu thị gào hét, phản ứng, nhưng rồi “Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng cái đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống…”. Tuy nhiên, con người Thị Nở không chỉ có cái phần sinh lý bản năng mà quan trọng hơn là còn có cái phần tình người cao quý. Nét đẹp ấy có khởi phát từ tình thương với đồng loại. Vậy nên “lúc còn đêm, thị trằn trọc một lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Và từ tình thương đã dẫn đến tình yêu – hay nói chính xác hơn là thương yêu nên khi trở về nhà sau đêm trăng, thị nghĩ: “mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng. Tiếng vợ chồng, thấy ngường ngượng mà thinh thích…”. Rồi từ tình cảm ấy đã dẫn đến những hành động quan tâm, chăm sóc của thị với Chí Phèo kèm theo là những ánh mắt, cử chỉ cũng chất chứa đầy yêu thương: “Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên”. Ở đây, chính tình yêu đã biến thị thành một người đàn bà có duyên – ít nhất là trong con mắt Chí Phèo. Thị Nở đã yêu và được yêu. Và tình yêu đó đã góp phần đánh thức cái thiên chức (sự chăm lo) và cái thiên lương (tình thương, lòng tốt) trong tâm hồn người phụ nữ bất hạnh vốn bấy lâu bị vùi dập bởi những định kiến tầng tầng lớp lớp của cái xã hội làng Vũ Đại. Những vẻ đẹp này của nhân vật Thị Nở cũng chính là những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Thị Nở là vậy, còn Thảo trong Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ, người mà trong nhà thì bị coi khinh, còn khi “ra đường rất dễ bị trẻ con ném đá”, cũng biết yêu, biết khát khao hạnh phúc. Và cũng như bao người con gái khác, mỗi lần đến với người yêu, cô cũng trang điểm, cũng biết làm đẹp (dù chỉ là cách trang điểm, ăn mặc của một người không bình thường – một “người điên”): “Cô cười, môi son đỏ lem nhem, tóc xoăn tít” – sản phẩm của thứ thuốc làm đầu rẻ tiền có “mùi nước đái khỉ – khét lẹt”. Còn ăn mặc thì “Áo trong đỏ, thò ra ngoài áo khoác vàng. Quần ghi, guốc đỏ. Chiếc túi trắng lúc lắc bên hông”. Tuy vậy, tình yêu và hạnh phúc cũng khiến cho cô có nét duyên dáng, dễ thương “như một con búp bê” – dù chỉ là “thứ búp bê phế phẩm – nhưng “trông thật ngộ nghĩnh”. Đến với cuộc hẹn, đến với tình yêu thì như vậy, còn khi trở về thì “Khuôn mặt cô tràn trề hạnh phúc (…). Trông cô có vẻ no nê lắm”. Đây rõ ràng là cảm xúc của một người hạnh phúc thực sự trong khi yêu. Mà không hạnh phúc sao được bởi với một người phụ nữ bình thường mà được người yêu quan tâm cũng đã là đáng quý, đằng này với một người như Thảo thì đó quả thật là một điều có ý nghĩa vô ngần. Vậy nên, “Cô lôi trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa, một cái vòng nhựa và một chiếc cặp tóc, dí vào mặt tôi: “Len cho đấy (…). Cô giơ tay vuốt vuốt mái tóc hôm qua dài ngang vai đã vội cắt ngắn và làm xoăn tít cho kịp buổi hẹn hò: “Cắt tóc rồi. Cho đấy”. Rõ ràng, phải có sự đồng cảm sâu sắc thì tác giả mới có thể viết những dòng văn đằm thắm tình cảm yêu thương với nhân vật như vậy.

Nam Cao và Nguyễn Thị Thu Huệ là những nhà văn ở hai thế hệ hoàn toàn khác nhau nhưng qua cặp hình tượng này ta lại thấy nhiều điểm tương đồng về tư tưởng nghệ thuật của hai cây bút. Đó là tấm lòng nhân đạo sâu sắc xuất phát từ những tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Bởi chỉ có như vậy, họ mới có thể phát hiện trong sâu thẳm tâm hồn những số phận bất hạnh cùng cực này cái phần nhân bản đáng trân trọng vẫn tồn tại, vẫn luôn quẫy đạp để hễ có cơ hội là bùng lên. Những người phụ nữ này đều có nét đáng yêu, có duyên, có khát khao hạnh phúc như bao người đàn bà khác. Và điểm đáng quý nữa là nhờ khát khao ấy mà không chỉ giúp họ có được những khoảnh khắc được sống hạnh phúc với đúng nghĩa cuộc sống của một con người trong cuộc đời vốn chỉ là sự bất hạnh, khổ đau, mà còn mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của những số phận bất hạnh như họ.

