Chuyên mục TRUYỆN HAYtuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo

Gồm các truyện ngắn sau:

1. Như phong sương thương tết

2. Ướt dầm bông sói

3. Mùa trung quân thay lá

4. Như gió qua truông

5. Ngọt như gió tết

Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO

– Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra còn có bút danh Trúc Thiên.

Sinh năm 1983

Quê An Giang, sinh ra và lớn lên ở TPHCM

Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

– Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM

– Đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Văn Nghệ Công An, Văn Nghệ Quân Đội, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quãng Ngãi, Nghệ An….

– Giải B Cây Bút Vàng – Bộ Công An năm 2021

– Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

– Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019

– Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “120 năm Sapa”

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020.

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020

– Giải Ba cuộc thi Tạp Bút “Kí Ức Tết” – Báo Dân Việt 2020

– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2019 Báo Người Lao Động

–  Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2018 Báo Tiếp Thị Gia Đình

– Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” 2021 Báo Dân Việt.

– Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” 2021 Báo Người Lao Động

– Giải Nhì truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Năm năm 2023

Sách đã in: 7 tập truyện ngắn, tạp bút

Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021).Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023).

Và nhiều tác phẩm in chung

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Tống Phước Bảo dường như có nguồn truyện chứa trong đầu, có cảm giác rằng khi Bảo thấy ham viết thì chỉ việc ngồi mà gõ. Chữ nhảy ra rào rào.

Độ rộng thì truyện của Bảo rải khắp các miền, mang nhiều màu sắc các đô thị, miền quê. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là văn cảnh, câu chữ, giọng văn đặc sệt Nam Bộ, man man hình ảnh sông nước miền Tây. Nhiều đoạn câu văn địa phương dày đặc. Vậy mà vẫn vô cùng duyên dáng và quyến rũ, dễ theo dõi, choán ngợp tư duy người đọc cả không gian truyện.

Trong một trả lời phỏng vấn, Tống Phước Bảo nêu quan điểm:

“Người viết là kẻ du hành thời gian sống hai cuộc đời”

Tôi thì nghĩ, Bảo du hành viết, sống tới N cuộc đời.”

Truyện ngắn 

Ướt dầm bông sói

Tòn về thình lình, khi nắng tháng tư trổ xanh ngọc bích giàn bông ven bờ kinh. Mé sàn lãng chiều hôm ai gội đầu nghe rào rạo tiếng xối nước. Chiếc ghe nhỏ trôi theo dòng rồi neo lại bến cũ. Tòn chẳng vội lên chái bếp, ngồi nhìn chiều tròng trành theo nhịp sóng gợn của con kinh Thất Ngàn. 

Bao nhiêu năm rồi Tòn chẳng biết. Thoảng khi, giữa những chuyến dọc ngang khắp các kinh rạch miệt này, Tòn neo ghe nơi nào cũng thấy bóng quê. Thiên hạ đôi lúc cắc cớ hỏi Tòn người xứ nào sao lạ quắc quơ, Tòn cười hề hà. Chín nhánh sông này là quê, phù sa nuôi lớn, kinh rạch dạy đời Tòn khôn. Chứ thiệt lòng, lang bạt kỳ hồ thì đâu lại hổng là quê. Xứ nào cũng nói tiếng mình, sông nào cũng là nơi tá túc. Chỉ là mình có sống tử tế hay không mà thôi. Tòn nói vậy rồi nhấp ly rượu gạo thở ra cái khà. Bắt chân chữ ngũ, ngằm đầu mũi ghe ngó con trăng tròn. Tòn nhớ mấy cái kí ức xưa xa cũ càng. Nhớ khơi khơi vậy thôi rồi không dưng nước mắt rơi. Bạn ghe hay nói Tòn đô mạnh. Nhậu lê vành lết bánh cả bầy bạn bè mà vẫn tỉnh rụi, phủi quần cái rột rồi lừng lững đi về mé sông, chui xuống ghe mình mà ngủ. Sáng mờ trời đã nghe mùi củi mục đốt ngai ngái nấu nước pha trà. Thứ trà lạ kì màu trắng xanh trộn năm vị thuốc. Uống vào cay cay, nồng nồng, chát chát, nhưng khỏe re hừng hực khí thế cho một ngày linh đinh muôn nẻo đồng bưng. 

