Trong nhiều ngôi chùa, đền của Việt Nam có các tượng, phù điêu hình con khỉ với mô típ đa dạng. Bên cạnh ý nghĩa về tín ngưỡng và tôn giáo, khỉ trong tạo hình của người Việt gắn với ước vọng muôn đời, cầu tài cầu phúc, cầu trường thọ, thăng tiến…

Độc đáo “Khỉ tam không”

Trong triển lãm Linh vật Việt Nam năm 2015, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày bộ tượng Khỉ tam không bằng đá, thời Lý, thế kỷ XI – XIII. Bộ tượng này được phát hiện tại khu vực phế tích tháp Chương Sơn, Ý Yên, Nam Định, cùng với chân tháp và pho tượng Phật còn khá đầy đủ, ghi dấu mở đầu về nghệ thuật tạo hình Phật giáo dân tộc. ThS. Nguyễn Quốc Hữu, Phó trưởng phòng trưng bày của Bảo tàng cho biết, đây là bộ tượng Khỉ tam không hiếm hoi được tìm thấy tại Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguồn gốc bộ tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ, theo đạo Phật du nhập vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lúc đầu tại Ấn Độ, đó là bức tượng về Thần Vajrakilaya, vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng, nhằm răn dạy con người không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Khi tới các quốc gia, hình tượng này có sự thay đổi. Ngoài Việt Nam, tại Nhật Bản, trong đền Toshogu ở vùng Nikko hiện nay còn lưu giữ bức điêu khắc cổ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro từ thế kỷ XVII, có ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru: một con che tai, con bưng mắt và con bịt miệng.

Theo PGS. TS. Trần Lâm Biền, khỉ là một trong những linh vật của văn hóa Việt, nhưng tạo hình khỉ nhiều khi bắt nguồn từ thực tế của tín ngưỡng và tôn giáo. Khỉ được coi là một trong những tiền kiếp của Đức Phật. Theo Phật thoại, khỉ cũng là đệ tử thành tâm với đức Phật, đã lấy hoa quả cho Đức Phật ăn khi ngài tu luyện ở núi tuyết. Vì vậy, trong Phật giáo nguyên thủy, mặc dù người tu hành được phép ăn thịt, nhưng khỉ là một trong số 5 con vật người tu hành không được phép đụng tới. Về bộ tượng Khỉ tam không, bưng mắt, bịt tai, bịt miệng là giúp người ta nhìn vào đó mà tự răn mình, chớ nghe điều sằng bậy, nói điều sằng bậy, nhìn những điều không tích cực. Bộ tượng còn có ý nghĩa sâu xa hơn: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện…

Chạm khắc Đình Ngọc Canh. 

Ảnh: Hiếu Trần


 

Gửi gắm ước vọng

Chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, trong di tích khảo cổ của văn hóa Chăm Pa có khá nhiều hình ảnh khỉ trong tư thế đa dạng, như chạm khắc trang trí trên Đài thờ Trà Kiệu (Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng); hình khỉ ở chân tháp Khương Mỹ (Quảng Nam)… Trong nhiều ngôi chùa của người Việt, ta cũng bắt gặp hình tượng này như chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, trên lan can đá (niên đại thế kỷ XVII) có một ô diễn tả hai chú khỉ, chú khỉ bên trái đang chơi đùa, đuổi bắt hai con ong, chú khỉ bên phải ngồi dưới gốc cây, tay đang ôm một trái đào. Bức chạm này mang ý nghĩa phong hầu và trường thọ, dựa theo cách chơi chữ Hán và truyền thuyết Trung Hoa. Cũng ở Bút Tháp, bức chạm khỉ mẹ, khỉ con thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng; hay khỉ ngang hàng với những con lân, nắm râu của lân, thể hiện sự vui, nghịch ngợm và tính thiêng của hình tượng này. Tương tự, hình ảnh con khỉ tinh nghịch túm râu rồng xuất hiện ở mảng chạm ở đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình. Ngoài ra, ở đền Xám, xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định ở hai cửa chính của điện thờ, hàng trăm đầu khỉ đang ló ra trong động tác nghịch ngợm, bên cạnh nhiều linh thú như rồng, hổ, nai, chim, rắn…

Hình tượng khỉ trong văn hóa Việt chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, tuy nhiên nó đã được thể hiện với những tạo hình sinh động qua bàn tay khéo léo và tâm hồn của nghệ nhân dân gian Việt Nam. PGS. TS. Trần Lâm Biền nhận định: ngoài ý nghĩa về tín ngưỡng, tôn giáo, suy cho cùng, khỉ trong tạo hình của người Việt luôn gắn với cầu tài, cầu phúc, cầu trường thọ, sự thăng tiến, đó cũng là ước vọng muôn đời, có từ ngàn xưa đến nay và cũng là ước vọng của mọi người, mọi nhà trong năm mới Bính Thân.

Người Việt Nam từ lâu còn biết đến một hình tượng khỉ của văn hóa Trung Hoa – đó là con khỉ khởi nguyên sinh ra từ đá – hội tụ thiêng liêng của đất trời – Tôn Ngộ Không. Hiện tại một số ngôi đình vẫn giữ được những mảng chạm khắc hình tượng này, đồng thời diễn tả tích Đường Tăng thỉnh kinh. PGS. TS. Trần Lâm Biền giải thích: tôn có nghĩa là đề cao; ngộ – khai mở tâm thức, giác ngộ; không – bản thể cốt lõi, khởi thủy chung, cùng của muôn loài, muôn vật. Tôn Ngộ Không mang đến thông điệp: Tôn trọng bản thể, ngộ được bản chất cốt lõi của muôn loài sẽ đi đến giác ngộ – đỉnh cao của trí tuệ Phật giáo!


Theo
Ngọc Phương – Đại biểu nhân dân