Nhờ cuộc gặp với Thị Nở mà Chí Phèo đã “tỉnh rượu” sau một thời gian dài dằng dặc “hắn ăn trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận”. Và sau đó, Chítỉnh ngộ để nhận thức được bi kịch cuộc đời mình. Ở đây, hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở mang cho Chí Phèo, tượng trưng cho thứ tình cảm thô mộc mà chân thành của thị, có ý nghĩa như một thứ “linh dược, nó không chỉ giúp Chí chống đói, chống cảm (tức là có ý nghĩa về mặt vật chất, thể xác) mà quan trọng hơn là còn có tác dụng “giải độc về tinh thần cho anh ta.Rồi Chí Phèo đã khóc. Giọt nước mắt hiếm hoi trong cuộc đời của Chí là dấu hiệu của nhân tính bị vùi lấp bao năm qua đã trở về. Anh mong muốn trở lại làm người lương thiện và khát khao có một mái ấm gia đình: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”, “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Câu nói giống như một lời cầu hôn chất phác, giản dị mà chân thành. Đến đây, rõ ràng Nam Cao như muốn nói với chúng ta rằng mối tình của Chí Phèo – Thị Nở là tình yêu chân chính bởi nó có khả năng cảm hoá con người, chứ không phải là thứ tình cảm có căn nguyên từ nhu cầu xác thịt của thứ người – ngợm đáng khinh bỉ như quan niệm của không ít độc giả đương thời khi tác phẩm mới xuất hiện. Và cũng cần chú ý thêm là để biến một anh Chí hiền lành, lương thiện thành một kẻ du côn, một con quỷ thì cái nhà tù và xã hội thực dân phải cần đến hàng chục năm, nhưng Thị Nở lại chỉ cần có mấy ngày ngắn ngủi để biến con quỷ Chí Phèo trở lại thành người lương thiện. Nhân vật Thị Nở ở đây đóng vai trò như một ông Bụt, bà tiên trong truyện cổ tích với đôi đũa thần của mình (là tình cảm hồn nhiên mà thô mộc của thị) đã cứu vớt lương tri của Chí Phèo. Thế mới thấy tình yêu của Thị Nở có sức mạnh và ý nghĩa to lớn như thế nào với Chí.

Trong Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ, Len vốn là một người lính bước ra khỏi chiến tranh với những vết thương khiến anh bị “nghễnh ngãng và mờ mắt”. Bi kịch nối tiếp bi kịch. Người vợ của Len đã mang theo đứa con bỏ đi. Cuộc đời của người thương binh tưởng chừng sẽ toàn đau khổ nhưng may mắn là anh gặp được Thảo. Hai tâm hồn, hai số phận bất hạnh ấy đã thấu hiểu hoàn cảnh của nhau và từ đó mà có sự đồng điệu. Len thấy được ở Thảo một tâm hồn “vô tư và trong suốt”, một tình yêu “trong trẻo, thánh thiện, cổ xưa”, chúng như những giọt nước mát lành giúp cho tâm hồn tưởng như đã ở tận cùng sự tuyệt vọng, đã thành sỏi đá của anh lại nảy mầm hi vọng vào cuộc sống. Còn Thảo tìm được ở Len sự cảm thông, trân trọng con người cô khi anh khẳng định “Cô ấy không điên, không điên tý nào cả”. Và anh muốn cưới Thảo làm vợ cũng chỉ với một lý do rất đơn giản: “Một người như tôi, được lấy cô ấy đã là hạnh phúc”.

Nhà văn Pháp Phrăngxoa Côpê từng nói “Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”. Có lẽ câu nói này rất đúng với dụng ý nghệ thuật mà Nam Cao và Nguyễn Thị Thu Huệ muốn thể hiện qua những nhân vật này. Cả hai tác giả dường như đều muốn nêu những phản đề, muốn hướng ngòi bút đấu tranh với những định kiến hẹp hòi mà xã hội dành các nhân vật của mình – những người mà cuộc sống đã thật bất công khi bắt họ phải chịu bao bất hạnh, trái ngang ngay từ lúc mới chào đời. Nhưng có điều chính cái trí tuệ kém cỏi lại giúp cho tâm hồn Thị Nở không bị vướng bận bởi những thị phi. Và vì thế nên thị vẫn có tình người, kể cả với kẻ bị xã hội ruồng bỏ như Chí. Chỉ có thị mới biết được: “Lúc tỉnh táo, hắn (Chí Phèo – NV) cười nghe thật hiền”. Ở đây, Nam Cao như muốn nói rằng cả cái làng Vũ Đại khinh rẻ Thị Nở, không coi thị là người thì hóa ra không phải họ mà chính thị mới có phẩm chất quan trọng nhất của một con người – tình thương. Hơn nữa, cả cái làng ấy nghĩ Thị Nở dở hơi, đần độn nhưng hóa ra đây lại là người tỉnh táo nhất vì chỉ có thị mới thấy được cái phần người tiềm ẩn trong “con quỷ” Chí Phèo. Tính phản đề và chiều sâu tư tưởng nhân đạo của Nam Cao là ở đó.