Bữa ghe Tòn cập Chẹt Sậy rao muối Bạc Liêu, thấy bạn hàng lâu năm ho húng hắng mùa bấc trở, Tòn chui xuống lòng ghe bốc cho mớ trà gói thành bảy gói nhỏ, nói ông bạn hàng đem về hãm nước mà uống. Tối ngủ nhớ giã mớ tỏi đắp lên lòng bàn chân rồi đeo vớ vào. Cứ y rang vậy mà làm. Đúng bảy ngày hổng hết ho, tui thềnh ông nguyên ghe muối này. Tui chạy xuống tới Bạc Liêu lựa đúng muối Đông Hải. Tui tên Tòn. Tròn con trăng mới đáo lại khúc sông cũ mà rao. Tòn gặp gì bán đó. Nay bán muối Bạc Liêu, mai bán mắm Châu Đốc, mốt bán xoài cát Hòa Lộc. Cũng có khi bán thân, ngặt nỗi hổng ai mua nên cứ lênh đênh hải hồ mình ên. 

Tòn xuống ghe mà giọng cười còn rớt lại trên bờ. Ông bạn hàng lắc đầu chẳng biết nói gì. Giới ghe tò te quen mặt, nhớ tên, ngoài ra chẳng ai biết thêm gì về Tòn. Thể như lục bình xứ này, từ đâu, về đâu là chuyện của riêng loài miên di lữ thứ. Đời nhiều cái bận tâm hơn mắc gì để ý chuyện hổng phải của mình. 

***

Mót nói chắc nịch Tòn sẽ chẳng còn một miếng đất cấm dùi. Mầy hiền queo. Hiền đến độ ngu. Ngu đến độ nói chẳng vô đầu. Từ lỗ tai này, chui qua lỗ tai kia rồi rớt hết xuống sông. Sông trôi nước cuốn. Sót lại một mình mầy à! Đất giờ làm gì mà nở ra hoa. Đất nở ra vàng. Người ta cắm mốc làm lộ giới, mở đường nhựa, xây cái cầu bắc qua Thất Ngàn, đất sốt còn người thì bệnh. Đâu mà điên đến nỗi dâng cả phần đất đắc địa này không lấy một cắc. Rồi mầy còn cái gì? Cái chòi lá cũ kĩ phía cuối con kinh cô liêu tĩnh mịch sao? Người ta ì đùng trồi nhà ra mặt tiền. Người ta cất nhà tường ngói đỏ, cổng cao kiên cố. Mầy lủi thủi với cái ghe đuôi tôm, bếp trấu và cái sàn lãng ngồi ngó sóng vỗ bạc đầu. Bạc đầu mà chẳng có khôn. 

Bữa đó, thằng Mót kéo Tòn ra mé vàm ngồi chửi. Chửi một câu nhấp một ly. Nhấp chục ly nó vẫn thấy thằng bạn chí cốt thời băng đồng tắm mưa vẫn im ru. Nó lừng khừng rồi không nói nữa. Vàm sông nổi gió. Gió lay bông sói đương mùa trổ ngan ngát hương. Hương sói thoảng vào hai thằng ngà ngà cơn say, mặt đỏ phừng phừng. Tòn thủ thỉ mình tính kĩ hết trơn, cái gì hổng phải của mình, thì giữ làm chi. Mình từ đâu đến thì mình về lại nơi đó. Hai chục tuổi đời cũng là chừng đó nợ ân tình mình mang nặng. Kệ đi Mót, tao còn cái ghe, sống khỏe mà mậy. 

