NHÀ VĂN VÀ BIỂN ĐÔNG

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

LÍNH CÔNG BINH
Cụm từ “Vác đá xây Trường Sa” đã là câu cửa miệng của những ai có hình ảnh Trường Sa trong lòng. 
Những người thực sự trực tiếp “vác đá” ra xây Trường Sa chính là những người lính công binh trong lực lượng hải quân. 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma năm 1988 cũng đều là công binh ra xây dựng đảo.
Có trực tiếp chứng kiến những công trình mà những người lính công binh xây dựng trên những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi mênh mông khắc nghiệt, mới thấy sức lực bền bỉ, ý chí mạnh mẽ, với tinh thần kỷ luật thép.
Tôi đã gặp và nói chuyện với một người lính công binh vào cái đêm trước ngày em được lên tàu trở về đất liền. Da đen sắt, cảm giác toàn bộ dáng vẻ con người của Thủy – tên người lính công binh, là một khối sắt thép bền vững không gì phá nổi. 
“Mai là em được về đất liền rồi. Chị có nhìn thấy con tàu đậu phía sau tàu HQ 996 kia không? Đấy, mai em lên con tàu đấy”
Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của người lính trẻ.
Tôi hỏi:
«Nghĩa là đã xong công trình bờ kè ở đây?»
«Vâng, về cơ bản là xong chị ạ»
Thủy kể, em đã làm liên tục hàng năm nay cho công trình kè bờ đảo, đổ và cắm cọc bê tông cho bãi kè xung quanh đảo. Đội công binh đã tôn tạo và xây mới cả ngôi chùa trên đảo. Khi đi tham quan, thăm thú chùa, thật ngạc nhiên về độ tinh xảo của những người “thợ” – công binh này. Họ làm ngày làm đêm. Thậm chí thắp điện để làm đến tận 9, 10h đêm mới nghỉ.
Nhưng đâu có đơn giản chỉ là sức lực, sự khéo léo và lòng kiên trì.
Đây là giữa biển khơi mênh mông. Đảo đá chìm hay dù là đảo lớn cũng chỉ như một rạn san hô nhô lên. Hãy thử hình dung, nếu bạn đang ở trên một đảo san hô, xung quanh ngập nước chừng một đến vài mét, sóng biển dập lên dập xuống liên hồi, xuồng CQ không thể nào tiếp cận. Tàu hộ tống chở theo nguyên liệu là xi măng đá tảng buộc phải neo đậu cách đó chừng vài hải lí (mỗi hải lí được tính khoảng 2km), thì bạn sẽ làm thế nào để mang vác được xi măng, gạch, đá, sắt thép và cả gỗ vào đảo? Mang vào được rồi thì còn trộn vữa, pha sắt thép, rồi canh thủy triều lên xuống để đổ cho được những cây cọc bê tông xuống lòng biển, đổ xong còn phải chờ cho những cọc bê tông đó đủ độ khô rắn giữa lòng biển khơi. 
Vậy mà hàng ki lô mét bán kính xung quanh đảo, là bờ kè và những bãi cọc bê tông, là những công trình đặc biệt để phòng chống sự xâm nhập của biển khơi, của kẻ xâm chiếm….
Ngay cả gỗ làm chùa, nhà tài trợ đã cho làm hoàn thiện mọi chi tiết, rồi đưa lên tàu chở ra. Từng cái cột gỗ to và nặng, những bức tượng Phật được phết sơn son thếp vàng, những ban thờ, bục bệ… Mang vác được hết ngần ấy thứ lên đảo, rồi lắp ghép, dựng. Sau đó là việc hình thành dần tất cả những gì mà chúng ta hằng thấy trong một nhà chùa trên đất liền.
Chưa kể toàn bộ hệ thống hầm hào quân sự trong lòng đảo. Hệ thống này thì chỉ có những người lính công binh, các sĩ quan chỉ huy trên đảo nắm rõ được mọi ngóc ngách. 
Lính công binh của hải quân thì phần đa được huấn luyện xây dựng hầm hào, kè bờ đảo, với những điều kiện khắc nghiệt và đặc biệt như phải xử lý nước mặn, sóng gió trong xây dựng. Họ có vũ khí, nhưng chỉ được trang bị những vũ khí để tự vệ. Nhưng chính họ lại là những người lính sẽ có thể đụng độ đầu tiên với đội quân xâm lấn đảo. Câu chuyện 64 chiến sĩ công binh hi sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988 là một điển hình về cuộc chiến đấu không cân sức, đột ngột, bất khả kháng; về sự hi sinh dũng cảm cỉa những người lính công binh của hải quân, mà lịch sử giữ nước giữ đảo của Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ khắc sâu.

