Vũ ngọc Cân
Dịch và giới thiệu từ nguyên tác
Vaci Mihaly sinh năm 1924 tại Nyiregyhaza,,vùng đất cằn cỗi nhất của đất nước Hungary, trong một gia đình nông dân nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học Trường sư phạm và năm 1943 bắt đầu dạy tiểu học ở quê nhà, sau đó làm giám đốc ký túc xá và bắt đầu tham gia hoạt động chính trị xã hội.
Năm 1950, ông chuyển lên Thủ đô Budapest làm nhân viên Bộ Giáo dục, rồi chuyển dần sang làm biên tập viên các tạp chí văn học, đồng thời cũng là đại biểu quốc hội từ năm 1961. Năm 1970, ông là thành viên Đoàn đại biểu Hội đồng Hòa bình thế giới của Hungary sang tham quan làm việc tại Việt Nam và đã đột ngột mất tại Hà Nội vào ngày 16-4-1970.
Những bài thơ đầu tiên của Vaci Mihaly được in trong tạp chí Âm thanh mới vào năm 1955. Cũng trong năm này, ông cho xuất bản thành tập nhan đề Mái hiên. Các tập tiếp theo lúc sinh thời là Hương mộc, 1959; Đâu cũng là nhà, 1961; Quyền lực người nghèo, 1964; Từ phương Đông, 1965; Cây keo trong gió lộng, 1966; và Mưa rơi xuống cát, 1968. Sau khi qua đời, nhiều tập thơ và văn xuôi, tiểu luận tiếp tục được in ra, trong đó quan trọng nhất là tập thơ Con của nhân quần, 1970; và tập văn xuôi Toldi phục sinh, 1972.
Nét nổi bật nhất trong thơ ông là tình yêu quê hương đất nước, yêu con người, đặc biệt là người tình, người vợ. Từ tình yêu nước, yêu dân tộc mình, ông đã đến với tình yêu nhân loại, đặc biệt là các dân tộc bị nô lệ, bị chiến tranh, áp bức như Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một chùm thơ về mảng đề tài quan trọng nhất này của thế giới thơ Vaci Mihaly.
TỪ PHƯƠNG ĐÔNG
(Kelet felol)
Đất nước hai ngàn năm tuyết trắng đường ta
In dấu ông cha bao đời cơ cực
Dân chăn cừu, thập tự quân, haiđu, kurút
Lớn lên từ đầy tớ, du mục, hoang sơ
Từ đạo quân dân cày khao khát tự do
Từ phương Đông gieo mầm cách mạng
Cây Tự do phương Đông luôn luôn rọi sáng
Những bàn tay nắm chặt, tiến hàng đầu.
Nơi đây tổ tiên xưa xuống ngựa nhìn nhau
– Ta hãy lấy miền này làm đồng cỏ rộng?
Bao thử thách nặng nề nơi đây từng sống
– Tổ quốc thế nào hãy dựng cho mau!
Lên đường chậm trễ ngàn năm sau
Đoàn lập quốc và đoàn giành đất
Cọc đầu tiên nơi đây ta đóng mốc
Thay cột lều xưa, ruộng đất về ta.
Giặc kéo lê thanh gươm máu đến mọi nhà
Chúng lao ngựa từ đây đi giết chóc
Những thanh gươm mũi tên Tácta đau xót
Tan hết nơi đây tim lại đập bình yên
Ai rực lửa, nơi đây cháy nhanh hơn
– Apaxai, Trôcônai nóng hổi!
Ai nơi đây đứng lên không quỳ gối
Nghịch tặc kia chính là kẻ vô loài!
Nơi đây Tôlđi dũng sĩ anh tài
Bê đá ném nặng chín lần thế kỷ
Nơi đây Machi đã ba lần đánh tên địa chủ
Dũng sĩ Iani chém chết ác rồng
Con Ngòi chạy từ đây ra tới Đại Dương
Tim trong trắng nơi đây rung động
Một đồng xu nơi đây đòi sự sống
Giục giã Người đi bộ suốt thời gian.
Những tị hiềm, thuốc phiện, dị đoan
Thi nhau thịt đám dân đen hèn mọn
Càng khổ hơn cái nghèo đau đớn
Bệnh hủi, bệnh lao mặc sức hoành hành
Một hàng hiên đất ẩm ướt hôi tanh
Bốn gia đình thi nhau ho ra máu.
Ai từ đây ra đi, hăng say chiến đấu
Thay mặt dân tung nắm đấm – trái tim oằn!