Mót chẳng nói gì thêm, nó nhập ly rượu, chẳng một tiếng thở nào buông ra. Cặp mắt đỏ hoe nhìn mấy ngọn bông xanh màu ngọc bích. Xóm giềng ai mà không biết chuyện của Tòn. Khắp mười bốn ngàn rưỡi mét kinh này đồn rân trời. Lời đồn từ sườn kinh này lan đến sườn kinh kia. Từ xóm ra chợ, từ chợ lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh. Đến nỗi hồi làm khai sinh, ông trên xã lắc đầu ngao ngán, cái bản mặt tía nó ổng hổng thèm dòm. Tui bạn bè anh mấy chục năm, mà tui thấy lần này anh quấy quá chừng. Ông bạn của tía làm khai sinh cho Tòn, phết nhẹ cái tên từ Toàn thành Tòn. Thiếu có mỗi chữ A mà thành trò cười cho thiên hạ. 

Nhưng Tòn vẫn được tía má nuôi lớn dẫu dèm pha thị phi cứ thoảng khi ong óc vào tai. Đi học bạn hỏi phải mầy con riêng tía mầy không? Nghe nói ổng lẹo tẹo với bà bán gà. Gà móng đỏ chót, bốn mươi lăm kí. Hay má mầy cho mầy ăn cơm gạo mốc, thứ gạo vét đáp khạp những mùa lũ lụt. Nghe đồn mấy anh chị mầy không cho mầy ngủ chung, mầy chui xuống chuồng heo mà nằm. Tòn lầm lì dí đám bạn chạy vòng sân trường, tiện tay bẻ cây quất túi bụi. Cũng có khi nó trân mình chịu trận đòn của năm bảy đứa một lúc. Tới chừng thằng Mót chạy đến thì đám đông đã tan. Tòn quần áo te tua, mặt mày bầm dập. Hai thằng về lại con kinh, lột đồ nhảy xuống tắm. Người ta nói miền Tây nước ngọt phù sa, nhưng mấy bận như vậy, Tòn thấy sóng nước xứ mình mằn mẵn chát đắng. 

Tòn chưa bao giờ hỏi tía má câu nào về mình. Chưa bao giờ dám tranh giành thứ gì cùng anh chị em. Cứ vậy mà cùi cụi lớn. Càng lớn càng đen thui, càng cao to, đôi mắt sâu hoắm, cặp môi dày cui, cái mặt buồn thiu. Buồn như vọng cổ xứ này. Mót nói vậy rồi ngêu ngao hát “Trời mưa lâm râm, ướt dầm bông sói. Bậu đi lấy chồng sao hổng nói qua hay”. *

Đó là năm hai thằng con trai vừa tròn mười tám tuổi. Bên kia sườn kinh Thất Ngàn, cổng lá dừa đỏ bời hoa lồng đèn. Chị hai Tuyết hơn Tòn năm ba tuổi gì đó. Chị trắng như bông bưởi. Tóc chị dài chấm lưng thon. Mắt chị to tròn ướt nước. Chị đẹp nhất Thất Ngàn. Mỗi mùa bông sói đương thì nhuộm xanh sườn kinh, chị hay cùng tụi nó hái bông đem phơi khô ướp trà. Trà nhà chị hai Tuyết nổi tiếng khắp xứ. Chị hai Tuyết lấy chồng. Thằng công tử con nhà bán vàng nào đó nhà trên thị xã. Nghe đâu mối lái đưa duyên chứ chưa lần chị xa Thất Ngàn. 

Năm đó, lần đầu tiên mùa bông sói Tòn không ruổi rong ven sườn kinh nữa. Bông sói tàn rụng lất lay, trôi luềnh loáng trên dòng nước. 

***

Một mùa lũ nào đó nước lút mái nhà, tía má không kịp về. Xác nương vào đám cây nơi ven sườn kinh. Từ cuối con kinh về giữa Thất Ngàn chẳng bao xa nhưng Tòn thấp thỏm từ đêm tới sáng. Mấy anh chị nói mầy lo cái gì. Tía bơi giỏi nhất xứ. Mầy sợ cái gì. Ngày nào còn tía má mầy cứ ở yên đây. Đêm mưa vần vũ như trút xuống đồng bưng những giọt nước mắt trời. Mưa tạo một vùng cô lập Thất Ngàn với gò cao phía đầu con kinh. Nước bắt đầu dâng khi chiều nhá nhem. Tía má kẹt nơi mảnh đất với đám ruộng lúa đang trổ đòng. Anh hai, chị ba, anh tư cứ vậy mà kê đồ theo nước dâng. Nước dâng quá thì trèo lên cột, kèo ngồi lắt lẻo. Mỗi Tòn bơi ra nghe ngóng, bơi vào thấp thỏm. Người ướt nhẹp. Lạnh và run. Hai con mắt không dám nhắm, hướng về cuối kinh chờ một ánh đèn pin. 