KỶ LUẬT BIỂN ĐÔNG
Đã từng có những người lính tâm binh mới ở đất liền lên đảo làm nghĩa vụ. Đêm gác, khi đi tuần tra quanh đảo do sơ xuất không nhớ được sơ đồ hầm hào, bị ngã xuống và hi sinh. Từ chỉ huy cho đến tốp gác đều chịu những hình thức kỷ luật rất nặng.
Trong một chuyến đưa lính công binh hoàn thành nhiệm vụ trên đảo về lại đất liền, không hiểu sao có một chiến sĩ công binh bị mất tích khi tàu đang chạy trên biển. Có thể do trượt chân rơi xuống biển khi đang câu cá hoặc ngủ trên boong rồi bị sóng lắc mà ngã… Cả đội tàu cứu hộ được phái ra vùng biển nghi vấn để tìm kiếm trong nhiều ngày. Nhưng vẫn không tìm được. Chấp nhận mất một đồng đội, vô cùng đau xót. Nhưng đồng thời toàn bộ đoàn công tác gồm tất cả các cán bộ chiến sĩ có mặt trên tàu bị kỷ luật. Không những thế, các cấp chỉ huy trên đất liền có liên quan chuyến công tác cũng bị kỷ luật bằng nhiều hình thức như mất vạch mất sao, chuyển vị trí…
Chỉ mất đi một người, nhưng cả một dây các cấp bậc trực tiếp và liên đới bị kỷ luật. 
Lại có câu chuyện ngay trong chuyến công tác của tôi. Do lúc vui đùa quá đà, một chàng hải quân bị một cô trong đoàn nghệ thuật tỉnh K. quay lại phản ảnh với lãnh đạo. Lập tức cả tốp phục vụ có chàng lính đó phải họp, kiểm điểm khá gay gắt, suýt nữa bị kỷ luật hạ cấp bậc.
Nghiêm lệnh ngầm nữa là cánh đi biển rất kiêng kỵ chuyện yêu đương trên tàu (nếu có nữ đi công tác cùng). Họ cho rằng nếu yêu đương trên tàu, tàu sẽ không gặp may mắn. Mặc dù lính hải quân rất tình cảm và có thể nói nhiều khi cứ lấy lời nói tán tụng làm vui, bởi cứ lênh đênh dài ngày trên biển, với một vùng biển nhạy cảm đầy bất trắc mang lại, nhưng họ lại có những nghiêm luật, những luật bất thành văn, dành để đi biển cho an toàn và tâm niệm hoàn thành nhiệm vụ bao trùm, choán ngập tâm can người lính giữ biển đảo.

Lại nói về tinh thần và ý chí quyết liệt giữ biển đảo của những người lính.
Chiến sĩ của chúng ta trên các nhà giàn và đảo lớn, đảo chìm đã phải thay nhau theo dõi ngày đêm, kết hợp chặt chẽ với chỉ huy tại đất liền để giám sát nhất cử nhất động của tàu địch. Nếu bất cứ khi nào đội tàu hộ tống này có dấu hiệu ngưng lại tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì lập tức phải cử tàu chiến ra “xua đuổi” không cho giàn khoan này được thả xuống dù với bất cứ lý do gì. Chúng ta “tuyệt đối yếu” hơn đối phương, trong khi đối phương lại thường xuyên gây hấn, kích động để Việt Nam “ra tay” trước. Khi ấy, chúng sẽ có lý do hợp pháp để đánh chiếm vào những hòn đảo của chúng ta.
Đặt giả thiết tình huống xấu nhất là Trung Quốc chiếm thành công một đảo của Việt Nam (điều này khó có khả năng xảy ra) thì chúng ta sẽ làm gì? Lên tiếng nhờ cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam? Trung Quốc sẽ ngay lập tức la làng lên rằng họ không đi xâm lược, không đi đánh chiếm đảo của Việt Nam. Họ chỉ đang “đòi lại” những gì thuộc về “chủ quyền bấy lâu nay” của họ. Trung Quốc sẽ ngay lập tức ngang ngược nói rằng chính Việt Nam mới đi chiếm đảo của Trung Quốc và bây giờ “bị lấy lại”. 
Có những nhận định xác đáng hiện nay (theo tài liệu của bloger NNL): 
“Tất cả những gì Trung Quốc CẦN, CẦU MONG VÀ CHỜ ĐỢI LÚC NÀY chính là một hành động thiếu kiềm chế bất kỳ từ phía Việt Nam để họ có thể đàng hoàng phát pháo”. 
Và đó cũng chính là điều mà tất cả chiến sĩ của chúng ta ngoài hải đảo phải thuộc nằm lòng. Phải luyện chí rèn gan, giữ vững lập trường và kiên định để tránh tuyệt đối phạm vào sai lầm như vậy. 
Đây chính là kỷ luật thép của chúng ta ở biển Đông.

NHỮNG CON ỐC BIỂN 
Ra Trường Sa, không có gì mang về làm quà, hầu như ai cũng muốn có một chút gì để làm kỷ niệm. Nhưng các đảo chìm hay đảo đã hình thành và ổn định sự sống, thì đều là những hòn đảo nhỏ nhoi giữa trùng khơi mênh mông. Mỗi năm cứ hàng mười mấy đoàn ra công tác và thăm Trường Sa (như riêng vụ tháng 3, 4 năm nay là 15 đoàn), mỗi đoàn trên dưới 200 thành viên. Nếu ai cũng đem về đất liền những viên đá, vỏ ốc biển, hình dung sẽ chẳng mấy chốc đảo sẽ mòn vẹt, không biển nào kịp bồi đắp
Vì vậy dù rất muốn, tôi cũng chỉ dám xin của Trường Sa vài viên đá và vài vỏ ốc nhỏ. Tôi lang thang xuống gần bờ kè của đảo chìm Đá Thị, cúi nhặt vài ba vỏ ốc nhỏ xíu bằng ngón tay, trong lòng thầm khấn đất trời:
“Nhất định chúng con sẽ vác đá ra xây Trường Sa”
Trường Sa ơi, đây là lời hứa của cả dân tộc với không chỉ Trường Sa, mà với cả Hoàng Sa, một ngày hoàn tụ…
-24/6/2014 –
– Bài đã đăng trên báo An ninh Thủ đô cuối tuần, 29/6/2014 –