Trong Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ, qua lời nhân vật Len thì Thảo thực ra “không điên, không điên tý nào cả”. Len cũng hiểu rằng Thảo rơi vào hoàn cảnh như vậy “Tại vì không ai gần cô ấy”. Từ đây, ta nhận ra một điều vô cùng đau xót khi trong cuộc sống, chỉ vì những định kiến vô hình của xã hội mà đã đẩy không ít người vào những bi kịch đớn đau. Cả Thị Nở và Chí Phèo đều không đến được với hạnh phúc dù có lúc tưởng họ chỉ cách ngưỡng cửa ấy một bước chân. Và rồi, Thị Nở thì lại phải trở về cái vỏ bề ngoài thô kệch, xấu xí, phải đối mặt với một tương lai đầy bất định, còn Chí Phèo thậm chí phải tự kết liễu cuộc đời mình trong đau đớn. Trong khi đó, Thảo phải sống như một kẻ điên khùng, một người thừa chính trong ngôi nhà với những người ruột thịt của cô.

Nhưng tính phản đề của Nguyễn Thị Thu Huệ qua nhân vật Thảo không chỉ là vấn đề cách nhìn nhận con người mà còn là quan niệm về hạnh phúc. Các nhân vật khác trong Cõi mê dường như đều có chung một quan niệm rằng điều quan trọng nhất của cuộc sống, tức thứ có thể đem lại hạnh phúc cho con người chính là vật chất, là tiền bạc nên họ lao vào cãi cọ, chửi bới, tranh giành tài sản với nhau bất chấp tình cảm ruột thịt, gia đình. Để rồi người chắc chắn chiếm được phần cho mình thì cứ giả vờ “ước ao được điên. Được chết quách đi cho nhẹ xác”. Còn những kẻ yếu thế như bà chị gái của Thảo thì “khóc như điên như dại (…): Hết rồi. Hết cả rồi giời ơi. Giời ơi là giời. Sao tôi khổ thế này”. Với họ, hạnh phúc còn phải là tỉnh táo để cảm nhận được cuộc sống vật chất đang diễn ra xung quanh. Vì thế, những người điên như Thảo thì thật đáng thương, thật bất hạnh. Nhưng qua diễn biến câu chuyện, ai mới là người hạnh phúc thực sự? Cái tết là quãng thời gian ngắn ngủi cuối năm mà mọi người đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, được vui chơi sau một năm vất vả. Nhưng với những nhân vật trong thiên truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ, những người “tỉnh táo” nhưng lại bị ràng buộc nặng nề bởi chuyện kiếm sống thì hóa ra đây lại là quãng thời gian vất vả nhất: “Mọi người ai cũng nhanh hơn, mải miết hơn như thể mùa xuân đang huỳnh huỵch chạy đuổi phía sau”. Những người anh, người chị, người cháu của Thảo luôn phải sống trong căng thẳng, mỏi mệt bởi những chuyện cơm áo gạo tiền. Còn Thảo, cái tâm hồn của “người điên” khiến cho “Cô ba mươi lăm tuổi, nhưng ai cũng đoán cô chỉ hai mươi, hai lăm. Cô trẻ. Vì cô đâu phải nghĩ gì”. Nên cái cách mà người phụ nữ này đến với tình yêu cũng thật “trong trẻo, tháng thiện và cổ xưa”. Trong cái thời buổi mà lối sống thực dụng đã len lỏi cả vào tình yêu – một thứ tình cảm tưởng rất thiêng liêng, thánh thiện để rồi “Bây giờ. Mấy ai hẹn nhau ra công viên cơ chứ? Sang thì có nhà riêng hay khách sạn. Không sang thì các quán xá, đèn mờ. Vậy mà cô (Thảo – NV) đi công viên”, lại đúng vào dịp cuối năm nữa chứ. Ba câu văn đầu tiên của tác phẩm mang thật nhiều ý nghĩa: “Tôi (cháu Thảo – NV) đụng cô (Thảo – NV) ở cửa. Tôi đi vào. Cô đi ra”. “Tôi đi vào” là vào căn buồng gần cái bếp và nhà vệ sinh – biểu tượng cho cuộc sống tăm tối, tù hãm. Còn “Cô đi ra” là đến công viên, nơi hò hẹn với người thương, vậy có nghĩa là đến với cuộc sống tự do, hạnh phúc. Và câu đầu tiên của tác phẩm “Tôi đụng cô ở cửa” chính là biểu tượng cho sự va đụng, mâu thuẫn gay gắt giữa hai quan niệm sống – tự do và tù hãm, lãng mạn và tầm thường. Còn cái cánh cửa kia chính là biểu tượng cho ranh giới giữa hai lối sống ấy. Nhưng đến cuối tác phẩm, việc Thảo tìm được hạnh phúc và ý nghĩ của nhân vật người cháu của chị đã khẳng định rõ hơn sự chiến thắng của quan niệm thứ nhất về một cuộc sống hạnh phúc thực sự: “Tôi nghĩ đến cô (Thảo – NV). Cô là người hạnh phúc vì cô chẳng phải mưu tính gì” và “Suy cho cùng. Nếu được điên như cô. Tôi thấy tất cả nên điên. Đấy sẽ là hạnh phúc”.