Chẳng có ánh đèn pin nào từ phía cuối kinh cả. Đến sáng hôm sau thì xuồng cứu hộ cập nhà hốt mấy đứa con nít lên xã tránh lũ. Ba ngày sau lũ rút, xác tía má được đưa về. Lạ kì là khi ấy Tòn không khóc, mặc cho anh chị gào rống thảm thiết. Người ta nói tía ôm chặt má cứng ngắt. Phải bóp rượu, phải khấn vái lầm rầm cả buổi mới gỡ tay tía ra được. Bên trong người tía còn mấy cây bông sói. Tòn lặng lẽ ra mé sàn lãng. Nghe vết roi tía mới quất hồi mấy ngày trước dường như giờ mới đau nhói lên. 

Tòn xin mấy anh chị về nhà chòi nơi ruộng tía má cuối kinh để ở. Mấy anh chị phủi tay cái rột. Khuất mắt thì đỡ chướng. Từ đâu thì về đấy. Tòn cúi đầu lạy bàn thờ ba cái rồi nổ máy đuôi tôm. 

Tòn mới mười bốn, tự mình vườn tược ruộng đồng. Xếp cái áo trắng vào giỏ đệm, treo cạnh bàn thờ tía má. Căn chòi bắt đầu loe loét ánh đèn. Bàn thờ nhỏ xíu tự kê bằng hai cái ghế cao. Chẳng có hình tía má, Tòn lấy đại tấm hình hồi tía má dẫn lên thị xã năm mười hai tuổi chụp trong một tiệm ngay chợ nhà lồng. Tòn thượng lên bàn thờ. Thắp nhang mỗi ngày. Cúng cơm với cá, tự mình ên lót lá nằm ngủ trước bàn thờ. Đó là đêm ngủ bình yên nhất của Tòn. 

***

Bình yên của Tòn là bao nhiêu huê lợi đều cắm cúi đem về nộp lại cho các anh chị. Bình yên của Tòn là ngồi mé sàn lãng nhìn ra sóng nước nhấp rượu gạo và nghe Mót nói chuyện tào lao. Bình yên là thoảng khi gặp chị hai Tuyết giữa buổi chợ, chị len lén nhét vào tay Tòn gói trà. Cũng có bận chị chạy ghe về cuối con kinh đưa Tòn hủ mắm tép. Hôm Tết nhứt chị để lại chái bếp mớ tung lò mò, mớ mắm muối đường tiêu, thêm trái dư hấu đỏ. Cũng lần chị len lén thảy vào nhà cái giỏ đệm, biểu Tòn mặc đi, con trai lớn rồi, mặc mấy cái áo sứt bâu vá vai con gái nó cười. Mặc đi con trai lớn rồi phải kĩ càng, để khỏi mắc cỡ lúc giữa đàng giữa xá. Tòn mở giỏ đệm, thấy mấy cái áo thun mới, cái quần tây đen dài, thêm cái quần con nhỏ xíu hình tam giác. Tòn chạy vội ra mé sông thì ghe chị hai Tuyết đã rẽ nước cuối kinh về lại Thất Ngàn. 