Tổ quốc ơi, đây phía trái hiền lành
– Nơi con tim vẫn dồn dập đập
Những vấp ngã nơi này đau đớn nhất
Những quằn quại của Người, đây chịu nhiều hơn
Đây bãi mìn, chiến trường rên siết từng cơn
– Trên miền này tiếng đập dồn ép nén
Nhiều việc chôn sâu đang chờ ta đến
Khơi ngòi cho tiếng nổ rền vang.
Ai từ đây ra đi đều hiểu rõ ràng
Còn quá ít, dáng thơ ca còn thấp
Đường chiến đấu ta đi nhanh bước gấp
Đường trước đây bậc tiền bối hy sinh
Ta tìm trong đống giẻ đỏ văn minh
Được cất kỹ trong lòng dân nung nấu
Tai ta nghe hai nghìn năm rỉ máu
Những ước mơ, những khẩu lệnh giục ta đi!
1961
QUẦN ÁO CỞI RA, EM BẮT ĐẦU THON THẢ
(Mikor vetkezni kezd és karcsu )
Quần áo cởi ra, em bắt đầu thon thả
thân hình em – bài ca thơm ngát hoa hồng
bay lên từ những xoắn vòng cái váy
như mây bông cặp tuyết lê rung rinh
hướng bàn tay anh dò tìm ve vuốt
từ chiếc quần hoa, cặp đùi, cười sặc sụa
Những cây sậy màu nâu óng ánh ngả nghiêng
từ nơi ẩn nấp mười ngón tay cười anh
– Anh nhìn gì?- Cứ trân trân, hau háu
trên bờ mắt anh run run nhìn trộm
cô gái kia đang trút bỏ áo quần
khi bắt đầu lộ ra thon thả thân hình.
ĐÔI CÁNH
(Kêt szárny)
Mỗi chúng ta là từng chiếc cánh
nâng ý nghĩ lên, hai chiếc thành đôi.
Con chim bay lên trời rồi rơi xuống đất
nếu lìa tách khỏi nhau mỗi chiếc rụng rời.
Anh với em, ta – đôi cánh trên tầng mây
Ta không thể bay nếu hai ta riêng biệt
dù trống ngực ta đập cùng một nhịp
thì chính xác kia chẳng ý nghĩa gì.
Bay đi em cùng anh bay đi
cùng một lần đôi ta vỗ cánh.
Những cái lông rơi rơi theo gió mạnh
chúng ta vẫn là đôi cánh cùng nhau.
SAU ĐÓ
( Aztán)
Em nhớ không? Sau đó dễ chịu sao
quay phía em- nghe ngọt ngào giọng nói
Em rung lên nếu như anh ghé sát
gần tai em, vừa hôn lại thì thào.
Trước khi đi nằm ta ôm ấp nhau
Đang dọn ổ đôi khi quay lại
nửa thức nửa mơ nhìn nhau vẫn hỏi
Yêu anh không? Còn yêu em không?
Em nhớ không? Em có thể quên anh
Nhưng hãy nhớ những phút giây âu yếm
khi em trốn vào tim anh sâu kín
và quên đi chính bản thân mình.
NGHĨ TỚI EM – LÀ ANH LẠI NỞ HOA
(Ha rád gondolok – virágzom)
Trong tim anh tiếng chuông ngân nga
như cơn mưa ào ào dồn dập.
Em ở đâu giờ này xa cách
Nhìn cái gì cũng gợi nhắc nhớ em.
Có cái gì như trách móc tiếng chim
Anh bỏ em nơi đâu?- Nó hót
Em ở nơi nào xa lơ xa lắc
Khuôn mặt anh nhìn có tiếng khóc của em.
Dù anh nói bất cứ lời nào ấm êm
Cũng chỉ nghe tiếng em thổn thức.
Em là miền đất chưa ai đi tới
nơi anh vẫn ước ao chờ đợi.
Là bầu trời bên kia núi trong veo
Là biển dạt dào mênh mông sóng vỗ
Là tầm nhìn cho anh lái tàu đi.
Những cánh bay bất động lặng im
Em núp trong anh tiếng khóc em theo đuổi
Rặng liễu của anh nước mắt em ướt đẫm
Trong anh có một phong cầm
nhung mượt mà che chở
Anh là cái cây kỳ diệu của em
Nghĩ tới em là anh lại nở hoa.
Mọi cái sống, cho sống vì Em
Hòm pha lê số phận anh vây kín
nở ra em như một bông hồng .
Nguồn: Văn Nghệ
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài