Những câu chuyện tôi kể trong tập “Cái lý người vùng cao”, có thể bạn đã nghe, đã đọc đâu đó. Điều này không có gì lạ. Tôi là người miệt mài hỏi và chép lại, thành ra những câu chuyện này lạ mà quen, quen mà lạ” – Uông Ngọc Dậu

Trước đây, chúng ta đã được biết đến những câu chuyện vùng cao qua nhiều bộ phim, qua nhiều truyện ngắn và phóng sự. Nhưng trong “Cái lý người vùng cao”, chúng ta được tiếp cận với “họ” – những người vùng cao – một cách gần gũi nhất qua con mắt của tác giả Uông Ngọc Dậu

 

Bìa sách: “Cái lý người vùng cao” của tác giả Uông Ngọc Dậu

Như tác giả đã viết, đây là những câu chuyện có thật được tác giả ghi chép lại về người dân vùng cao, khiến chúng ta khi đọc đều sẽ có cảm giác như một bức tranh được phơi bày trước mắt. Những câu chuyện ấy cho ta một cái nhìn cảm thông, và cho ta không ít những suy ngẫm về cách sống hiện đại của người miền xuôi, của người thành thị.

 

Có câu chuyện làm dâng lên niềm xúc động của người đọc, về sự sẻ chia và tính chân chất thật thà của người vùng cao; có câu chuyện khiến cho ta nhìn lại hành vi của mình đối với tự nhiên, môi trường; có câu chuyện như sự giãi bày tình cảm và quan niệm sống của người dân miền núi… Tất cả những điều đó khiến cho người đọc suy ngẫm về đời sống của họ, cảm thông cho những tín ngưỡng và quan niệm của họ, và đôi khi khiến ta thấy trân trọng hơn đời sống cũng như tâm linh của người dân vùng cao.

 

Trong những câu chuyện có thật này, người dân vùng cao như ngây thơ, nhưng những triết lý của họ cũng không kém sâu sắc, mà mỗi chúng ta, khi đọc sẽ cùng cười với họ, cùng sống với triết lý của họ, cùng nhìn với con mắt của họ, để được “tắm gội trong không gian văn hóa vùng cao” cùng với tác giả.

 

Đó là những câu chuyện thực sự thú vị, những câu chuyện sẽ không làm cho độc giả thất vọng vì tác giả vẫn giữ được cái hồn trong trẻo của người vùng cao trong những câu chuyện đó.

 

Sau đây là trích một vài câu chuyện nhỏ trong “Cái lý người vùng cao” của Uông Ngọc Dậu:

 

BẰNG NHAU CÁI ĐỒNG BÀO

Chuyện là thế này…

Vào thời điểm giáp hạt, UBND tỉnh Đ. xuất ngân xách mua gạo cấp cho những hộ dân tộc thiểu số, gọi là cứu trợ đột xuất. Nguyên tắc là hộ nào nghèo, đứt bữa thì được cấp gạo, bình quân mỗi miệng ăn được 5 ký. Các thôn, buôn, bình xét, lập danh sách các hộ sẽ được nhận gạo, có xác nhận của xã, sau đó nhận gạo về chia cho dân…

Chuyện như thế, nơi nào cũng làm thế. Trong dịp đó, đoàn cán bộ của tỉnh đi về một số buôn làng huyện R., trong đó có buôn của đồng bào M’Nông để kiểm tra tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân. Đây là buôn thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Đ., thời chiến tranh từng nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ, bộ đội. Để nắm cụ thể việc giúp dân khắc phục tình trạng đói giáp hạt, đoàn cán bộ của tỉnh yêu cầu trưởng thôn cho gặp một số gia đình trong diện thiếu đói vừa được nhận gạo cứu trợ… Nghe cán bộ yêu cầu, trưởng thôn tỏ ra lúng túng, gãi đầu gãi tai:

– Không có gặp được đâu… Cán bộ muốn gặp thì gặp cả buôn thôi!