Một điểm đáng lưu ý nữa qua hai nhân vật Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) và Thảo (Cõi mê – Nguyễn Thị Thu Huệ) là ở cái cách kết thúc của mỗi tác phẩm. Mối tình Thị Nở – Chí Phèo vốn thật đẹp như đã nói ở trên nhưng cũng chỉ tồn tại được có năm ngày ngắn ngủi bởi không thể vượt qua được những định kiến hẹp hòi, tàn bạo của xã hội thực dân – phong kiến Việt Nam đương thời, vốn hiện hữu trong tác phẩm qua hình ảnh cái làng Vũ Đại. Thị Nở (cũng như Chí Phèo) tưởng đã đến được ngưỡng cửa của hạnh phúc nhưng giờ đây nó đã bị đóng chặt. Kết thúc câu chuyện, khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở lo lắng nhìn nhanh xuống bụng rồi “Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”. Giờ đây, Thị Nở đang phải đối mặt với một tương lai bất định. Mà nếu chẳng may điều thị lo lắng là sự thật thì chắc chắn người đàn bà khốn khổ này sẽ không còn chốn dung thân nơi cái làng Vũ Đại ấy. Nam Cao thương nhân vật của mình nhưng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đương thời ông không thể làm khác được bởi cái kết tuy đau đớn cho nhân vật nhưng lại rất phù hợp với một chủ đề của tác phẩm là sự lên án gay gắt, lời tố cáo đanh thép hiện thực xã hội đã không cho con người được thực hiện những ước mơ bé mọn nhưng chính đáng nhất – được là một người lương thiện, được sống cuộc sống bình thường như bao người khác.

Trong Cõi mê của Nguyễn Thị Thu Huệ, những khổ đau mà nhân vật Thảo phải gánh chịu có lẽ cũng chẳng kém nhân vật Thị Nở là mấy nhưng có điều kết thúc câu chuyện ta lại thấy những tín hiệu thật tích cực cho cuộc đời phía trước của người phụ nữ này. Bởi dù bị các anh và những chị dâu cướp mất ngôi nhà cha mẹ để lại nhưng Thảo lại còn có một người tự nguyện che chở cho cô. Và nếu như Thị Nở tưởng tìm được hạnh phúc thì lại phải gánh thêm khổ đau, còn với Thảo, trong cái khổ đau, bất hạnh thì lại tìm được hạnh phúc thực sự với Len. Cái kết phảng phất quan niệm “Ở hiền gặp lành” của nhà Phật cùng tâm trạng của những người trong gia đình Thảo khi cái nhà cũ sẽ bị phá bỏ để xây mới làm kinh doanh và đặc biệt là những suy nghĩ của người cháu về Thảo: “Cô là người hạnh phúc bởi cô chẳng phải mưu tính gì” đã góp phần khẳng định chủ đề tư tưởng mang đầy tính nhân văn của tác phẩm là quan niệm về một cuộc sống hạnh phúc thực sự của con người. Đặt trong hoàn cảnh lúc tác phẩm ra đời vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi nước ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế, thậm chí trong thời điểm hiện tại và cả tương lai thì ý nghĩa tư tưởng này của Cõi mê vẫn mang tính thời sự thật sâu sắc.

Trong văn học cổ kim, Đông – Tây nói chung và văn học nước nhà nói riêng, kiểu hình tượng nhân vật như Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) và Thảo (Cõi mê – Nguyễn Thị Thu Huệ) thực ra không phải là hiếm; tuy nhiên, với những cách tân nghệ thuật của mình, hai nhà văn đã đem đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ vừa quen thuộc nhưng cũng đầy mới lạ, hấp dẫn để rồi khi gập trang sách lại, mỗi chúng ta vẫn thấy vấn vương trong lòng. Và chính từ những hình tượng này, những cảm xúc này, tâm hồn mỗi độc giả sẽ trở nên phong phú hơn, sẽ có thêm cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về con người và cuộc sống.

Bùi Tuấn Ninh

Nguồn: Toquoc

——————————

* Thị Nở: nhân vật nữ trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

** Thảo: nhân vật nữ trong tác phẩm Cõi mê của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