VIẾT DƯ

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Truyện ngắn NHỮNG BỨC THƯ GỬI TỪ BIỂN tôi viết trên hải trình đi Trường Sa, trên con tàu đang lao đi giữa biển khơi, sau khi Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hi sinh ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Nơi tàu dừng lại làm lễ chỉ cách Gạc Ma một vài hải lý.

Thực sự khi đi trên biển, nếu phải viết hay đọc, rất dễ say.

Nhưng tôi không thể không viết. Hình dung các anh khi hy sinh bị giặc ném xác xuống biển, mãi mãi không tìm được thi thể, nước mắt chảy ngược trong tim.

Giây phút ấy, khoảnh khắc ấy, biển cả thì mênh mông, bí hiểm, khôn lường, mà con người thì nhỏ bé, hữu hạn…

Truyện đăng báo Văn nghệ số ra ngày 17.4.2014

Đọc truyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” của Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Cầm Kỳ) mà hồn người đọc trôi theo sóng Trường Sa, Hoàng Sa rồi neo ở đảo Gạc Ma… Nén nhang mà tác giả thắp lên giữa biển khơi cùng lời nguyện cầu trong tâm khảm đã “xộc vào mọi giác linh, đánh thức trí nhớ tưởng như ngủ quên của những chàng trai mãi mãi không được gửi cốt nơi mảnh đất quê nhà, mãi mãi làm bạn với sóng nước…” để rồi nhà văn cầm bút lên chép tâm sự của những chiến sỹ đang yên nghỉ dưới lòng đại dương. Chúng ta có thể đã đọc nhiều những lá thư của người chiến sỹ ngoài hải đảo gửi về cho mẹ già, vợ trẻ, cho đứa con thơ đang ngậm bầu sữa mà mắt long lanh nhìn ảnh bố xoe tròn. Hay theo chiều ngược lại, những lá thư từ quê nhà neo theo con tàu đến với các anh chiến sỹ kiên cường. Nhưng ở truyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” dựa theo nhân vật là linh hồn liệt sĩ Trần Văn Phương, hồn thiêng anh được hồi sinh dương thế với những chi tiết rất thực “Tại sao anh lại không nghĩ ra điều này từ bao lâu nay nhỉ? Anh sẽ viết cho em và con, những bức thư của anh sẽ đi theo những vòng quay chân vịt của những con tàu mang lá cờ đỏ sao vàng, tới tay em nơi quê nhà.”. Rồi như một cuốn nhật ký kể về nỗi nhớ của đời lính biển với những thứ bình dị quê nhà “thấy thèm một mẩu sắn luộc”, “nhớ cái chái bếp bị dột của nhà mình”, rồi anh tự trách mình “Lẽ ra trước khi lên tàu đi xa, anh phải gọi về nhờ bà con lối xóm dọi lại cái mái bếp cho em”.

Khi đã hi sinh các anh bình tĩnh đón nhận như niềm tự hào dân tộc “bọn anh đang neo nhờ vào những cành san hô đã từng có màu trắng muốt, nơi trú ngụ dưới lòng biển mà hồi nào anh đã không nỡ bứng đi khỏi lòng biển, như định mệnh sắp đặt nên ý nghĩ con người.”… nước biển chát mặn hòa nước mắt tạo nên những con sóng bạc trắng cuộn đọng lòng người.

Nơi các anh hi sinh trước lũ “sói biển” giờ đây lá cờ Tổ quốc vẫn phơi phới bay, các chiến sỹ trẻ vẫn hiên ngang canh gác “trấn yểm” cho chủ quyền biển đảo của đất nước “Máu của con và đồng đội đã nhuộm thắm thêm lá cờ. Chúng con cùng nắm tay nhau, hiên ngang đón nhận biển trời mênh mông đang ôm trọn những trái tim tha thiết yêu Mẹ.”. Anh không quên dặn mẹ “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc…”. Nhưng mẹ và người thân, cả dân tộc này nữa đã không thể cầm được nước mắt, đó không phải là giọt lệ từ khóe mắt mà được ứa ra từ bầu tự hào dân tộc, theo sóng viếng các anh. Lũ “sói biển” ngoài kia vẫn đang ngày đêm quần thảo trêu người, thi thoảng gầm rú như một đàn động đực dùng mọi chiêu trò nham hiểm nhằm đớp trọn món lưỡi bò chúng tự tưởng tượng… Dân tộc ta và các chiến sỹ của ta không bao giờ quên lời dặn của vị chỉ huy đảo “Hãy bình tĩnh, các đồng chí. Chúng ta quyết tâm giữ đảo đến hơi thở cuối cùng”.

Cùng với những huyền tích trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các anh hùng liệt sỹ luôn bên cạnh để nhắc nhở và bảo vệ chúng ta trước bất cứ mối họa xâm lăng nào. Còn lũ “sói biển” ma cô sớm hay muộn cũng sẽ phải cút vào hố đen sâu thẳm nơi chúng đến và mãi mãi ra đi…

P/S: 64 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma bị giết chết, tay nắm tay nhau. Liệt sĩ Trần Văn Phương cố lao lên kéo lá cờ quấn vào người rồi mới bị bắn chết. Mấy chiến sĩ cố thủ đưa tàu chạy về đảo Cô Lin, nhờ vậy chúng ta vẫn giữ được đảo Cô Lin.

– V.D –