Trong những năm gần đây, lịch sử của vương triều Nguyễn với chín chúa mười ba vua đang lôi cuốn sự chú ý nhiều hơn của các nhà sử học và các nhà văn. Vào năm 2010, nhà văn Thái Bá Lợi cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Minh sư (NXB Văn học) thể hiện những tháng ngày Tiên chúa Nguyễn Hoàng mở đất. Đến năm nay, mảng đề tài ấy lại có thêm một tác phẩm mới: tiểu thuyết Mỹ nhân của nhà văn Văn Lê viết về cuộc đời hai vị chúa: Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) và Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 -1687) với hành trình mở cõi gìn giữ giang sơn, tầm nhìn hướng về biển Đông, về Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước.
Câu chuyện về Chúa Thượng, Chúa Hiền, chuyện Trung tín hầu Nguyễn Phúc Trung âm mưa đoạt quyền cùng những người phụ nữ nổi tiếng như Tống Thị, Thị Thừa đều đã được lưu lại trong sử sách, các công trình khảo cứu. Trận hải chiến nổi tiếng của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần không chỉ được Đại Nam liệt truyện biên chép mà còn được sử liệu của nước ngoài đề cập khá kĩ. Có thể xem đó là những điểm xuất phát quan trọng cho những tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật trong Mỹ nhân của Văn Lê.
Đúng như nhan đề, nội dung tiểu thuyết xoay quanh cuộc tình giữa các người đẹp với bậc quân vương. Hai “mỹ nhân” ở đây một là Tống Thị, được người đời bấy giờ phong tặng danh hiệu “đệ nhất mỹ nhân trời Nam”, hai là Thị Thừa, có dáng hình thon thả, cặp mắt có thần, miệng cười e ấp là “Nam thiên đệ nhất danh ca”. Với xuất phát điểm từ hai mĩ nhân này, Văn Lê đã tổ chức, thiết kế các mối quan hệ phong phú, đa sắc, nhằm lột tả tính cách của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Trung tín hầu Nguyễn Phúc Trung và đẩy cao cảm hứng ngợi ca Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
Trong sử sách, cũng như nhiều công trình khảo cứu, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần hiện lên là một người quyết đoán mạnh mẽ, nhưng cũng có không ít những băn khoăn về chuyện Nguyễn Phúc Tần giết Thị Thừa liệu có xứng được gọi là Hiền Vương? Văn Lê đã cố gắng thể hiện tính cách một vị chúa quyết đoán đến quyết liệt khi nghĩ đến trọng trách của một người đứng đầu một vương triều. Mặt khác câu chuyện tình yêu của Nguyễn Phúc Tần với Thị Thừa được thể hiện khá công phu, những gặp gỡ trải nhiều đắm say cùng tâm trạng giằng xé của vị chúa với nỗi sợ vua tôi bất đồng, quốc triều lục đục, chính điều này sẽ là tổ mối phá vỡ sức mạnh từ bên trong (trang 395). Việc tác giả ngợi ca một vị Chúa dĩ công vi thượng dường như ngầm tranh luận với những ai chỉ thấy Nguyễn Phúc Tần quá lạnh lùng, tàn nhẫn. Những trang viết về nỗi đau của Chúa Hiền cho người ta thấy rõ hơn những gắng gỏi tột độ để đoạn tuyệt với tình riêng, tất cả chỉ vì sự tồn tại, hưng thịnh của một triều đại.
Nguyễn Phúc Tần còn được Văn Lê thể hiện như một vị chúa công cao đức hậu, nhìn xa trông rộng. Hiền Vương từ những năm tháng ấy đã quan tâm đến Hoàng Sa, đến chuyện đưa dân ra ở lâu dài (các trang 364, 365, 366, 367). Nhưng theo tôi giá như Văn Lê dành nhiều trang viết hơn nữa về cuộc đời của chúa, khi còn là một thế tử, đặc biệt là khi ngài cầm quân đánh quân Ô lan ở Cửa Eo thì hình tượng nhân vật này sẽ được nâng lên một “tầm cao mới”.
Qua Mỹ nhân, chúng ta thấy Văn Lê có nhiều nỗ lực để tái hiện lịch sử, nhìn nhận sự kiện từ cái bề sâu, bề sau, bề xa. Có lẽ chỉ nói riêng về những tìm tòi phong tục tập quán, những hiểu biết về dân tộc học của tác giả đã có thể ghi nhận được nhiều điều, dù rằng người ta có thể băn khoăn về chuyện người Ái Châu thời vua Trưng đã vượt biển Đông đến Giava. Phục dựng lại không khí của một thời để những tình tiết trở nên chân thực hay người thời ấy đã ăn mặc, nói năng như thế là điều không hề dễ dàng. Không chấp nhận cách định danh dễ dãi gọi những người ở hậu cung là hoàng hậu, ái phi, Văn Lê đã thật thận trọng khi phân biệt tả hành lang hay hữu hành lang hoặc ái nương để nói đến những người nữ trong hậu cung. Những cân nhắc như thế hẳn là có căn cứ và quả là công phu. Học giả Lê Quý Đôn năm 1776, trong Phủ biên tạp lục đã kịp có nhận xét Chúa Nguyễn Phúc Khoát vẫn còn dùng chữ Thị phó hoặc chữ Lệnh truyền thay cho Sắc tứ là chữ của vua dùng, cũng không xác lập phi và thế tử các bậc đế vương (Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn – trang 23).
Mỹ nhân là câu chuyện về hai người đẹp Tống Thị và Thị Thừa cùng những mối quan hệ đa sắc với Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trung. Văn Lê đã không ngần ngại có nhiều trang viết nói đến chuyện phòng the. Viết về chuyện phòng the hay vẻ đẹp lõa thể của mĩ nhân phải nằm trong định hướng, điều đó có tham dự vào việc bộc lộ chủ đề tác phẩm. Nhìn chung những trang viết về các quan hệ tình cảm nồng thắm hay ái ân đủ làm cho câu chuyện về mỹ nhân thêm phong phú, góp phần đẩy xa hơn các tình tiết, làm sáng tỏ chủ đề mỹ nhân. Văn Lê đã tạo được sự đối chọi giữa Tống Thị và Thị Thừa về nhiều phương diện. Nếu Thị Thừa, cả về nhan sắc và đức hạnh được đẩy tới toàn vẹn, toàn mĩ thì Tống Thị là sự đối cực về phẩm hạnh. Thể hiện Tống Thị với nhiều thủ đoạn quyến rũ Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Trung, Văn Lê như muốn nhấn mạnh cái nhan sắc khuynh thành có thể có sức mạnh đến mức nào! Nhưng hình như có lúc Văn Lê đã đẩy quá xa những tình tiết, những diễn biến. Lúc Tống Thị và Nguyễn Phúc Trung thực thi việc phản loạn đoạt quyền, hoặc sẽ làm chủ phủ chúa hoặc sẽ thảm tử, bêu đầu, vậy mà lại có tình tiết bọn Cửu Kiều bao vây tư gia của Phúc Trung, lúc đạp cửa xông vào buồng, Phúc Trung và Tống Thị còn chưa kịp mặc quần áo (trang 381)!
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh thời đã nói, đại ý: Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được. Có thể nói Mỹ nhân của Văn Lê là một cuốn sách đáng chú ý, giúp cho nhiều người đọc biết rõ, hiểu sâu và trân trọng một giai đoạn lịch sử nước ta.
Nguồn: vannghequandoi.com.vn