Nhưng, đời này làm gì có bình yên vĩnh cửu. Cả khi đã chết rồi cũng vẫn còn phải chứng kiến những ồn ào ráo hoảnh tranh giành. Tòn thất thần bên bàn thờ một sớm căn chòi cuối kinh nghe tiếng mấy anh chị vào cắm mốc chia đất. Đất nở ra vàng khi trúng qui hoạch. Đất bị lóc lên như người ta đánh vẩy cá. Đất tỉnh bơ mà người thì điên. Thất Ngàn trắng đêm mơ thành tỷ phú. Tòn đặt bút kí. Còn căn chòi, căn chòi này bán luôn. Mầy không tiền mua lại thì bán cho cò cho lái. Mầy con ai? Thì tự mà đi tìm. Thứ con hoang bị bỏ trên sóng nước của cuộc hoan lạc hải hồ đời ghe bẹo. Mầy sinh ra trên ghe bẹo thì về lại ghe bẹo. Cái bàn thờ gì mà kì khôi, ai dạy mầy thờ trên ghế, ai cho mầy để hình tía má lên. Trời, rồi mầy để cái hình mầy với tía má lên đây mầy trù ếm tụi tao hay gì? Mầy đi, đi ngay. Đồng quần áo Tòn bị anh chị hốt liệng ra phía cách bếp nhà. Mé sàn lãng chiếc ghe côi cút dập dềnh theo từng đợt sóng. 

Đất nứt nẻ thành vết cắt trong lòng người xứ này. Tòn chỉ kịp chụp lấy tấm hình và chạy về phía sông. Phía sông mù khơi. Lòng sông thì rộng. Lòng người đâu thể chứa nổi phù sa. Châu thổ mùa đất nở vàng nhưng mang mang như vọng cổ xứ chín nhánh. Tòn cho ghe chạy về nhà Mót. Chiều bên ven kinh hai thằng ngồi nhậu. Chiều đó, chị hai Tuyết lạy công cô để sớm mai xuất giá. 

***

Tòn lên sàn lãng, mở cái cửa phủ đầy mạng nhện lẫn mùi ẩm mốc vào chái bếp. Dễ chừng từ hồi Tòn đi đến giờ chắc căn chòi cũng mốc meo theo thời gian. Mấy ông anh bà chị tỷ phú cầm vàng bỏ đời bưng biền lên thị tứ. Thị tứ xanh đỏ đèn vàng nướng người châu thổ vào mấy ổ cờ bạc. Dắt dây từ số đề sang đến tiền ảo. Mấy năm thôi của thiên về lại với địa. Tay lắm lem bùn phèn làm sao giữ nổi tiền. Bận Mót điện thoại bảo Tòn về kí cái căn chòi để tao làm sổ đỏ coi mậy. Mấy ông anh bà chị mầy giờ nợ tiền tụi cho vay nặng lãi, nó dí quánh bầm mình bầm mẩy, u đầu sẩy trán hết trơn. Mấy ổng bả bán căn chòi cho tao. Mấy ổng bả bán mắc như bán vàng, nhưng tao thích tao mua. Tao chỉ mua với điều kiện mầy phải kí tên đồng ý. Tòn cúp điện thoại. Dong ghe một mạch từ tận cùng sông Hậu về lại cuối khúc kinh Thất Ngàn. 

Bếp trấu mới ung còn ngái nồng. Ấm trà mới pha còn thoảng dịu mùi bông sói ướp với năm vị thuốc mà hồi đó chị hai Tuyết chỉ Tòn. Trà bông sói năm vị uống định thần, uống vào trị ho cảm mạo. Mình xứ quê đâu phải có bệnh là chạy ra kịp trạm xá hay bệnh viện. Cứ cây cỏ thảo thơm miệt đồng mà theo ông bà để lại cho cách trị. Bông sói phơi đủ ba nắng ướp trà, xáo thêm tiểu hồi, đại hồi, cam thảo, quế chi và phá cố mới ra được đặc tính trị bệnh của loại trà này. Người đồng bưng trái gió trở trời dễ lạnh cuống họng, nhấp ngụm trà là thấy êm ngay. Hay như bữa rượu say bí tỉ chỉ cần uống năm ba ngụm trà là người ra mồ hôi, giải rượu dễ dàng mà đầu chẳng đau nhức. Lời chị hai Tuyết khiến Tòn nhớ mãi. Nhớ tận những lúc xuôi ghe khắp miệt đồng bưng vẫn cứ y như bài chị hai Tuyết dạy. Nhấp ngụm trà nhớ chuyện xưa. Là trà đưa Tòn về kí ức. Hay kí ức của Tòn chẳng thể thiếu loại trà độc đáo này của chị hai Tuyết?