Nhận thấy “có vấn đề”, đoàn cán bộ liền hỏi cặn kẽ trưởng thôn, trưởng thôn lấy lại bình tĩnh trình bày:

– Gạo nhà nước cấp cho nhà nghèo nhà đói, cán bộ nói thế. Nhưng mà ở buôn này không có quen cái chuyện nhà nước cho cái gì chỉ mấy bếp được nhận được dùng đâu. Có nhận về ăn cũng không ngon đâu. Của nhà nước là của chung, phải chia đều cho hết mọi bếp trong buôn, ai cũng được hưởng… Phải bằng nhau cái đồng bào mà. Ngày trước trong chiến tranh cán bộ dạy thế, đồng bào quen thế rồi. Mỗi lần được cán bộ tặng muối, lương khô, bột ngọt là chia đều hết. Cán bộ nói đấy là quà của cách mạng, quà của bác hồ. Ít quá, không chia được thì mỗi người nếm một chút. Ít quá nữa, không đủ nếm mỗi người một chút thì cho vào chai vào lọ, treo lên, để già trẻ trong buôn ai cũng được thấy, được ngắm. Lần này Nhà nước cấp gạo về, mình nhận, rồi gọi hết mọi nhà ra chia đều. Từ thời ông bà ở buôn mình có thói quen săn được con thú là xẻ thịt  chia đều, nhà nào hết gạo thì đến nhà khác mượn, đến mùa có thì trả, không có trả cũng không ai bắt. Mỗi nhà được ăn một bữa cơm từ gạo nhà nước là vui rồi.

Cái lý “bằng nhau cái đồng bào là như thế.

 

MÌNH TRẢ CÁI RỪNG CHO CÁN BỘ

 

Hồi ấy, trưởng bản một vùng cao có thành tích bảo vệ rừng, được chọn mời về Hà Nội báo cáo thành tích và tham quan Thủ đô. Thành tích bảo vệ rừng của người trưởng bản cũng thật đáng nể: Gia đình ông nhận bảo vệ chăm sóc hơn trăm héc-ta rừng. Công chăm sóc không nhiều, 50 ngàn đồng 1 héc-ta mỗi năm, nhưng nhiều năm liền rừng nguyên vẹn, bọn lâm tặc mon men đến là bị gia đình ông phát hiện, cảnh cáo.

Sau lần tham quan thủ đô về, cán bộ xã, huyện đến thăm, chúc mừng ông. Mọi người động viên ông nhận thêm rừng, vận động nông dân bản đăng ký nhận rừng quản lý bảo vệ. Nghe cán bộ động viên, ông lắc đầu:

– Mình đang muốn tìm gặp cán bộ, mình muốn trả cái rừng cho cán bộ thôi…

Nghe ông nói thế, ai cũng tưởng ông nói đùa. Làm sao ông trả rừng được, khi rừng mang lại cho gia đình ông và bản thân ông bao niềm vui! Nhưng mà ông không nói đùa, ông nói thật:

– Mình xin trả lại cái rừng thật mà. Mình không bảo vệ nổi đâu. Rừng mênh mông mà nhà mình có mấy người, rồi có ngày lâm tặc nó phá rừng ngay trước mắt mình, mình không làm gì nổi nó đâu. Mình được cán bộ cho đi tham quan THủ đô, mình nhìn thấy hết rồi> Cán bộ xuống Thủ đô nhiều lần mà cán bộ không nhìn ra thôi. Dưới đó ít rừng hơn trên mình mà cán bộ kiểm lâm nhiều hơn trên mình. Gốc cây nào cũng có cán bộ kiểm lâm. Ban đêm thì nhiều cán bộ kiểm lâm hơn ban ngày. Một gốc cây có tới hai cán bộ kiểm lâm ôm lấy nhau mà giữ cây… Đó, đó, giữ cây kiểu đó mới hết đường lâm tặc chứ! Thôi, cán bộ cho mình trả lại cái rừng thôi…

Hóa ra trong những ngày tham quan Thủ đô, vì trưởng bản đã đi qua nhiều đường phố Hà Nội, được đến Hồ Tây và nhiều công viên ở Thủ đô. Vị trưởng bản đã nhìn ra cái sự không giống nhau trong cách bảo vệ dừng giữa quê mình với Thủ đô. Vị trưởng bản đòi trả lại rừng, chắc cũng từ cái lý của người vùng cao!