Tòn chưa kịp vọng trọn cái kí ức thì nghe ì đùng ngoài rào thưa. Ai đó nắm níu nhau vào tận căn chòi. Ngay cái bàn thờ cũ kĩ khuyết tấm hình. Mót đưa cái giấy bắt mấy ông anh bà chị Tòn kí. Kí lẹ tui đưa tiền. Không là bị tụi nó đánh. Nè mầy chưng hửng gì đó. Mót kéo tay Tòn lại. Mầy kí luôn cho xong. Rồi ai về nhà nấy. Tòn run run đưa tay kí. Thằng Mót cầm tờ giấy cười hả hê. Nó rót trà vào ly, tu cái ực. Thằng quỷ sứ, mầy bỏ đi mấy năm mà trà pha vẫn ngon. 

Tòn không nói gì, lặng lẽ quay vào chái bếp đâm nát thân mấy cây bông sói ra rồi đưa cho anh hai. Anh đem về đắp vô mấy cái chỗ bị đánh bầm tím này đi. Mấy cái chổ rỉ máu còn phơn phớt đỏ. Hồi đó mỗi lần, ừ mỗi lần em bị người ta đánh, tía hay hái cây bông sói đâm nát ra rồi đắp lên cho em. Một hai ngày sau là vết bầm xẹp ngay, lành liền không sẹo. Trong đầu Tòn hiện lên cái hình ảnh tấm lưng mình đầy vết sẹo hôm tía đánh trước cơn lũ. Đó là lần duy nhất Tòn xin tía trả Tòn về với sóng nước. Tòn không phải con tía. Tòn ở đây thì tía thêm khổ. Tía vụt roi vào Tòn. Vết hằn in lên bờ lưng. Má chụp cây roi rồi kéo tía xuống ghe, từ nhà chạy về phía chòi cuối kinh Thất Ngàn hái bông sói đem về đắp cho Tòn. Bàn tay tía lúc bị lũ cuốn vẫn nắm chặt mấy cây bông sói. 

***

Đêm chênh chao ánh trăng. Mé sàn lãng Mót ngồi nhấp ly rượu thở ra cái khà. Thằng quỷ, tiền tao để dành mấy năm trời mới mua lại căn chòi này cho mầy. Linh đinh xứ nào cũng không bằng đất mình. Đời ai cũng trăm sông ngàn rạch để đi, nhưng chỉ một nẻo về nghen mậy. Mầy về, chị hai Tuyết cũng về. Chị hai Tuyết gặp thằng công tử ó đâm lắm mầy ơi. Thằng đó trăng hoa rồi bạc bẽo phụ tình thêm thói vũ phu. Trời thần, hôm tao lên thị tứ, thấy nó đánh chị hai Tuyết giữa chợ. Tức khí tao đập một trận, tao lôi chị hai Tuyết về. Tao nói không ở nữa. Ly dị đi, tao lo cho chị hai Tuyết. Thằng đó nó thấy tao làm công an nó sợ xanh mặt. Hai bên gia đình nói chuyện rồi giải quyết chia tay êm đẹp. Chị hai Tuyết về lại bên kia con kinh. Trời, tự dưng tao thèm mỗi chiều nhìn chị hai Tuyết gội đầu, nghe chị hai Tuyết ca. 

Bây giờ là tháng tư. Xứ chín nhánh sông bắt đầu mưa lâm râm. Trời mưa ướt dầm bông sói. Đêm ngà ngà cơn say, hai thằng con trai ngó về bên kia kinh, hình như có tiếng xối nước rào rạo. Vẳng xa tiếng ca ngọt lừ xàng xê. “Trách chi câu thề khi nào cầu Quay nó hết quay. Thì qua với bậu mới đứt dây can trường”.*  Câu ca rót vào lòng sông. Lòng sông lăn tăn nước. Sóng vỗ dạ Tòn thắt lại. 

Tống Phước Bảo

*Lý con sáo Bạc Liêu – Phan Ni Tấn